Hotline 24/7
08983-08983

Bình tĩnh trước nguy cơ sức khoẻ

Bất kể nguy cơ sức khoẻ nào, đặc biệt ở trẻ em, đều đáng quan tâm. Vì thế, nỗi hoảng sợ của phụ huynh ở Bắc Ninh về chuyện con cháu mình nhiễm sán lợn cũng dễ hiểu, dù tỷ lệ trẻ nhiễm bệnh qua xét nghiệm nằm trong tỷ lệ chung cả nước 11%.

Tránh dùng thức uống quá nóng để ngừa ung thư thực quản, nhưng ở nước ta yếu tố nguy cơ gây bệnh này lại là hút thuốc, uống rượu

Dễ hiểu sai nguy cơ

Hoảng sợ xuất phát từ thông tin cho rằng ấu trùng sán lợn có thể chạy lên mắt gây mù, lên não gây viêm não, động kinh, hôn mê và tử vong. Có bao nhiêu trường hợp như thế ở nước ta? Chưa có thống kê nào, nhưng theo BS Trương Hữu Khanh, bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, mỗi năm khoa nhiễm -  thần kinh của bệnh viện này tiếp nhận 15 - 20 ca viêm màng não, đa số do ký sinh trùng trong ốc sên, chứ chưa có ca nào do “sán lợn chui lên não”!

Con người thời nay đối mặt với quá nhiều nguy cơ sức khoẻ. Nhưng nếu không tìm hiểu cặn kẽ, hoảng sợ trước mọi nguy cơ từ lớn đến nhỏ, có thể người ta sẽ đổ bệnh trước khi tiếp nhận nguy cơ. Chủ nhật qua (24/3) là Ngày phòng chống bệnh lao thế giới. Thống kê cho thấy dù tỷ lệ nhiễm lao ở Việt Nam giảm 3,8%/năm, nhưng trong năm 2017 nước ta vẫn có 124.000 ca mắc lao mới và 12.000 người tử vong, gấp 1,5 lần số tử vong vì tai nạn giao thông. Như thế lẽ ra nên sợ “bệnh lao”, thay vì sợ “sán lợn chui lên não”!

Cũng tuần qua thế giới có một nghiên cứu với kết quả gần gũi với người dân Việt, theo đó những ai uống 700ml trà nóng 60 độ C trở lên mỗi ngày sẽ tăng gấp đôi nguy cơ ung thư thực quản, so với người uống trà ở nhiệt độ thấp hơn. Nghiên cứu do một nhóm chuyên gia Mỹ, Anh, Pháp thực hiện trên 50.045 người dân Iran.

Những nghiên cứu như thế gần như xuất hiện hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng, và dễ làm người ta sợ hãi. Nhưng nói theo GS y khoa Lisa M. Schwartz, đồng tác giả cuốn sách kiến thức phổ thông nổi tiếng Nhận biết nguy cơ của bạn - Hiểu thống kê sức khoẻ (Know your chances - Understanding health statistics), “những con số có thể làm bạn phát bệnh dù nó không phải như thế, do vậy hãy học cách bắt chúng giúp đỡ bạn”.

Một trong những cách GS Lisa đề nghị để không hoảng sợ là đặt con số thống kê trong bối cảnh chung. Nếu thế, không nên quá sợ hãi về nguy cơ ung thư thực quản do uống trà nóng, bởi bệnh này không mấy phổ biến ở nước ta. Theo tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (GLOBOCAN) 2018, tại Việt Nam ung thư thực quản xếp 15 trong các bệnh ung thư hay gặp (2.411 ca/năm) và thứ 11 về tử vong (2.222 ca/năm), chưa kể yếu tố nguy cơ gây bệnh ở nước ta là do hút thuốc, uống rượu hơn do dùng đồ uống quá nóng.

Bao nhiêu người Việt có thói quen uống đến 700ml trà nóng (60 độ C trở lên) mỗi ngày, chưa kể trong số hơn 50.000 người được theo dõi trong mười năm của nghiên cứu, chỉ 328 người phát ung thư thực quản với tỷ lệ mắc bệnh 0,6%?

Tung hứng con số

Tháng 11 năm qua, GS Lisa M. Schwartz người Mỹ qua đời ở tuổi 55. Khi còn sống, bà cùng chồng mình, BS Steven Woloshin, dành gần như cả đời giúp cộng đồng hiểu ý nghĩa các bằng chứng y học, nguy cơ sức khoẻ, cũng như chống lại tình trạng bác sĩ lạm dụng thuốc và hù doạ sức khoẻ người dân. Bà còn sáng lập trung tâm Y học và báo chí để huấn luyện hàng trăm nhà báo hiểu đúng về số liệu thống kê và nghiên cứu y khoa.

Vì sao báo chí được quan tâm? Theo GS Lisa, báo chí góp phần quan trọng trong nâng cao dân trí cộng đồng, để họ có biện pháp giữ gìn sức khoẻ tốt nhất. Lẽ dĩ nhiên, trong thực tế không ít người của giới truyền thông vẫn thích “bóp méo” nguy cơ sức khoẻ, để thu hút độc giả và dễ bán báo.

Tháng 6/2017, nhiều tờ báo phổ thông dẫn một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học The American Journal of Clinical Nutrition, cho thấy những ai ăn khoai tây chiên 2 - 3 lần/tuần có nguy cơ tử vong tăng gấp đôi, so với người không ăn. Nghiên cứu thực hiện trên 4.440 người 45 - 79 tuổi, theo dõi trong tám năm và trong thời gian đó có 236 người tử vong.

Thoạt nhìn, kết quả nghiên cứu thật đáng sợ, nhưng nếu phân tích kỹ, người ta… chẳng nên bận tâm chút nào. Thật vậy, tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 60 tuổi, nếu bỏ qua chuyện ăn khoai tây chiên, nguy cơ tử vong của những người này bình thường là 1%. Điều này có nghĩa trong số 100 người 60 tuổi, vào năm tới có một người tử vong vì họ 60 tuổi.

Giờ đây, nếu ăn khoai tây chiên 3 lần/tuần, nguy cơ tử vong tăng gấp đôi, nghĩa là 2%. Như thế, thay vì một trong 100 người 60 tuổi tử vong trong năm tới, nay sẽ có hai người. Nếu vậy, số tử vong vì ăn khoai tây chiên quá nhỏ, có đáng để bận tâm?

Phạm trù thống kê ở đây gọi là “nguy cơ tương đối”, và nếu phân tích kỹ, đôi khi nó chẳng có ý nghĩa gì, dù mới nhìn qua rất ấn tượng. Đầu năm nay, dịch sởi gia tăng ở TPHCM, một tờ báo chạy tít Dịch sởi quay lại TPHCM, tăng gấp 50 lần cùng kỳ năm trước. Thật đáng lo, nhưng theo một bác sĩ chuyên ngành nhiễm, có con số này vì cùng kỳ năm 2018… không có bệnh nhân sởi nào!

Truyền thông hay dùng kỹ thuật nhấn mạnh những con số không quan trọng, hoặc đưa ra những con số hấp dẫn để thu hút độc giả, dù chúng vô nghĩa. Một “loại thuốc mới giúp giảm 1/3 nguy cơ đột quỵ” nghe qua thật đáng mừng, nhưng thực tế thuốc làm giảm nguy cơ đột quỵ từ 3% còn… 2%.  Aaron Levenstein, giáo sư danh dự khoa Kinh tế đại học Baruch (Hoa Kỳ), nói một câu nổi tiếng: “Thống kê giống như chiếc áo tắm hai mảnh, những gì chúng để lộ ra chỉ là gợi ý, nhưng những gì chúng che đậy mới quan trọng”.

Theo Bình Yên - Thế giới hội nhập/ TGTT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X