Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Bảo vệ trẻ nhỏ khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 60 độ

Những ngày này, nhiệt độ miền Bắc và miền Trung đang tăng cao kỷ lục, có nơi nhiệt độ ngoài trời lên đến 60 độ. Vậy nền nhiệt quá cao ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ như thế nào? Nếu trẻ bị sốt trong những ngày này thì xử trí ra sao?... Mời bạn đọc theo dõi phần tư vấn của BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình.

Mùa hè đã đến là điều mà nhiều cha mẹ rất lo lắng cho con cái. Nhiệt độ và độ ẩm không khí tăng cao, cơ thể trẻ nhỏ chưa thích ứng kịp dể gây ra tình trạng trẻ bị suy kiệt vì nóng, nặng hơn  là say nắng. Khi thân nhiệt tăng cao làm trẻ thở nhanh hơn và nông hơn, lượng máu di chuyển tới da tăng lên và mồ hôi thoát ra qua da. Nếu không khí nóng ẩm, trẻ nhỏ sinh hoạt trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, uống không đủ nước, thân nhiệt tăng lên nhanh chóng dễ gây tổn thương cho cơ thể trẻ.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - vị chuyên gia Nhi khoa thân thiết của AloBacsi.
BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - vị chuyên gia Nhi khoa thân thiết của AloBacsi.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Nhiệt độ miền Bắc và miền Trung đang tăng cao kỷ lục, có nơi lên gần 60 độ ở ngoài trời. Xin bác sĩ cho biết, nền nhiệt quá cao như vậy có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ như thế nào, đưa đến những bệnh gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Nhiệt độ miền Bắc và miền Trung đang tăng cao kỷ lục, có nơi lên gần 60 độ ở ngoài trời làm cho nhiệt thải qua da gặp nhiều khó khăn. Mồ hôi không thể bốc hơi nhanh, cơ thể không giải phóng đủ nhiệt, thân nhiệt vì thế sẽ tăng lên nhanh chóng.

Ngoài ra, khi trẻ ra mồ hôi nhiều mà không được bù nước đầy đủ có thể dẫn tới mất nước và chuột rút; cơ thể không thải đủ nhiệt sẽ dẫn tới suy kiệt vì nóng. Thân nhiệt quá cao có thể gây tổn thương cho cơ thể trẻ dễ dàng gây nên các bệnh mùa nắng nóng  như: mất nước, chuột rút, kiệt sức, say nắng, nhiễm siêu vi, bệnh đường hô hấp, quai bị, bệnh đường tiêu hóa, cảm cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ,...

Trẻ rất dễ đổ mồ hôi khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Trẻ rất dễ đổ mồ hôi khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Nếu trẻ bị sốt trong những ngày này thì nên xử trí như thế nào, thưa BS? Trường hợp nào cần đưa đi bệnh viện?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

- Khi trẻ bị sốt nên giảm nhiệt độ trong phòng, nếu quá nóng có thể mở cửa thông thoáng, sử dụng quạt thông gió. Cho trẻ uống nhiều nước hoa quả như: nước chanh, nước cam, nước oresol hoặc uống thêm sữa.

- Nên cởi bớt quần áo trẻ, đắp khăn mát vùng trán và bẹn. Dùng khăn ấm lau khắp người trẻ, nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu làm trẻ mát.

- Trẻ cần được tắm rửa, gội đầu bằng nước ấm có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ từ 3-4 độ C trong vòng 10-15 phút.

- Nếu đã cải thiện các phương pháp kể trên nhưng trẻ vẫn bị sốt cao trên 38.5 độ C thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa Nhi phát hiện sớm nguyên nhân sốt và xử trí kịp thời, không nên tự ý mua thuốc về điều trị.


Trường hợp bé đổ mồ hôi quá nhiều, cha mẹ nên làm gì ạ?


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Nếu trẻ bị đổ mồ hôi quá nhiều, phụ huynh cần:

- Bổ sung nước và sữa cho trẻ.

- Nhà cửa thoáng mát như mở cửa cho không khí lưu thông, bật điều hòa từ 23 - 27 độ C.

- Cho trẻ mặc quần áo dễ hút mồ hôi, mỏng nhẹ.

- Trẻ lớn thì tăng cường rau xanh, trái cây tươi trong các bữa ăn hàng ngày.

- Tạo thói quen cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc.

- Giữ cho da bé sạch, lau mồ hôi thường xuyên. Đổ mồ hôi là một cách làm giảm nóng tự nhiên của cơ thể. Vì vậy, nếu bé vẫn ăn, vẫn bú, vẫn chơi, vẫn sinh hoạt bình thường thì cha mẹ không cần quá lo lắng khi thấy bé đổ mồ hôi nhiều, chỉ cần lưu ý: lau mồ hôi thường xuyên cho bé; nếu quần áo bé đang mặc bị ướt mồ hôi thì cần thay quần áo khô; nơi bé đang chơi nếu quá nóng thì chuyển bé đến nơi thoáng mát hơn.

- Tắm cho bé thường xuyên mỗi ngày 1 lần. Chú ý: Không nên tắm ngay khi trẻ đang đầm đìa mồ hôi hay vừa vận động mạnh, vì việc thay đổi thân nhiệt đột ngột có thể khiến trẻ bị cảm lạnh, viêm họng.


Trời nóng, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nằm lâu trên giường, trẻ em mặc quần áo chật… có thể dẫn đến rôm sảy. Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách phòng tránh ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Các cách phòng tránh cơ thể bé tiết nhiều mồ hôi khi thời tiết quá nóng:

- Cho trẻ mặc quần áo bằng loại vải mềm, nhẹ, dễ hút mồ hôi.

- Tránh cho trẻ ra ngoài khi thời tiết quá nóng, dùng quạt thông khí, máy điều hòa nhiệt độ cho trẻ. Nếu cho trẻ ra ngoài nên cho mặc áo chống nắng, đeo kính râm, đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang và thoa kem chống nắng cho trẻ…

- Chỗ ngủ trẻ phải luôn mát mẻ và thông khí tốt.

- Tắm mát cho trẻ bằng nước ấm. Khi đưa trẻ ra ngoài, nên khuyến khích bé uống đủ nước, ăn nhiều các vitamin có trong rau xanh, trái cây tươi và hạn chế các thức ăn quá ngọt như: chocolate, kẹo bánh…

- Tạo cho trẻ một môi trường và chế độ sinh hoạt hợp lý.

- Hạn chế cho trẻ đến những nơi hội họp đông người, không khí nóng, ngột ngạt.

- Tránh cho trẻ ra ngoài khi trời nắng nóng, nhất  là trong thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.


Việc dùng điều hòa hay quạt liên tục có ảnh hưởng gì không ạ? Chúng ta nên để ở nhiệt độ thế nào?


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Khi trời nóng thì dùng máy điều hòa hay quạt, nhưng để an toàn với trẻ nhỏ cha mẹ nên sử dụng đúng cách, đặc biệt là trẻ sơ sinh chưa có khả năng điều chỉnh thân nhiệt như người lớn. Vì vậy, trẻ dễ bị phát ban, mất nước, mất sức vì nắng nóng.

- Một căn phòng thoáng khí và điều chỉnh độ lạnh vừa phải sẽ giúp trẻ ngủ thoải mái. Những thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm bên ngoài có thể tác động đến việc làm mát của điều hòa. Nếu giữa trưa nắng nóng cha mẹ nên để nhiệt độ phòng là 23 độ C thì mới thấy mát nhưng đến chiều tối thì tăng nhiệt độ phòng lên 26 độ C là được.

- Nên để nhiệt độ ở mức ổn định, không quá lạnh cũng không quá nóng, khoảng từ 23-26 độ C vì phòng lúc nóng, lúc lạnh sẽ khiến trẻ khó chịu.

- Không để điều hòa thổi thẳng vào trẻ.

- Khi trẻ ngủ nên đắp một lớp chăn mỏng đến ngang khửu tay trẻ, tránh đắp lên tận mặt.

- Vệ sinh sạch nhà cửa, máy lạnh.

- Khi đang để trẻ ngồi phòng điều hòa, đừng đột nhiên đưa trẻ ra môi trường bên ngoài, sự chênh lệch nhiệt độ có thể làm trẻ bị sốc nhiệt.Nếu muốn đưa trẻ ra ngoài, hãy tắt điều hòa nhiệt độ, để trẻ tiếp tục ngồi trong căn phòng 10-15 phút  sự tăng nhiệt độ dần của căn phòng sẽ giúp trẻ dễ thích nghi hơn. Khi nhiệt độ trong phòng gần với nhiệt độ ngoài trời, lúc đó mới đưa trẻ ra ngoài.

- Không nhất thiết phải bật điều hòa 24/24 giờ. Khi trời không quá nóng hoặc quá ẩm, tốt nhất nên sử dụng quạt điện để làm mát cho trẻ. Tuy nhiên, không nên bật quạt lớn và để gần trẻ. Tùy theo lứa tuổi mà bố mẹ bật quạt số to nhỏ khác nhau. Đối với trẻ sơ sinh thì không nên để quạt quá gần, luôn để xa 2m trở lên và bật số nhỏ nhất. Lưu ý là không để quạt thổi thẳng vào mặt trẻ.


Thời tiết này, nếu buộc phải đưa trẻ đi ra ngoài thì cha mẹ cần trang bị thế nào cho trẻ ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Khi thời tiết nắng nóng, nếu buộc phải đưa trẻ ra ngoài cha mẹ cần trang bị cho trẻ:

- Bôi kem chống nắng cho trẻ theo chỉ dẫn của nhà sản xuất trước khi ra ngoài từ 15 - 30 phút nhằm bảo vệ làn da của bé tránh các tia tử ngoại nguy hiểm.

- Cho trẻ mặc quần áo dài, nhẹ, dễ hút mồ hôi, đội nón rộng vành, đeo kính râm.

- Nếu đi xe hơi cần tránh cho trẻ ngồi có ánh nắng chiếu vào, nơi hơi lạnh thổi ra.

- Nên bổ sung nước đầy đủ cho trẻ để tránh mất nước hoặc say nắng. Nếu bé đã lớn, mẹ có thể cho bé uống nước dừa hoặc nước ép quả mát, có thêm chút đá. Tránh để trẻ nhỏ dùng đồ uống mua sẵn, đóng chai không đảm bảo vệ sinh khi đi ra ngoài.


Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách sử dụng kem chống nắng cho trẻ nhỏ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Kem chống nắng giúp bảo vệ làn da dưới ánh nắng mặt trời, nhưng nếu sử dụng kem chống nắng không đúng cách hoặc kém chất lượng thì có thể gây hại cho da.

Bố mẹ nên thoa kem chống nắng cho con trước khi đưa trẻ ra ngoài trời. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Cách sử dụng kem chống nắng an toàn cho trẻ nhỏ:

- Đối với trẻ các sản phẩm lần đầu sử dụng, cha mẹ nên bôi thử một lượng nhỏ lên da bé để kiểm tra phản ứng dị ứng.

- Cha mẹ nên chọn cho bé loại kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên, có chữ “broad-spectrum” (phổ rộng) giúp ngăn nhiều loại tia độc hại, loại không mùi và không gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của trẻ.

- Trước khi cho trẻ ra ngoài 30 phút, nên thoa kem 1 lớp mỏng chống nắng cho trẻ dù trời nắng hay râm mát. Sử dụng lượng kem vừa đủ để bôi đều lên tất cả các vùng da hở.

- Kem dạng đặc có thể dùng được cho vùng mặt. Ngược lại, dạng xịt có thể dùng trực tiếp trên cơ thể trẻ nhưng riêng vời vùng mặt, bạn cần xịt trước ra tay mình rồi mới thoa cho trẻ.

- Mẹ nên thoa lại kem cho bé sau 2g nếu bé hoạt động mạnh, liên tục ngoài trời, ra nhiều mồ hôi hoặc bơi lội.


Về kính chống nắng cho bé thì cần đạt những yêu cầu gì ạ, nhờ bác sĩ hướng dẫn?


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Ngoài việc đeo kính giúp trẻ tránh bui bặm, chống nắng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác của trẻ nên việc chọn lựa kính chống nắng chất lượng cho bé là rất cần thiết.

Để đảm bảo an toàn cho mắt trẻ cần phải đảm bảo một số yếu tố sau:

- Mua kính tại các hiệu kính uy tín.

- Chọn loại kính có khả năng chống tia cực tím từ ánh nắng mặt trời, trên nhãn có ghi rõ đặc điểm có thể ngăn chặn 99 - 100% tia UV.

- Chất lượng của mắt kính đạt tiêu chuẩn dùng trong nhãn khoa hoặc bằng chất dẻo đặc biệt.

- Khả năng chống xước cao, không dễ trầy xước khi va chạm với vật cứng nhọn.

- Khả năng bao che, bảo vệ mắt: che mắt ở 4 vị trí: trên, dưới, trong, ngoài để chống các tia sáng mạnh và bụi.

- Tính thời trang của kính: cần lựa chọn kính phù hợp với khuôn mặt của trẻ.

- Tránh chọn tròng kính thủy tinh: vì trẻ đeo nặng và dễ trượt khi đeo.

- Màu mắt tròng kính: nên chọn màu nâu, xám, xanh hoặc màu hổ phách vì sẽ giúp giảm tia chói trong ánh sáng mặt trời. Cách chọn màu mắt kính từ những ký hiệu ghi trên mắt kính như: chữ A là loại mắt kính có màu thật nhạt, thường là màu hồng hoặc xanh da trời. Loại mắt kính này không đủ để bảo vệ mắt nếu trời nắng gắt. Tiếp theo loại B là loại kính thích hợp đeo ở những nơi có ánh sáng vừa phải vì nó hấp thụ 40% ánh sáng mặt trời. Loại C và D là loại mắt kính dành cho những chuyến đi du lịch ở những vùng nắng gắt hoặc những vùng núi cao.

- Gọng kính đeo vừa khuôn mặt.

- Cảm giác của trẻ khi nhìn, khó chịu hay không. Sau mỗi lần bé đeo kính đi chơi, cha mẹ cần lau chùi kính mát sạch sẽ bằng dung dịch lau mắt kính.


Nếu trẻ cứ đòi uống nước đá và ăn kem lạnh thì cha mẹ có nên đồng ý không, có thể cho bé ăn, uống những món này với lượng bao nhiêu là vừa đủ? Trẻ ăn, uống đồ lạnh nhiều quá sẽ ảnh hưởng gì?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Mùa nóng ăn món ăn lạnh, trong đó có kem và nước đá  là món khoái khẩu của mọi đứa trẻ. Nếu cha mẹ cấm tuyệt đối cũng không hợp lý cho con. Tuy nhiên, cha mẹ có thể cho trẻ ăn theo sự kiểm soát của mình như sau:

- Trẻ em từ 1-2 tuổi không nên ăn uống đồ lạnh.

- Cho trẻ ăn đồ lạnh giữa hai bữa chính.

- Mỗi ngày cho trẻ ăn 1 que kem, thức uống lạnh, mỗi lẫn không nên uống quá 50ml.

- Ngoài ra, bạn nên nhắc nhở trẻ khi ăn uống nên chậm rãi, không nên ăn quá nhanh, không nên cho trẻ ăn đồ lạnh khi trẻ vừa vận động mạnh và đổ nhiều mồ hôi vì dể kích thích các cơ quan trong cơ thể như  dạ dày, đường ruột lẫn cổ họng, dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu cho trẻ.


Thay vì nước đá và kem lạnh thì có những món gì có thể giúp trẻ giải khát, giải nhiệt ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Một số loại nước ép, hoa quả phù hợp thay thế nước đá và kem giúp trẻ không bị khô da và thiếu nước mùa hè bao gồm: sữa, sữa chua, nước cam, chanh chứa nhiều vitamin C, chè đậu đen, dưa hấu có mùi vị thơm ngon, giàu vitamin mà dưa hấu còn có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt với trẻ nhỏ. Xoài chứa nhiều dưỡng chất như: carotene, kali, sắt, vitamin E…

Phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước quả trong những ngày trời nắng nóng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước quả trong những ngày trời nắng nóng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Thực đơn cho trẻ trong ngày nắng nóng nên có những món gì, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

- Trẻ em thường rất hiếu động nên dễ khiến cho cơ thể trẻ mất đi một lượng nước đáng kể qua mồ hôi, đặc biệt là trong mùa nắng nóng. Bé còn rất ít uống nước, vì vậy bố mẹ cần bổ sung những thực phẩm giữ nước, có tính mát và nhiều vitamin C như: nước ép cam, ổi, cà chua, kiwi, bưởi... để trẻ không bị khô da và thiếu nước, tránh táo bón. Cha mẹ cũng nên bổ sung vitamin A từ các loại quả, củ như: đu đủ, carrot, khoai lang, bí đỏ...

- Thực phẩm kích thích sự ngon miệng như: mồng tơi, rau dền, đậu Hà Lan, đậu nành, thịt nạc, sò, tôm, cua, bột mì...

- Thực phẩm tăng sức đề kháng, có nhiều  kẽm, sẽ giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, ngon miệng. Cùng với đó là lysine có trong thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa giúp trẻ phát triển cơ xương, tăng khả năng hấp thu canxi. Vitamin C có nhiều trong rau đay, rau muống, quả bưởi, quả nhãn, chanh, dứa...

- Thực phẩm giúp trẻ  hạn chế mồ hôi trộm : như: cháo trai, cháo sò - hến, canh cá quả, canh rau ngót, chè đậu xanh, đậu đen…


Và gia đình cần lưu ý gì khi bảo quản thực phẩm ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Những cách bảo quả thực phẩm mùa nắng nóng:

- Thực phẩm chín: Trước khi cất thức ăn vào tủ lạnh, cần chú ý đun sôi trở lại và chờ cho thức ăn nguội. Nếu trữ thức ăn trong tô thì dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại. Sau khi lấy thức ăn từ tủ lạnh ra, phải nấu cho thức ăn sôi lại mới được dùng và chỉ nên dùng 1 lần mà thôi, các món canh chỉ nên để tủ lạnh trong khoảng 24 giờ; các món kho, mặn không nên để quá 3 ngày và bảo quản ở vị trí lạnh nhất trong tủ lạnh; các món chiên, rôti nên đổ ngập dầu rồi mới cho vào ngăn mát để món ăn không bị khô.

- Thực phẩm đông lạnh: Với những gia đình có thói quen đi chợ một ngày để dành cho nhiều ngày thì nên làm sạch các loại thực phẩm tươi sống ngay sau khi đi chợ về để hạn chế khả năng thực phẩm bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng. Giữ thịt, cá tươi sống trong ngăn đá là cách bảo quản an toàn nhất.

Để tránh việc rã đông nhiều lần có thể khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nên chia thịt, cá thành từng phần nhỏ phù hợp với từng bữa ăn.

Với các loại rau xanh, cần nhặt bỏ phần gốc, lá sâu, lá giập và rửa sạch, sau đó cho vào bao đựng thực phẩm, buộc chặt miệng túi trước khi cất vào ngăn mát. Các loại rau cải, rau lá xanh... không nên để lâu quá một tuần, thời hạn dùng tốt nhất là trong vòng 3 ngày kể từ lúc mua.


Có nên mua nước sâm, nước mát cho trẻ uống thêm để giải nhiệt? Nếu uống thì nên mua những loại lá nào?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Thành phần của  nước sâm thường gồm: sâm đại hành, atiso, lá mã đề, mía lau, rong biển, bông cúc, ngò hay cần tây, rau bắp, thục địa và rễ tranh. Theo sách vở thì nước sâm giúp giải khát, thanh nhiệt, thông tiểu, chống mệt mỏi, trị đái dắt (mã đề) và có tính kháng khuẩn nhẹ. Tuy nhiên, những công dụng trên chỉ phát huy trong điều kiện các dược thảo phải đầy đủ, mới hái và có chất lượng đạt yêu cầu và tự mình nấu.

Hiện nay, đa số chúng ta mua nước sâm ở các xe nước mát ngoài đường rất đáng nghi ngờ và không đảm bảo chất lượng: nước sâm dược thảo có bao nhiêu loại hay chỉ có nước mà không bảo đảm nước đó tinh khiết hay dùng phẩm màu hóa chất; chưa kể tới tình trạng thùng đựng, ly tách, nước rửa ly, giẻ lau, bàn tay người bán… kém vệ sinh; nếu để qua đêm thì nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao. Do đó, không nên mua nước sâm, nước mát cho trẻ uống thêm để giải nhiệt. Tuy nhiên có thể mua các loại lá kể trên về nhà tự nấu uống.

Nước sâm alf thứ nước mát lành, giúp giải nhiệt rất tốt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Nước sâm là thứ nước mát lành, giúp giải nhiệt rất tốt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

- Ngoài các loại kể trên chúng ta cũng có thể nấu các loại nước hoa cúc, hoa hồng, râu mèo, rong biển, rau câu…; các loại đậu như đậu xanh, đậu đen, đậu nành,sương sâm, sương sáo… cho trẻ uống cũng mát, giúp giải nhiệt.

Thân mến.

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian giúp các bậc phụ huynh giải tỏa nỗi lo lắng về cách bảo vệ trẻ nhỏ khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao. Hẹn gặp lại bác sĩ trong chương trình lần sau!

Thực hiện: Hải Yến - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X