Hotline 24/7
08983-08983

Bi hài chuyện đi đẻ sợ nhầm con của các mẹ

Liên tiếp các vụ trao nhầm con xảy ra mà mới nổi lên là trường hợp trao nhầm con ở Ba Vì cách đây 6 năm khiến dư luận không khỏi xót xa.

Tưởng rằng đó chỉ là chuyện hi hữu song nhiều bà mẹ từng trải qua thời kỳ sinh nở đã chia sẻ nỗi lo bị nhầm con.

Thường trực nỗi lo nhầm con

Sinh con trai đầu lòng vào năm 2000, chị N.T.B.T chia sẻ, chị luôn thường trực nỗi lo bị nhầm con. Sau cơn đau đẻ, chị hầu như không còn tỉnh táo để có thể nhớ được mặt mũi của cậu con trai. “Lúc đó, tôi chỉ kịp nhìn thấy ở chân phải của con có 1 nốt ruồi lớn. Trong 3 ngày nằm viện, cứ mỗi lần con đi tắm về, tôi lại vạch chân con ra để nhìn nốt ruồi đó mà nhận biết”, chị T chia sẻ.

Còn đối với chị L.T.T.H, việc suýt bị trao nhầm con khi sinh đứa đầu lòng vào năm 2006 vẫn khiến chị vẫn không khỏi sợ hãi mỗi khi nhớ lại. Dù sau khi sinh song, đã được bác sĩ đeo vòng đánh dấu mã số ở tay cả mẹ và con nhưng do chỉ được nhìn thoáng qua con, cộng thêm ngày hôm đó có nhiều ca sinh, nên chị vẫn khá lo lắng khi y tá bế bé đi tắm.

“Tôi chỉ nhìn thoáng qua thì thấy con rất trắng trẻo, hồng hào. Lúc "vượt cạn" cũng thấy các bác sĩ đỡ đẻ ồ lên "con bé trắng xinh quá". Tuy nhiên, sau khi cho bé tắm xong, nữ hộ sinh bế về cho tôi một bé gái có làn da đen. Tôi đã hoảng hốt và nói ngay đây không phải con của mình. Rất may, sau khi kiểm tra lại số thẻ được đeo ở chân con thì đúng là hộ sinh đã trao nhầm con cho tôi”, chị H nhớ lại.

Cũng từ sự cố đó, mỗi khi hộ sinh đưa bé đi tắm, chị đều phải nhờ bà nội cháu đi theo để “giám sát”.

“Vòng nhận diện” không thể tháo rời

Nhận định về sự cố trao nhầm con ở Ba Vì vừa qua, ThS.BS Lưu Quốc Khải cho rằng, có thể do quy trình sinh đẻ trước đây chưa được chặt chẽ, số lượng sản phụ sinh một ngày đông, hộ sinh bị quá tải dẫn đến nhầm lẫn. Ngoài ra, trước đây, việc mẹ và bé được đánh dấu với nhau bằng cách ghi vào chân hoặc dùng vòng bằng dây dù cũng dễ bị rửa xóa hoặc đánh rơi.

Ngày nay, các bệnh viện phụ sản đã thiết kế quy trình sinh nở ngày càng chặt chẽ để tránh sai sót đáng tiếc. Theo đó, mọi thông tin của thai phụ được bệnh viện vào máy tính, mỗi người có một mã số, bệnh án khác nhau. Trước khi tiến hành ca mổ, hộ sinh rút bộ số gồm hai "vòng nhận diện màu vàng" giống hệt nhau, đưa cho mẹ xác nhận. Trên vòng nhận diện có mã số, họ tên, mã vạch của thai phụ và em bé.

Vòng nhận diện được đeo cho mẹ và bé

Sau khi em bé ra đời, mẹ con sẽ thực hiện kỹ thuật da kề da. Y tá đưa con để mẹ nhận diện giới tính, hình hài. Hai "vòng nhận diện" giống hệt nhau về mã số, số seri, họ tên mẹ đồng thời được các y tá đeo vào mẹ và bé. Đặc biệt, ở vòng nhận diện có chốt khóa, không thể mở ra, sau khi xuất viện mới cắt bỏ. Vòng cũng được thiết kế với chất liệu không thể xóa mờ những gì ghi trên đó.

“Với quy trình chặt chẽ như vậy, khả năng nhầm lẫn trẻ sơ sinh là điều khó thể xảy ra. Mỗi năm, BV phụ sản Hà Nội đỡ đẻ gần 40.000 trường hợp nhưng suốt hơn 20 năm qua, chưa để xảy ra trường hợp nhầm lẫn mẹ con nào”, BS Khải cho biết. 

Theo Lệ Hà - Dung Phạm - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X