Hotline 24/7
08983-08983

Biết mình thuộc nhóm máu hiếm, tôi lo quá AloBacsi ơi

BS Tố Uyên tư vấn về: nhóm máu hiếm O Rh-, phẫu thuật lấy nẹp inox ở chân, u nhú ở hậu môn, cảm giác điện giật khi chạm vào sắt, cơ thể nóng và nổi mụn, vỡ xương mắt cá chân...


BS.CK1 Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - BV Nguyễn Tri Phương

Nội dung tư vấn của BS Tố Uyên với bạn đọc AloBacsi:

- Minh Tân - minhtan…@gmail.com

Thưa BS,

Bố cháu có bệnh gốc là cao huyết áp, sau biến chứng suy thận độ 4, phải chạy thận đã 3 năm nay, 3 tháng trước phát hiện thêm suy tim, và tháng trước bố cháu lại tai nạn gãy chân phải mổ và đóng đinh nên gần như là nằm yên vị, không nhúc nhích được trên giường bệnh.

Sau đó ít ngày bố cháu thấy khó thở nên phải thở oxy nhưng không đỡ, chụp phim thấy có dịch màng phổi.

Sau lần hút dịch đầu tiên, bố cháu thấy dễ chịu nhiều, nhưng sau lần hút dịch thứ 2, lẽ ra bố đã được xuất viện về chờ ngày rút đinh ở chân nữa thôi, nhưng bố lại kêu đau sau khi được hút dịch và từ đó cứ khạc ra máu tươi và sốt.

Được 3 ngày như vậy thì chụp phim thấy phổi bị tổn thương, BS kết luận viêm phổi 2 bên. Bố cháu được BS tiêm kháng sinh và hút dịch thêm vài lần nữa, tính ra đã 1 tuần mà vẫn không hề thuyên giảm, vẫn sốt, nhiều dịch và khạc ra máu, chỉ khác cái là máu mầu sẫm hơn, hơi thâm tím nhưng vẫn ở dạng lỏng, đôi khi hơi lẫn 1 chút nhầy, và có dịch lẫn máutrào ra đằng mũi ngày khoảng chục lần, nhìn giống chảy máu cam.

Sức khoẻ của bố cháu xuống dần, cho đến nay thì yếu đi khá nhiều, bắt đầu ngủ nhiều miên man lẫn lộn cả từ sang đến tối.

Thưa BS, bố cháu chính xác bị bệnh gì và cách chữa thế nào? Xin BS hãy trả lời giúp cháu.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Tân thân mến,

Do không trực tiếp thăm khám, không có hình ảnh phim phổi và kết quả xét nghiệm nên BS chỉ có thể đưa ra một vài phỏng đoán dựa trên mô tả của bạn (và nhất là bạn cũng không có kiến thức chuyên môn về y khoa nên những mô tả này chưa chắc chính xác).

Ho ra máu thông thường do một số nguyên nhân gây ra như viêm phổi, lao phổi, ung thư phổi, thuyên tắc phổi…

Ngoài ra, do bố của bạn đang chạy thận nên có thể có một số nguyên nhân khác như rối loạn đông máu do thuốc kháng đông, do hội chứng ure huyết cao, áp xe phổi liên quan đến nhiễm trùng trên bệnh nhân chạy thận…

Để điều trị tình trạng này, BS sẽ đánh giá lại tình trạng nhiễm trùng, tình trạng đông máu và chọn phác đồ kháng sinh phù hợp.Trường hợp của bố bạn khá phức tạp với nhiều bệnh nặng phối hợp, tiên lượng khá xấu, có nguy cơ tử vong cao. Bạn nên mạnh dạn hỏi trực tiếp BS điều trị để được giải đáp đầy đủ và chi tiết hơn, bạn nhé!


- Thanh Nhàn - nguyen…@gmail.com

Chào BS,

Năm nay em 25 tuổi, là nam giới. Em đi kiểm tra ở BV Phạm Ngọc Thạch thì phát hiện mình bị lao, em được cấp thuốc 7 ngày chờ làm giấy tờ, nhưng gần đến ngày cuối em vẫn chưa làm giấy tờ xong.

Em uống thuốc được 7 ngày và chuyển về quê thì ngay thứ 7 nên bệnh viện không làm việc, thứ 2 mới làm việc lại và cấp thuốc cho em. Hiện em trễ hẹn và ngưng thuốc 2 ngày thì có bị ảnh hưởng nhiều đến chuyện kháng thuốc không?Mong BS tư vấn cho em, cảm ơn BS.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Trong điều trị lao nếu không điều trị không liên tục thì có nguy cơ kháng thuốc, nhưng nguy cơ này là bao nhiêu khó có thể đánh giá chính xác được. Nếu lỡ mất 2 ngày thuốc và hiện tại em đã có thể lãnh thuốc điều trị lao thì không nên quá lo lắng.

Trong giai đoạn sắp tới em nên cố gắng tuân thủ điều trị thật tốt để giảm nguy cơ kháng thuốc xuống thấp nhất, em nhé!


- Lê Bằng Nguyên - bangnguyen…@gmail.com

Chào BS,

Em năm nay 30 tuổi, cách đây hơn 3 năm em gặp tai nạn bị gãy cả hai chân, sau đó BS đã tiến hành phẫu thuật và gắn thêm hai nẹp inox vào hai chân em.

Sau 3 năm em đã đi lại bình thường và làm nặng cũng bình thường, vậy nay em đi phẫu thuật mổ lấy nẹp có quá trễ không BS?

Và phẫu thuật vì để lâu như thế có khó khăn không, có được trở lại bình thường như lúc trước chưa lấy nẹp không ạ? (lúc đó em bị tai nạn rất nặng và nhiều cơ quan khác cũng tổn thương, nhưng nay em mới cảm thấy lành hẳn nên em mới định mổ lấy nẹp lâu như thế này ạ).

Em vô cùng cảm ơn BS và chúc BS nhiều sức khỏe ạ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Bằng Nguyên thân mến,

Ở chi dưới, chỉ định tháo dụng cụ kết xương tùy thuộc vào kiểu dụng cụ và vào thành phần hợp kim tạo nên dụng cụ. Đối với vít àm bằng thép 316L hoặc nẹp và vít làm bằng titan thuần (không pha với các kim loại khác) theo nguyên tắc có thể để yên, không cần lấy ra.

Việc mổ lấy nẹp vít ra có thể khiến cho bệnh nhân phải chịu thêm một lần mổ với nhiều nguy cơ biến chứng trong và sau mổ.

Với các dụng cụ làm bằng thép không gỉ ở những vùng xương chịu tải trọng cơ thể thường được tháo ra, thời gian đối với nẹp vít cẳng chân là12-18 tháng; đinh nội tủy: 18-24 tháng; gãy xương đùi từ 24-36 tháng.

Do đó, bạn cần tham khảo thêm ý kiến BS phẫu thuật xem loại vật liệu dùng cố định xương là gì, đồng thời kiểm tra xem xương gãy đã lành hẳn chưa thì mới xem xét chỉ định mổ lần 2 lấy nẹp.


- Ta Van Thanh - TPHCM

Xin BS cho tôi hiểu rõ hơn về nhóm máu O Rh- (nhóm máu của bản thân tôi).

Tôi có hỏi những người am hiểu, họ nói rằng đây là nhóm máu hiếm, có thể dẫn tới chết người (cả người cho và người nhận nếu như truyền 2 lần cho 1 đối tượng trong 1 khoảng thời gian ngắn).

Xin BS giải thích rõ hơn cho tôi và những người khác cũng có mối quan tâm được biết.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Nhóm máu của con người được quy định bởi kháng nguyên trên màng hồng cầu, và có rất nhiều loại kháng nguyên dạng này.

Hai hệ thống phân loại nhóm máu ABO và Rhesus (Rh + và -) chỉ là 2 hệ thống phổ biến và độ ảnh hưởng được nghiên cứu rõ ràng nhất. Ngay cả khi truyền đúng nhóm máu thì vẫn có nguy cơ dẫn đến hình thành kháng thể chống loại máu cho từ người lạ nếu truyền quá nhiều lần.

Do đó BS thường chỉ định truyền máu khi thật cần thiết, khi tình trạng thiếu máu nguy hiểm, ảnh hưởng chức năng các cơ quan, chứ không có chỉ định truyền thường quy để bổ sung máu.

Nhóm máu O Rhesus âm thường chỉ nhận được máu cùng nhóm (O-), nếu tuân thủ đúng nguyên tắc truyền máu thì rất ít khi gây nguy hiểm cho người nhận, và không gây nguy hiểm đối với người cho.

Thân mến.


- Trương Văn Trung - Thanh Hóa

Em chào AloBacsi,

Em đá bóng bị va chạm gối đập vào nhau, giờ đi lại bình thường nhưng khi leo cầu thang thì khớp gối có biểu hiện nhói, em đi khám và chụp cộng hưởng từ BS bảo em bị phù nề dây chằng chéo trước và gân cơ tứ đầu đùi trái, phù tùy xương đầu dưới đùi trái, tràn dịch khớp gối trái.

BS bảo em mua nẹp gối về nẹp mà không uống thuốc.Vậy BS tư vấn giúp em hướng điều trị với ạ. Em xin cảm ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Với trường hợp chấn thương đầu gối chủ yếu tổn thương phần mềm nhẹ, em chỉ cần nghỉ ngơi, chườm đá để tổn thương hồi phục dần. Trường hợp đau nhiều em có thể tới BS để kê toa thuốc giảm đau, em nhé!


- Bạn đọc giấu tên - phuc…@gmail.com

Thưa BS,

Mấy hôm nay em bị đau ở hậu môn, đi khám thì được chẩn đoán là bị u nhú ở hậu môn (không phải trĩ).

BS cho em hỏi cách điều trị và nếu phải phẫu thuật thì chi phi hết bao nhiêu và bao lâu thì lành ạ? Em cảm ơn BS.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Chẩn đoán em đưa ra không rõ ràng, hiện tại chưa thể xác định được u nhú của em là lành tính hay ác tính, nguyên nhân do đâu mà ra.

Trường hợp của em nên tới BV đa khoa có chuyên khoa ngoại tổng quát để BS thăm khám trực tiếp, chỉ định thêm xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp (như sinh thiết, nội soi) và cho chẩn đoán chính xác. Từ đó mới có thể đưa ra hướng điều trị thích hợp. Thân mến.

- Duy Thanh - duythanh…@gmail.com

Chào BS,

Em vừa xét nghiệm công thức máu, BS xem giúp em các chỉ số có vấn đề gì không ạ?Tại em thấy %LYM vượt mức bình thường (giá trị bình thường chỉ có 20 - 25) và % NEU lại giảm (giá trị bình thường là 60 - 66%)?

Các phòng khám có giá trị kham khảo khác nhau nên thấy % LYM tăng làm em rất bất an. Em lo lắng không biết có mắc bệnh về bạch cầu hay ung thư máu không ạ? Cho em hỏi ung thư máu thì %Lympho hay WBC tăng cao như thế nào ạ?

Các chỉ số như sau:

1. WBC: 5.6k/ul (bình thường 3.5 - 10)

2. NEU: 50.3 % (bình thường 60 - 66)

3. LYM: 39.6 % (bình thường 20 - 25)

4. MONO: 7.23 (bình thường 2 - 11)

5. EOS: 2.7 (bình thường 2 - 2.5)

6. BAZO: 0.3 (bình thường 0.5 - 1)

7. RBC = 5.06 M/uL (bình thường 3.9 - 5.8)

8. HGB 15.1 g/dL (bình thường 12.5 - 16)

9. HCT = 43.5% (bình thường 35 - 50)

10. MCV = 85.9 fL (bình thường 83 - 92)

11. MCH = 29.9 (bình thường 27 - 32)

12. MCHC = 34.77 g/dL (bình thường 32 - 35.6)

13. RDW = 13.8 % (bình thường 0 - 26)

14. PLT = 208 K/uL (150 - 400)

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào Duy Thanh,

Các chỉ số xét nghiệm máu của bạn đều nằm trong giá trị bình thường, do số lượng bạch cầu tổng không tăng, số lượng Lympho và Neutrophil thực tế không tăng, chỉ thay đổi % do sai khác với chỉ số tham chiếu của nơi xét nghiệm. Điều này không có ý nghĩa gì, không phải là dấu hiệu của ung thư hay nhiễm trùng gì cả nên em không cần lo lắng, em nhé!

Thân mến.


- Vũ Minh Phương - giotsuong…@gmail.com

Thưa BS,

Sau khi hiến máu, y tá rút kim ra khỏi tay thì tay em bị giật và bị tê. Từ hôm đó em cảm thấy gân cơ của tay trái em duỗi ra không được thật, giống như gân tay em bị co lại và tê.

Em xin hỏi BS triệu chứng này có ảnh hưởng gì không và khoảng bao lâu thì hết?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Sau khi lấy máu, mạch máu bị tổn thương có thể còn tiếp tục chảy máu ít, hình thành cục máu đông gây chèn ép gân cơ, thần kinh xung quanh. Cục máu đông này sẽ dần dần thu hẹp kích thước, thông thường triệu chứng sẽ tự khỏi sau 2-7 ngày, em nhé!


- Vũ Thị Hạnh -vuthi…@gmail.com

Gần đây, em sờ vào vật gì bằng sắt cũng bị giật, cảm giác rất sợ. Em xem trên mạng thì hình như bị máu thiếu oxy. Phải làm thế nào để khắc phục được hiện tượng trên ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Hiện tượng điện giật xảy ra khi tĩnh điện tích tụ trên cơ thể người phóng ra các vật dẫn điện ở khoảng cách gần. Đây là hiện tượng bình thường trong thiên nhiên, thường gặp hơn khi thời tiết chuyển sang mùa đông hanh khô.

Hiện tượng này cũng không gây nguy hiểm gì, nhưng nếu cảm thấy khó chịu, bạn có thể đặt thêm máy tạo độ ẩm trong nhà, sử dụng kem dưỡng ẩm cho da, dùng giày da thay cho giày cao su, chạm vào vật kim loại hoặc nước thường xuyên hơn để hạn chế tĩnh điện, bạn nhé!


- Âu Vương -vuong…@yahoo.com.vn

Chào BS,

Khoảng gần 2 tháng nay em thấy cơ thể mình lúc nào cũng nóng, da dẻ sờ đâu cũng thấy nóng, môi nứt nẻ, hay bị ngứa, mụn nhiều hơn bình thường, tối khó ngủ, ngủ hay thức dậy giữa đêm.

Nhưng khi đo nhiệt độ thì không cao, chỉ dao động từ 36, 7-37,1 độ. Em đi tập thể dục hay vận động đổ mồ hôi thì không còn cảm giác nóng này nữa.

Nhờ BS tư vấn giúp em ạ, em xin cám ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em Vương,

Nếu hiện tượng cảm giác nóng có đi kèm với các triệu chứng khác như cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh, sụt cân, tiêu chảy, nóng nảy, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn cương… thì em cần khám chuyên khoa Nội tiết để BS chỉ định xét nghiệm cần thiết chẩn đoán bệnh.

Nếu chỉ sờ vào da cảm thấy nóng mà sức khoẻ hoàn toàn bình thường thì không cần quá lo lắng, có thể do một số rối loạn về điều chỉnh nhiệt độ khi thời tiết thay đổi. Em nên uống nhiều nước hơn, tập luyện thể dục thể thao đều đặn, thường xuyên, sinh hoạt nghỉ ngơi và ăn uống điều độ để cơ thể tự điều chỉnh về trạng thái bình thường, em nhé!


- Phan Duy Quy - Hà Tĩnh

Thưa BS,

Tôi bị té xe được 3 tháng, BS chẩn đoán vỡ xương mắt cá chân. Cho tôi hỏi BS liệu chân tôi có khỏi không và có để lại di chứng không?Xin cám ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Thời gian lành xương trong vỡ xương mắt cá phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, mức độ tổn thương, khả năng cố định và dinh dưỡng vùng xương gãy có tốt hay không…

Nếu cố định tốt, có kế hoạch tập vật lý trị liệu đúng động tác, đúng thời điểm thì hoàn toàn có thể khôi phục hoạt động như bình thường, bạn nhé!


- Bạn đọc Nguyễn Thị Vân

Chào BS,

Em bị thông liên thất phần quanh màng, đường kính 3.2mm; Shunt trái phải, chênh áp tối đa 140mmHg thì có phải mổ hay sử dụng thuốc để hỗ trợ ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Thông liên thất là bệnh tim bẩm sinh có tần suất cao nhất ở trẻ em. Ở người lớn thường ít gặp hơn vì hầu hết các bệnh nhân đều được phẫu thuật sớm để tránh biến chứng phức hợp Eisenmenger. Chỉ định phẫu thuật thông liên thất dựa vào áp lực động mạch phổi và triệu chứng suy tim trái.

Trường hợp của em do còn thiếu nhiều thông tin về tuổi tác, triệu chứng… nên BS chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng. Những trường hợp thông liên thất lỗ nhỏ, chênh áp qua lỗ còn cao ở người lớn có thể chưa cần thiết phải phẫu thuật nhưng vẫn cần theo dõi định kì tại bệnh viện chuyên khoa Tim mạch và phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Do đó, nếu ở TPHCM, em có thể tới Viện Tim TPHCM, BV tim Tâm Đức để được BS siêu âm kiểm tra lại và tư vấn cụ thể hơn. Chúc em khỏe mạnh.


- Thanh Bình -julia…@gmail.com

Chào BS,

Mẹ em năm nay 51 tuổi, cách đây hơn 1 tháng mẹ em đau dữ dội ở ngực trái, nghi ngờ mắc bệnh tim mạch nên hôm trước đi khám ở phòng tim mạch, kết quả siêu âm tim cho thấy:

- Hở van 2 lá 1/4

- Hở van động mạch chủ 1/4

- Dày đồng tâm thất trái. Chức năng tâm thu thất trái bảo tồn. Rối loạn chức năng tâm trương thất trái.

- Áp lực động mạch phổi trong giới hạn bình thường.

- Không thấy rối loạn vận động vùng - Nhịp tim nhanh trong thời gian siêu âm.

Với kết quả như vậy BS khám bệnh nói tim mẹ em vẫn bình thường. BS ơi, cho em hỏi có thật là tim mẹ vẫn bình thường không ạ?

Vậy tại sao lại xuất hiện cơn đau ở ngực trái vào tháng trước (mẹ em mới đau 1 lần chưa thấy cơn đau tái phát)? Cảm ơn BS.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Phần mô tả tính chất đau ngực của mẹ em khá sơ sài. BS cần biết mẹ em khởi phát đau ngực lúc nào, đang nghỉ ngơi hay gắng sức, có thể chỉ được chính xác vị trí hay là cảm giác đau mơ hồ, mẹ em có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp trước đây hay không, đã xử trí gì để giảm đau, hiện tại khả năng vận động gắng sức ra sao…

Đau ngực là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, có thể do bệnh tim thiếu máu cục bộ, viêm màng ngoài tim, đau do bệnh động mạch chủ, do bệnh lý phổi - màng phổi, thần kinh liên sườn, đau cơ, thành ngực, đau do viêm thực quản…

Kết quả siêu âm trên không hẳn là bình thường, nhưng không giải thích được lý do đau ngực của mẹ em. Nếu lo lắng, em nên đưa mẹ tới bệnh viện chuyên khoa tim mạch để BS làm lại xét nghiệm kiểm tra lần nữa, loại trừ nguyên nhân tim mạch.

Thân mến.

Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X