Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh viêm tụy cấp rất dễ tử vong phải không BS?

Theo cháu biết, viêm tụy cấp rất dễ nhầm lẫn với đau dạ dày, có nhiều biến chứng. Bệnh này có điều trị tận gốc được không?

Kính gửi bác sĩ, 2 tháng trước, cháu bị đau bụng do trước đó uống 1 ít rượu. Đi khám ở bệnh viện, BS kết luận: Viêm tụy cấp trên nền viêm tụy mạn, viêm loét dạ dày. Sau 2 tuần, cháu ra viện và đang uống thuốc Pantoloc điều trị dạ dày.

Hiện tại, cháu chỉ hơi tức bụng bên dưới mạn trái sườn, nhất là khi vận động nhiều. 1. Cháu có nên uống thuốc bổ cho tuyến tụy không? 2. BS dặn là kiêng rượu, bia và thức ăn cao đạm. Hiện nay cháu chỉ ăn cháo hoặc cơm với rau, muối vừng... nhưng cháu có nên kiêng tuyệt đối không? 3. Theo cháu biết, viêm tụy cấp rất dễ nhầm lẫn với đau dạ dày, có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời, có nhiều biến chứng. Bệnh này có điều trị tận gốc được không? 4. Nên khám lại trong thời gian bao lâu? Vì BS không nhắc cháu tái khám. Rất mong bác sĩ tư vấn. Chân thành cảm ơn!
(Nguyễn Thịnh - Hà Nội)


Chào cháu Thịnh,

 

Trước hết, cháu hãy cùng AloBacsi tìm hiểu một chút về bệnh viêm tụy cấp, cháu nhé!

 

Viêm tụy cấp (VTC) là tình trạng viêm cấp tính tuyến tụy với biểu hiện thường gặp của bệnh là cơn đau khởi phát đột ngột ở nửa bụng trên hoặc vùng bụng trên bên trái, có thể lan ra sau lưng, kèm theo nôn ói (nôn xong vẫn còn buồn nôn), xuất hiện hoặc nặng hơn khi ăn nên dễ chẩn đoán lầm với viêm loét dạ dày và có sự tăng cao nồng độ Amylase trong máu.

 

VTC biểu hiện dưới 2 dạng: VTC nhẹ (phù nề ) hay VTC nặng (hoại tử).

 

Nguyên nhân của VTC thường do: tắc nghẽn ống dẫn tụy, rượu và các độc tố, thuốc (Furosemide, Sulfonamides, Tetracycline...), chấn thương, nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, sau thủ thuật nội soi mật - tụy ngược dòng ERCP…

 

Khoảng 15-20% VTC không xác định được nguyên nhân. Các nguyên nhân thường gặp nhất là: rượu, sỏi mật và giun đũa chiếm khoảng 70% trường hợp, và cháu nằm trong trường hợp này.

 

Cháu bị viêm tụy cấp trên nền có viêm tụy mãn và cả viêm loét dạ dày. Do đó, việc điều trị dựa trên nguyên tắc là phòng ngừa xảy ra các đợt VTC cấp tiếp theo, và tránh làm nặng thêm tình trạng của tụy như : chảy máu trong hoặc xung quanh tụy, nhiễm trùng, nang giả tụy, suy tụy, ung thư tụy, ….

 

Những khuyến cáo sau đây có thể giúp phòng ngừa những đợt cấp kế tiếp hoặc làm cho tình trạng không trở nên nặng hơn:

 

- Không uống những chất có cồn như rượu, bia,...

 

- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ. Nếu cảm thấy đợt cấp sắp quay lại, tránh không ăn những thức ăn đặc trong vài ngày để tụy có thời gian lành lại.

 

- Chế độ ăn có nhiều tinh bột, ít chất béo và chất đạm

 

Các câu hỏi của cháu, AloBacsi trả lời như sau:

 

1 - Việc dùng các enzyme tụy dưới dạng thuốc viên (Pancrease, Pantyrase…) để giúp tiêu hóa thức ăn nên được sử dụng.

 

2 - Chỉ kiêng ăn các loại thực phẩm có lượng đạm cao chứ không kiêng ăn hoàn toàn các loại thực phẩm có đạm, cháu vẫn có thể ăn thực phẩm có lượng đạm thấp.

 

3 - Hầu hết những bệnh nhân viêm tụy cấp có thể hồi phục hoàn toàn. Tụy sẽ hoạt động lại bình thường mà không để lại những biến chứng lâu dài.

 

Tuy nhiên, nếu nguyên nhân không được loại trừ (do sỏi mật, do rượu, do thuốc…)  thì viêm tụy cấp có thể tái phát.

 

4 - BS không hẹn tái khám vì việc tái phát tùy thuộc vào chế độ ăn uống, sinh hoạt của cháu. Khi gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, cháu nên đi khám càng sớm càng tốt:

 

- Không uống thuốc, uống nước và ăn được do buồn nôn, hoặc nôn.

 

- Đau bụng dữ dội không giảm với những thuốc giảm đau thông thường.

 

- Đau kèm theo sốt và ớn lạnh, nôn kéo dài, hoa mắt, chóng mặt, hoặc mệt mỏi.

 

Tóm lại:

 

Cháu hãy kiêng uống rượu bia hoàn toàn là cách duy nhất để giảm nguy cơ bị những cơn viêm tụy mới, ngăn không cho tụy bị viêm nặng hơn và ngăn không cho biến chứng tiến triển có thể rất nặng hoặc thậm chí là gây nguy cơ tử vong.
 
Thân ái chào cháu!
 

BS-CK1 Nguyễn Minh Thu

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X