Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết cần lưu ý gì?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 22.000 người chết mỗi năm bởi đại dịch sốt xuất huyết và số trẻ em tử vong vì căn bệnh này vẫn chiếm đa số do bệnh tiến triển nặng. Khi dịch SXH xảy ra tại địa phương, số người mắc bệnh thường rất lớn. Mặt khác, một người có thể bị mắc nhiều lần trong đời và những lần nhiễm sau nguy hiểm hơn những lần nhiễm trước. Do vậy, chúng ta cần phải phát hiện sớm để được điều trị kịp thời.


NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Sốt xuất huyết đang vào mùa. Nhờ BS hướng dẫn dấu hiệu nhận biết của bệnh này, làm sao phân biệt hồng ban của sốt xuất huyết với các bệnh khác ạ?

Sốt xuất huyết đang vào mùa, không thường, bệnh SXH diễn ra trong 7 ngày với các dấu hiệu như sốt cao trên 39 độ, đau đầu, đau mỏi người, đau cơ, đau nhức hốc mắt, mệt mỏi, phát ban và có xuất huyết trên da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Triệu chứng ít ai chú ý và chủ quan đó là khi người bệnh hết sốt, đây là thời kỳ rất nguy hiểm nếu chúng ta không phát hiện những dấu hiệu cảnh báo nặng như người bệnh vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, gan to trên 2cm, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít. Do đó, khi người bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ SXH như trên, gia đình cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng. Tuyệt đối không cho người bệnh sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không kiêng ăn và nhịn uống.

Hầu như sốt xuất huyết rất giống với các dạng sốt siêu vi hay sốt phát ban lành tính khác. Để phân biệt được hồng ban của sốt xuất huyết với các bệnh khác nhất là sốt phát ban:

Sốt phát ban: sốt cao nhưng là sốt từng cơn, kèm theo các triệu chứng viêm hô hấp trên như ho, chảy nước mũi, đau họng... Ban trong sốt phát ban sẽ biến mất nhanh sau khi căng da. Nếu ban còn hoặc mất rất chậm thì có thể là sốt xuất huyết.

Sốt siêu vi cũng có triệu chứng tương tự như vậy, với các biểu hiện sốt cao kèm viêm hô hấp trên, đau nhức toàn thân, có thể có hoặc không có phát ban.

Cách tốt nhất để phân biệt được là đến cơ sở y tế để được xét nghiệm máu. Công thức máu trong bệnh sốt xuất huyết sẽ thấy bạch cầu, tiểu cầu giảm, xét nghiệm kháng nguyên dương tính. Còn các sốt hồng ban còn lại hầu như công thức máu bình thường, kháng nguyên sốt xuất huyết âm tính.


2. Thấy con sốt cao liên tục, nhiều cha mẹ cho con uống tăng liều paracetamol hoặc cho uống thêm Ibuprofen, theo BS điều này có nên không?

Thấy con sốt cao liên tục, nhiều cha mẹ cho con uống tăng liều paracetamol hoặc cho uống thêm Ibuprofen, theo BS điều này không nên:

Vì uống paracetamol quá liều sẽ ảnh hưởng không tốt đến gan và thận.

Còn uống thêm Ibuprofen là kháng viêm không steroid gây ngưng tập kết tiểu cầu nên cũng làm cho việc chảy máu trong sốt xuất huyết.


3. Nhờ BS hướng dẫn cách hạ sốt hợp lý khi trẻ bị sốt cao liên tục?

Nếu sốt cao ≥ 39 độ C, lau mát trẻ bằng nước ấm liên tục, nới lỏng quần áo trẻ, cho thuốc hạ nhiệt là Paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 - 15 mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Chú ý tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24g.

- Cho trẻ uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh,…) hoặc nước cháo loãng với muối.

- Nếu trẻ nhỏ còn bú mẹ thì nên cho trẻ bú nhiều hơn bình thường.

- Khi trẻ có dấu hiệu: Đau bụng, nôn ói, xuất huyết niêm mạc, lừ đừ, li bì, bứt rứt, đau bụng vụng hạ sườn phải. Đặc biệt trẻ có thể trạng béo phì cần được đưa đến cơ sở y tế để được bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời để có kết quả tốt nhất.


4. Sốt xuất huyết điều trị tại nhà có an toàn không? Trường hợp nào thì bé nên nhập viện ạ?

Sốt xuất huyết là bệnh cấp tính ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người. Khi không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như sốc, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác, có thể gây tử vong...

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần phải nằm điều trị tại bệnh viện. Với những trường hợp nhẹ và vừa, bác sĩ sẽ cho thuốc điều trị tại nhà. Ở nhà, người bệnh sẽ được nghỉ ngơi, tránh nguy cơ lây chéo bệnh… Việc uống oresol bù dịch (nước và điện giải) thay cho việc truyền dịch.

Khi điều trị bệnh tại nhà, nên tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được nghe theo kinh nghiệm dân gian hoặc dùng thêm các loại thuốc khác. Chỉ được dùng paracetamol để hạ sốt cho dù có sốt cao liên tục thì tuyệt đối không được dùng thuốc hạ sốt quá liều chỉ định. Cách 4-6 giờ mới được dùng lại thuốc hạ sốt 1 lần (khi cần thiết).

Ngoài dùng thuốc hạ sốt, nên cho trẻ mặc đồ mỏng, dễ hút mồ hôi, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm vào trán, nách, bẹn...

Sốt xuất huyết nặng bao gồm các dấu hiệu của sốt xuất huyết nhẹ kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau đây cần nhập viện ngay:

Dấu hiệu xuất huyết: xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da, có chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất hiện vết bầm tím tại chỗ tiêm, nôn/ói ra máu tươi hoặc máu đen, đi cầu phân có màu đen (do bị xuất huyết nội tạng).

Đau bụng, buồn nôn, nôn, tay chân lạnh, cả người vật vã, trạng thái hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng dẫn đến mất máu, tụt huyết áp).

Trẻ sốt cao trên 39 độ, xuất hiện chấm xuất huyết ngoài da khi sốt xuất huyết


5. Ở nhiều địa phương, mọi người tin rằng việc “truyền đạm”, “truyền nước”, sẽ giúp bệnh nhân bị sốt xuất huyết mau khỏe. Theo BS, cha mẹ có nên đưa bé đi truyền nước không ạ?

Ở nhiều địa phương, mọi người tin rằng việc “truyền đạm”, “truyền nước”, sẽ giúp bệnh nhân bị sốt xuất huyết mau khỏe. Tuy nhiên , cha mẹ không nên đưa bé đi  truyền đạm hay truyền nước vì:

Dịch truyền có rất nhiều loại với các thành phần, hoạt chất và có nồng độ khác nhau nhằm sử dụng cho từng trường hợp bệnh khác nhau. Dịch truyền có thể đưa nhanh các chất cần thiết (nước, chất điện giải, vitamin, đạm, hóa chất, kháng sinh, máu) vào mạch máu với số lượng lớn, có khả năng giữ lâu trong lòng mạch và lượng dư thừa sẽ được đào thải nhanh qua thận. Tùy theo thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ điều trị sẽ quyết định truyền loại dịch gì cho phù hợp (tình trạng bệnh, lứa tuổi). Ngoài bác sĩ khám, chữa bệnh, không một ai (y tá diều dưỡng, kỹ thuật viên, dược sĩ...) được ra chỉ định truyền dịch.
 
Trong khi truyền dịch có thể có một số tai biến không mong muốn xảy ra như đau, phù nề, sốc thuốc,…Dùng bừa bãi gây rối loạn điện giải, phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim dẫn đến tử vong.
 
Ngoài ra, truyền dịch kéo dài không có chỉ định của BS  sẽ làm rối loạn hấp thu chất dinh dưỡng hoặc bị biến chứng teo tế bào não. Vì vậy, nếu người bệnh bị mất nước, chất điện giải (tiêu chảy, sốt) ở mức độ trung bình mà vẫn ăn uống được thì không nên truyền dịch, tốt nhất nên bổ sung bằng đường ăn, uống (súp, cháo, sữa, nước hoa quả, uống dung dịch ORS).


6. Trẻ đang bị sốt xuất huyết có được tắm gội không, thưa BS? Nên vệ sinh cho trẻ như thế nào ạ?

Khi trẻ bị bệnh sốt xuất huyết, sẽ có những cơn sốt cao liên tục cha mẹ không được tắm gội cho trẻ vì sẽ làm cho cơ thể bị giãn mạch, xuất huyết nặng thêm và nguy hiểm đến tính mạng. Tuyệt đối không được sử dụng nước lạnh do thân nhiệt đang sốt cao từ 39 - 40 độ, mà bạn sử dụng nước lạnh cơ thể trẻ sẽ thay đổi đột ngột, có nguy cơ dẫn đến co giật.

Mặc quần áo cho trẻ bằng vải mềm, dễ hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh cho trẻ: Thay quần áo và lấy khăn mềm nhúng nước ấm, lau mặt, cổ, tay chân, nách, bẹn cho trẻ nhanh khi trẻ không sốt.


7. Trẻ bị sốt xuất huyết khi nằm quạt và máy lạnh cần lưu ý điều gì, thưa BS?
 
Trẻ bị sốt xuất huyết khi nằm quạt và máy lạnh vẫn bình thường. Bởi khi đó, thời tiết mát mẻ và dễ chịu sẽ làm trẻ thoải mái hơn. Tuy nhiên, mẹ cần chú ý nên cho trẻ nằm trong phòng có nhiệt độ máy lạnh từ 27-29 độ. Ngoài ra, cần lưu ý thêm:

- Không nên để gió từ máy lạnh hay quạt thổi thẳng vào mặt trẻ có thể khiến trẻ bị ho, khô mũi.

- Cho trẻ mặc đồ dài tay, chất liệu cotton mỏng, thấm mồ hôi tốt khi nằm phòng máy lạnh.

- Không bật máy lạnh 24/24 vì có thể gây tình trạng bệnh nặng hơn.
       
-  Phòng ốc phải luôn được dọn dẹp sạch sẽ và máy lạnh phải được vệ sinh định kỳ để tránh những mầm bệnh lưu trú và gây thêm những bệnh khác cho trẻ.


8. Và cha mẹ nên cho bé ăn những món gì khi đang bị sốt xuất huyết ạ?

Đối với trẻ em bị sốt xuất huyết mà đang trong giai đoạn bú mẹ, cần cho bé bú nhiều hơn ngày thường để tăng cường sức đề kháng tự nhiên từ sữa mẹ. Khi cho trẻ ăn, nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, uống thêm nước, không nên cho trẻ ăn dồn dập.

Trong giai đoạn này, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các món ăn giàu đạm từ trứng, thịt, sữa, thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm có trong thịt bò, gà... để tăng cường sức đề kháng giúp trẻ chống lại bệnh sốt xuất huyết.

Khi trẻ đã hết sốt và khỏi bệnh thì cha mẹ nên cho trẻ ăn uống bình thường và nên cho ăn bù để bổ sung chất dinh dưỡng trong thời gian trẻ bị ốm để hạn chế tình trạng nhẹ cân, suy dinh dưỡng sau này.

Do trẻ bị bệnh nên khẩu vi sẽ thay đổi, cha mẹ cần kiên trì nấu các món ăn để trẻ ăn thấy ngon miệng và ưu tiên các món ăn giàu vitamin D, A, kẽm, sắt, khoáng chất và các loại hoa quả giàu vitamin như cam, quýt ...


9. Ngày thứ 3 - 4 - 5 của bệnh sốt xuất huyết được cho là một giai đoạn nguy hiểm, vì sao vậy ạ? Cha mẹ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc trẻ những ngày này?

Bệnh sốt xuất huyết kéo dài trong bao lâu và sốt xuất huyết ngày thứ mấy là nguy hiểm nhất là câu hỏi chung của tất cả mọi người. Thông thường, bệnh khởi phát đột ngột và kéo dài từ 7-10 ngày.

Đặc biệt lưu ý ngày thứ 3-5 chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Do có nhiều trường hợp trẻ hết sốt vào ngày thứ 5 và lầm tưởng đã khỏi bệnh nhưng đây mới chính là thời gian nguy hiểm nhất và có diễn biến trầm trọng. Ở thời gian này, virus Dengue đã làm hệ miễn dịch suy yếu đi rất nhiều. Vì thế mà bạch cầu, tiểu cầu giảm đáng kể, ảnh hưởng đến khả năng đề kháng của trẻ. có thể ảnh hưởng đến tính mạng trẻ.

Cha mẹ nên lưu ý khi chăm sóc trẻ những ngày:

- Thường xuyên đo nhiệt độ để phòng khi sốt cao hoặc có bất thường về thân nhiệt.

- Nên dùng khăn ấm lau mát cơ thể. Nếu sốt cao, đắp khăn ở vùng nách và bẹn để hạ thân nhiệt.

- Mặc quần áo thoáng mát và mỏng, dễ hút mồ hôi.

- Không dùng các loại thuốc để hạ sốt mà nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

- Nên uống nhiều nước. Cha mẹ có thể cho trẻ uống nước Oresol để bù điện giải cho cơ thể.


10. Có phải đã bị sốt xuất huyết rồi thì sẽ không bị lại nữa không ạ?

Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra. Vi rút Dengue có 4 type gây bệnh bao gồm: D1, D2, D3, D4. Mỗi lần mắc bệnh là do 1 type Dengue xâm nhập vào cơ thể. Vì thế, mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể bị lại.

Khác với những loại bệnh khác, khi đã mắc một lần, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại vi rút gây bệnh. Nhưng với sốt xuất huyết, mỗi lần mắc bệnh là do 1 type vi rút khác nhau, cơ thể chỉ tạo ra miễn dịch với type vi rút đó chứ chưa có khả năng chống lại các type còn lại. Nên lần bị sau thường nặng hơn lần bị trước do các kháng thể của 2 hoặc 3 type vi trùng cùng tồn tại và tác động lên cơ thể con người. Các phản ứng sốt, đau mỏi, xuất huyết sẽ trầm trọng hơn. Chính vì thế, khi mắc sốt xuất huyết lần thứ 2 hay thứ 3, nên đến ngay bệnh viện để được khám và được điều trị kịp thời.

Thực hiện: Thanh Thủy - Ảnh: Vết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X