Hotline 24/7
08983-08983

Bị ung thư vì… trị bệnh bằng phóng xạ?

Một bé gái ở TPHCM sau nhiều năm điều trị u máu bằng miếng dán phóng xạ đã bị ung thư da.

Nhiều bệnh nhân ung thư bướu giáp khi điều trị bằng thuốc phóng xạ cũng phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe... Vậy các phương pháp điều trị bằng phóng xạ an toàn đến mức nào.

Từ u máu sang ung thư da

BV Da liễu TPHCM vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ H.T.H.L. 17 tuổi bị ung thư da sau một thời gian dài sử dụng miếng dán phóng xạ điều trị bệnh u máu bẩm sinh. Theo hồ sơ bệnh án, từ lúc mới sinh, L. có khối u mạch máu ở bàn chân trái. Sợ bàn chân con “xấu xí” nên gia đình đã đưa bé đi điều trị u máu tại một cơ sở y tế từ lúc hai tuổi.

Sau sáu lần điều trị bằng miếng dán phóng xạ phốt pho 32, khoảng cách giữa hai đợt điều trị là một tháng thì khối u máu xẹp hoàn toàn; chỉ để lại vùng sẹo trắng với kích thước khoảng 5x10cm.

Thế nhưng, cách đây 5 năm, vùng sẹo này bắt đầu có biểu hiện ngứa, khi bé L. gãi làm vết sẹo chảy máu, rỉ dịch hôi, đóng mày và gần đây xuất hiện thêm một khối u kích thước khoảng 1cm.

Kích thước khối u tăng dần, bề mặt thỉnh thoảng bị loét, chảy dịch kèm ngứa, đau nhức. Trước tình huống đó, bé L. được người nhà thoa một số loại thuốc lên vết thương để giảm ngứa nhưng triệu chứng ngứa liên tục tái phát.

Bệnh nhân đến khám và điều trị tại nhiều cơ sở y tế nhưng không tìm ra bệnh, vết loét ngày càng lan rộng. Khi bệnh nhân đến khám tại BV Da liễu, kích thước vết sẹo đã rộng 6x15cm, nhiều vị trí bị hoại tử.

BS Võ Nguyễn Thúy Anh cho biết: Sau khi thăm khám và xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tế bào gai (một dạng ung thư da). Khối u xuất hiện đầu tiên ở phần gốc ngón chân cái, kích thước khoảng 1cm, sau đó lan rộng dần ra đến nửa trong của bàn chân.

Một bệnh nhân đang được hướng dẫn sử dụng thuốc có hàm lượng phóng xạ tại BV Ung Bướu TPHCM Ảnh: Phùng Huy

Một dạng bệnh khác cũng được chỉ định điều trị bằng phóng xạ là ung thư tuyến giáp. Sáu tháng đầu năm 2014, BV Ung Bướu TPHCM phát hiện hơn 1.000 ca ung thư tuyến giáp, trong đó 50-60% trường hợp được uống thuốc phóng xạ (dạng Iốt 131).

Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân điều trị bằng Iốt 131 cần phải được khám bệnh thường xuyên để phát hiện sớm các biến chứng, bao gồm cả ung thư. Biến chứng phổ biến nhất là suy giáp. Các biến chứng khác có thể gặp như khô miệng và mất vị giác do tuyến nước bọt bị phá hủy.

Với phương pháp uống phóng xạ để điều trị cho ung thư bướu giáp tuy hiệu quả nhưng không thể dùng để điều trị cho các phụ nữ có thai. Những phụ nữ muốn có con phải đợi ít nhất 6-12 tháng sau điều trị Iốt 131, vì buồng trứng có nguy cơ tiếp xúc với phóng xạ.

Đối với bệnh nhân nam, được điều trị bằng loại phóng xạ này có thể bị giảm số lượng tinh trùng và bị vô sinh tạm thời trong khoảng hai năm. Vì thế, trước khi điều trị lốt phóng xạ nhiều đợt, bệnh nhân có thể gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng. Đáng nói, tất cả những điều này không phải bệnh nhân nào cũng đều được tư vấn kỹ càng trước khi chấp nhận điều trị.

Không an toàn cho cả người xung quanh

Nhiều bệnh nhân điều trị tại BV Chợ Rẫy, Ung Bướu TPHCM, Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội)… tỏ ra lo lắng vì bác sĩ căn dặn sau khi uống thuốc phải cách ly người thân. Bà N.T. (53 tuổi, ở Bến Tre) bị ung thư bướu giáp giai đoạn sớm cho biết: “Hai năm theo dõi, tôi được Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic TPHCM xác định đã bị ung thư bướu giáp.

Sau khi được phẫu thuật cắt bỏ bướu giáp bị ung thư tại BV Chợ Rẫy, tôi được uống phóng xạ tại Khoa Y học hạt nhân. Bác sĩ dặn tôi phải tránh xa người xung quanh ít nhất 2m và cách ly suốt ba tuần, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai. Vì vậy, dù các con có nhà ở Sài Gòn nhưng tôi không dám về mà phải thuê nhà trọ gần bệnh viện.

Cách ly được người nhà nhưng tôi không thể cách ly được với những người xung quanh vì đi đâu cũng thấy đông người, chưa kể tôi phải đến các tiệm cơm để mua thức ăn hay đi nhà vệ sinh công cộng…”.

Trong khi đó, BS Đặng Huy Quốc Thịnh, PGĐ BV Ung Bướu TPHCM lại cho rằng, với  bị bệnh nhân ung thư tuyến giáp, tùy từng trường hợp mà BS chỉ cho phẫu thuật hoặc uống thêm thuốc phóng xạ Iốt 131 nếu bướu lớn, xâm lấn, di căn…

Với những bệnh viện uống phóng xạ liều cao thì nằm cách ly tại bện viện từ ba-năm ngày. Sau đó, nhân viên y tế sẽ đo mức độ phóng xạ trong cơ thể người bệnh đảm bảo an toàn mới cho xuất viện.

Trong thời gian cách ly tại cơ sở y tế, người bệnh không tiếp xúc với người thân, các chất thải của người bệnh được thu gom đặc biệt dưới dạng rác thải phóng xạ. Còn những bệnh nhân uống liều thấp vẫn ở lại bệnh viện cách ly từ 24-48 giờ và cho kiểm tra độ phóng xạ an toàn trước khi xuất viện.

Tuy nhiên, cũng theo BS Thịnh, để người bệnh an tâm và an toàn hơn nữa, bác sĩ thường dặn bệnh nhân tự cách ly với người xung quanh.

Như vậy, chính xác bệnh nhân có cần cách ly cộng đồng sau khi xuất viện? Câu trả lời là: tùy bác sĩ, tùy bệnh viện. Chính việc chỉ định không thống nhất nên nhiều bệnh nhân và gia đình rất bối rối. Tuy nhiên, nếu yêu cầu bệnh nhân thực hiện nguyên tắc cách ly với cộng đồng mà không có sự giám sát nào của các cơ quan chức năng thì kết quả sẽ là: chỉ định có cũng như không!

AloBacsi.vn
Theo Thanh Khê - Phụ Nữ thành phố

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X