Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Trẻ té ngã, sơ cứu thế nào đúng cách?

Trẻ bị té ngã khi nào đáng lo? Cách xử trí khi trẻ bị ngã như thế nào? Dấu hiệu bất thường cần đưa bé đến bệnh viện là gì?... Những vấn đề này đã được BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình giải đáp trong chương trình tư vấn sáng ngày 31/5/2019. Mời bạn đọc đón xem.

Nhiều cha mẹ ít quan tâm khi trẻ bị té ngã, nhất là bị đập đầu xuống đất bởi quan niệm xa xưa bé như vậy mới lớn được, hơn nữa sẽ có “bà mụ” đỡ nên không cần lo lắng. Tuy nhiên, điều này luôn gây nhiều nguy hiểm, có thể tổn thương hộp sọ bảo vệ não bộ trẻ làm đe dọa đến tính mạng.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Thưa bác sĩ, trẻ em rất hay bị té ngã, có những cú ngã gây ra chấn thương biến chứng sọ não nặng nề và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Trường hợp nếu người lớn không chứng kiến kiểu té của bé, mà bé nhỏ chỉ biết khóc to, vậy dấu hiệu nào báo hiệu cú té nghiêm trọng, trẻ cần đi cấp cứu ngay?

Nếu cần theo dõi chấn thương sọ não, dấu hiệu nào đáng lo ngại? Cảm ơn bác sĩ nhiều ạ.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Trẻ em rất hay bị té ngã, có những cú ngã gây ra chấn thương biến chứng sọ não nặng nề và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Sau té ngã, trẻ nhỏ chỉ biết khóc to, thường sẽ bị u đầu, không có triệu chứng gì ngoài vết u. Nhưng có một số ít trẻ thì vài hôm sau lại có dấu hiệu ngủ li bì, hay khóc quấy, rối loạn tri giác, đi loạn choạng mất cân bằng, tay-chân-miệng khó cử động, sốt cao co giật, nôn ói trên 3 lần… Đây là những dấu hiệu báo hiệu cú té nghiêm trọng để cha mẹ nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ khám và xử trí kịp thời.

Nếu cần theo dõi chấn thương sọ não, dấu hiệu đáng lo ngại nhất là đau đầu tăng dần; Nôn ói liên tục nhiều lần, ngủ li bì chuyển dần dần bất tỉnh, lơ mơ, mất tri thức; Chảy dịch hay máu ở mũi và lỗ tai, có bầm tím tụ máu quanh quầng mắt; Yếu liệt nửa người hay không đi đứng được, không nói được; Đồng tử mắt giãn nở ở một bên mắt… thì đây dấu hiệu báo hiệu tình trạng chấn thương sọ não nặng dần, có khối máu tụ trong não, cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ xử trí kịp thời để trẻ phục hồi nhanh và ít để lại di chứng sau này.

 
Kính chào bác sĩ, đã có lần báo đưa 1 tin đọc rất xốn xang: “Bé 2 tuổi tử vong vì mẹ chủ quan khi con bị ngã từ trên giường xuống đất. Ngày hôm sau bé tử vong do hộp sọ bị vỡ và xuất huyết nội sọ”.

Sau khi đọc tin đó, bé của chúng tôi - 19 tháng, lần nào lỡ té, vợ tôi cũng tất tả bế bé đi bệnh viện, nhất định phải “chụp chiếu, đầy đủ rồi mới an tâm ra về”.

Đây là con đầu lòng, chúng tôi nuôi con cũng thật nhiều lúng túng, xin bác sĩ giải thích giúp, té thế nào mới cần đi bệnh viện. Bé ngã đập đầu phía trước hay phía sau nguy hiểm hơn, thưa bác sĩ?


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Trẻ té ngã cần đưa đến bệnh viện khi bị gãy tay, chân, rối loạn tri giác, đi đứng mất cân bằng, ngủ li bì, bất tỉnh, quấy khóc nhiều không chịu ăn uống, kêu đau đầu liên tục, sau 24 giờ đồng tử mắt 2 bên không đều, chảy dịch hay máu lỗ mũi và lỗ tai, khó cử động 1 số bộ phận trên cơ thể, nhịp thở không đều, da tím tái, sốt cao co giật.

Trẻ ngã đập đầu phía sau nguy hiểm hơn phía trước.
 

Trường hợp bé bị chấn thương chảy máu, khi nào nên đưa trẻ đi khâu vết thương, trường hợp nào vết thương tự lành.

Nhiều người nói, nếu vết thương được khâu sẽ không bị sẹo, còn vết thương tự lành hay để sẹo lồi, có đúng không bác sĩ ạ?

Nếu sát trùng và băng vết thương thì nên dùng oxy già hay alcon để sát trùng cho bé.

Quy trình làm sạch vết thương cho trẻ thế nào là đúng, thưa bác sĩ. Vì da thịt bé còn mỏng manh quá, xin bác sĩ hướng dẫn giúp ạ.

Nhà có trẻ con, cần chuẩn bị các bộ dụng cụ y tế, thuốc sát trùng, băng keo loại nào phù hợp để sát trùng cho em bé, thưa bác sĩ.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Trường hợp bé bị chấn thương chảy máu nếu vết xước nông, vết thương dài dưới 1cm - rộng 0,5cm, nếu sau 5 phút cầm máu được thì sẽ tự lành sau khi vệ sinh sạch sẽ.

Trường hợp bé bị chấn thương chảy máu nếu vết cắt sâu, dài hoặc vết thương hở có độ dài hơn 1 cm hoặc rộng hơn 0,6 cm, vết thương dù nông nhưng sau 10 phút không cầm máu được, vết thương hở bẩn dính đầy bùn đất, vết thương trúng vật rỉ sét thì sẽ cần phải khâu để tránh nhiễm trùng, giảm đau và cầm máu.

Việc hình thành sẹo lồi hay không là do cơ địa của trẻ không liên quan đến khâu vết thương hay tự lành.

Thông thường thì sát trùng và băng vết thương thì nên dùng nước muối sinh lý cho trẻ.

Do da thịt trẻ còn mỏng manh quá, để làm sạch vết thương trước hết cha mẹ nên xem vết thường có vật gì còn dính vào không rồi nhẹ nhàng gắp ra. Sau đó, để vết thường dưới dòng nước ấm, dùng xà phòng rửa sạch rồi lấy gạc thấm khô vết thương, băng bó lại. Nếu sau 10 phút vết thương vẫn chảy máu thì đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ xử trí.

Nhà có trẻ con, cần chuẩn bị các bộ dụng cụ y tế như: găng tay, gòn vô trùng , gạc vô trùng, oxy già, băng keo cuộn, băng keo các nhân cá loại phù hợp làn da trẻ, nhiệt kế, thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi, nhíp nhỏ, kem chống nắng an toàn cho trẻ, dụng cụ hút mũi cho bé, túi nước giữ nhiệt, đèn pin nhỏ để kiểm tra tai-mũi-họng, cuốn sổ tay sơ cấp cứu cơ bản.


Đa số khi thấy con ngã, người lớn theo phản xạ liền một phát lao đến, lập tức bế bé dậy. Tuy nhiên, hành động bản năng này hình như chưa đúng, phải không ạ? Xin bác sĩ lời khuyên, cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị ngã từ trên giường xuống đất?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Sau khi bị ngã trước tiên cha mẹ nên xem tư thế trẻ té ngã, sau đó bồng lên và an ủi, xem phản ứng của trẻ. Nếu cú ngã hay va chạm nhẹ, không gây tổn thương và làm trẻ hoảng sợ thì cha mẹ an tâm. Nếu trẻ lớn có thể nhận biết được, cha mẹ nên hỏi xem trẻ bị đau ở đâu.

Khi trẻ ngã từ trên giường xuống cha mẹ nên xem té tư thế nào, đau ở vị trí nào, có gây tổn thương da ở đâu, tay chân có cử động được không, đầu bị u ở vị trí nào. Tư thế ngã đập đầu phía sau thường là rất nguy hiểm, cách xử trí như tôi đã ở trên.

Nếu trẻ ngã rồi bất tỉnh, nôn ói, có chảy máu ra ở miệng hoặc mũi, tay chân co giật bất thường, nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất ngay.

Trong suốt 36 giờ đầu, cần phải theo dõi liên tục, thỉnh thoảng lại gọi xem trẻ có tỉnh lại không vì nếu có hiện tượng chảy máu trong não, trẻ có thể ngủ thiếp đi rồi chuyển qua trạng thái hôn mê thì rất nguy hiểm.

Sau khi bé bị té ngã, nếu xuất hiện các triệu chứng: nôn trên 3 lần, ngủ li bì, chảy máu hoặc chảy nước từ lỗ mũi hoặc lỗ tai... thì cần đưa đến bệnh viện để được xử trí kịp thời. Ảnh: Internet

Bác sĩ ơi, vợ chồng em cho bé về quê xa thăm ông bà nội, bé nhà em mới tập đi lẫm chẫm, bị trượt ngã đập đầu xuống đất rất mạnh. Bé khóc to hơn 15 phút.

Không biết có phải do bé quá sợ hãi hay sao mà đến trưa, em thấy bé lại hơi sốt sốt. Bác sĩ ơi, việc bé bị đập đầu và sốt có liên quan gì đến nhau không hay do nguyên nhân nào khác. Em lo quá, chẳng lẽ vừa về thăm ông bà lại bế bé đi ngay, mọi người trong xóm bảo trẻ té là bình thường, vợ chồng em lo cho con lắm, mong được bác sĩ tư vấn, có cần đưa bé đi kiểm tra sọ não ngay không? Em chân thành cảm ơn.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Nếu trẻ tỉnh táo, ăn ngủ, chơi đùa bình thường như trước khi bị ngã thì chỉ cần chườm lạnh và theo dõi. Giữ trẻ thức trong vòng ít nhất là 1 giờ đầu. Sau đó cho trẻ ngủ một chút nhưng không quá 20 phút.

Cần đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu thấy xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ chấn thương sọ não sau đây:

- Bất tỉnh quấy khóc khó dỗ, ngủ li bì.
- Nôn trên 3 lần.
- Trẻ đi mất thăng bằng sau khi ngã.
- Đồng tử hai bên mắt không đều, trẻ không nhìn thấy.
- Chảy máu hoặc chảy nước từ lỗ mũi hoặc lỗ tai.
- Tay chân không cử động được hay cử động yếu.
 
Nếu bé khóc to hơn 15 phút thì không có vấn đề gì đáng ngại.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tham gia khám và tư vấn trong một chuyến thăm Viện dưỡng lão của AloBacsi

Xin chào bác sĩ, con của em 5 tuổi, tối qua bé giỡn đập phía sau đầu vào tường, sáng dậy bé kêu hơi đau đầu và buồn nôn. Chỉ là buồn nôn chứ không nôn. Bé ăn uống và đi lại, sinh hoạt bình thường. Theo bác sĩ, bé nhà em có cần đi kiểm tra đầu? Cảm ơn bác sĩ nhiều ạ.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Bạn nên theo dõi bé khoảng 7 ngày, nếu vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường thì thôi, nếu có triệu chứng bất thường như tôi đã nói ở trên nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
 

Gia đình trẻ giờ chỉ có từ 1-2 con, con ít nên nhà nào cũng cưng con lắm bác sĩ ạ. Con em một bé hơn 3 tuổi, một bé vừa lẫm chẫm biết đi. Hai anh em chơi với nhau, chút là nghe tiếng ré lên khóc do va chạm, lăn quay. Em làm việc nhà mà cứ lo ngay ngáy, có cách nào để an toàn cho bé. “Nhốt” trong cũi baby bé 3 tuổi không chịu nữa rồi. Xin bác sĩ lời khuyên nên trang bị thế nào để giữ an toàn cho các bé ạ. Lót hết nền nhà bằng mốp xốp? Rào hết các cửa ra vào, cầu thang?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Để giữ an toàn cho trẻ cha mẹ nên:

- Phải luôn có người quan sát trẻ nhỏ.
- Đặt trẻ nhỏ trong cũi gỗ nếu không có người trông coi.
- Rào hoặc có thanh bảo vệ ở cầu thang, cửa sổ, ban công (chiều cao rào tối thiểu 75cm, song dọc, khoảng cách giữa các song không quá 15cm).
- Có đủ ánh sáng để dễ quan sát ở bậc thềm, cầu thang.
- Dạy trẻ không xô đẩy, không leo trèo.
- Nếu trẻ đã biết lật, bò, đi, ngồi thì không nên để trẻ 1 mình trên võng, giường.
- Không để trẻ đứng trên ghế hoặc vật không vững.
- Không để sàn nhà trơn trượt, ẩm ướt.
- Không để đồ chơi xa tầm với của trẻ.
- Không có hành động chơi đùa nguy hiểm như xốc ngược, tung trẻ.
- Không để trẻ < 10 tuổi trông em < 3 tuổi.


Bác sĩ ơi, bé nhà em bị té một lần cách đây vài năm, bị khâu 3 mũi đằng sau đầu, từ đó, chỗ bị thương tóc không mọc nữa, có cách nào để tóc mọc lại chỗ đó không ạ? Rất cảm ơn bác sĩ tư vấn.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Bạn thân mến,

Vết sẹo của trẻ ở trên đầu, tóc không mọc được nữa là do vùng da đầu teo, mô sẹo sẽ không còn nang tóc và tuyến bã nên tóc không thể mọc lại. Bạn có thể đến bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ để xử trí.


Thưa bác sĩ, trẻ bị gãy tay, đã băng bột, khi lớn, tay bé có bình thường như trước hay sẽ bị yếu luôn bên tay bị thương ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Trẻ bị gãy tay, đã băng bột, khi lớn, tay bé sẽ bình thường như trước khi được điều trị kịp thời và tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ điều trị.
 

Các bệnh viện nào chuyên cấp cứu trẻ bị té chấn thương nặng ở TPHCM? Khoa chấn thương sọ não của bệnh viện nào, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Ở TPHCM, các mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình… nếu lỡ có bị chấn thương.
 

Phải chuẩn bị gì khi cho bé đi du lịch, xử lý nhanh các vết thương khi lỡ bị chấn thương, rách da, thưa bác sĩ? Cha mẹ cần học những kỹ năng nào?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Mùa hè, trẻ được nghỉ hè, gia đình cũng thường dành thời gian để đi du lịch. Mẹ nên chuẩn bị túi y tế bao gồm: nhiệt kế, thuốc hạ nhiệt giảm đau cho trẻ, bông băng, gạc, băng keo cá nhân, băng cuộn, nước muối sinh lý. Ngoài ra, các bậc phụ huynh có thể tìm mua những cuốn sách nhỏ về kỹ năng sơ cứu để tìm hiểu  để có kiến thức và mang theo phòng khi cần thiết.


Cấp cứu bé bị chấn thương đầu, có phải đặt bé nằm thẳng, đưa bằng cáng, để không làm chấn thương nặng thêm? Khi có dấu hiệu, gãy tay, chân, thì nên làm gì trước khi đưa bé đi bệnh viện?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Khi gặp trẻ bị chấn thương đầu thì người cấp cứu cần cho bé nằm thẳng bất động với đầu vai cao hơn một chút, đưa bằng cán, không di chuyển trẻ trừ khi cần thiết và tránh di động cổ để làm chấn thương nặng thêm.

Khi có dấu hiệu, gãy tay, chân, thì đừng để cho trẻ di chuyển, cắt vùng quần áo xung quanh chỗ bị thương để tìm kiếm chỗ xương gãy. Tuy nhiên, làm thật nhẹ nhàng và cẩn thận để trẻ không đau đớn thêm. Quấn đá lạnh hay một miếng gạc lạnh trong một miếng vải và đặt nó lên vùng da bị tổn thương. Dùng một thanh nẹp để ổn định vùng bị thương và không cho trẻ ăn bất kỳ đồ ăn thức uống hay thuốc rồi nhanh chống đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Thực hiện: Phương Nguyên
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X