Hotline 24/7
08983-08983

Bị ép lấy người không yêu, sống với nhau 20 năm chưa một lần to tiếng

Lấy nhau ban đầu không phải vì tình yêu, vậy mà 20 năm nay vợ chồng họ gắn bó với nhau, chia bùi sẻ ngọt, gánh vác gian truân dù thường xuyên sống xa nhau.

Cô Loan cười rạng rỡ bên chồng trong những ngày gia đình sum họp

Cuộc hôn nhân theo lời hứa hẹn của 2 ông bố

Cô Trần Thị Loan (46 tuổi - Hà Nam) – người phụ nữ sống trong căn phòng trọ 6m2 với 10 năm mưu sinh ở thủ đô không chỉ gây chú ý với câu chuyện mưu sinh mà cuộc đời cô còn là câu chuyện dài của một tình yêu không giống ai nhưng hạnh phúc thì như kéo dài đến bất tận.

Gặp cô Loan khi các con phố đã lên đèn, người phụ nữ ấy tay vẫn đang thoăn thoắt gọt hoa quả cho khách, trên xe vẫn còn vài thứ hàng chưa bán hết, có lẽ vì thế mà giờ này cô vẫn chưa về. Ngồi lại với cô trên chiếc ghế đá công viên bên đường, cô Loan kể về mối lương duyên của mình với chồng, về câu chuyện thời cô còn trẻ rằng.

“Chồng cô theo đuổi nhưng cô không yêu, cứ bị ép gả, đến sát ngày cưới cô còn định mang lễ qua nhà trai để trả...”, cô Loan nhớ lại.

Theo lời kể của cô Loan, ngày xưa gia đình cô chú quen biết nhau bởi bố cô đi buôn gỗ trên miền ngược, trong cuộc nhậu bố cô trót đồng ý gả con gái làm dâu cho 1 chú cùng chuyến hàng. Vì lời hứa hẹn của hai ông bố mà cuộc hôn nhân diễn ra dù hai nhân vật chính không qua tìm hiểu, cũng không có nhiều tình cảm với nhau.

Các cụ ngày xưa hay quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, không ít các cặp đôi không quen nhau trước, không đến với nhau bằng tình yêu và cũng ít ai có một thời gian gặp gỡ riêng để tìm hiểu nhưng họ vẫn đồng ý lấy nhau, sống với nhau đến hết đời. Một phần vì do quan niệm hôn nhân là duyên số và "may nhờ rủi chịu”, phần nữa là sợ làm bố mẹ buồn, sợ làm tổn hại danh dự của gia đình nên dù không yêu cũng đành gật đầu mặc kệ số phận đưa đẩy.

Cô Loan cười nhớ lại, hồi ấy cưới nhau về cả hai còn e thẹn ngại ngùng lắm, còn mãi mới cho “động vào người” nhưng rồi “tình cảm cứ thể nảy nở theo thời gian, sống với nhau có hai mặt con đến tận bây giờ”.

Sau một ngày dài cuồng chân đạp xe khắp các con phố trong tiết trời bỏng lửa tháng 6 giữa Hà Nội tưởng như sấy khô đi mọi cảm xúc của con người nhưng khi nói về chồng ánh mắt người phụ nữ ấy lại âu yếm và rạng ngời đến lạ.

“Ngày ấy không có điều kiện để học hành đàng hoàng, chú ấy cũng không đẹp trai nhưng gương mặt dễ mến, tính nết lại hiền lành, thật thà nên cô lấy đó làm niềm an ủi cho cuộc hôn nhân của mình. Mãi rồi sau này cũng mến nhau, mê nhau lúc nào không hay”, cô Loan tâm sự.

Rồi vợ chồng cô có hai đứa con, 1 trai 1 gái được sinh ra và lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của cả cha và mẹ. Nhưng vì cuộc sống khó khăn vất vả nên vợ chồng cô Loan phải cố gắng bươn chải với mong muốn lo cho các con được ăn học đàng hoàng tử tế.
20 năm lấy nhau chưa 1 lần to tiếng

"Vợ chồng cô lấy nhau hơn 20 năm nay, được 2 đứa con nhưng chưa bao giờ chú ấy đánh mắng hay nặng lời với vợ con, luôn nghĩ cho vợ con trong bất cứ hoàn cảnh nào." – Cô Loan xúc động cho biết.

Lấy nhau ban đầu không phải vì tình yêu, vậy mà họ gắn bó với nhau mấy chục năm cuộc đời, chia bùi sẻ ngọt, gánh vác gian truân, thương nhau như máu thịt.

Tình yêu chả có mà họ ở với nhau đến giờ, một đời cô phục chú ấy, không oán thán nửa lời.

Cô Loan chia sẻ, chồng cô là người đàn ông cũng ít học như cô, nhưng dường như mọi phẩm chất lịch sự nhất của một người đàn ông chú đều có cả.

"Chú không ngoại tình, không đánh vợ, tôn trọng gia đình vợ, luôn chọn vợ con trong bất cứ hoàn cảnh nào... "- cô Loan nói trong rạng rỡ tự hào.

Với cô Loan niềm tin và lòng chung thuỷ là điều quan trọng nhất khiến người phụ nữ ấy đủ dũng cảm xa gia đình sống 1 mình nơi đất khách.

Cô Loan nhớ lại: "Hồi cô còn trẻ chồng cô đi công nhân xa nhà và chỗ làm của chú đàn ông thì nhiều con gái thì rất ít. Nhưng có 1 cô mến chú lắm. Mọi người về nói với cô cẩn thận có ngày mất chồng. Cô bảo kệ nếu chú đi được cứ cho đi cô không cần giữ. Chú bảo cô vớ va vớ vẩn, đi làm nuôi vợ nuôi con chứ đâu có đi lấy vợ hai".

Điều cô trọng ở chú không chỉ ở sự chung thủy, vị tha và tôn trọng mà chú còn là người con rể luôn trọng nhà vợ dù hoàn cảnh bên nhà cô không mấy khá giả, chủ yếu là lao động chân tay. Nhưng chú tuyệt đối tôn trọng bênnhà ngoại, không tỏ ý chê bai bao giờ.

Với cô Loan, chồng cô không chỉ chu đáo vẹn toàn mà từ khi làm vợ chưa bao giờ chú chửi mắng hay đánh cô dù chỉ một lần.

"Đàn ông kém cỏi chút, kiếm ít tiền chút không sao miễn là đừng có vũ phu với mình. Loại đàn ông mà động chút là đánh vợ chỉ có vất đi", cô Loan chia sẻ.

Những ngày cô Loan ra Hà Nội buôn bán xa nhà, mọi việc ở nhà đều do chú gánh vác thay cô. Từ việc ruộng nương đồng áng đến chăm sóc con cái chú đều làm cả. Thậm chí cô Loan cũng thừa nhận không chắc rằng nếu ở nhà cô có thể làm tốt mọi việc để thu vén gia đình như chú hay không.

Vợ chồng cô ít khi dành cho nhau những lời yêu thương, đúng kiểu trầm lắng của người nhà quê nhưng khi nghe câu chuyện cô Loan về người chồng về gia đình mình thì ánh mắt đó luôn toát lên niềm hạnh phúc đi kèm nỗi nhớ thương, niềm tin yêu và sự biết ơn chân thành nhất.

Với vợ chồng cô Loan, cuộc sống vốn dĩ lắm bon chen, nhưng tình cảm chân thành dành cho nhau mới là điều tồn tại mãi mãi.

Cô Loan cho hay, thời gian tới cô sẽ dành thời gian về quê để thăm chồng và các con sau nhiều ngày xa nhà. Trong tâm hồn của người phụ nữ đó dù mạnh mẽ và hi sinh đến mấy thì giữa bộn bề xô bồ của cuộc sống thủ đô vẫn len lỏi đâu đó sự thèm muốn những giây phút đoàn tụ gia đình, điều mà nhiều năm nay với cô là một sự thiếu thốn ít người hiểu hết.

Theo Gia Đình Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X