Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh zona: Có nên nhai gạo nếp, đỗ xanh, lá trầu không đắp lên vết thương?

Mưa phùn kéo dài, thời tiết ẩm thấp ở miền Bắc khiến nhiều người phải vào viện vì bị bệnh zona tấn công.

Sau điều trị, anh Đoàn đến nay đã đỡ nhiều nhưng lưng vẫn còn cảm giác đau vì zona. Ảnh: P.T
Sau điều trị, anh Đoàn đến nay đã đỡ nhiều nhưng lưng vẫn còn cảm giác đau vì zona. Ảnh: P.T

Bệnh dễ trở nặng nếu tự ý điều trị

Anh Hoàng Xuân Đoàn (ở Hà Đông - Hà Nội) khổ sở với bệnh zona suốt tuần nay. Ban đầu, lưng anh xuất hiện những nốt mẩn đỏ, anh nghĩ bị viêm da tiếp xúc côn trùng nên tự mua thuốc bôi.

Khi nổi mụn nước thành từng đám trên nền da đỏ ở lưng kèm đau nhức dữ dội đến mức không ngủ được, anh mới chịu đi bệnh viện. Sau khi được các bác sĩ điều trị, đến nay anh Đoàn đã đỡ nhiều nhưng lưng còn cảm giác đau, vẫn phải điều trị vật lý để tránh đau nhức kéo dài.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thắm (ở đường Chiến Thắng, Hà Nội) cũng có hai người bị bệnh zona. Chị Thắm bị ở mặt, cô con gái bị ở lưng. Theo chị Thắm, chị bị zona từ Tết nhưng đến nay vẫn ngổn ngang sẹo ở má, cổ.

PGS.TS Nguyễn Duy Hưng - Tổng Thư ký Hội Da liễu Việt Nam cho biết, nhiều người nhầm bệnh zona với viêm da tiếp xúc do côn trùng (thường do kiến ba khoang) nên tự mua thuốc về điều trị dẫn đến bệnh nặng hơn. Bệnh zona là kết quả của sự tái hoạt động của virus herpes zoster. Virus này cũng chính là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em.

Bệnh này thường xảy ra với những người có sức khỏe kém, bị suy giảm miễn dịch, sức đề kháng yếu, nhất là những người già bị mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, người nhiễm HIV/AIDS.

BS Đinh Doãn Thạch (BV Da liễu Hà Nội) cho biết thêm, vì nhầm lẫn giữa bệnh zona và bệnh giời leo nên nhiều người tự mua thuốc điều trị. Sử dụng sai thuốc làm tổn thương da sâu hơn, gây phù nề khiến việc điều trị càng phức tạp. Lúc này, bệnh nhân ngoài bôi thuốc phải dùng kháng sinh để phòng nhiễm trùng do tổn thương lan rộng, nổi mủ.

Khi bị zona, bệnh nhân cảm thấy hơi đau, rát ở một vùng da kèm mệt mỏi, uể oải, sốt. Sau đó nổi nhiều mụn nước to, nhỏ không đều thành chùm trên da thường hay đỏ hồng, tiến triển tập trung phân bổ theo đường dây thần kinh ngoại biên. Đặc biệt bệnh chỉ xuất hiện một bên cơ thể, không khi nào lan qua phía đối diện. Ví dụ chỉ một bên mắt, một bên mũi hay một bên lưng...

Tránh gãi chỗ tổn thương

PGS.TS Nguyễn Duy Hưng cho biết, zona là bệnh không nguy hiểm nhưng dễ biến chứng nếu điều trị muộn, không đúng. Khi có triệu chứng của zona, mọi người nên đến bệnh viện ngay vì thuốc kháng virus dùng càng sớm càng tốt. Tốt nhất, người bệnh nên đi khám trong vòng 48 giờ, tính từ khi có tổn thương da.

Trường hợp nặng, nếu điều trị càng muộn thì dễ để lại di chứng. Trong đó, bệnh đau sau zona trên vùng da (thường gặp ở người già) tồn tại rất dai dẳng, dữ dội, rất khó điều trị, phải nằm điều trị từ 1 - 3 tháng. Những đau đớn này là do dây thần kinh bị tổn thương, gọi là đau dây thần kinh sau zona.

Nếu vùng zona bị ở lưng, phần thân người, tay chân thì không nguy hiểm nhưng bị vùng mặt, nhất là mắt cần vào viện càng sớm càng tốt. Nếu không chữa trị kịp thời, đúng cách có thể ảnh hưởng đến thị lực, sẹo giác mạc. Nặng hơn, có thể bị tăng nhãn áp, về sau dẫn đến mù lòa.

Nhiều người quan niệm rằng, khi bị zona hay viêm da tiếp xúc do côn trùng thì không được tắm là hoàn toàn sai lầm. Người bệnh cần được tắm sạch sẽ, vệ sinh kỹ lưỡng bởi nếu không tắm, chất tiết côn trùng vẫn còn trên da sẽ gây nguy hiểm. Khi tắm, mọi người cần phải giữ ấm và tắm nước nóng vì sức đề kháng giảm. Tránh hoạt động mạnh, nghỉ ngơi nhiều để cơ thể có điều kiện chống lại vi khuẩn.

BS Đinh Doãn Thạch cũng khuyến cáo, khi bị zona không tự ý bôi thuốc hoặc chữa theo dân gian bằng việc nhai gạo nếp, đỗ xanh, lá trầu không đắp lên vết thương. Bởi làm như vậy không những không chữa được bệnh mà còn tăng nguy cơ nhiễm trùng da, gây loét, kích ứng da, có thể gây nhiễm trùng khiến bệnh nặng thêm và để lại di chứng, đặc biệt là những vết sẹo lớn.

Có thể phân biệt bệnh giời leo với zona thần kinh thông qua các triệu chứng. Khi bị viêm da tiếp xúc do côn trùng thường ngứa, rát chỉ sau vài phút tiếp xúc với côn trùng rồi phồng rộp lên. Còn bệnh zona thần kinh là do virus, cảm giác đau nhiều hơn rát, đau giật theo đường dây thần kinh ngoại biên.

Giời leo có thể gặp bất kỳ tại vùng da nào trên cơ thể, zona là những vệt tấy đỏ viêm da chạy dọc kéo dài theo dây thần kinh trên cơ thể như dọc cánh tay, dọc thân sườn... Thường tổn thương chỉ ở một bên nửa cơ thể, bên phải hoặc bên trái. Bệnh zona khi bị một lần thường không bị lại nhưng với giời leo có thể mắc vài lần trong một năm.

Theo Phương Thuận - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X