Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình hướng dẫn chăm sóc rốn trẻ sơ sinh

Trong buổi tư vấn "mở hàng" tuần 3 tháng 4 của AloBacsi, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình hướng dẫn cho các bậc phụ huynh cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh đúng nhất, sai lầm cần tránh và những trường hợp bị rốn sâu, rốn lồi có đáng lo... Mời bạn đọc theo dõi.


NỘI DUNG TƯ VẤN

Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh là việc không thể thiếu khi các gia đình đón thành viên nhí về nhà. Xin BS cho biết cách chăm sóc rốn bé trước khi rụng như thế nào?

Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh khi chưa rụng như sau:

- Vệ sinh vùng rốn của bé: Sau khi chào đời, dây rốn sẽ được kẹp lại để giữ cuống rốn sạch sẽ, dùng khăn mềm, nhẹ nhàng vệ sinh và thay băng vùng rốn của bé mỗi ngày một lần, hoặc sau mỗi lần tắm và thay tã cho bé. Khi vệ sinh, thay băng rốn cho bé, nên rửa tay sạch bằng xà phòng và sát trùng trước và thực hiện thao tác vệ sinh rốn:

Mẹ nhẹ nhàng gỡ miếng gạc cũ ra. Dùng bông vô khuẩn thấm cồn Iod lau sạch từ chân lên cuống rốn và vùng da xung quanh rốn.

Thay miếng gạc vô khuẩn mới rồi dùng băng rốn loại mỏng, sạch, nhẹ nhàng quấn một vòng xung quanh bụng của bé. Khi quấn băng rốn, nên quấn vừa quanh bụng bé không lỏng quá mà cũng không chặt quá. Ngoài ra, không nên chọn loại băng rốn quá dày, cứng vì da của bé rất nhạy cảm.

Giữ cho cuống rốn của bé khô thoáng để giúp cuống rốn mau rụng.

- Cẩn thận khi tắm cho bé: Khi tắm cho bé nên giữ cho cuống rốn khô và tránh chạm vào nước. Nếu cuống rốn bị ướt, hãy lau khô bằng khăn mềm. Nếu cuống rốn của bé bị bẩn thì nên vệ sinh cho sạch bằng nước muối sinh lý sau đó nhẹ nhàng lau khô. Khi tắm mẹ không được nhúng toàn bộ vùng rốn của bé xuống nước. Do nước sau khi tắm cho bé không còn sạch nữa nên rất dễ gây viêm nhiễm, và  nước tắm sẽ thấm sâu trong cuống rốn, rất khó khô. Ngoài ra, không được để nước tiểu của bé dính vào rốn, đặc biệt là với các bé trai, luôn giúp cuống rốn của bé luôn khô và sạch sẽ.

- Cẩn thận khi mặc quần áo cho bé: Quấn tã phía dưới rốn, giữ cho vùng rốn hở ra, cuống rốn khô. Khi tiếp xúc với không khí, cuống rốn sẽ mau khô không nên để áo quần hoặc tã che lấp cuống rốn của bé.

- Nếu đã qua 2 tuần mà cuống rốn vẫn chưa rụng, cha mẹ đừng quá lo lắng. Đôi khi, cuống rốn rụng trễ. Trong trường hợp này, nên chờ cuống rốn rụng tự nhiên chứ không nên tác động lên nó. Nếu rốn có dấu hiệu bất thường như chảy máu, chảy nước vàng, bạn hãy đưa bé đến bệnh viện gặp bác sĩ khám để chẩn đoán xác định và có hướng điều trị thích hợp.


Bao lâu thì rốn sẽ rụng? Sau khi rốn rụng, cha mẹ nên chăm sóc thế nào, thưa BS?

Thời gian trẻ sơ sinh rụng rốn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện chăm sóc, vệ sinh rốn, do cơ địa của trẻ hoặc do các tác từ người mẹ.

Cuống rốn thường rụng sau 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp 4 - 5 ngày cuống rốn đã rụng hoặc 2 tuần rồi mà cuống rốn vẫn chưa rụng. Cuống rốn rụng muộn có thể do chân rốn lớn, đó là bình thường không nên giật đứt dây rốn gây cuống rốn chảy máu, nhiễm trùng rất nguy hiểm cho bé.

- Việc chăm sóc rốn sẽ quyết định trực tiếp đến sức khỏe của bé, vì vậy phải cẩn thận trong việc vệ sinh rốn. Có một số lưu ý trong chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh mà các mẹ cần tham khảo như sau: Vệ sinh tay thật sạch trước khi vệ sinh rốn trẻ, luôn giữ cuống rốn ở trạng thái khô và thoáng mát. Tuyệt đối không nên băng kín rốn mà nên để rốn hở. Khi cuống rốn tiếp xúc với không khí sẽ giúp quá trình lành lặn nhanh hơn. Sau khi tắm cho trẻ nên lau khô người bé trước rồi mới dùng que gòn chấm nhẹ chân rốn trẻ. Sau khi trẻ rụng rốn không nên để rốn bé tiếp xúc với nước, quấn tã và mặc quần cho bé phía dưới rốn. Ngoài ra, nên thay tã cho bé thường xuyên vào mùa hè để tránh tình trạng bí hơi khiến bé đổ mồ hôi, tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc bôi cho trẻ nếu bác sĩ không chỉ định. Mặc quần áo cho trẻ nên gọn nhẹ, thoáng mát, dễ hút mồ hôi.


Khi bị rơi rụng, một số rốn của trẻ bị chảy máu, lúc này cha mẹ cần làm gì?

Sau khi rốn rụng, nếu bị chảy máu nhẹ thì sẽ khỏi nhưng trường hợp máu chảy nhiều, khó cầm máu thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Trường hợp này nếu không được chữa trị sớm sẽ khiến rốn bé nhiễm trùng nghiêm trọng hơn dẫn đến hoại tử rốn. Do đó, khi quan sát thấy rốn bé có những dấu hiệu chảy máu bất thường thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để bác sĩ khám và xử trí kịp thời.

Cha mẹ cần cẩn trọng trong việc vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh. Ảnh internet

Nếu rốn lâu rụng, quá nhiều ngày mà vẫn chưa rụng thì phải làm thế nào ạ?

Cha mẹ đừng cảm thấy quá lo lắng khi rốn của bé chưa chịu rụng. Nếu rốn bé không rỉ dịch, chảy mủ, không sưng đỏ thì không sao. Lúc này, nên vệ sinh rốn hàng ngày bằng nước muối sinh lý (Natri Clorid 0,9%) và để hở rốn, không băng kín, quấn tã thấp dưới rốn thì rốn sẽ khô và rụng. Nếu bé có triệu chứng gì bất thường thì nên đưa bé đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và điều trị.


Theo BS, những dung dịch nào nên và không nên dùng để vệ sinh rốn cho bé? Nên dùng bông gòn hay gạc ạ?


Để vệ sinh rốn cho bé, chỉ nên dùng nước muối sinh lý 0,9% hoặc cồn 70 độ, và gạc vô trùng  không được dùng bất kỳ thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ.


Nếu rốn bé có mủ thì cha mẹ nên xử lý như thế nào, có cần đi BS không ạ? Nhiễm trùng rốn nguy ra sao?

Nếu thấy rốn bé có mủ thì cha mẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách thay băng hàng ngày cho bé, nặn hết mủ, rửa rốn bằng dung dịch oxy già, sau đó lau khô rồi dùng băng gạc vô trùng băng lại. Khi quấn tã, tránh vùng rốn bé để không gây bí, nóng dễ dẫn đến viêm nhiễm.

Tuyệt đối không sử dụng bông gòn vì những sợi từ bông gòn thường dính vào rốn và có thể gặp khó khăn để lấy ra, gây các biến chứng khác cho rốn.

Thường xuyên tháo băng rốn và kiểm tra xem có bất thường gì không (mùi lạ, chảy mủ, sưng hay chảy máu,…).

Tuy nhiên nếu biểu hiện bệnh nặng, bé sốt cao, bỏ bú, toàn thân mệt mỏi, quấy khóc cần phải đưa bé đến ngay cơ sở y tế.

Rốn là con đường cung cấp các chất dinh dưỡng và oxy từ bánh nhau của người mẹ đến thai nhi và dây rốn cũng sẽ được nối thẳng vào gan của trẻ. Do đó, khi rốn bị nhiễm trùng thì sẽ ảnh hưởng đến gan rất nhanh, đi vào máu và gây nhiễm trùng máu trẻ sơ sinh, đặc biệt nguy cơ tử vong ở trẻ cũng rất cao (40 - 80% ). Bên cạnh đó, nếu nhiễm trùng rốn thì nguy cơ trẻ bị uốn ván rốn là rất cao.

Trường hợp rốn chảy nước và có mùi thì đáng ngại không ạ, và làm sao để khắc phục?

Khi rốn trẻ sơ sinh bị chảy nước và có mùi, có tiết dịch và rốn trẻ sơ sinh bị hôi kéo dài và xuất hiện mủ thì cần đến bệnh viện ngay để chữa trị. Rốn bé bị nhiễm khuẩn nghiêm trọng có thể làm bé bị nhiễm trùng máu khiến bé bị sưng phù toàn thân, chướng bụng và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa rất nguy hiểm.

Để khắc phục tình trạng này, các mẹ có thể:

- Dùng băng gạc vô trùng có thấm cồn 70 độ để lau rửa rốn và vùng da xung quanh rốn của bé nhẹ nhàng mỗi ngày. Không nên sử dụng các loại thuốc bôi khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ.

- Nên giữ vệ sinh tay thật sạch sẽ bằng xà phòng hoặc cồn 70 độ để diệt khuẩn trước khi vệ sinh rốn cho bé.

Khi tắm cho bé nên giữ cho cuống rốn khô và tránh chạm vào nước. Nếu cuống rốn bị ướt, hãy lau khô bằng khăn mềm. Ảnh: Internet

Nếu trẻ đã lớn lên mà rốn vẫn chảy dịch hôi thì đó có thể là bệnh gì, chữa trị ra sao ạ?

Khi trẻ đã lớn lên mà rốn vẫn chảy dịch hôi thì đó có thể là bệnh: Viêm rốn, viêm mạch máu rốn, nhiễm trùng rốn, hoại tử rốn.

Cách chữa trị như sau:

- Nên vệ sinh rốn của bé hàng ngày và tuyệt đối không băng kín rốn để luôn luôn giữ rốn của bé sạch sẽ và khô thoáng.

- Nên rửa tay bằng xà bông và cồn 70 độ trước khi chăm sóc bé để diệt hết mọi vi khuẩn trên tay mẹ và tránh lây lan sang rốn bé.

- Bé phải luôn mặc tã, quần dưới rốn và tránh không để bất kỳ vật gì va chạm vào rốn bé.

- Lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh, không để rốn bị dính vào nước. Mẹ chỉ nên thả bé vào chậu nước tắm khi cuống rốn đã rụng và chân rốn khô hoàn toàn.

- Hàng ngày, sau khi tắm xong cho bé, dùng băng gạc vô trùng nhúng cồn 70 độ lau nhẹ nhàng phần chân rốn, thân cuống rốn, mặt cắt cuống rốn và phần da xung quanh rốn có bán kính khoảng 5cm từ trong ra ngoài. Không dùng bông gòn vệ sinh rốn bé vì sợi bông gòn dính vào rốn của bé.

- Tuyệt đối không dùng bất kỳ một loại dung dịch hay chất lạ nào rắc hay bôi lên vùng rốn kể cả thuốc đỏ, thuốc kháng sinh, dầu tắm, nước thơm hay tinh dầu massage,...


Theo BS, cha mẹ thường gặp sai lầm gì khi chăm sóc rốn bé?

Sai lầm thường gặp trong chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh:

- Băng rốn bé quá chật, quá kín vì băng rốn quá kín sẽ tạo môi trường tốt cho vi trùng phát triển, làm rốn bị tấy đỏ, chảy mủ…

- Khi thấy rốn của bé gần rụng, chỉ còn dính một phần rất nhỏ với cuống rốn đã tự ý giật hoặc cạy bỏ gây tổn thương nguy hiểm và nghiêm trọng cho bé.

- Mẹ  tự ý bôi thuốc đỏ, các chất lạ, đắp lá, rắc hạt tiêu… lên cuống rốn bé với hy vọng sẽ giữ vệ sinh cho rốn và làm cho rốn mau rụng nên  gây ra tình trạng trẻ bị nhiễm trùng rốn nặng, khó điều trị và để lại di chứng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, vàng da.


Vì sao có trẻ rốn lồi, có trẻ rốn sâu, thưa BS? Cách khắc phục rốn lồi như thế nào?

Rốn lồi, rốn sâu là một dị tật khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non.

Rốn lồi và sâu do thoát vị rốn gây ra. Khi trẻ bị thoát vị rốn, một phần nội tạng sẽ rời khỏi vị trí bình thường của nó rồi chui ra ngoài chỗ lỗ rốn (khi trẻ mới sinh, lỗ rốn vẫn chưa đóng kín vì đây là đường dẫn chất dinh dưỡng từ nhau thai vào cơ thể bé), tạo thành một khối lồi lên rõ rệt ở vùng bụng.

Khi rốn rụng, bắt đầu lành và liền sẹo, ngay tại vị trí lỗ rốn nổi lên một khối tròn bên ngoài thành bụng gọi là thoát vị rốn. Khi trẻ sơ sinh khóc lớn, ho, rặn thì khối lồi này sẽ phình to ra tạo thành rốn lồi. Sau khi bé lớn hơn 1 tuổi thành bụng sẽ khỏe hơn và đóng kín lỗ hổng thành bụng, khối lồi sẽ biến mất.

Nhưng có một số trẻ đến 4 hoặc 5 tuổi  vẩn còn rốn lồi, gặp trường hợp này mẹ có thể nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ để đẩy khồi lồi vào.

Đa phần các trường hợp rốn bị lồi thường không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé.

Việc chăm sóc rốn sau khi rụng là rất cần thiết nên thường xuyên quan sát rốn để phát hiện những bất thường xảy ra để sớm kịp thời xử trí.

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X