Hotline 24/7
08983-08983

Bí quyết sống khỏe của ông Lý Ngọc Minh - Công ty gốm sứ Minh Long 1

Làm việc cường độ cao, di chuyển liên tục để khảo sát thị trường các nước nhưng ông vẫn tráng kiện và nhanh nhẹn. Ở tuổi U70, ông vẫn là "linh hồn - là thủ lĩnh" của mọi dòng sản phẩm mới của công ty gốm sứ Minh Long.

Khác với các buổi họp báo bình thường, buổi gặp mặt báo chí đầu năm 2018, ông Lý Ngọc Minh không nói câu nào về sản phẩm mới, dù chung quanh, có đến hàng chục dòng sản phẩm chuẩn bị "chào sân", ông chủ gốm sứ Minh Long 1, lại sang sảng bắt đầu buổi họp bằng bài chia sẻ bí quyết sống khỏe, sống vui của mình.

Ông nói, qua nhiều năm nghiên cứu, đọc và nghiền ngẫm, ông rút ra các kết luận cho riêng mình như sau:

Khẩu phần thịt tối đa là 10%

Trước hết, tạo hóa đã có tính toán khéo léo khi cho con người có hai bàn tay để hái trái, lượm hạt chứ không phải là bộ móng vuốt săn bắt, vồ mồi của loài động vật ăn thịt. Hơn nữa, răng của loài người được cấu tạo đặc biệt như răng của các loài động vật ăn thảo mộc, chỉ có 2 chiếc răng nanh thiệt nhỏ và cấu tạo răng, xương quai hàm giúp nhai theo cử động chiều ngang, qua lại nên chỉ có chức năng nghiền hạt ngũ cốc, trái cây, thực vật...

Ngoài ra, trong bộ phận tiêu hóa của loài động vật ăn rau quả và loài người so với loài động vật ăn thịt có điểm khác biệt là đường ruột. Tạo hóa ban đặc ân cho động vật ăn thịt có đường tiêu hóa chỉ dài gấp khoảng ba lần chiều dài cơ thể, trong khi đó đường tiêu hóa của loài người và loài động vật ăn rau quả thì dài gấp khoảng 5-10 lần.

Vì thế, chất cặn bã sinh ra từ thịt ở trong ruột của loài thú ăn thịt sẽ được bài tiết ra ngoài nhanh chóng hơn. Trong khi đó, thịt sau khi ăn vào sẽ ở lại trong ruột của loài người và loài động vật ăn thảo mộc lâu hơn, sinh ra độc tố nhiều hơn trong quá trình tiêu hóa ở người thích ăn thịt.

Tôi may mắn được đọc cuốn sách Nhân tố Enzyme của BS Hiromi Shinya. Trong suốt 40 năm làm việc trong ngành Y, từ kết quả lâm sàng khi tiến hành kiểm tra dạ dày của 300.000 người, ông đã rút ra kết luận “Người có sức khỏe tốt là người có dạ dày đẹp, ngược lại, người có sức khỏe kém là người có dạ dày không đẹp”.

Điều này cho thấy, cấu trúc của con người đã được tạo hóa định sẵn thuộc là loài ăn thực vật. Và chỉ khi chúng ta ăn đúng với bản chất của mình thì sức khỏe mới tốt. Tính như vậy, cơ thể chúng ta cần đến 50% các loại hạt, 35-45% trái cây, rau xanh và chỉ 10-15% là thịt cá thôi, trong đó ưu tiên nhất vẫn là cá.

Dù cường độ làm việc liên tục, ông Lý Ngọc Minh - người được mệnh danh là "Ông vua gốm sứ Việt Nam" vẫn dành thời gian để đọc sách về sức khỏe

Ăn gạo lứt thay cho gạo trắng

Trước đây, tôi làm gì cũng nhanh. Tôi tập ăn gạo lứt chính là để sống chậm, bảo vệ sức khỏe. 

Chọn gạo ăn như một quả trứng vậy. Người ta có thể ăn một lúc 15 lòng trắng trứng nhưng chẳng mấy ai dám ăn 15 tròng đỏ cả bởi chúng chứa nhiều cholesterol gây hại cho sức khỏe.

Nói vậy để thấy, gạo chính là trứng của thực vật. Trong đó, gạo trắng tượng trưng cho lòng đỏ trứng gà, nếu ăn quá nhiều có thể gây tiểu đường, mỡ máu cao. Còn gạo lứt đại diện cho lòng trắng trứng, vẫn có vỏ bên ngoài và cung cấp "sự trọn vẹn tự nhiên" với hạt ngũ cốc và rất giàu chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Để sử dụng gạo lứt đúng cách cũng là cả một nghệ thuật. Tôi biết rất nhiều người chỉ ăn gạo lứt một thời gian ngắn là bỏ cuộc. Với tôi, ăn gạo lứt đúng cách là phải: Mua đúng gạo, nấu đúng kỹ thuật và ăn đúng cách.

Mua đúng ở đây nghĩa là gạo ngon, trồng đủ 6 tháng. Nấu đúng kỹ thuật nghĩa là trước khi nấu cần ngâm đủ 8-12 tiếng, pha với các loại hạt khác như đậu, nếp than... và cần sử dụng loại nồi đặc biệt như nồi đất thì hạt gạo mới nở đều, thơm phức. Và ăn đúng cách là vừa đủ, mỗi lần chỉ khoảng 1 chén đầy hoặc 2 chén lưng.

Trong công việc, ông Lý Ngọc Minh là người vô cùng nghiêm khắc nhưng lại rất quan tâm đến đời sống, sức khỏe của nhân viên. Hơn 1 năm trước, ông đã phát động toàn thể cán bộ nhân viên của công ty ăn gạo lứt thay cho gạo trắng. Ban đầu, ông đã đặt hàng tấn gạo lứt để chia sẻ với nhân viên và hiện, căn-tin của Minh Long trong mỗi bữa ăn đều có sự xuất hiện của loại gạo này.

Đúc kết kinh nghiệm qua những cuốn sách về sức khỏe và kinh nghiệm thực tế, ông đã nghiên cứu ra công thức vừa đảm bảo sức khỏe lại ngon miệng theo tỉ lệ: 2 gạo lứt, 2 huyết rồng và 1 nếp than

Nhai kỹ - không nên ăn quá no

Hệ thống tiêu hoá của chúng ta không có răng nên để hoạt động tốt thì chúng chỉ hấp thụ những vật dưới 2-micron, tức là nhỏ bằng khoảng 1% của sợi tóc.

Như vậy khi ăn cần nhai ít nhất 50-70 lần để làm nhuyễn thức ăn, enzym tiết đủ để tiêu hoá tốt, gan hoạt động không bị quá tải gây mệt mỏi.

Bên cạnh đó, ăn quá no hoặc quá nhiều không cũng tốt cho sức khỏe. Mới đây, tôi có chuyến công tác nước ngoài, nhiệt độ thay đổi có khi xuống âm độ, hơn nữa còn di chuyển liên tục qua các thành phố nhưng về nước vẫn có thể làm việc rất tốt. Mặc dù trước chuyến đi tôi chỉ ăn có một chén cơm. Tôi chia sẻ điều này để thấy, nếu ăn 1 chén mà đúng cách thì sẽ đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, các bộ phận trong cơ thể khỏe khoắn còn hơn ăn 3 chén mà nặng nề dạ dày, gan.

Không nên nấu ăn ở nhiệt độ cao

Nhiệt độ trong nấu nướng cũng là một trong những tác nhân có thể gây hại cho sức khỏe. Trong quá trình chế biến nóng, các chất dinh dưỡng biến hóa khôn lường. Chẳng hạn như khoai tây không có độc nhưng mang chiên dầu trên nhiệt độ cao thì một ngày chỉ cần ăn 6-7 miếng, kéo dài từ 3-6 tháng, đảm bảo bị bệnh tim mạch.

Tương tự như vậy, bắp rang mang lại nhiều nguy hiểm hơn ta tưởng. Vì sao bắp răng lại gây độc trong khi nếu ăn bình thường thì chẳng hề hấn gì? Khi chế biến, để bắp rang nở to, thơm ngon người ta thường cho vào nồi kín, gia nhiệt trên nhiệt độ cao, sau đó mở nắp hơi nước bung ra ngoài thì bắp mới nở. Mà chính quá trình gia nhiệt độ cao là xúc tác tạo ra chất gây ung thư.

Chính vì vậy, hiện nay người ta đã phát minh ra hệ thống nấu nướng slow cooker. Loại nồi này có thể làm chín thức ăn từ từ bằng một nhiệt độ nhất định. Chúng ta đừng nghĩ rằng chỉ có nấu nhiệt độ cao thực phẩm mới chín. Nếu nấu đúng cách, chỉ cần 65 độ đã chín miếng thịt bò. Và khi chín màu sắc rất đẹp, giữ nguyên được các dưỡng chất mà thực phẩm cung cấp.

Uống nước cần đúng thời điểm, đúng lượng, đúng mục đích


Trọn bộ 2 cuốn sách "Nhân tố Enzym" của BS Hiromi Shinya và cuốn "Cuộc cách mạng một - cọng - rơm" của tác giả Masanobu Fukuoka là những tác phẩm mà ông Lý Ngọc Minh khuyên mọi người nên tìm đọc để tìm ra cách sống bảo vệ sức khỏe

Tôi bị đau dạ dày hơn 30 năm, đi khám nhiều bác sĩ nhưng không cải thiện. Sau đó, tình cờ đọc được cuốn sách của BS Hiromi Shinya thì đã khống chế được căn bệnh này chỉ bằng cách ăn uống điều độ.

Trong đó, uống nước đúng cách cũng là một yếu tố quan trọng. Việc uống bao nhiêu nước một ngày còn tuỳ thuộc vào từng trường hợp, thể trạng, cường độ vận động, môi trường làm việc của mỗi người. Chẳng hạn như ăn thịt cá nhiều, đồ chiên nướng thì cần uống nhiều nước để thải chất độc. Còn nếu như ăn gạo lứt muối mè thì đâu cần uống nhiều nước.

Vậy uống nước thế nào là vừa? Như thầy Thích Tuệ Hải nói, chúng ta kiểm tra nước tiểu, nếu vàng đậm thì cần bổ sung thêm nước, nếu vàng lợt là ổn và chuyển màu trắng thì nên dừng lại. Trong điều kiện bình thường, mỗi ngày cần cung cấp khoảng 2.5 lít nước và khi uống cũng cần ngậm lại trong miệng 2-3 giây để enzym tiết ra đủ cho hoạt động tiêu hóa.

Ngoài ra, tôi thường tập cho mình thói quen uống nước trước khi ăn 1 tiếng và trước khi đi ngủ 2 tiếng để không làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.  Bởi giấc ngủ ngon sẽ làm sức khoẻ bền bỉ, giảm căng thẳng, xoa dịu tâm trí, là một liều thuốc hiệu nghiệm để chữa sự mỏi mệt thể chất và tâm hồn.

Là người đọc nhiều sách, am hiểu tường tận về sức khoẻ, ông như vị bác sĩ của gia đình mình. Mỗi cuốn sách đưa đến nhiều kiến thức mới lạ, ông không giữ cho riêng mình mà muốn chia sẻ nhiều hơn nữa để khi nghĩ về Minh Long không chỉ có các sản phẩm gốm sứ mà sức khỏe luôn được đặt lên hàng đầu.

Ông dẫn câu slogan in trên tường phòng mạch một bác sĩ bạn ông: “Sức khỏe là tài sản quý giá nhất nhưng cũng là thứ được canh giữ khinh suất nhất”.

Bên cạnh việc chia sẻ các thói quen có lợi cho sức khỏe, ông còn đưa ra lời khuyên cho mọi người nên tránh xa gạo trắng, đường và bột ngọt. Nhất là đường trắng khi vào cơ thể chúng sẽ tạo thành chất chua và nếu vượt quá “hạn mức”, cơ thể sẽ lập tức tạo ra chất kiềm để máu chua không gây bệnh. Nhưng ngặt một nỗi, chất kiềm mà nó lấy lại chính là từ xương của chúng ta.

Hay bột ngọt, nếu dùng vừa đủ và đúng cách thì chẳng có gì để nói. Nhưng điều quan trọng nhất mà mọi người không biết đó là bột ngọt sợ lửa. Khi đun nấu trên ngọn lửa lớn quá lâu thì chúng sẽ “xù mình” tự động sinh ra chất độc.


Trong câu chuyện, ông hóm hỉnh ví sức khỏe của mỗi người như những chiếc xe. Khi tạo hóa ban cho chúng ta sự sống, không biết đó là Mercedes, Toyota hay Hyundai. Nhưng cho dù là dòng xe hiện đại, mắc nhất với chất lượng tốt nhất nhưng nếu không chịu bảo dưỡng, chăm sóc thì “xe xịn” cũng biến thành “tàn phế” sau vài tháng. Sức khỏe cũng vậy, mỗi người không nên chủ quan, đừng so sánh sức khỏe của mình với người khác, vì cơ địa của mỗi người khác nhau. Có thể họ là Mercedes còn ta chỉ là Toyota thôi!


Hoàng Thuý - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X