Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Trẻ bị hẹp bao quy đầu, nên nong hay cắt?

Chiều ngày 12/4, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình giải đáp những thông tin xung quanh vấn đề hẹp bao quy đầu cho trẻ: Xử trí thế nào khi trẻ bị hẹp bao quy đầu, nên nong hay nên cắt...?


NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Trước hết, xin BS cho biết bao quy đầu cấu tạo như thế nào, có nhiệm vụ gì ạ?

Bao quy đầu là phần da mỏng bọc ở bên ngoài của cơ quan sinh dục nam giới. Lớp da này được cấu tạo phần cơ trơn hai lớp, gồm mạch máu, noron, da, niêm mạc, nằm ở phần đầu dương vật. Nó có thể co rút được. Ở cơ quan sinh dục, đây là bộ phận nhạy cảm nhất, chứa nhiều dây thần kinh hơn.

Nhiệm vụ của bao quy đầu là chức năng tình dục: mang lại khoái cảm cho nam giới. Do vậy, khi quan hệ tình dục, nam giới thường thấy “cậu bé” cương cứng, đạt khoái cảm dễ dàng, giúp quý ông “lên đỉnh” nhanh, thỏa mãn tình dục.

Lớp màng da ngoài cùng của quy đầu không chỉ giúp mang lại “thăng hoa” thỏa mãn nhu cầu sinh lý của nam giới mà còn có khả năng bảo vệ dương vật. Bộ phận bao bọc này sẽ giúp quy đầu dương vật tránh khỏi các tác động từ bên ngoài.

Bao quy đầu còn chứa nhiều vi khuẩn tốt bảo vệ bộ phận sinh dục khỏi sự xâm lấn từ các vi khuẩn có hại. Bên cạnh đó, bao quy đầu còn chứa nhiều tế bào Langerhans có khả năng miễn dịch phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng, bảo vệ dương vật khỏe mạnh. Bộ phận này có khả năng tiết ra dung dịch chất nhờn giúp duy trì độ ẩm liên mạc da quy đầu.


Dấu hiệu nhận biết hẹp bao quy đầu ở trẻ. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

2. Theo BS, trẻ mấy tuổi thì nên cắt bao quy đầu? Nếu không cắt từ khi trẻ còn bé thì có ảnh hưởng gì đến việc sinh hoạt tình dục ở tuổi trưởng thành không?

Mỗi trẻ có cơ địa khác nhau nên việc điều trị hẹp bao quy đầu cũng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ của hẹp bao quy đầu của trẻ. Khi dùng các phương pháp tuột, nong nếu không cải thiện thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ khám, từ đó có chỉ định cắt và điều trị thích hợp.

Hẹp bao quy đầu nếu có chỉ định của bác sĩ cắt mà không cắt  thì có thể ảnh hưởng tới quá trình phát triển của cơ quan sinh dục nam, gây ra những hậu quả đáng tiếc cho trẻ khi trưởng thành.

3. Hẹp bao quy đầu ở trẻ có thường gặp hay không? Dấu hiệu trẻ bị hẹp bao quy đầu là gì ạ?

Khi mới sinh, đa số trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý do chưa có phân cách giữa bao quy đầu và quy đầu. Khi trẻ lớn lên, sự tách dần giữa quy đầu và bao quy đầu ngày càng rỏ ràng hơn. Vì vậy, lúc mới sinh khoảng 96% trẻ nam bị hẹp bao quy đầu, nhưng lúc 1 tuổi còn 50%, lúc 4 tuổi còn 10% và sau 17 tuổi chỉ còn 1% bị hẹp bao quy đầu.

Hẹp bao quy đầu bệnh lý là hẹp thực sự khi có sự hiện diện của sẹo xơ được hình thành do viêm nhiễm hoặc cũng có thể do những cố gắng nong bao quy đầu quá mạnh của ba mẹ trẻ trước đó.

Dấu hiệu hẹp bao quy đầu ở bé trai đầu tiên có thể dễ dàng quan sát là trẻ đau đớn, không chịu đi tiểu. Khi tiểu sẽ phồng lên ở đầu dương vật do lớp da này không mở ra khiến nước tiểu không thể thoát ra bên ngoài. Nước tiểu đục hoặc có mùi khai.  Hiện tượng này không chỉ xuất hiện một vài lần mà xuất hiện với tần suất lớn.

Trẻ không chịu đi tiểu rất có thể là do trẻ bị hẹp bao quy đầu. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

4. Trẻ bị hẹp bao quy đầu, hướng xử trí như thế nào thưa BS? Khi nào thì nong bao quy đầu, khi nào thì phải cắt ạ?

Hẹp bao quy đầu ở trẻ dưới 3 tuổi là hiện tượng không đáng lo ngại. Chỉ cần theo dõi và vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục là được.

Nếu trẻ 4 tuổi thì cha mẹ nên tuột bao quy đầu  hàng ngày bằng cách dùng tay nhẹ nhàng lộn lớp da ở đầu dương vật ra giúp cho dấu hiệu hẹp ở trẻ được cải thiện dần dần, rồi  bôi thuốc mỡ Vaseline tại chỗ (mỗi ngày cha mẹ thực hiện cho trẻ  2-4 lần trong 4-6 tuần tai nhà).

Nong bao quy đầu thường được chỉ định cho trẻ sau khi đã dùng biện pháp lộn bằng tay không kết quả. Dùng panh nong rộng bao quy đầu mỗi ngày, kết hợp với bôi thuốc steroid chống viêm và tránh sẹo. Điều trị này gây đau và sang chấn nhiều hơn so với biện pháp lộn bao quy đầu. Thời gian điều trị thường kéo dài vài tuần.

Khi trẻ bắt đầu ở độ tuổi vị thành niên nhưng dấu hiệu của hẹp bao quy đầu không cải thiện thì áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt bao quy đầu. Đây là biện pháp phù hợp nhất để điều trị bệnh hẹp bao quy đầu.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - Chuyên gia tư vấn nhi khoa quen thuộc của chương trình được nhiều bậc phụ huynh tin tưởng gửi gắm giải đáp các thắc mắc. Ảnh: Hoàng Long.

5. Thủ thuật nong bao quy đầu được tiến hành như thế nào ạ?

Khi cha mẹ dùng tay tuột bao quy đầu nhưng vẫn hẹp thì cha mẹ nên nong bao quy đầu tại nhà cho trẻ bằng cách: dùng tay kéo căng da quy đầu, sau đó dùng gạc tẩm vaseline thấm, nhẹ nhàng nong từ từ, tránh làm bé đau rát. Cha mẹ phải kiên trì và giải thích cho trẻ để cùng thực hiện liên tục 2 lần mỗi ngày, áp dụng phương pháp này  khi bé tắm, thời gian trong vòng 1 tháng. Hoặc cha mẹ có thể đưa bé đến bệnh viện để nong.

6. Còn cắt bao quy đầu cho trẻ gồm các bước nào ạ?

Đây là phương pháp cuối cùng được chỉ định cho trẻ hẹp bao quy đầu khi thất bại trong tuột và nong, hẹp bao quy đầu bệnh lý, thắt nghẹt bao quy đầu, nhiễm khuẩn hệ tiết niệu tái diễn hoặc vòng xơ bao quy đầu.

Các bước cắt da quy đầu gồm:

Bước 1: Vệ sinh và khử trùng vùng phẫu thuật

Bước 2: Thực hiện việc gây tê tại chỗ

Bước 3: Bóc tách vùng dính nhau ra, rửa sạch các chất trắng (bã sinh dục) và xác định độ dài dư thừa của phần bao quy đầu cần cắt (tùy theo kích thước dương vật và độ dài hay hẹp của bao quy đầu).

Bước 4: Tiến hành tiểu phẫu cắt khoanh phần bao quy đầu dài.


Các bước cắt bao quy đầu ở trẻ. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

7. Sau khi nong/cắt bao quy đầu, cha mẹ nên chăm sóc vết thương tại nhà cho trẻ như thế nào? Bao lâu thì vết thương sẽ lành?

Chăm sóc sau khi nong cắt bao quy đầu:

Cần nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, hạn chế đứng dậy hay ngồi quá lâu.

Giữ vệ sinh dương vật của trẻ bằng cách kéo bao quy đầu nhẹ nhàng lên trên và rửa bên dưới với nước ấm.

Nên dùng xà phòng không có mùi thơm sẽ làm giảm nguy cơ kích ứng, tránh sử dụng phấn rôm hoặc chất khử mùi ở vùng này.

Nên mặc quần lót rộng và thoáng mát tránh làm tổn thương dương vật.

Không làm ướt băng khi đi tiểu tránh bị nhiếm trùng vết mổ.

Thay băng vết mổ ngày 1 lần trong 3-4 ngày đầu sau mổ. Nếu vết mổ khô, không còn chảy máu thì chỉ cần dùng nước ấm pha chút muối loãng để vệ sinh và không cần cuốn băng nữa.

8. Có ý kiến cho rằng trẻ 4 tuổi nên tuột bao quy đầu mỗi khi tắm, theo BS có đúng không? Điều này có ý nghĩa gì, và làm sao để bé ít bị đau?

Cha mẹ và người chăm sóc cần biết cách vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục cho trẻ, để ngăn ngừa viêm nhiễm gây ra hẹp bao quy đầu bệnh lý.

Khi trẻ từ 3-4 tuổi trở lên thì cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ  cần lưu ý: mỗi khi tắm cho trẻ nên kéo nhẹ nhàng bao quy đầu của trẻ xuống, khi bao quy đầu trẻ đã tuột được (một phần hoặc hoàn toàn), ba mẹ  rửa sạch và lau khô, không nên cố gắng tuột mạnh bao quy đầu của trẻ tránh nguy cơ trầy xước, rách, chảy máu, sẽ gây xơ hóa, sau này dẫn đến hẹp bao quy đầu bệnh lý.

Sau đó, ba mẹ nhớ kéo nhẹ  bao quy đầu trở về vị trí cũ phủ lên đầu dương vật, nếu không sẽ gây nghẹt bao quy đầu (bao quy đầu không kéo về vị trí cũ để che phủ quy đầu, bao quy đầu sẽ phù nề, sưng đỏ, nguy cơ hoại tử). Nếu bị nghẹt bao quy đầu, cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay.

Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ cách tự làm vệ sinh bộ phận sinh dục, nhất là bao quy đầu.

9.  Nhờ BS hướng dẫn cách vệ sinh hằng ngày đối với trẻ chưa cắt và đã cắt bao quy đầu?

Khi trẻ còn quá nhỏ, không cần điều trị hẹp bao quy đầu mà phải vệ sinh sạch sẽ bao quy đầu của trẻ một cách nhẹ nhàng: rửa sạch dương vật và dưới da quy đầu bằng nước ấm mỗi ngày bằng cách vuốt ngược da quy đầu về phía bụng và rửa phần ở dưới rồi lau khô, sau đó vuốt xuôi bao quy đầu ngược trở lại để trả nó về vị trí cũ, giúp trẻ phòng tránh bệnh.

Chăm sóc cho trẻ cắt bao quy đầu: Cha mẹ nên dùng bông gòn và khăn mềm thấm với nước ấm, sau đó rửa nhẹ dương vật và bao quy đầu 1 ngày ít nhất là 3 lần (buổi sáng, trưa và tối).

Không nên dùng khăn cứng và khăn đã dùng lâu ngày để lau bởi sẽ khiến cơ quan sinh dục tổn thương hoặc bị đau, xót.

Không nên cho trẻ mặc quần bó sát, cần thay quần thường xuyên để vết thương được khô hoặc không đau viêm nhiểm khi bị cọ sát.

Thay băng gạc cho vùng kín mỗi ngày, lúc đi vệ sinh tránh để nước tiểu dính vào băng gạc, nếu như băng gạc ẩm ướt thì phải thay cái khác, tránh viêm.

Trong trường hợp, sau cắt bao quy đầu hai tuần mà chưa lành, có hiện tượng sưng, phù nề  hoặc chảy dịch mủ thì phải đưa trẻ đến bệnh viện gặp bác sĩ ngay để tìm biện pháp chữa trị .

BS Trịnh Ngọc Bình và BTV Mỹ Thi đang tham gia tư vấn cho bạn đọc AloBacsi những vấn đề liên quan đến hẹp quy đầu ở trẻ. Ảnh: Hoàng Long.

10. Khi nào cần đưa trẻ đi khám hẹp bao quy đầu?

Trong những trường hợp này cần đưa trẻ đi khám:

- Dương vật bị ngứa, đỏ và sưng

- Trẻ tiểu khó, phải rặn

- Đầu dương vật trẻ bị chảy mủ hoặc dịch bất thường

- Bao quy đầu bị phồng lên khi trẻ đi tiểu

- Trẻ bị sốt kéo dài không tìm ra nguyên nhân gây sốt thông thường.

11. Khi nào cần cắt bao quy đầu?

Cắt bao quy đầu được chỉ định khi:

- Hẹp bao quy đầu bệnh lý

- Viêm da quy đầu nặng hoặc tái phát, thất bại với điều trị thuốc bôi tại chỗ

- Nghẹt bao quy đầu, không thể tuột lên về bình thường

- Nhiễm trùng tiểu tái phát do hẹp bao quy đầu.

Trường hợp trẻ tiểu khó, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

12. Hẹp bao quy đầu có gây nguy hiểm không ?

Việc kém vệ sinh bộ phận sinh dục của trẻ tao điều kiện cho vi khuẩn tấn công, cộng thêm những mảng trắng tích tụ ở bao quy đầu làm trẻ cảm thấy ngứa, khó chịu, sưng đau dương vật gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như viêm bao quy đầu, hẹp bao quy đầu, viêm niệu đạo, viêm tiền liệt tuyến sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ sau này khi trưởng thành.

Viêm bao quy đầu là bệnh lý thường gặp ở trẻ mắc chứng hẹp bao quy đầu. Nước tiểu sẽ luôn luôn  tồn đọng lại một lượng nhỏ sau khi trẻ đi tiểu, thêm vào đó những bã sinh dục nếu không được vệ sinh sạch sẽ rất dễ dẫn đến viêm nhiễm quy đầu ở trẻ.

Thân mến!

AloBacsi xin trân trọng cảm ơn BS Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian tư vấn giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ cũng như cách xử trí khi gặp vấn đề này.

Kính chúc bác sĩ sức khỏe và hẹn gặp lại trong các chương trình tư vấn lần sau!
 
Thực hiện: Mỹ Thi - Ảnh: Hoàng Long
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X