Hotline 24/7
08983-08983

Bí quyết để có trái tim khỏe cho mọi lứa tuổi

Mỗi độ tuổi từ 20, 30, 40, 50 và trên 60 sẽ có những nguy cơ mắc bệnh tim mạch khác nhau. Vậy cần làm gì để bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh?

ThS.BS.CK1 Nguyễn Hữu Tín - Khoa Hồi sức tim mạch Bệnh viện Nhân dân 115

Dựa trên những thông tin của Hội Tim Mạch Hoa Kỳ, ThS.BS.CK1 Nguyễn Hữu Tín - Khoa Hồi sức tim mạch Bệnh viện Nhân dân 115 đưa ra lời khuyên hữu ích để giảm nguy cơ bệnh tim mạch cho mọi lứa tuổi.

1. Cho mọi lứa tuổi

Dù cho bạn ở bất cứ độ tuổi nào thì việc có chế độ ăn khỏe mạnh và hoạt động thể lực phù hợp luôn có những lợi ích đáng kể. Cụ thể như sau:

Chế độ ăn:

- Hạn chế ăn các thực phẩm có chứa các thành phần sau: chất béo bão hòa, muối, đường ngọt, thịt đỏ (như thịt bò hoặc thịt heo). Nếu có ăn thịt thì không nên ăn thường xuyên và chỉ nên ăn thịt nạc.

- Nên ăn nhiều rau quả và trái cây, ngũ cốc giàu chất xơ, cá (nếu được thì dùng dầu cá ≥ 2 lần/tuần), các loại quả hạch (như hạnh nhân, đào,…), hạt đậu.

Hoạt động thể lực:

- Bạn nên vận động thể lực trung bình - nặng (ví dụ đi bộ nhanh) ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc vận động thể lực nặng (ví dụ chạy bộ) ít nhất 75 phút mỗi tuần, hoặc có thể kết hợp cả hai.

- Bên cạnh đó bạn nên có tối thiểu 2 ngày trong tuần dành để hoạt động rèn luyện tất cả các nhóm cơ quan trọng (ở vùng chân, hông, lưng, bụng, ngực, vai).

Mọi lứa tuổi đều cần quan tâm tới những biện pháp giảm bớt nguy cơ bệnh tim mạch - Nguồn: Website Hội tim mạch Hoa Kỳ

2. Cho những ai đang ở độ tuổi 20-30

Nếu bạn đang ở tuổi này thì ngoài việc có chế độ ăn khỏe mạnh như đã mô tả phía trên thì việc hoạt động thể lực càng phải tích cực hơn.

Ngoài ra bạn cần phải tránh xa thuốc lá do những tác hại của nó. Không những thế nếu thấy có người khác hút thuốc lá thì bạn nên tránh xa vì hít phải khói thuốc lá từ người khác còn độc hại hơn so với việc tự mình hút nữa.

3. Cho những ai đang ở độ tuổi 30-40

Ở độ tuổi này thường bạn đang dành hầu hết thời gian cho gia đình và sự nghiệp của mình, do đó có những lưu ý như sau:

- Tạo thói quen lành mạnh cho gia đình của bạn, nhất là khuyến khích cho con của bạn được hoạt động thể lực cũng như làm quen với chế độ ăn lành mạnh.

- Quản lý stress (về mặt tinh thần và thể chất) của bản thân do stress có thể gây tăng nhịp tim và tăng huyết áp dẫn tới tổn thương thành động mạch của bạn. Việc quản lý stress không những có lợi cho cơ thể mà còn tăng chất lượng sống cho bạn.

4. Cho những ai đang ở độ tuổi 40-50

Bắt đầu từ tuổi 40 trở lên thì bạn dễ tăng cân do chuyển hóa cơ thể đang có xu hướng chậm lại và dĩ nhiên việc này không có lợi cho cơ thể bạn rồi. Để tránh tăng cân thì bạn cần giữ chế độ ăn khỏe mạnh và phải tập thể dục thường xuyên hơn nữa.

Thời điểm này nên bắt đầu chú ý tới việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên về huyết áp, mỡ máu, đường máu. Từ năm 45 tuổi trở lên thì bạn nên được kiểm tra đường huyết đói mỗi 3 năm 1 lần.

Khi vợ hoặc chồng bạn than phiền bạn ngủ ngáy nhiều thì đừng vội phớt lờ mà nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra loại trừ tình trạng ngưng thở lúc ngủ, vốn là một nguyên nhân gây huyết áp cao và có nguy cơ gây bệnh lý tim mạch.

5. Cho những ai đang ở độ tuổi 50-60

Ở độ tuổi này chúng ta có thể thấy bản thân mình có những dấu hiệu già đi rồi. Do tuổi tác cũng có ảnh hưởng xấu lên tim mạch nên thời điểm này chúng ta càng cần phải chú ý nhiều hơn:

- Giữ chế độ ăn có lợi cho tim mạch như đã mô tả ở trên.

- Nhận biết những dấu hiệu gợi ý bệnh lý tim mạch nguy hiểm như: đau ngực, khó thở, tê tay chân, yếu hoặc liệt nửa người đột ngột, nói đớ...Bạn có thể tự tìm hiểu thêm các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ để có thể nhập viện sớm nhất khi có các dấu hiệu này. Nhập viện càng sớm thì chúng tôi càng có thể xử trí tốt hơn.

- Nếu bạn đang điều trị các bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp hay rối loạn mỡ máu thì bạn phải tuân thủ điều trị như bác sĩ dặn để từ đó giảm đáng kể nguy cơ biến cố bệnh lý tim mạch.

6. Cho những ai đang ở độ tuổi từ 60 trở lên

Như đã nói ở phần trên, tuổi càng cao thì nguy cơ bệnh tim mạch càng lớn. Ở tuổi này các bạn càng cần phải chú ý tới những biện pháp giảm thiểu nguy cơ tim mạch như đã mô tả trước đó, đặc biệt là tuân thủ điều trị của bác sĩ, giữ chế độ ăn uống lành mạnh và vận động thể lực phù hợp.

Vậy là chúng ta đã điểm qua những biện pháp giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch cho mọi lứa tuổi rồi, mong bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X