Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình: Chăm sóc trẻ tiêu chảy tại nhà

Chiều ngày 27/3, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình y hẹn với bạn đọc, tư vấn về các vấn đề xung quanh việc chăm sóc trẻ tiêu chảy tại nhà như: cách bù nước cho trẻ, có nên cho con uống thuốc kháng sinh hay thuốc chặn tiêu chảy...

Tiêu chảy là tình trạng thường gặp ở trẻ em. Bệnh lý này khiến phụ huynh không khỏi lo lắng cho sức khỏe của con em mình. Trân trọng mời bạn đọc theo dõi BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà khi con trẻ bị tiêu chảy.


NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Mùa nắng nóng ở Nam bộ, trẻ dễ bị tiêu chảy đang là vấn đề lo lắng của các bậc phụ huynh có con nhỏ. Xin bác sĩ cho biết, trẻ nhũ nhi và trẻ lớn bị tiêu chảy có những biểu hiện gì, gồm các mức độ nào?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com
 
Tiêu chảy là bệnh nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Bệnh có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng và đe dọa tính mạng chỉ trong một thời gian ngắn.

Nếu thấy trẻ đi tiểu ít, bị khô miệng, khô da và nhăn, có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu và buồn ngủ nên sớm đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ khám và điều trị.

Biểu hiện phổ biến nhất của tiêu chảy ở trẻ nhũ nhi và trẻ lớn là đi phân lỏng từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà trẻ bị bệnh có những biểu hiện  như: phân có máu, ớn lạnh, sốt, rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đầy bụng, buồn nôn, nôn, ăn không ngon, khô miệng, mắt trũng, da nhăn.

Khi trẻ có các biểu hiện trên, tốt nhất bạn hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ.

Tiêu chảy được chia làm 3 loại:

- Tiêu chảy cấp là tiêu chảy dưới 14 ngày.

- Tiêu chảy mãn là tiêu chảy trên 14 ngày.

- Tiêu chảy xâm lấn phân có đàm máu bất kể thời gian (hay thường gọi là hội chứng kiết lỵ).

Theo BS Ngọc Bình, tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Ảnh:
Theo BS Ngọc Bình, tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Ảnh: Hoàng Long

Trẻ bị tiêu chảy do những nguyên nhân gì ạ? Tại sao trẻ hay bị tiêu chảy vào mùa hè và cả mùa đông (miền Bắc) vậy bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em đó là:

- Do nhiễm virus Rotavirus, vi khuẩn, nhiễm ký sinh trùng;

- Do chế độ dinh dưỡng, nhất là ngộ độc thức ăn;

- Vệ sinh kém;

- Hệ thống miễn dịch của bé kém và bộ máy tiêu hóa còn non nớt;

- Do trẻ uống thuốc kháng sinh để điều trị bệnh khác;

- Trẻ hay bị tiêu chảy vào mùa hè và cả mùa đông (miền Bắc) là do virus Rotavirus gây nên.

Nếu bạn và bé đã đi du lịch ngoài nước gần đây, hãy cho bé đi khám bác sĩ, con bạn rất có thể cần phải xét nghiệm phân. 

Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy phần lớn do virus Rota gây ra. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy phần lớn do virus Rota gây ra. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Cha mẹ nên bù nước cho bé thế nào là đúng cách?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Để bù nước cho trẻ đúng cách, cha mẹ nên cho trẻ uống Oresol. Cách sử dụng là pha 1 gói Oresol cùng 1 lít nước và cho trẻ uống như sau:

* Liều lượng:

- Trẻ dưới 2 tuổi: 50-100ml sau mỗi lần tiêu chảy.

- Trẻ 2-10 tuổi: 100-200ml sau mỗi lần đi phân lỏng.

- Trẻ trên 10 tuổi: uống theo nhu cầu của trẻ.

* Cách uống:

Cho trẻ uống thường xuyên, nếu trẻ nôn hãy đợi 10 phút sau tiếp tục cho uống nhưng uống từ từ. Quan sát thấy mi mắt trẻ mọng lên thì dừng uống.

Với trẻ còn bú thì vẫn tiếp tục cho con bú thường xuyên và mỗi bữa cho bú lâu hơn. Mẹ nên theo dõi tiếp số lần tiêu chảy, số lượng phân, tình trạng cơ thể. Nếu thấy trẻ quấy khóc hoặc uống kém, nôn nhiều, tiêu chảy tăng lên thì chuyển ngay đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, theo dõi và điều trị.


Có những bé không chịu uống Oresol vì hương vị khó uống, trường hợp này cha mẹ nên làm gì ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Có những bé không chịu uống Oresol vì hương vị khó uống, trường hợp này cha mẹ nên" chế biến" cho trẻ uống bằng cách:

Dùng nước đường muối:

Với 1 lít nước pha với 8 thìa cà phê đường và 1 thìa cà phê muối. Dung dịch này gần giống công thức gói Oresol và cách cho uống giống Oresol.

Dùng nước dừa:

Nước dừa rất tốt để bổ sung điện giải cho cơ thể. Nước dừa còn rất dễ uống đối với trẻ. Tuy nhiên, nên cho trẻ uống nước dừa nguyên chất không pha cho thêm đường.

Lý do là khi trẻ bị tiêu chảy nếu thêm đường vào nước uống sẽ làm tăng glucose sẽ làm mất cân bằng điện giải, có thể khiến trẻ bị tiêu chảy nhiều hơn. Vì vậy, các mẹ nhớ đừng cho thêm đường vào khi cho trẻ uống.

Dùng nước ép trái cây:

Nước cam, nước chanh đều có thể dùng khi cơ thể trẻ mất nước. Nhưng cũng như nước dừa, tuy dễ uống nhưng không nên pha thêm đường cho trẻ. Và vẫn nên cho trẻ uống thêm nước đun sôi để nguội.

Ngoài ra, có thể bù bằng: Sữa mẹ, nước gạo rang và  muối, cháo cà rốt… Trong bữa ăn nên có canh, tăng cường ăn hoa quả, uống nước, không được cho trẻ uống các loại nước có ga, nước ngọt đóng chai.

Bố mẹ nên cho bé uống nước cam khi con trẻ bị tiêu chảy. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bố mẹ nên cho bé uống nước cam khi con trẻ bị tiêu chảy. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Cha mẹ có nên cho bé uống thuốc kháng sinh, thuốc chặn tiêu chảy không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Cha mẹ không nên tự ý cho bé uống thuốc kháng sinh, thuốc chặn tiêu chảy, mà phải có chỉ định của bác sĩ.

Không cho bé uống thuốc kháng sinh là do khi bé bị tiêu chảy mất cân bằng lợi khuẩn, nếu không biết rõ nguyên nhân bé tiêu chảy mà cho bé uống kháng sinh sẽ làm tăng nguy cơ khiến bé tiêu chảy nhiều hơn.

Còn thuốc chặn tiêu chảy nếu bé uống sẽ ngừng tiêu chảy ngay, đồng thời nhu động ruột không hoạt động làm cho bé chướng bụng, ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.


Có nên bổ sung men vi sinh, men tiêu hóa hay bổ sung kẽm cho bé bị tiêu chảy không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com


Men vi sinh theo cách hiểu khoa học còn gọi là probiotic, là những vi khuẩn có lợi cho đường ruột giúp tạo hệ sinh thái cân bằng trong đường ruột, tham gia vào giai đoạn cuối của quá trình tiêu hóa thức ăn và bảo vệ ruột già. Bổ sung các men vi sinh nhằm nâng cao sức đề kháng cho đường ruột là rất cần thiết.

Đối với trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch vẫn còn non nớt, nên rất cần sự hỗ trợ của men vi sinh nhất là khi trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy.

Khi trẻ bị tiêu chảy thường mất lớp vi khuẩn có lợi bảo vệ đường ruột, cho nên cần phải bổ sung vi khuẩn có lợi để hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ và bảo vệ đường ruột khỏi tác nhân gây bệnh.

Đồng thời, việc bổ sung men tiêu hóa cũng rất cần thiết cho hệ tiêu hóa của trẻ, tuy nhiên nên làm theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Ngoài ra, kẽm làm tăng khả năng miễn dịch, giúp cơ thể phòng chống các tác nhân gây bệnh; kẽm giúp quá trình hấp thu dinh dưỡng của ruột làm tăng hiệu quả trong thời gian điều trị tiêu chảy; kẽm làm tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ suy dinh dưỡng, trẻ biếng ăn... Cho nên, việc bổ sung kẽm trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em cũng rất cần thiết

khi trẻ bị tiêu chảy (đặc biệt alf trẻ sơ sinh) phụ huynh nên bổ sung men vi sinh. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Khi trẻ bị tiêu chảy (đặc biệt là trẻ sơ sinh) phụ huynh nên bổ sung men vi sinh. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Với trẻ đang bú mẹ mà bị tiêu chảy, mẹ cần lưu ý điều gì, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Nếu trẻ đang trong thời kỳ bú mẹ mà bị tiêu chảy, bố mẹ cần lưu ý:

- Trước khi cho bé bú mẹ nên vệ sinh sạch sẽ đầu vú, núm vú, bầu vú vì có rất nhiều vi khuẩn trú ngụ, dễ có nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ thông qua bú mẹ.

- Tiêu chảy ở trẻ do chế độ ăn uống của mẹ thì mẹ nên vắt hết sữa trong ngực ra để cơ thể tái tạo sữa mới. Đồng thời, mẹ nên thay đổi chế độ ăn uống sao cho hợp lý, tránh các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ.

- Nếu mẹ đang mắc một bệnh lý nào đó và đang uống thuốc để điều trị bệnh thì hãy ngưng uống thuốc và đến bệnh viện để bác sĩ khám và điều trị bằng các phương pháp khác an toàn.

Trong trường hợp bệnh tiêu chảy của bé ngày càng nặng và kèm theo sốt, mất nước, mệt mỏi, bỏ bú… thì mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời.


Chế độ ăn cho trẻ bị tiêu chảy có gì khác so với ngày thường ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com


Khi bị tiêu chảy cần có chế độ ăn uống hợp lý để cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể mà không gây tổn thương lên hệ tiêu hóa. Ưu tiên hàng đầu là bù nước và chất điện giải, cân bằng nước và hệ vi sinh đường ruột.

Chế độ ăn cho trẻ bị tiêu chảy là vấn đề rất quan trọng để đề phòng trẻ bị sút cân và suy dinh dưỡng. Sau đây là lưu ý về chế độ ăn uống cho trẻ bị tiêu chảy:

- Các loại thực phẩm phải an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm phải tươi ngon;

- Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú bình thường và tăng số lần bú;

- Trẻ trên 6 tháng tuổi: ngoài sữa mẹ cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và từng ít một, các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt, trứng, cá, sữa… và cần cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần;

- Thức ăn chế biến cần mềm, nấu kỹ, nấu loãng hơn bình thường và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm, nấu cử nào cho ăn hết cử đó;

- Không nên hâm đi hâm lại thức ăn cho trẻ;

- Cho trẻ ăn thêm trái cây hoặc nước ép trái cây như chuối, cam, chanh, xoài, đu đủ… để tăng lượng kali. Không dùng các loại nước có ga vì chúng có thể làm tăng tiêu chảy;

- Tránh các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng và không dùng các loại thức ăn có nhiều đường vì những loại thức ăn này có thể làm tiêu chảy nặng hơn.

BS Ngọc Bình lưu ý: bố mẹ nên có chế độ dinh dưỡng đặc biệt hơn ngày thường khi con bị tiêu chảy nhé. Ảnh: Hoàng Long
BS Ngọc Bình lưu ý: bố mẹ nên có chế độ dinh dưỡng đặc biệt hơn ngày thường khi con bị tiêu chảy nhé. Ảnh: Hoàng Long


Khi nào cần đưa trẻ tiêu chảy đi bệnh viện khám ngay?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Cho trẻ đi bệnh viện ngay lập tức nếu có các biểu hiện sau:

- Miệng, môi khô, mắt trũng, da nhăn, đòi uống nước liên tục.

- Chán ăn, nôn ói và sụt cân, lừ đừ, phát ban.

- Quấy khóc mà không có nước mắt, thóp lỏm.

- Bé bị tiêu chảy không đi tiểu từ 4 đến 6 giờ với trẻ nhỏ và từ 6 đến 8 giờ với trẻ lớn hơn. Trẻ dưới 6 tháng tuổi sẽ bị mất nước nhanh hơn so với trẻ lớn.

- Phân dính máu kèm theo đau bụng dữ dội hoặc sốt cao.

- Sốt và tiêu chảy hơn 3 ngày.


Để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ, gia đình và nhà trường cần chú ý những vấn đề gì, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com

Đa số tác nhân gây tiêu chảy thường theo đường ăn uống nên biện pháp phòng bệnh cơ bản nhất là nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất sáu tháng đầu đời, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, an toàn, dùng nguồn nước sạch sinh hoạt như ăn chín uống sôi, vệ sinh khi nấu ăn hoặc cho trẻ uống nước. Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng và uống phòng tiêu chảy Rota.

Đối với gia đình, phụ huynh cần cho trẻ ăn chín, uống sôi (trẻ đã ăn được và đã đi học); không nên cho trẻ ăn vặt, ăn quán vỉa hè không đảm bảo vệ sinh.

Đối với nhà trường, để phòng tránh bệnh tiêu chảy cho học sinh, nhà trường nên vệ sinh phòng học và xung quanh trường sạch sẽ, hướng dẫn trẻ không vứt rác bừa bãi.

Nếu có trường hợp học sinh bị tiêu chảy, giáo viên nên thông báo với phụ huynh và cho trẻ bị tiêu chảy ở nhà điều trị. Nhà trường cũng cần chú ý khu vực bếp nấu ăn, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và lựa chọn thực phẩm tươi ngon, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nhân viên nấu ăn ở trường cần  khám sức khỏe theo định kỳ, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi nấu ăn và nhớ đeo găng tay trong quá trình chế biến. Thức ăn cần được nấu chín kỹ, sạch và đảm bảo yêu cầu vệ sinh, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.

Thân mến.

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề hăm tã ở trẻ nhỏ, giúp bố mẹ chăm sóc bé. Xin hẹn gặp lại bác sĩ trong lần tư vấn tiếp theo. Ảnh: Hoàng Long
AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề chăm sóc trẻ tiêu chảy tại nhà. Xin hẹn gặp lại bác sĩ trong lần tư vấn tiếp theo. Ảnh: Hoàng Long

Chủ đề tiếp theo: Bé nổi đẹn, làm sao mau hết?

Vấn đề trẻ nổi đẹn sẽ được BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn, giải đáp với quý bạn đọc vào sáng thứ sáu (29/3), từ 10h00 - 11h30.

Ngay từ bây giờ, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về cho chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 0898308983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của chương trình qua số điện thoại: 028.66800 367

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Yến Thi
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X