Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ chậm nói?

Khi mang thai 9 tháng các mẹ mong chờ sinh con ra, thật hạnh phúc và vui vẻ khi con mình khỏe mạnh và phát triển tốt như những đứa trẻ khác. Nhưng có một vài trường hợp trẻ chậm nói, điều mong ước hạnh phúc quá đỗi đơn giản đó lại quá khó khăn với các mẹ.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Xin BS cho biết, quá trình tập nói của trẻ thường diễn ra như thế nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Trẻ tập nói và phát triển khả năng ngôn ngữ trong khoảng 3 năm đầu đời. Ngay từ khi trong bụng mẹ, trẻ đã học được những quy tắc đầu tiên của ngôn ngữ. Khi mẹ biết được quá trình trẻ tập nói sẽ giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ tốt hơn. Quá trình tập nói của trẻ thường diễn ra như :

- Từ lúc còn trong bụng mẹ trẻ cũng cảm nhận nhịp đập trái tim mẹ, trẻ cũng nhận được giọng nói của mẹ và phân biệt được các giọng nói khác.

- Từ sơ sinh đến 3 tháng: Khóc là hình thức giao tiếp đầu đời khi trẻ sinh ra. Tùy vào tính cách của từng trẻ mà mẹ có thể biết được nhu cầu của trẻ qua những tiếng khóc: trẻ khóc thét lên có thể là đang đói, hay tã ướt. Khi lớn thêm một chút, trẻ sẽ bắt đầu biết thở dài, hoặc phát tiếng kêu ê, a, hư, hư, hê, hê... ngộ nghĩnh. Đối với khả năng hiểu ngôn ngữ, thì trẻ bắt đầu nhận ra âm thanh của ngôn từ phát ra từ mọi người xung quanh.

- Từ 4-6 tháng: Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu bập bẹ kêu ba ba, ya ya, đa đa. Vào khoảng 6 tháng, biết được và ngoái đầu hay cười khi được mẹ và mọi người gọi tên mình.

- Từ 7-12 tháng: trẻ sẽ bập bẹ từ từ theo âm thanh nghe thấy từ mẹ và mọi người xung quanh trẻ và cố gắng tập nói sao cho giống. 

- Từ 13-18 tháng: trẻ biết sử dụng từ khi nói chuyện với mẹ, và bắt đầu nhận thức được từ ngữ trẻ còn có thể bắt chước giọng nói ai đó.

- Từ 19-24 tháng: Trẻ có thể nói khoảng 50 từ, đồng thời khả năng hiểu ngôn ngữ cũng phát triển rất nhiều. Trẻ quan sát, lắng nghe và học thêm từ mới mỗi ngày. Ở tuổi này, trẻ nói được 2 từ rồi nhé, chẳng hạn như mẹ ơi, ba ơi, bà ơi, anh anh, bồng bồng, đi chơi… Trẻ thường chỉ làm những gì mình thích mà mẹ không thể can thiệp được.

- Từ 25-36 tháng: Trẻ bắt đầu phân biệt được cách xưng hô, biết xưng con và phải gọi ba mẹ. Trong độ tuổi này, vốn từ vựng của trẻ không ngừng phát triển thêm mỗi ngày. Trẻ có thể nói câu đơn giản như: "Con muốn đi chơi". Khi lên 3, trẻ sẽ nói nhiều hay bắt chước người lớn, không ngừng đưa ra những câu hỏi rồi bình luận, lý lẽ hết sức thú vị và ngộ nghĩnh, đồng thời hỏi và “làm phiền” mẹ và mọi người giải thích thắc mắc rất nhiều.

Trẻ sơ sinh đã có thể bi bô được vài từ đơn giản như "ư ư, gừ gừ". Ảnh Internet


2. Vậy tình trạng của trẻ như thế nào gọi là chậm nói, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Sau khi sinh nhật một tuổi, trẻ sẽ bắt đầu nói những từ đầu tiên. Và khi lên 2, bé thường đạt đến mốc phát triển tiếp theo: bắt đầu kết hợp từ.

- Khi trẻ bị chậm nói, cha mẹ cần hiểu rõ đó là khả năng nói của con chậm hơn so với mốc phát triển thông thường. Mỗi một trẻ là một cá thể độc lập nên giai đoạn phát triển của mỗi trẻ sẽ khác nhau, có trẻ có thể bập bẹ những từ đơn giản đầu tiên vào 12 tháng tuổi, có trẻ tháng thứ 24 mới bập bẹ.

- Dù thời điểm trẻ học nói không giống nhau song thường trẻ sẽ bắt đầu học nói từ tháng thứ 18. Nếu 2 tuổi mà chưa nói được thì coi là trẻ chậm nói.


3. Theo BS, trẻ chậm nói thường do nguyên nhân nào ạ? Có những sai lầm nào trong thói quen sinh hoạt, lối sống hằng ngày vô tình khiến cho trẻ chậm nói?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Trẻ chậm nói có rất nhiều nguyên nhân như:

- Trẻ chậm nói đơn thuần là trẻ không đủ vốn từ vựng để diễn tả ý muốn nói, trẻ vẫn hiểu những lời nói và thực hiện được mệnh lệnh đơn giản nhưng không biết nói thế nào để diễn đạt cho mọi nguời hiểu. Mặc dù trẻ có sự hạn chế về giao tiếp nhưng các mặt như vận động, thể chất và tinh thần hoàn toàn bình thường. Những nguyên nhân gây ra chậm nói đơn thuần có thể do tác động của môi trường, do bệnh lý (mất thính lực, viêm tai giữa, viêm não, động kinh, do di truyền,….), do tâm lý (thiếu tình thương cha mẹ, trẻ bị gia đình ngược đãi, không quan tâm, quá cưng chiều làm trẻ lười nói).

- Trẻ chậm nói do khiếm khuyết về sự phát triển của não bộ, ngoài việc chậm nói thông thường trẻ có thêm các dấu hiệu khác như: không hiểu được lời nói của người khác,  hành vi bất thường và lặp lại, khó ngủ, giấc ngủ không sâu, khó hòa nhập, thích ngồi một mình. Trẻ bị chậm nói do khiếm khuyết về sự phát triển não bộ có thể do các nguyên nhân như: Trẻ tự kỷ không chịu nói, không có khả năng giao tiếp, hành vi sở thích hạn chế và lặp đi lặp lại, chậm nói do bại não nên trẻ không thể điều khiển các hoạt động một cách bình thường mà sẽ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn khả năng học tập, động kinh, các vấn đề về thính giác, thị giác. Trẻ chậm nói do chậm phát triển trí tuệ làm trẻ gặp khó khăn trong việc diễn đạt những điều mình muốn nhiều khi không thích giao tiếp với mọi người. Do tổn thương não bộ  làm trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, làm chậm nói, hạn chế năng lực biểu đạt ngôn ngữ và  khả năng đọc.

- Cha mẹ sai lầm trong thói quen sinh hoạt, lối sống hằng ngày vô tình khiến cho trẻ chậm nói như: cưng chiều trẻ quá mức, cho trẻ xem ti vi hay thiết bị thông minh quá sớm, ngược đãi trẻ, không quan tâm trẻ, không thường xuyên trò chuyện cùng trẻ, để trẻ bị suy dinh dưỡng,….


4. Nhiều trường hợp cha mẹ không rõ con của mình “trầm tính”, ít nói hay chậm nói. Vậy dấu hiệu nhận biết sớm trẻ chậm nói gồm những gì, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Ở trẻ bình thường, trong thời gian tập nói sẽ nói rất nhiều đi kèm hành động để thể hiện suy nghĩ. Nhưng trẻ chậm nói lại thích dùng hành động hơn khiến việc giao tiếp với trẻ gặp nhiều khó khăn vì không biết trẻ muốn gì, cần gì. Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ chậm nói:

- Trẻ được 4-7 tháng tuổi không đáp ứng với tiếng động mạnh, không phát ra âm thanh ư a, không biết bắt chước các âm thanh khác.

- Trẻ 12 tháng tuổi trẻ không biết giao tiếp với người khác (trong khi những em bé khác đã bắt đầu sử dụng âm thanh, cử chỉ hay lời nói), trẻ không biết thể hiện khi gọi tên kể cả khi trẻ cần giúp đỡ hay mong muốn điều gì đó, trẻ không biết nói bất kì một từ nào, ví dụ: “mẹ” hoặc “ba”. Trẻ không biết thực hiện các động tác đơn giản như: vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu để nói không, chỉ tay vào đồ vật bé muốn, trẻ không có phản ứng khi được đúng gọi tên.

- Trẻ 26 tháng tuổi không biết biểu cảm những lời cha mẹ nói, không biết chỉ vào vật mà trẻ yêu thích.

- Trẻ từ 18 tháng trở lên không thể nói được 6 từ đơn giản, không biết gọi mẹ hay chỉ đúng bộ phận của cơ thể trẻ như mắt, mũi, miệng,…

- Trên 2 tuổi trẻ không nói được câu như chào mẹ, ăn cơm, trẻ thích chơi 1 mình.

- Bệnh lý cũng là nguyên nhân khiến trẻ chậm nói như bệnh về thính giác vì trẻ không nghe rõ những gì người khác nói, từ đó gặp khó khăn trong việc nói, hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.

- Khi trẻ đến 3 tuổi không có khả năng nghe hiểu được các yêu cầu từ đơn giản cho đến phức tạp. Trẻ phản ứng rất chậm khi được hỏi những câu rất đơn giản. Trẻ chỉ có thể nói được những câu ngắn khoảng 2 - 3 từ và gặp khó khăn trong việc ghép các từ đơn lại với nhau, không thể nói được một câu hoàn chỉnh.

Khi phát hiện trẻ chậm nói thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi để được khám và xử trí kịp thời.

5. Dấu hiệu chậm nói và tự kỷ có giống nhau không ạ? Người nhà có thể phân biệt được hay không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Chậm nói là một trong những dấu hiệu khá điển hình của hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ chậm nói cũng là tự kỷ. Để hiểu rõ hơn vấn đề trẻ chậm nói có phải bị tự kỷ không và những dấu hiệu phân biệt trẻ chậm nói và trẻ tự kỷ:

Điểm phân biệt rõ nét nhất của trẻ tự kỷ là ngoài hạn chế giao tiếp ngôn ngữ, trẻ còn hạn chế biểu hiện cảm xúc, đặc trưng nhất là tránh giao tiếp bằng mắt, ngay cả với người thân, không thích và né tránh chơi đùa với trẻ khác. Mọi hành động của trẻ được tiến hành theo một lập trình riêng, như không hề liên quan gì đến thế giới xung quanh.

Thông thường có khoảng 1/4 trẻ em bị chậm nói, một số trẻ đó khá bình thường trong quá trình phát triển, có thể đạt được mốc phát triển như những trẻ khác vào tuổi lên 2. Trẻ chậm nói hoặc chậm phát triển tuy có một số biểu hiện giống trẻ tự kỷ như giao tiếp ngôn ngữ kém, chậm đáp ứng yêu cầu người lớn... song các dạng vận động về thể chất và tinh thần hoàn toàn bình thường. Những trẻ như thế này vẫn có thể giao tiếp bằng mắt, nhận ra và giao cảm tốt với người thân, tâm vận động như trẻ bình thường.

Thông thường khi trẻ bị mắc căn bệnh tự kỷ thường có những biểu hiện cơ bản sau:

- Trẻ đã 1 tuổi mà không có động tác chỉ trỏ gây sự chú ý của người khác, không có tiếng bập bẹ.

- Không nói được từ nào khi 16 tháng tuổi, không nói được câu nào gồm 2 từ khi 24 tháng tuổi.

- Trẻ đã có một số kỹ năng ngôn ngữ vào độ tuổi nào đó (14-16 tháng) nhưng sau đó tự nhiên mất hẳn, thường là sau khi trải qua một tai nạn như ngã ở nhà trẻ, bệnh sởi, nằm bệnh viện...

- Không bị lôi cuốn vào các đồ chơi, trò chơi.

- Không có bạn bè.

- Không trả lời, không ngoảnh lại khi nghe gọi tên, không nhìn hay chú ý đến ai.

- Không có động tác giơ tay ra đòi bế ẵm.

- Có các động tác cơ thể lặp đi lặp lại, chẳng hạn như đập đập tay, lắc lư thân thể.

- Khi giận dữ hoặc không đồng ý điều gì đó thì hét lên (tiếng kêu chói tai), bứt tóc, đập chân tay xuống sàn nhà, đập đầu vào tường.

- Không thích người khác động chạm vào người.

- Ưa thích sự ổn định trật tự, thường chống đối rất mạnh mẽ việc thay đổi những thói quen hằng ngày.

- Cực kỳ nhạy cảm đối với một số âm thanh và mùi vị.

6. Nếu nghi ngờ con chậm nói thì cha mẹ nên làm gì ạ? Có nên cố gắng luyện tập thêm cho bé, hay nên đưa đi bệnh viện khám luôn? Trường hợp nào không nên chần chừ ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Nếu nghi ngờ con chậm nói thì cha mẹ nên nghĩ đến nguyên nhân chậm nói. Nếu chậm nói do khiếm khuyết cơ thể thì cần tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Nếu chậm nói tâm lý thì trước tiên cha mẹ cần rà soát các cách thức giao tiếp hằng ngày của mình với trẻ. Dưới đây là những phương pháp giúp cho trẻ chậm nói cải thiện:

- Cha mẹ nên chú ý cách dùng từ, thái  độ giao tiếp, thời gian tiếp xúc mỗi ngày với trẻ. Mọi thứ xung quanh trẻ phải gọi bằng tên chính xác, ngắn gọn để phù hợp với nhận thức và trí nhớ của trẻ. Khi nói với trẻ về cái gì thì sẽ chỉ tay thứ đó cho trẻ thấy, tăng cường giao tiếp mắt với trẻ..., môi trường tập nói cho trẻ phải phong phú và sinh động để tạo hứng thú tương tác cho trẻ cũng là điều cần làm.

- Không nên cho trẻ xem tivi quá nhiều. Khi xem tivi, cha mẹ nên cùng xem với trẻ, đồng thời cùng bình luận về các tình tiết, nhân vật, hội thoại để giúp trẻ xây dựng phản xạ ngôn ngữ.

- Nếu phương pháp trên mà trẻ vẫn chậm nói thì cha mẹ nên đưa trẻ đi bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa khám và xử trí.

- Trong trường hợp trẻ bị chậm nói do bệnh lý thì nên sớm đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị.

Khi thấy dấu hiệu trẻ chậm nói nên đưa đến bệnh viện khám chữa kịp thời


7. Tại bệnh viện, một trẻ nghi ngờ chậm nói sẽ được khám những gì, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Tại bệnh viện, một trẻ nghi ngờ chậm nói sẽ được khám tai mũi họng, lưỡi, trước tiên xem có bị dị tật bẩm sinh hay bệnh lý gì không, sau đó sẽ can thiệp và điều trị cho trẻ.


8. Nếu xác định trẻ bị chậm nói thì việc can thiệp sẽ được tiến hành như thế nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Khi trẻ có dấu hiệu của chậm nói bác sĩ sẽ kiểm tra và quan sát cấu trúc vận động của vòm miệng: môi, lưỡi, hàm, vòm mềm. Khi cấu trúc miệng gặp bất thường sẽ gây ra tình trạng chậm nói ở trẻ như: sứt môi, chẻ vòm, lưỡi gà ngắn, dính thắng lưỡi lệch khớp hàm, hô, móm hay một số vận động của miệng bất thường gây chậm nói ở trẻ bao gồm: cơ hàm yếu, căng cơ, khó phối hợp cử động, biểu hiện khó vận động môi, lưỡi. Trường hợp sứt môi, chẻ vòm, lưỡi gà ngắn, dính thắng lưỡi, lệch khớp hàm, hô, móm điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Kiểm tra thính lực: nếu khả năng nghe kém hoặc không nghe thấy có thể dẫn đến trẻ kém phát triển về ngôn ngữ. Với những nguyên nhân trẻ chậm nói về thính lực, cấu trúc và hoạt động vòm miệng sẽ được chỉ định điều trị ngoại khoa theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với trẻ gặp vấn đề về  thính lực có thể đeo máy trợ thính hay cấy ốc tai.

9. Tại gia đình, cha mẹ có thể làm gì để khuyến khích trẻ tập nói, nhờ BS hướng dẫn?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Cha mẹ nên khuyến khích cho trẻ chậm nói tại nhà bằng cách hạn chế cho trẻ xem tivi, các thiết bị di động, máy tính vi đây là một hành vi tiếp thu thụ động, sẽ gây cản trở cho việc tiếp xúc với thế giới thật của trẻ, làm hạn chế khả năng tưởng tượng của trẻ. Xem quá nhiều có thể giảm thời gian vận động của trẻ, chậm nói, dễ cáu gắt, giảm tương tác xã hội và cơ hội phát triển ngôn ngữ.

Tivi có một sức hút đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Trẻ có thể xem tivi nhưng phải có sự kiểm soát của cha mẹ. Các bậc phụ huynh nên tập cho con thói quen không nên xem tivi nhiều hơn 2 giờ/ngày.

Cha mẹ nên dành nhiều thời gian để thường xuyên nói chuyện với trẻ, điều này sẽ giúp con của bạn tăng khả năng giao tiếp và phát triển lời nói. Khi nói chuyện với trẻ, cha mẹ nên nói đến những vật có trước mặt, chỉ vào đồ vật nào đó mà bạn muốn nói đến  và những điều đang xảy ra  xung quanh trẻ. Hãy khuyến khích trẻ tập trung vào bạn khi đang nói chuyện.

Cha mẹ nên đọc sách cho trẻ nghe. Không nên ép trẻ phải nói, khi trẻ tập nói cha mẹ hãy đưa ra lời khen và thường xuyên đưa ra lời động viên như: “Con làm tốt lắm”, “ Con nói giỏi lắm” để giúp trẻ mạnh dạn tập nói. Cha mẹ nên chú ý lắng nghe, cho con có thời gian để sắp xếp và thực hiện những lời trẻ sắp nói.

Cha mẹ nên dạy cho trẻ những từ đơn giản, dễ hiểu, dạy trẻ nói dựa theo những tình huống hàng ngày. Dạy con giao tiếp bằng thái độ, bằng cử chỉ, bằng điệu bộ cơ thể.


10. Trẻ chậm nói nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến hậu quả gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Những năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn mầm non là giai đoạn mà trẻ bắt đầu học hỏi, nhận thức, khám phá về thế giới xung quanh. Con sẽ sử dụng lời nói như phương tiện để gọi tên đồ vật, phân biệt vật này với vật kia, diễn tả những gì con đã được học, tiếp thu, nhận thức những điều mới lạ, những kiến thức xung quanh của con. Nếu như con nhận biết được mà không nói được thì những tri thức con có được cũng sẽ không thể hiện được, thậm chí là sai lệch.

Rõ ràng, sự hiểu biết của con qua lời nói chính là phương tiện để ngôn ngữ, trí tuệ của con phát triển. Khi phương tiện không phát triển được hay phát triển hạn chế thì ngôn ngữ, trí tuệ của con sẽ bị ảnh hưởng.

Trẻ chậm nói nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến hậu quả là rối loạn ngôn  ngữ, trẻ nói mà không ai hiểu gì, nói ngọng, nói lắp, nặng hơn nữa thì trẻ sẽ bị bệnh tự kỷ, bệnh trầm cảm, và sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình xã hội.

Nếu trẻ có các biểu hiện chậm nói, cha mẹ nên kiểm tra khả năng nghe của trẻ để điều trị kịp thời. Cha mẹ không nên chờ đợi và hy vọng trẻ sẽ vượt qua giai đoạn phát triển ngôn ngữ. Nên điều trị sớm sẽ giúp cải thiện khả năng giao tiếp của trẻ để trẻ trở lại bình thường.

Thực hiện: Thanh Thủy - Ảnh: Hồng Nhung
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X