Hotline 24/7
08983-08983

Bí mật bài thuốc gia truyền của Lương y Phó Hữu Đức

Ông được mệnh danh mát tay khi mang niềm hạnh phúc vô bờ cho những cặp vợ chồng vô sinh, lấy lại nụ cười tròn trịa trên môi của những người chẳng may méo miệng.

Phép màu ấy bắt nguồn từ những bài thuốc mà lương y Phó Hữu Đức học được từ chính ông, cha  mình – dòng họ 3 đời làm nghề thuốc người Sán Dìu dưới chân núi Tam Đảo.

Được làm cha mẹ là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời người, nhưng vì nhiều lý do, điều thiêng liêng này lại đến với mỗi gia đình theo những cách khác nhau. Có người dễ dàng, có người viên mãn nhưng với không ít người, đó là những tháng ngày chờ đợi đằng đẵng, thậm chí hôn nhân cũng trở nên mong manh chỉ vì gia đình thiếu đi tiếng khóc, cười, tiếng gọi bi bô của trẻ thơ.

Không phải trường hợp nào cũng chữa được

Bài thuốc của ông có vị thuốc gia truyền của người Sán Dìu

Nghe danh đã lâu, một vài người bạn đã tìm đến ông để chữa, nhưng cuộc sống vốn nhiều lo toan bề bộn, lại không phải lĩnh vực mà tôi quan tâm nên dường như tên vị lương y này chìm nghỉm trong lãng quên. Trong suy nghĩ của tôi, ông cũng giống như những lang băm hiện nay vẫn hay hành nghề không phép và "nổ" tung giời.

Suy nghĩ ấy của tôi đã sai, khi một chị bạn thiết tha đề nghị tôi đi cùng vừa để bốc thuốc cho tôi, vừa để chị cảm ơn sau khi uống thuốc của ông đã mang thai tháng thứ 4. Tôi vẫn dùng dằng chưa muốn đi. Chỉ đến khi nhận được sự xác nhận của cơ quan quản lý tôi mới tìm đến ông để nghe ông nói về nghề cứu người.

Ông hẹn tôi 8h30. Đúng giờ, tôi có mặt. Căn phòng đã chật kín bệnh nhân. Bên ngoài, ông bắt mạch kê đơn, còn bên trong là phòng châm cứu. Tôi kiên trì ngồi đợi, thu mình một góc quan sát bệnh nhân. Mỗi người một tâm trạng. Người mắc bệnh gan, người kêu dị ứng nhưng ấn tượng nhất với tôi là 3 bệnh nhân nữ đến khám vô sinh.

Một chị ở Hà Nội, một chị ở Bắc Giang còn một người thì nhất định không cho biết danh tính. Khi tôi nói, cũng đang đi chữa vô sinh và đây là lần đầu tiên đến chữa, các chị như tìm được người đồng cảnh. Nỗi niềm riêng của từng người được hé lộ.

Nguyễn Thị Phương Loan (34 tuổi, TP Bắc Giang) buồn buồn kể, cưới chồng 7 năm, đã có con gái đầu lên 6 tuổi. Chị lên kế hoạch sinh con thứ hai cách đây hơn 3 năm nhưng mãi không có tin vui.

Các bác sĩ kết luận chị bị buồng trứng đa nang, tiền sử nạo hút thai nên niêm mạc mỏng. Đầu năm 2013, chị phải mổ tách dính niêm mạc. Sau đó, ai mách ở đâu có thầy lang giỏi chị tìm đến, từ Hải Phòng, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Cạn… chị đều cắt thuốc uống, thậm chí đi bơm tinh trùng mà giấc mơ " con" vẫn cứ xa vời vợi.

Ngặt nỗi, chồng chị là con trai duy nhất, nên nhiều lần anh nói không đẻ được con trai sẽ phải lấy vợ khác. Cực chẳng đã, người đàn bà 34 tuổi chẳng quản khó khăn, tốn kém tiền bạc theo đuổi hành trình "kiếm con". Chị đang uống thuốc của lương y Đức và hy vọng lần này gặp thầy, gặp thuốc.

Nói về trường hợp này, ông Đức khẳng định có thể chữa khỏi được. Ông cho biết, chữa vô sinh theo bài thuốc gia truyền và kinh nghiệm cá nhân, nhưng không phải trường hợp nào cũng chữa được. Thường những bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn đã khám và chữa tây y, thậm chí là điều trị tây y nhiều năm, thấy không có kết quả mới tìm đến đông y.

Những bệnh nhân nữ bị lao tử cung, tắc vòi trứng, gấp khúc ống dẫn trứng... ông sẽ không chữa mà khuyên người bệnh tìm đến ngoại khoa. Với đàn ông, nếu tinh trùng là 0%, bị tai biến do quai bị, nhiễm xạ, nhiễm chì... thì ông cũng không thể chữa được.

Duyên Tổ nghiệp

Lương y đa khoa Phó Hữu Đức là con thứ ba trong một gia đình người dân tộc Sán Dìu có mười anh em. Quê ông (ở thôn Lưu Quang, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đa phần là người dân tộc Sán Dìu sinh sống.

Bên họ nội của ông nổi tiếng trong vùng về chữa bệnh gan, thận. Còn bên ngoại được nhiều người biết đến mát tay chữa các bệnh hiếm muộn, thần kinh, thấp khớp. Hiện người bác và người dì của ông cũng là những lương y nổi tiếng ở vùng. Chính vì thế, cả tuổi thơ của vị lương y này gắn bó với cây thuốc.

Từ nhỏ lương y đã được theo các bác, dì vào rừng lấy thuốc. Đó chính là quãng thời gian ông học nghề khi chỉ " tí tuổi đầu" đã nhận biết từng loại cây thuốc, biết phân biệt mùi vị, màu sắc và tác dụng chữa bệnh khác nhau.

Như một lẽ tự nhiên, duyên nghiệp gắn vào máu. Được gia đình định hướng, học xong cấp III, ông thi đậu vào trường Dược Hải Dương. Học xong, ông lại tiếp tục học trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh (nay là Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam).

Ngoài những kiến thức bài bản theo chương trình học, ông có cách chữa riêng theo những bài thuốc của người dân tộc Sán Dìu. Việc học giúp ông có kiến thức tổng quát, còn chữa bệnh lại từ kinh nghiệm và những bài thuốc bí truyền.

Ra trường ông trở lại quê hương lập nghiệp, rồi quay về Thủ đô hành nghề cứu người. Hơn 20 năm hành nghề là chừng ấy năm ông miệt mài bên những bài thuốc. Hàng ngàn bệnh nhân được ông ghi chép tỷ mỷ, hàng ngàn bệnh nhân đã tìm lại niềm vui, hy vọng sống sau khi gặp ông.

Đông tây y kết hợp

Nhiều phụ nữ vô sinh tìm đến ông

Theo ông Đức, lượng bệnh nhân chữa vô sinh tìm đến ông chiếm 50%. Ông chỉ nhận chữa nếu nữ bị vấn đề về nội tiết tố khiến khó có con, nam vẫn còn tinh trùng sống. Với nữ, sau khi uống thuốc để ổn định nội tiết và vòng kinh đều sẽ cho đi kiểm tra nang trứng, niêm mạc tử cung rồi tiếp tục điều trị. Với nam, dựa trên kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ, sẽ cho uống thuốc để làm tinh trùng khoẻ lên.

Điều đặc biệt, tất cả bệnh nhân đến với ông đều được ghi chép lai lịch rất cẩn thận: Tên, tuổi, nơi ở, ngày đến khám, tình trạng bệnh kèm phiếu xét nghiệm, kết quả điều trị... Một số bệnh nhân đặc biệt, không cần giở sổ, ông Đức có thể nói vanh vách.

Ngoài các hộc tủ đựng thuốc đông y với các vị thuốc thường thấy như sa nhân, táo nhân, cam thảo, bối mẫu, bạch truật, viễn chí... còn có các hộp thuốc ghi những cái tên mà thực sự tôi đọc méo hết cả miệng như: Mao men cay, lách phỏi, mạn kinh tử, phạc mộc chấy, hong va lem... Hỏi về những vị thuốc "lạ" này, ông Đức cười: "Đây là thuốc gia truyền của gia đình, phải là người Sán Dìu trong gia đình mới biết...".

Trong việc chữa vô sinh, ông Đức luôn yêu cầu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm của Tây y. Sau khi uống thuốc một thời gian, ông lại yêu cầu bệnh nhân đi xét nghiệm kiểm tra kết quả điều trị bệnh. Ông Đức cho rằng, chữa vô sinh cần kiên trì.

Bởi không ít trường hợp đã hiếm muộn, chữa khỏi, dù đã mang thai nhưng quá trình dưỡng thai người phụ nữ chủ quan, không cẩn thận lại bị sảy. Đây thực sự là những trường hợp đáng tiếc. Bởi với ông, hạnh phúc lớn nhất là mang lại hy vọng cho người phụ nữ.

"Tôi đã từng chứng kiến sự tái hợp của nhiều cặp vợ chồng. Có những đôi vợ chồng đã phải bỏ nhau do không có con. Vì yêu thương nhau họ tìm đến đây, chữa trị thành công và hôn nhân đã trở lại với họ. Cảm giác ấy vui lắm, không bạc vàng nào mua được"- ông Đức nói.

Chia tay ông khi trời đứng bóng. Ông không quên nói với theo tôi: Em nên đi khám cẩn thận, rồi đến tôi xem. Con cái là của để dành. Đừng vì những suy vi, tính toán mà ngại đẻ. Để lâu quá, tuổi cao khó khăn hơn nhiều em ạ. Trước những lời gan ruột của người cả đời gắn với nghiệp cứu người, tôi thực sự suy nghĩ.

Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ vô sinh trên toàn quốc khoảng 13%, tỷ lệ vô sinh thứ phát sau (khi đã sinh con) cũng đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng. Tại châu Mỹ và châu Âu, khoảng 1 - 5% số em bé ra đời từ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tỷ lệ vô sinh trung bình là 13 - 25% và cứ 6 cặp vợ chồng thì có 1 cặp gặp phải vấn đề về mang thai.

Theo N. Huyền - Lao động thủ đô

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X