Hotline 24/7
08983-08983

Bí quyết dạy con tự kỷ suốt 20 năm của bà mẹ An Tôn

“Con chị bị thần kinh. Đem con đi bệnh viện thần kinh đi chứ không học được đâu”, đó là câu nói của một giáo viên mầm non mà mẹ An Tôn vẫn nhớ khi lần đầu tiên đưa con đến trường. Đó cũng là cột mốc của hành trình hơn 20 năm chị Phạm Hương Giang dành cho con. Hành trình đó như chị nói là: “Hành trình đi tìm lẽ công bằng”.

Khoảnh khắc hạnh phúc của mẹ con An Tôn. Ảnh: Trường Hùng

Con không thể bị thần kinh

Hà Thành An Tôn - cái tên thể hiện tất thảy tình yêu thương. Đó là đứa cháu đầu tiên trong cả gia đình nội ngoại nên được quý như cục vàng. Trong cơ man của tất cả sự suy nghĩ, chắc hẳn chị Giang cũng không thể ngờ được những điều mà chị và con mình sẽ phải trải qua. Suốt 3 năm đầu đời, An Tôn chẳng chịu nói, cũng chẳng biểu hiện cảm xúc. Bằng linh cảm của một người mẹ, chị đưa con đi khám chữa khắp nơi để tìm cho bằng được căn bệnh mà con mình đang mắc phải.

Hầu hết các bệnh viện lớn ở Hà Nội đều đã ghi dấu chân của mẹ con chị. Đưa con đi, trải qua hầu hết các xét nghiệm, thăm dò bệnh chị nhận tin như sét đánh ngang tai. Trong đôi mắt của một người mẹ trải qua nhiều biến cố không giấu nỗi nét bàng hoàng thưở nào: “Tôi đưa An Tôn đi khám với niềm tin con hoàn toàn bình thường. Nhưng, nhiều bệnh viện đã kết luận cháu bị thần kinh. Thậm chí còn kê thuốc an thần cho cháu”.

Thế nhưng trong sự linh cảm của một người mẹ về núm ruột yêu thương của mình chị vẫn có một niềm tin gì đó sâu sắc lắm: “Mình là mẹ An Tôn và mình vẫn tin rằng con không thể bị như vậy được, đó là trực giác của một người mẹ. Mình đã can đảm một lần nữa đưa An Tôn đi test IQ ở một bệnh viện tư. An Tôn đạt chỉ số đến hơn 120. Các bác sĩ kết luận cháu không phải bị tâm thần nhưng bệnh gì thì không rõ”.

Bố An Tôn là một người lính nhưng cái rắn rỏi trong nghề cũng khiến anh chẳng thể chấp nhận nổi sự thật nghiệt ngã với con mình. Hết nghiêm khắc, kỷ luật rồi lại đến dỗ dành, suy cho cùng cũng xuất phát từ nỗi lòng của một người đàn ông bất lực với đứa con của mình. Khó khăn nhất với vợ chồng chị Giang thời điểm đó có lẽ là việc xin học cho con.

Trong cái rủi có cái may. Chị kể: “Dạo đó, một cô giáo đi học từ Đức về mở trường tư dạy mầm non. Tôi đưa An Tôn đến để xin học nhưng cũng chẳng nhiều hy vọng. Nhưng thật may, cô giáo sẵn sàng nhận An Tôn với vỏn vẹn một câu nói: Em hiểu vấn đề của cháu. Chị cứ giao cháu cho em”. Có lẽ, câu nói ấy cũng đã sưởi ấm lắm trái tim của một người mẹ vốn nhiều trăn trở, tủi thân trong hành trình cho con đến trường. Thế là, An Tôn - một cậu bé không biết nói, hành động bột phát, bị kết luận bị “thần kinh” đã được đến trường, được học, được hòa nhập. Chị Giang lại tiếp tục đồng hành cùng con và nuôi hy vọng một ngày con sẽ biết nói, biết cười, biết khóc như bao đứa trẻ bình thường khác. Còn bố An Tôn chỉ biết động viên tổ ấm của mình với niềm tin của riêng mình: “Biết đâu An Tôn của bố lại trở thành thủ trưởng ấy chứ, con nhỉ!”.

Tiếng gọi đầu không phải là mẹ cha

Với những đứa trẻ tự kỷ, lòng yêu thương là liều thuốc quý nhất.

Không bỏ cuộc chị lang thang khắp các diễn đàn trên trên Internet, hỏi nhiều chuyên gia ở nước ngoài và biết được căn bệnh của con mình ở nước ngoài gọi là “tự kỷ”. Và điều đó đã cho chị thêm cơ sở để có thể đồng hành cùng con.

Cậu bé An Tôn cứ thể lớn lên trong tình yêu của mẹ. Cho đến một ngày, người phụ nữ không tin nổi khi An Tôn đã bắt đầu nói được. Chị vẫn còn nhớ từng giây trong khoảnh khắc đặc biệt đó: “Từ đầu tiên An Tôn nói được là từ “chó”. Con biết nói, mừng lắm rồi lại thương con. An Tôn nói từ “chó” bởi lẽ em đã quá ám ảnh trong một lần trêu một chú chó hàng xóm rồi bị cắn. Tiếng gọi đầu tiên của con không phải là cha, là mẹ như những đứa trẻ thông thường nhưng ít ra An Tôn đã không còn là đứa trẻ vô cảm nữa. Đã biết sợ, biết nhớ”.

Cũng từ đó, những biểu hiện của An Tôn càng khiến chị vui hơn. Trong một lần đứng bếp chị nghe thấy tiếng đánh vần từng chữ một của An Tôn ngoài phòng khách. Chị vui mừng khôn xiết kể ngay với chồng. Anh chỉ cười rồi lẳng lặng nói với chị: “Thế giờ em mới biết à”. Cho tới bây giờ chị vẫn không hiểu sao anh lại không nói với chị. Có lẽ, hạnh phúc đó quá mong manh nên anh muốn chắc chắn rồi mới dám kể, dám nói. Và chị lại tiếp tục với hành trình của mình, hành trình cùng con học ăn, học nói, học kỹ năng sống.

An Tôn may mắn khi được nhận vào một trường cấp một, được thầy cô yêu thương. Khi An Tôn lên cấp 3, chị Giang lại một lần nữa trăn trở khi được thầy hiệu trưởng gọi lên trường và trao đổi về việc không thể nhận An Tôn vào học được. Cuối cùng, cũng có một trường quân đội nội trú chấp nhận An Tôn. Chị vẫn còn nhớ những khoảnh khắc đó: “Tôi đến thăm trường và cứ đứng ở cửa căn nhà ăn nghỉ của các cháu nhìn vào. Tôi nghĩ đến việc An Tôn sẽ phải rời xa mọi người. Rồi lại nghĩ đến cảnh cháu sẽ phải thích nghi như thế nào với mọi người vì vốn trước nay mọi sinh hoạt của cháu đều do bố mẹ lo liệu. Thế là chẳng hiểu sao, nước mắt tôi cứ chảy ra”. Bình tĩnh lại, chị hiểu rằng đây chính là cơ hội để con hòa nhập, để con có thể vượt qua chính mình.

Chưa quen với môi trường nội trú, ngày nào An Tôn cũng đứng ở cổng trường chờ người nhà đón về. Bác bảo vệ hỏi thì An Tôn chỉ lẳng lặng trả lời: “Con chờ bà ngoại đến đón về!”. Là trẻ tự kỷ, tính cách bốc đồng nên An Tôn luôn bị thiệt thòi. Có lần, An Tôn bị các bạn bắt nạt, đẩy đến trật khớp tay, chỉ biết khóc. Nhưng thương con là một lẽ đã đành, chị Giang lại tự động viên mình: “Biết đâu, đây chính là cơ hội để con trải nghiệm. Để lần sau con biết tự vệ, biết phản kháng nếu bị bất công. Bởi, bố mẹ cũng không thể đồng hành cùng con mãi được”.

Liều thuốc quý là lòng yêu thương

An Tôn cứ thế lớn lên cùng niềm kỳ vọng của người mẹ can đảm. Mỗi khó khăn mà em trải qua đều trở thành niềm hy vọng với chị Giang. 20 năm qua chưa một ngày nào chị thôi chiến đấu cùng con. An Tôn càng lớn càng có thêm nhiều sự tiến bộ. Đồng hành cùng chị giờ đây không chỉ có chồng chị mà còn có cả em gái An Tôn. Chị cười và nói: “An Tôn yêu em gái và cũng sợ em gái nhất đời. Cứ chuyện gì mà mẹ không giải quyết được là lại phải nhờ đến sự chi viện của cô nàng”.

Tôi hỏi chị về những trăn trở trong những tháng ngày có thai đứa bé thứ hai. Làm sao mà không lo lắng cho được khi mà đứa con trai đầu của chị đã như vậy. Nhưng, chị từ trấn an mình bằng niềm tin: “Ông trời chắc sẽ không đối xử tệ với mình đến như vậy. Và quả thật là vậy. Ông trời đã mang đến cho tôi một thiên thần mạnh khỏe, bình thường như những đứa trẻ khác, tôi chẳng mong gì hơn”.

Từng bị kết luận là bị thần kinh, bằng sự yêu thương vô bờ của người mẹ, An Tôn giờ đây cũng đã là một chàng trai 20 tuổi. Sự trưởng thành của chàng trai đó được đo đếm bằng những việc tưởng chừng như đơn giản nhất: biết tiêu tiền, biết than thở khi ốm, biết mỉm cười hạnh phúc. Không chỉ vậy An Tôn còn có thể nói tiếng Anh, hát nhạc nước ngoài. Thời gian gần đây, em còn tham gia học nghề tại trung tâm hướng nghiệp dành riêng cho trẻ tự kỷ. Còn người mẹ thì cứ đong đếm sự trưởng thành của con bằng những câu nũng nịu của chàng trai trong góc thang máy thân thuộc: “Con giờ đến cổ mẹ rồi, không biết khi nào thì con cao bằng mẹ nhỉ”.
Theo Huy Hoàng - Gia Đình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X