Hotline 24/7
08983-08983

Bong gân, sơ cứu thế nào và điều trị ra sao?

Bong gân là một chấn thương thường gặp trong cuộc sống khi bạn vui chơi, thể thao, tai nạn… Tuy nhiên không phải ai cũng biết xử trí đúng cách để tránh chấn thương nặng hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này.

Bong gân là gì?


Bong gân là chấn thương thường gặp có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào khi chơi thể thao, té ngã, tai nạn giao thông... Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Bong gân là một trong những tai nạn thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hiện đại. Bạn đang chơi thể thao, bị tai nạn giao thông, té ngã, trẹo khớp hoặc xô đẩy nhau… đều có thể đến khớp trật ra khỏi vị trí bình thường.

Bong gân là sự tổn thương của bao khớp, phổ biến là các dây chằng, thường xảy ra sau một động tác quá mạnh nhưng không gây ra trật khớp hoặc gãy xương. Những khớp xương thường bị bong gân là cổ chân, đầu gối, cổ tay… và khó phân biệt với trật khớp, gãy xương. Hiện nay, bong gân ở ngón tay cái rất phổ biến do chơi bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá và tập tạ, tập gym…

Bong gân khớp cổ chân gặp ở mọi lứa tuổi, với mức độ tổn thương từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc mức độ tổn thương dây chằng.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị tình trạng bong gân?


Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này, chẳng hạn như:

- Thế chất kém: khiến các cơ của bạn yếu và có nhiều khả năng bị các thương tích;

- Mệt mỏi: Cơ bị mệt mỏi ít có khả năng cung cấp sự hỗ trợ tốt cho các khớp của bạn. Khi mệt mỏi, bạn cũng có nhiều khả năng không chịu được những áp lực có thể gây căng thẳng cho khớp hoặc làm căng cơ;

- Khởi động không đúng. Bạn nên làm nóng cơ thể đúng cách bằng cách thư giãn cơ bắp và làm tăng khả năng vận động của khớp trước khi hoạt động thể thao, giúp cho cơ bớt căng cứng và ít nguy cơ chấn thương cũng như bị rách cơ;

- Điều kiện môi trường. Các bề mặt trơn trượt hoặc không đều có thể khiến bạn dễ bị thương tích hơn.

- Thiết bị hỗ trợ kém. Giày dép không vừa hoặc giày dép không đảm bảo chất lượng hoặc các thiết bị thể thao không thích hợp có thể góp phần làm căng cơ hoặc bong gân.

Khi bị bong gân nặng rất cần sự hỗ trợ về y tế từ bác sĩ để tránh di chứng về sau. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Triệu chứng bong gân


Triệu chứng bong gân thường gặp nhất là đau, tăng lên khi đi lại, lúc sau thì sưng và bầm tím. Khi bị bong gân, bạn sẽ cảm thấy đau nhói như điện giật ở vùng khớp bị trẹo, sau đó, khớp tê dại không còn đau nữa. Khoảng 1 giờ sau, cảm giác đau nhức dần dần trở lại. Nếu nhẹ nhàng lật khớp lại giống như lúc bị chấn thương, bạn sẽ thấy đau nhói như điện giật, sưng xung quanh khớp, da vùng khớp tái nhợt do chảy máu trong và biến loạn vận mạch.

Bên cạnh đó, nếu bong gân ở bàn chân, mắt cá chân, bệnh nhân sẽ không bước đi được nữa, phải đặt bàn chân nằm xuống đất.

Phân biệt bong gân, trật khớp và gãy xương


Bong gân là sự giãn hoặc rách đứt bao gân quanh ổ khớp, trật khớp là sự sai lệch đầu xương tạo nên ổ khớp, khiến khớp không thể cử động được nữa. Còn gãy xương có 2 loại là gãy kín và gãy hở. Gãy kín là trường hợp xương bị gãy nhưng không có vết thương chảy máu ngoài da. Gãy xương hở là có vết thương chảy máu ra ngoài da, có khi thấy đầu xương gãy lòi ra ngoài.

Một số triệu chứng dưới đây sẽ giúp bạn nhận định được 3 tình trạng này:

Bong gân

Trật khớp

Gãy xương

- Đau nhức nơi tổn thương

- Sưng nề to, có thể có vết bầm tím dưới da

- Chiều dài chi bình thường không biến dạng

- Vận động khó khăn, đau nhức

-Tại nơi khớp bị tổn thương có khi rất lỏng lẻo mà bình thường không có tình trạng đó.

- Đau dữ dội, liên tục, nhất là lúc cử động.

- Mất vận động hoàn toàn, không gấp, duỗi được.

- Khớp biến dạng, đầu xương lồi ra, có thể sờ thấy dưới da.

- Chỉ ở tư thế không bình thường, dài hoặc ngắn lại, thay đổi hướng tùy theo loại khớp.

- Sưng nề to quanh khớp

- Tím bầm quanh khớp

- Đau rất nhiều tại điểm gãy.

 

- Giảm cử động của chi gãy nếu gãy xương ít di lệch.

 

- Mất cử động hoàn toàn nếu bị gãy rời hai đầu xương.

 

- Vùng da trên ổ gãy bị bầm tím nếu bệnh nhân đến muộn sau tai nạn 24 - 48 giờ.

 

- Sờ nắn nhẹ nhàng có thể thấy đầu xương gãy ghồ lên ở dưới da.

 

- Nghe thấy tiếng lạo xạo xương gãy. Ấn có điểm đau chói tại ổ gãy. Chi gãy bị sưng nề, tràn dịch khớp.

 

- Biến dạng chi: lệch trục chi, gấp góc, chi gãy ngắn hơn chi lành.

 

Khi thăm khám, các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ việc khám sức khỏe để xác định dây chằng nào bị rách. Trong khi kiểm tra, bác sĩ có thể di chuyển khớp mắt cá chân của bạn theo nhiều cách khác nhau để kiểm tra phạm vi chuyển động.

Một số xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang, cũng có thể được sử dụng để loại trừ một vết nứt xương (gãy xương). Chụp cộng hưởng từ MRI có thể được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ bị sứt mẻ xương, chấn thương nghiêm trọng đối với dây chằng hoặc tổn thương bề mặt của khớp mắt cá.

Sơ cứu khi bị bong gân


Hãy lấy đá lạnh chườm vị trí bong gân. Ảnh minh họa


Khi có các triệu chứng nghi ngờ bong gân như đã nói trên, tốt nhất bạn không nên phó mặc đợi tình trạng nặng hơn rồi bác sĩ can thiệp mà nên tự sơ cứu cho bản thân. Bởi việc xử trí sớm và đúng cách khi bị bong gân sẽ giúp hạn chế đau đớn ở mức thấp nhất, tránh xảy ra thêm những thương tổn khác và tạo thuận lợi cho những can thiệp tiếp theo, giúp bạn sớm phục hồi, khỏe mạnh hoàn toàn.

Lúc này, bạn cần:

- Ngừng mọi hoạt động ở vùng khớp bị tổn thương. Có thể bảo vệ chi bị bong gân bằng cách sử dụng nẹp y tế nếu khớp bị lỏng lẻo, đau nhiều.

- Chườm đá lạnh hoặc khăn lạnh, khăn ướt, lên vùng chi bị bong gân. Mỗi lần chườm 10-20 phút, có thể chườm đá liên tục sau 30 phút. Chườm lạnh càng sớm càng tốt vì sẽ giúp làm dịu cơn đau, giảm sưng phù nề vùng bị bong gân.

- Băng ép vùng bị bong gân bằng băng chun. Băng cuốn hoặc băng ống làm từ sợi chun hoặc neopren là tốt nhất. Dùng các loại băng co giãn, bản rộng quấn vòng quanh vùng tổn thương, các mép băng chồng lên nhau ½ đến 2/3 bề dày băng. Khi băng, chú ý không băng quá chặt vì sẽ hạn chế khả năng lưu thông máu, sưng nề vùng chi ở dưới nơi tổn thương.

- Nâng cao chi bị bong gân mỗi khi có thể để ngăn ngừa hoặc hạn chế sưng. Có thể dùng băng treo tay nếu bong gân ở tay hoặc nằm gối chân cao bằng gối mềm nếu bong gân ở chân. Nếu được, nên tập cử động nhẹ nhàng để máu được lưu thông.

- Nếu bị bong gân do chơi thể thao, có thể dùng ethyl clorua xịt vào nơi bong gân để gây tê làm lạnh tại chỗ giúp giảm đau cho người bệnh. Ngoài ra, có thể dùng thuốc giảm đau, tiện nhất là alaxan uống 1-2 viên/lần, 3 lần trong ngày. Không dùng aspirin vì thuốc này chống ngưng kết tiểu cầu, gây chảy máu.

Những cách làm trên chỉ áp dụng với những trường hợp bị bong gân nhẹ, dây chằng chỉ bị giãn hoặc bị đứt không hoàn toàn, chấn thương chỉ gây ra những rối loạn sinh lý, khớp vẫn vững chứ không bị lỏng lẻo. Còn đối với những trường hợp bong gân nặng: không cử động được khớp, dây chằng khớp bị đứt hoàn toàn hoặc bị bong điểm bám làm cho khớp lỏng lẻo kéo theo nhiều biến chứng, bị sốt hoặc không đỡ sau 2 ngày, bạn hãy đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.

Tuy nhiên, để có thể chẩn đoán chính xác được mức độ bong gân, dù nặng hay nhẹ, bạn cũng cần đến sự kiểm tra của các bác sĩ chuyên khoa Chấn thuơng Chỉnh hình. Sau khi chẩn đoán mức độ bong gân, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị hay có thể về nhà tự điều trị và phục hồi.

Đặc biệt lưu ý, khi bị bong gân không nên bôi dầu nóng lên vị trí bị tổn thương. Bởi như đã nói ở trên, bong gân là các dây chằng quanh khớp bị căng giãn, bầm dập dẫn đến sung huyết, nếu dầu nóng sẽ làm tăng tình trạng xung huyết, xuất huyết tại chỗ, gây phù nề hơn và tổn thương nặng hơn.

Bong gân có tự khỏi không?


Bong gân được phân chia thành 3 mức độ.

Ở mức độ 1, dây chằng bị rách một phần nhỏ, thường hồi phục sớm trong khoảng 1 tuần, khi đã hết đau bệnh nhân có thể bắt đầu vận động khớp trở lại. 

Ở mức độ 2, dây chằng bị rách nhiều hơn phải làm băng bột để bất động khớp và cần đến 2-3 tháng để hồi phục, sau đó tập vận động từ nhẹ đến nặng.

Ở mức độ 3, dây chằng bị đứt hoàn toàn, có thể gây lỏng lẻo khớp hoặc trật khớp (đặc biệt ở khớp gối, khớp cổ chân đối với người trẻ) thì cách điều trị có thể là khâu tái tạo dây chằng bị đứt kết hợp với bất động trong 6 tuần.

Cách phòng ngừa chấn thương bong gân


Để phòng tránh bong gân, trong sinh hoạt, tập luyện cần lưu ý:

Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao hoặc hoạt động thể lực khác. Đi giày thể thao đúng chủng loại; Cẩn thận khi bước, chạy, nhảy trên nền mấp mô. Giảm hoặc dừng chơi thể thao khi có tình trạng đau khớp cổ chân.

- Cần thực hiện các bài tập massage đầu gối.

- Cách tốt nhất để phòng tránh chấn thương bong gân khớp đầu gối là cần tăng cường sức chịu đựng bền bỉ và tính dẻo dai của các gân cơ, trước các áp lực vận động bằng việc bổ sung các vitamin và khoáng chất

- Uống sinh tố.

- Cần tránh để bong gân tái đi tái lại dẫn đến bong gân mạn tính. Nếu bị bong gân một lần, các dây chằng không được phục hồi thì sẽ xảy ra bong gân tái diễn nhiều lần. Nếu đau kéo dài trên 4-6 tuần thì gọi là bong gân mạn tính. Cần tránh các hoạt động có xu hướng làm cho tình trạng bong gân mạn tính nặng lên như bước trên nền mấp mô, chơi các môn thể thao làm cho cổ chân dễ bị vặn xoắn.

Phương Nguyên (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X