Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Trẻ bị hăm tã, cha mẹ phải làm sao?

Chiều ngày 25/3, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn về các vấn đề hăm tã ở trẻ như: Dấu hiệu cho biết bé bị hăm tã? Khi nào cần điều trị hăm tã cho con? Cách chọn kem chống hăm cho bé?...

Hăm tã là một nguyên nhân phổ biến khiến trẻ em khó chịu, quấy khóc. Trung bình, cứ 4 bé thì có 1 bé bị hăm tã ít nhất một lần. Vậy làm sao để bé không bị hăm tã và cách chăm sóc trẻ khi bị hăm tã như thế nào? Trân trọng mời bạn đọc theo dõi.

BS Bình là chuyên gia Nhi khoa luôn vui vẻ, nhiệt tình tư vấn các thắc mắc của bạn đọc bất kể giờ nào trong ngày. Ảnh: Mỹ Thi
BS Bình là chuyên gia Nhi khoa luôn vui vẻ, nhiệt tình tư vấn các thắc mắc của bạn đọc bất kể giờ nào trong ngày. Ảnh: Mỹ Thi

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Hăm tã là vấn đề thường gặp ở trẻ nhũ nhi, khiến nhiều cha mẹ lúng túng trong việc chăm sóc bé. Vì sao bé lại dễ bị hăm tã vậy bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Hăm tã ở trẻ nhũ nhi là tình trạng viêm nhiễm thường thấy trên da khi bịt tả kín cho trẻ. Đây là vấn đề thường gặp ở trẻ nhũ nhi, khiến nhiều cha mẹ lúng túng trong việc chăm sóc trẻ.

Trẻ nhỏ dễ bị hăm tã do da của trẻ mỏng, dễ dị ứng:

- Khi sự bài tiết mồ hôi tại da bị bịt kín mà không được thông thoáng, nước tiểu đọng lại trong tã bỉm lâu khiến da dễ bị tổn thương. Từ đó gây ra dị ứng, nổi mụn nhọt.

- Nếu bé gãi vì ngứa ngáy, da sẽ bị trầy xước, đồng thời tã ẩm ướt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nhất là nấm Candida phát triển làm trẻ bị hăm.


Nguyên nhân và điều kiện thuận lợi khiến bé bị hăm tã là gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Hăm tã thường xảy ra ở trẻ em từ  sơ sinh đến 15 tháng tuổi, nhất là trẻ bắt đầu ăn đặc.

Nguyên nhân là do nhiễm trùng một loại nấm men có tên là Candida. Nấm Candida thường có ở mọi nơi trong môi trường, đặc biệt phát triển tốt ở nơi ấm và ẩm như bên dưới tã lót.

Điều kiện thuận lợi để nấm men phát triển gây hăm tã:

- Nơi da ẩm ướt hoặc khô, hay da không được bảo vệ sạch sẽ.

- Trẻ đang dùng kháng sinh hoặc mẹ của trẻ đang dùng kháng sinh trong thời gian đang cho con bú.

- Trẻ đi tiêu, tiểu nhiều lần trong ngày.

- Tã lót quấn chặt làm da bé bị cọ xát.

- Dị ứng với xà phòng, phấn, dầu thơm hoặc tã lót.


Dấu hiệu nào cho biết bé bị hăm tã, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Cha mẹ cần chú ý phát hiện những dấu hiệu trẻ bị hăm tã: Vùng da quấn tã có những mảng đỏ và ngày càng lan rộng hơn đến những vùng da khác; bộ phận sinh dục của bé có những đốm đỏ, chấm đỏ, mùi khai; phần da dị ứng có thể khô hoặc ướt; nốt mụn nhọt phồng, loét, vết thương đầy mủ; trẻ cào, gãi khi thay tã (đối với những bé lớn hơn) hoặc bé khó chịu, ngủ không thẳng giấc.

Vùng da mặc tã của bé bị đỏ, loét d bị hăm. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Vùng da mặc tã của bé bị đỏ, loét do hăm. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Hăm tã nếu không điều trị sẽ có diễn tiến gì và nguy hiểm như thế nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Do làn da mỏng manh và nhạy cảm nên trẻ nhỏ rất dễ bị hăm, gây đau rát khó chịu, thường xuyên quấy khóc, chán ăn và sụt cân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển. Nếu không được điều trị đúng cách sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé.

Bố mẹ lưu ý, hăm tã nếu không được điều trị và xử lý kịp thời thì sẽ không thể tự khỏi, càng kéo dài càng khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Lý do là vì các tổn thương do hăm tã gây ra có thể lan rộng sang các vùng da lân cận khiến da dễ bị viêm nhiễm và nhiễm trùng, nhất là đối với bé gái nếu bị hăm ở xung quanh cơ quan sinh dục sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản về sau.

Việc điều trị hăm tã trong bao lâu, mất bao nhiêu thời gian thường phụ thuộc vào tình trạng  bệnh, nguyên nhân gây bệnh cũng như phương pháp mà cha mẹ can thiệp để chữa hăm tã cho trẻ.

Nếu phát hiện hăm tã sớm, điều trị kịp thời và đúng cách, vệ sinh sạch sẽ thì rất nhanh khỏi. Ngược lại, nếu phát hiện muộn, xử lý sai cách, không chú ý vệ sinh sẽ kéo dài thời gian điều trị.


Khi nào cần điều trị hăm tã, và điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Trẻ cần được điều trị hăm tã trong những trường hợp sau:

Thứ nhất, nếu thấy trẻ xuất hiện vùng da đỏ ở hậu môn, sau đó lan rộng đến mông và đùi, có lốm đốm đỏ hoặc mụn đỏ, phồng loét, nếu nhiễm khuẩn hay nhiễm nấm thì vùng da này đầy mủ,…

Thứ hai, trẻ bị hăm da thường đau lúc đi tiêu, khóc nhiều, khó chịu, thậm chí kém ăn, ít ngủ, vì vậy rất khó chăm sóc. Khi tình trạng hăm nhiều hơn, lan rộng hơn và không hết sau 2-3 ngày thì nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa Da Liễu khám và điều trị.

Đối với việc điều trị, nếu được phát hiện sớm và xử lý ngay thì vùng da hăm sẽ nhanh chóng lành lặn.

Cha mẹ nhớ giữ cho vùng da mặc tã của trẻ khô ráo và sạch để giúp phòng tránh hăm tã vì da của bé còn non yếu. Phụ huynh chú ý luôn luôn rửa sạch tay trước và sau khi thay tã; tránh dùng khăn có chất cồn hay mùi thơm vì chúng làm cho da bé khô và sưng đau; thay tã thường xuyên và ngay sau khi trẻ đi tiểu và tiêu; hạn chế cho trẻ mặc tã để da thông thoáng, xoa bóp những vùng da khô; cho trẻ mang tã đúng size, không nên cho trẻ mặc tã quá chật vì sẽ làm vùng da bị cọ xát, sưng đau thắt lưng hoặc đùi của bé.

Ngoài ra, bố mẹ cần nhúng vải mềm hoặc bông cuộn vào thau nước rồi lau nhẹ vùng mặc tã sau mỗi lần thay. Tránh chà xát và chùi vào vùng mặc tã; tã và quần áo cho bé nên đủ rộng để da bé có thể "thở"; sử dụng tã có độ thấm nước cao giúp giữ da khô và giảm cơ hội nhiễm trùng.

Vệ sinh vùng sinh dục bé nhẹ nhàng và sạch sẽ bằng nước ấm, lau khô vùng da bị hăm khô mới cho bé mặc tã và bôi kem chống hăm vào vùng da bị hăm cho trẻ. Cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng nhiều loại kem bôi chống hăm cho trẻ, nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa Nhi trước khi có ý định sử dụng.

Bố mẹ nên lưu ý đó là chọn tã vừa size với bé. Đây là một trong những biện pháp tối ưu hạn chế tình trạng hăm tã ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bố mẹ nên lưu ý đó là chọn tã vừa size với bé. Đây là một trong những biện pháp tối ưu hạn chế tình trạng hăm tã ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách chọn kem chống hăm cho bé?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:


Hăm tã khiến cha mẹ cảm thấy rất lo lắng mỗi khi sử dụng tã cho con, nhất là đối với những bé sơ sinh, bởi làn da của các bé thường rất mỏng và nhạy cảm.

Vì vậy, ngoài việc thay tã thường xuyên thì nên lựa chọn loại tã phù hợp cho bé. Các mẹ nên sử dụng kết hợp các loại kem phòng chống hăm cũng như trị hăm để bảo vệ làn da của bé ngay từ lúc ban đầu.

Sử dụng kem chống hăm cho bé là biện pháp ngăn ngừa và điều trị hăm da ở bé tốt và hiệu quả cao hơn bình thường.

Để lựa chọn kem chống hăm cho trẻ an toàn và không gây kích ứng nên chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, trước khi cho trẻ sử dụng sản phẩm tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khám trực tiếp cho bé.


Nhiều cha mẹ dùng phấn rôm, dùng tinh bột ngô để chữa hăm, chà một vài giọt sữa mẹ trên vùng da bị hăm rồi để khô… theo bác sĩ đây có phải là cách chữa hăm hiệu quả?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Khi trẻ bị hăm tã, nhiều cha mẹ dùng phấn rôm, tinh bột ngô, hay chà một vài giọt sữa mẹ trên vùng da bị hăm rồi để khô… Tuy nhiên, đây là thói quen sai lầm, bởi nó sẽ khiến vùng da bị hăm lâu khỏi hơn, nếu bất cẩn có thể khiến cho bé hít phấn rôm vào phổi ảnh hưởng hệ hô hấp.

Ngoài ra, một số loại vi khuẩn được bột bắp nuôi dưỡng sẽ khiến cho việc hăm nghiêm trọng hơn, hoặc nhiễm trùng. Vì vậy, đây không phải là các cách chữa hăm hiệu quả, mà sẽ làm bít các lỗ chân lông, khiến tình trạng hăm tã thêm trầm trọng.

BS Ngọc Bình lưu ý các bậc phụ huynh không nên dùng phấn rôm thoa khi con bị hăm tã. Ảnh: Mỹ Thi
BS Ngọc Bình khuyên các bậc phụ huynh không nên dùng phấn rôm thoa vùng da bé bị hăm tã bởi nó chỉ khiến bệnh lâu khỏi. Ảnh: Mỹ Thi

Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách vệ sinh đúng cách khi trẻ bị hăm tã?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Để vệ sinh cho trẻ bị hăm tã đúng cách, cha mẹ cần thực hiện như sau:

- Mỗi lần thay tã cho bé cần vệ sinh tay sạch sẽ, lau khô tay.

- Nên lau rửa cho bé bằng nước ấm, rửa từ trước ra sau, tuyệt đối không làm theo chiều ngược lại.

- Thường xuyên vệ sinh cơ quan sinh dục để vi khuẩn từ bên ngoài không xâm nhập được vào bên trong.

- Sau khi rửa cho bé nên để khô thoáng khoảng 15-20 phút, sau đó mới mặc tã cho bé.

- Chọn loại tã thấm hút tốt.

- Khi vệ sinh cho bé không cần phải dùng khăn ướt mà chỉ cần nước sạch, khăn xô để rửa và thấm khô cho bé là được. Hạn chế sử dụng các loại sản phẩm có quá nhiều mùi hương vì dễ gây ảnh hưởng đến da của trẻ.


Cách chăm sóc giúp làm giảm tình trạng hăm tã như thế nào, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Các cách sau đây có thể làm giảm tình trạng hăm tã hiệu quả ở trẻ:

- Nên dùng tã giấy có khả năng hút tốt vì nó sẽ khiến da của trẻ khô lâu. Nên thay tã cho con thường xuyên ngay cả khi bạn nghĩ bé không bị ướt.

- Rửa sạch vùng quấn tã với nước sau khi thay tã. Không dùng khăn ướt có cồn để lau cho con.

- Sau khi vệ sinh xong nên nhúng mông của bé vào chậu nước, cách này giúp trung hòa axit trong phân và nước tiểu. Sau đó, lau khô bằng khăn mềm.

- Thỉnh thoảng không bịt tã để da bé được thoáng khí, tránh để giường ướt do bé tè.

- Có thể thoa kem chống hăm sau mỗi lần thay tã nhưng phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.


Nếu trẻ bị hăm tã, đã được điều trị rồi nhưng vẫn bị tái hăm nhiều lần, bác sĩ có lời khuyên gì trong trường hợp này ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Tình trạng hăm tã tái đi tái lại nhiều lần khiến trẻ còi cọc, sụt cân, chậm phát triển, ăn không ngon miệng, đi lại và vận động khó khăn hơn nên cần phải thường xuyên thay tã khoảng 2 - 4 giờ /lần cho bé dù tã chưa bẩn hay ướt.

Khi vệ sinh da nên dùng nước ấm, lau nhẹ nhàng, sau đó lau khô da mới mặc tã mới.

Không sử dụng xà phòng thơm, khăn ướt có mùi thơm chứa hóa chất gây kích ứng da bé.

Tuyệt đối không sử dụng phấn rôm để rắc vào chỗ hăm vì có thể làm nặng thêm vùng da đang bị kích thích.

Không tự ý sử dụng các loại kem trị hăm khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

Nếu phát hiện bé bị sốt, vùng da bị hăm ngày càng tấy đỏ, sưng, phồng, nổi mụn, lở loét, mưng mủ, bé bỏ bú sữa hoặc bị nôn, tiêu chảy thì rất có thể bé đang bị bội nhiễm hoặc nhiễm trùng da. Trong trường hợp này mẹ cần lập tức đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ khám và điều trị.

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề hăm tã ở trẻ nhỏ, giúp bố mẹ chăm sóc bé. Xin hẹn gặp lại bác sĩ trong lần tư vấn tiếp theo.

Chủ đề tiếp theo: Chăm sóc trẻ tiêu chảy tại nhà

Vấn đề trẻ bị hăm tã sẽ được BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn, giải đáp với quý bạn đọc vào chiều thứ tư (27/3), từ 15g-16g30.

Ngay từ bây giờ, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về cho chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 0898308983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của chương trình qua số điện thoại: 028.66800 367

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Yến Thi
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X