Hotline 24/7
08983-08983

Bị tụ máu ở chân, để lâu có ảnh hưởng gì không?

Trời mưa, đường Sài Gòn kẹt xe trầm trọng. Buổi GLTT trễ hơn hơn 30 phút so với lịch tư vấn hàng ngày. Mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn ngày 16/5 do BS Lan Hương phụ trách.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Nhân dân 115

Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Huy Yến, 22 tuổi - TPHCM

Xin chào BS,

Từ khi học lớp 12 (năm 2011), cháu hay có suy nghĩ về cái chết, cảm thấy tuyệt vọng. Bản thân không thấy tự tin về mọi thứ, từ học tập đến sở thích, cũng không chắc mình cần gì, liên tục có xích mích gia đình.

Tháng 3/2013, cháu đã uống thuốc để tự tử và không có tình trạng gì xảy ra. Tuy nhiên đến hôm nay, cháu vẫn liên tục nghĩ về cái chết và cố thử vài lần.

Cháu mất phương hướng, thấy tuyệt vọng về tương lai. Trạng thái người mệt mỏi - đau nhức vai, thỉnh thoảng tức ngực, dễ cáu gắt, đau đầu. Tuy bình thường cháu cũng thích ngủ và ăn thật, nhưng kể từ khi có tình trạng này, cháu ngủ nhiều hơn mức bình thường, có hôm khoảng 12-13 tiếng 1 ngày, ăn cũng nhiều hơn. 

Năm 12 là năm quan trọng nên cháu cũng đã muốn đi BS tâm lý nhưng mẹ cháu cản, chỉ cho rằng cháu quá nhạy cảm, đi khám là phí tiền.

Trừ việc thấy tuyệt vọng về tương lai, thì hiện tại nếu ai hỏi cháu thấy thế nào, cháu đều thấy trống rỗng, như bản thân vô cảm vậy. Cháu thấy bản thân mình vô dụng bất tài, không đáng có mặt trên đời nữa. Sức khỏe cũng giảm sút hẳn, hay đau đầu, đau lưng, đau nhức vai cũng nhiều hơn.

Hiện tại cháu sắp ra trường, nhưng bản thân thấy mình non kém nên chưa muốn đi làm, muốn đi học thêm. Nhưng gia đình, lại bắt ép cháu liên tục giảm cân và nhắc đến việc đi làm vào mỗi khi cháu nói về chuyện gì đó.

Ngoài việc sức khỏe giảm, dạo gần đây cháu còn có xu hướng không muốn làm gì, kể cả việc đi học, thậm chí còn muốn nhốt bản thân ở nhà, không tiếp xúc với ai.

Hiện tại, do xích mích gia đình ngày càng nhiều, không còn tiếng nói chung, nên việc chia sẻ lại càng khó. Cháu hi vọng BS có thể cho biết cháu bệnh như thế nào? Điều trị ra sao và mức chi phí để cháu chuẩn bị. Cháu thực sự mệt mỏi lắm. Cháu cảm ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân và muốn tìm cách thoát ra. Tôi cho rằng em thật sự có nhiều dấu hiệu của bệnh trầm cảm, chứ không chỉ đơn thuần là “quá nhạy cảm” như mẹ em nghĩ. Đây là tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm: người bệnh có biểu hiện ≥ 5 các triệu chứng sau đây trong khoảng thời gian hai tuần.

Ít nhất một trong các triệu chứng phải là một tâm trạng chán nản, thất thoát một quan tâm hay niềm vui. Các triệu chứng có thể dựa vào cảm xúc của riêng bản thân hoặc có thể dựa trên các quan sát của người khác. Chúng bao gồm:

Suy yếu tâm trạng nhất trong ngày, gần như mọi ngày, chẳng hạn như cảm thấy buồn, trống rỗng hoặc rơi lệ (ở trẻ em và thanh thiếu niên, tâm trạng chán nản có thể xuất hiện như là khó chịu liên tục).

Giảm hoặc cảm thấy không có niềm vui trong tất cả hoặc gần như tất cả các hoạt động trong ngày, gần như mỗi ngày.

Giảm cân đáng kể khi không ăn kiêng, hoặc tăng cân vượt trội khi không có bệnh lý khác gây tăng cân đi kèm.

Mất ngủ hoặc làm tăng ham muốn ngủ gần như mỗi ngày.

Bồn chồn hoặc làm chậm lại hành vi có thể được quan sát bởi những người khác.

Mệt mỏi hay mất năng lượng gần như mỗi ngày.

Cảm xúc của vô dụng hoặc quá nhiều tội lỗi không thích hợp hoặc gần như mỗi ngày.

Vấn đề ra quyết định hoặc khó tập trung suy nghĩ gần như mỗi ngày.

Thường xuyên suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử, hoặc cố gắng tự tử.

Khi em thực sự có bệnh trầm cảm, em cần được khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để BS kê thuốc điều trị và tư vấn tâm lý cho em. Chuyên viên tâm lý không kê thuốc điều trị tâm thần được. Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, BS Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ...

Chỉ có thuốc điều trị trầm cảm kèm tư vấn tâm lý, thay đổi lối sống và môi trường mới giúp người bệnh vượt qua khó khăn, ổn định lại tình trạng tăng cân, rối loạn giấc ngủ và tránh dẫn đến việc tự tử, em nhé.

Ở tphcm, một số trung tâm có chuyên khoa Tâm thần mạnh là BV Nguyễn Tri Phương, BV Đại học Y dược TPHCM, BV Nhân dân 115... chi phí thì cũng không cao lắm (không đến nỗi vài chục triệu) và có thể sử dụng BHYT, em nhé.


- Trương Văn Mẫn – man…@gmail.com

Thưa BS,

Chân con đá banh bị tụ máu ở chân, một thời gian thì hư móng và đang có dấu hiệu sứt móng. Con thấy đang mọc móng mới nhưng vẫn kèm theo máu bầm. Để máu bầm lâu có ảnh hưởng gì không, thưa BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nếu diện tích tụ máu dưới móng dưới 10% (vài mm) lại không đau, sờ vào cứng, khô thì không sao cả, móng mới sẽ mọc lên, băng qua và sau này sẽ dần mất đi. Nếu diện tụ máu lớn, sờ vào thấy phập phều thì em nên đến trạm y tế để rạch lấy khối máu tụ ra (thường giai đoạn này không còn đau nhiều), không nên tự xử trí tại nhà vì rất dễ nhiễm trùng.


- Sin Yoo – yoojisin…@gmail.com

 Chào BS,

Cháu bị thiếu máu, liệu cháu có thể đi truyền máu ở BV được không ạ? Cháu có uống thuốc bổ máu rồi nhưng không có tác dụng. Cảm ơn BS!   

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Bệnh thiếu máu có nhiều nguyên nhân, tùy nguyên nhân nào mà có cần uống thuốc bổ máu hay không, hay ngay cả khi uống thuốc bổ máu không đúng, không đủ thì thiếu máu vẫn còn đó.

Dựa vào công thức máu thì thiếu máu có 3 dạng chính, thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc, đẳng sắc đẳng bào hay hồng cầu to ưu sắc.

Ví dụ như trong thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc (thường gặp ở nữ nhất), nguyên nhân bao gồm thiếu sắt (do ăn uống kém, do rối loạn hấp thu, do mất máu rỉ rả do rối loạn kinh nguyệt hay xuất huyết tiêu hóa...), Bệnh máu di truyền (HbH, β-thalasemia), do viêm nhiễm mạn tính...

Em nên đến chuyên khoa Huyết học hay BV Truyền máu huyết học (TPHCM) để kiểm tra sâu thêm, từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp riêng, như thiếu sắt thì bù sắt, bệnh máu di truyền thì không được dùng thuốc bổ sắt (thường có trong các thuốc bổ máu nói chung).

Tùy mức độ thiếu máu và nguyên nhân gây bệnh mà BS sẽ cân nhắc có nên truyền máu hay không, vì truyền máu cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cần cân nhắc lợi và hại.


- Thùy Linh, 24 tuổi - Thanh Hóa

Chào BS,

Cách đây 3 năm cháu có đi mổ nội soi thông liên nhĩ ở khoa Tim mạch BV Bạch Mai. Thỉnh thoảng cháu có đi tái khám, các BS bảo chỗ bít dù tốt. Gần đây cháu hay thấy nhói và thỉnh thoảng đau nhiều ở chỗ vùng mỏ ác gây khó thở. BS cho hỏi, cháu đau ở chỗ mỏ ác là do bệnh tim của cháu hay dạ dày ạ? Vì cháu thấy mọi người bảo đau chỗ mỏ ác là hay bị dạ dày và trước đây cháu không có bị đau nhiều ở vùng mỏ ác. Nhờ BS tư vấn giúp. 

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Vùng bụng trên ngay bên dưới mỏ ác (mũi xương ức) còn gọi là vùng thượng vị. Đau vùng thượng vị có thể do những nguyên nhân sau: viêm loét dạ dày tá tràng, sỏi đường mật, bệnh tim thiếu máu cục bộ thành dưới, bệnh lý động mạch chủ bụng, bệnh lý gan, tụy...

Triệu chứng đi kèm là khó thở, có thể gặp trong bất kỳ nguyên nhân gây đau thượng vị nào, đặc biệt là khi đau nhiều. Chỉ dựa vào triệu chứng đau nhói ở vùng thượng vị, BS chưa thể định được bệnh cho em.

Em cần khám thêm tại chuyên khoa Tiêu hóa, hoặc ngay trong đợt tái khám chuyên khoa Tim mạch cũng được, để BS thăm khám và làm xét nghiệm tìm ra nguyên nhân để điều trị thích hợp.


- Thanh Lam - lamthanh…@gmail.com

Kính gửi BS,

Em bị ù tai khoảng 3 tuần nay, kể từ khi ngủ phòng máy lạnh. Em sợ dàn nóng máy lạnh phát ra tiếng ồn to làm em bị ù tai nên đã dời cục nóng ra xa nhưng em vẫn bị ù tai vào lúc sáng sớm rất khó chịu. Đến trưa chiều thì cảm giác ù tai giảm đi nhiều. Xin BS cho em biết nguyên do bị như vậy? Xin cảm ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Có rất nhiều các nguyên nhân gây ù tai: bệnh lý vùng tai mũi họng (tai giữa, vòi nhĩ, vòm, viêm xoang mũi, viêm họng, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản…), thoái hóa cột sống cổ, xốp xơ tai (xơ cứng chuỗi xương con trong tai giữa), phình động mạch cảnh, bệnh lý mạch máu gây ù tai dạng mạch đập (xơ vữa động mạch, cao huyết áp, rò động-tĩnh mạch lân cận)...

Nếu ù tai do dàn máy điều hòa bị rung, thì khi ra khỏi phòng điều hòa, em sẽ hết cảm giác ù tai, còn đằng này, em bị ù tai kéo dài đến tận trưa chiều.

Do vậy, em cần khám chuyên khoa Tai mũi họng, để bác sĩ soi tai, kiểm tra thính lực nếu có giảm, soi họng... từ đó mới định được nguyên nhân và điều trị thích hợp.


- Dương Tùng - Hà Nội

Chào BS,

Em bị loét dạ dày thì có được hút thuốc lào nữa không ạ? Hiện em đang hạn chế, hút rất ít và cũng không ăn đồ chua cay chỉ có thuốc lào là hơi khó bỏ. Vậy BS cho hỏi là hút thuốc lào có ảnh hưởng đến vết loét không? Cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Người bị loét dạ dày không được hút thuốc lào, thuốc lá. Nguy cơ mắc bệnh loét dạ dày tá tràng là phụ thuộc vào lượng hút và thời gian hút thuốc.

Thuốc lá hay thuốc lào làm tăng nguy cơ tạo ổ loét, khiến ổ loét khó lành, giảm tác dụng thuốc điều trị, dễ gây loét tái lại và có nguy cơ tiến triển thành ung thư dạ dày.

Khi hút thuốc em còn phải đối mặt với vô số bệnh ung thư khác như Ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư thanh quản, ung thư miệng, ung thư mũi, ung thư tuyến tụy, ung thư bàng quang, ung thư dương vật...


- Nguyen Dung – dungg…@gmail.com

Chào BS,

Em đã chích ngừa viêm gan siêu vi B mũi thứ 5 và đi xét nghiệm anti-HBs định lượng kết quả 1000.0, trị số bình thường ghi (2-10) IU/L. Rất mong BS cho em biết kết quả vậy là thế nào? Em có phải đi chích ngừa lại không?

Trước đó em thử test 2 lần đều không có kháng thể nên mới đi xét nghiệm anti-HBs. Xin cảm ơn BS!    

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Kết quả này cho thấy em đã có kháng thể bảo vệ đối với virus gây viêm gan B. Nồng độ kháng thể bảo vệ trong máu của em rất cao (là điều tốt), em không cần đi chích ngừa lại, em nhé.


- Hoang Phuong – ngmai…@gmail.com

Em chào BS,

Em là nữ, 24 tuổi, vừa tốt nghiệp ra trường. Em hiện đang muốn nộp đơn vào làm tiếp viên hàng không của một hãng nước ngoài và được biết yêu cầu sức khỏe của hãng cũng như của ngành này rất cao.

Vừa qua em có đi xét nghiệm máu và nước tiểu (bảng xét nghiệm được đính kèm trong mail) thì kết quả thể hiện Rdw-cv cao 17.4, MCH 26.9 và chỉ số creatinine là 101.

Các chỉ số khác bình thường.

Xin BS tư vấn giúp em với các chỉ số như thế thì cơ thể em có được bình thường, và cần phải chữa trị gì không ạ? Em cảm ơn BS rất nhiều.






BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hình ảnh em gửi về rất mờ, tôi không thể nhìn rõ các con số khi phóng lớn hình, do vậy tôi sẽ tư vấn dựa trên thông tin em cung cấp.

RDW là Độ phân bố hồng cầu, khi chỉ số này tăng cho thấy tế bào hồng cầu to nhỏ không đều, thường là có thiếu máu. MCH là lượng hemoglobin trung bình trong một hồng cầu, chỉ số này giảm cho thấy hồng cầu nhược sắc.

Như vậy, nhiều khả năng em có thiếu máu hồng cầu nhược sắc mức độ nhẹ, tùy mức độ và thời gian thiếu máu mà các chỉ số khác có thay đổi theo hay không (số lượng hồng cầu, Hb, Hct, MCV).

Nguyên nhân làm hồng cầu nhược sắc bao gồm thiếu sắt (do ăn uống kém, do rối loạn hấp thu, do mất máu rỉ rả do rối loạn kinh nguyệt hay xuất huyết tiêu hóa...), Bệnh máu di truyền (HbH, β-thalasemia), do viêm nhiễm mạn tính... em nên đến chuyên khoa huyết học hay BV Truyền máu huyết học (TPHCM) để kiểm tra sâu thêm, từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp riêng, như thiếu sắt thì bù sắt, bệnh máu di truyền thì không được dùng thuốc bổ sắt (thường có trong các thuốc bổ máu).

Còn về xét nghiệm creatinin, em chỉ tăng nhẹ chút ít so với giá trị bình thường, có thể do nhiều nguyên nhân: giảm máu đến thận, viêm thận, thuốc, đau mỏi cơ... nên kiểm tra lại lần hai và kết hợp với chỉ số chiều cao, cân nặng để tính ra độ lọc cầu thận ước lượng (chức năng thận).


- Bich Nhung - TPHCM

Gởi AloBacsi,

Tôi thường chóng mặt nhức đầu, đo huyết áp máu thường xuyên xuống 53,54, 55. Vậy tôi bị bệnh gì và nên đến bệnh viện chuyên khoa nào để khám? Chân thành cám ơn BS. 

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Huyết áp gồm 2 trị số, trị số lớn nhất gọi là huyết áp tâm thu, bình thường < 140 và > 90 mmHg; trị số thấp nhất gọi là huyết áp tâm trương, bình thường < 90 và > 60 mmHg.

Bạn chỉ nêu cho tôi 1 con số, tôi không rõ đó là huyết áp tâm trương hay là nhịp tim (thường người bệnh lầm lẫn trong các máy đo huyết áp tự động), nhưng dù là 1 trong 2 thì đều là thấp. Nhịp tim chậm hay huyết áp thấp đều có thể gây ra chóng mặt, nhức đầu; nhưng cũng còn những nguyên nhân khác có thể gây chóng mặt, nhức đầu như rối loạn tiền đình, bệnh lý mạch máu não, suy giảm chức năng thận...

Tốt hơn hết, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để BS kiểm tra tổng thể cho bạn (xét nghiệm máu, đo điện tim, siêu âm tim, siêu âm mạch máu lên não...), từ đó sẽ xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp.


- Bích Hà - Bắc Giang

Chào BS,

Dạo này em hay bị đau nhói 2 bên thái dương, chảy nước mũi. Em ho nhẹ hay nói to và mỗi lần cúi xuống lại đau đầu. Nhiều lúc em lại thấy choáng váng. Xin BS tư vấn tình trạng bệnh giúp em. Em cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

BS cần nắm thêm thông tin về tính chất cơn đau, đau theo cơn hay đau âm ỉ kéo dài, cơn đau kéo dài thời gian bao lâu. Cường độ đau dữ đội hay vừa phải, đau có giật giật theo nhịp nẩy của mạch máu không. Ngoài đau đầu có kèm theo triệu chứng gì đặc biệt khác không, ví dụ buồn nôn, chóng mặt hoa mắt, kém ngủ, sợ ánh sáng và tiếng động… Thời gian vừa qua bạn có vấn đề gì làm căng thẳng tâm lý không, ví dụ áp lực về công việc, những va chạm trong nội bộ gia đình và cơ quan…

Những thông tin đó giúp BS định hướng được sơ bộ nguyên nhân gây bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau nhói 2 bên thái dương, như đau đầu vận mạch, viêm động mạch thái dương, đau do căng cơ - căng thẳng... Bạn nên đến khám tại chuyên khoa Nội thần kinh là thích hợp nhất, bạn nhé.


- Trọng Tiếp - TP Vũng Tàu

BS ơi,

Mấy ngày nay em hay bị đau đầu và 2 bên thái dương, nó cứ ê ê rồi lan xuống mặt. Em đi khám thì BS nói bị viêm xoang sàn nhưng uống thuốc vẫn không khỏi. BS cho hỏi, em có phải bị viêm xoang sàn không và đi khám ở đâu? Em xin cảm ơn!         

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Triệu chứng nổi bật nhất của viêm xoang cấp là đau nhức vùng mặt, diễn ra thành từng cơn, đau nhiều hơn về buổi sáng do ban đêm chất nhầy bị ứ lại trong xoang mũi. Những cơn đau này có tính chất chu kỳ, bệnh nhân thường đau nhiều nhất vào khoảng 8 - 11g sáng. Viêm xoang sàng trước thường đau giữa hai mắt. Viêm xoang sàng sau thường chỉ nhức đầu âm ỉ vủng sau gáy, đỉnh, chẩm.

Nếu theo miêu tả của em, thì vị trí đau của em không đặc trưng lắm trong viêm xoang sàng đơn thuần, và nếu em điều trị viêm xoang sàng mà triệu chứng vẫn còn, em nên khám tại chuyên khoa Nội thần kinh để xác định lại nguyên nhân gây đau 2 bên thái dương, như đau đầu vận mạch, viêm động mạch thái dương, đau do căng cơ - căng thẳng...


Sau đây là lịch tư vấn tuần này (từ thứ hai ngày 16/5 đến chủ nhật ngày 22/5), AloBacsi trân trọng cập nhật để bạn đọc tiện theo dõi.

Trân trọng thông báo:

Thứ

Bác sĩ phụ trách

Thời gian tư vấn

Ghi chú

Hai

BS Cao Thị Lan Hương

17g30 - 19g30

 

Ba

BS Trần Thị Thu Cúc

17g30 - 19g30

 

BS Trần Thị Thu Cúc

17g30 - 19g30

 

Năm

BS Cao Thị Lan Hương

17g30 - 19g30

 

Sáu

BS Trần Thị Thu Cúc

17g30 - 19g30

 

Bảy

BS Cao Thị Lan Hương

17g30 - 19g30

 

Chủ nhật

BS Trần Thị Thu Cúc

 

Tư vấn qua email

 


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X