Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh viêm phế quản - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm phế quản là bệnh rất thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Viêm phế quản là gì?

Viêm phế quản là bệnh lý xảy ra khi lớp niêm mạc tại các ống phế quản, ống mang không khí đến và đi từ phổi bị viêm.

Phế quản được tạo thành  từ các ống nhỏ hơn bao gồm phế quản, tiểu phế quản và phế quản tận cùng (phế nang), có chức năng dẫn khí và trao đổi khí.

Khi các ống phế quản bị viêm nhiễm, lớp niêm mạc phế quản sẽ bị phù nề, sung huyết, bong các biểu mô phế quản. Từ đó tạo thành đờm nhớt, thậm chí có thể có mủ bao phủ niêm mạc phế quản.

Do bị phù nề nên lòng phế quản hẹp, lại thêm việc có nhiều đờm nên ảnh hưởng xấu tới việc lưu thông không khí, khiến người bệnh cảm thấy khó thở.

Viêm phế quản có hai dạng cấp tính và mãn tính. Viêm phế quản cấp tính là tình trạng viêm phế quản đột ngột, kèm theo phản ứng tại chỗ và toàn cơ thể. Bệnh thường phát triển do nhiễm trùng đường hô hấp do lạnh hoặc vấn đề khác.

Trong khi đó, viêm phế quản mãn tính là tình trạng viêm nghiêm trọng hơn, là kích thích thường xuyên hoặc viêm niêm mạc của các ống phế quản, thường là do hút thuốc lá.

Ngoài ra, viêm phế quản cấp tính không được phát hiện và điều trị đúng cách, tái phát nhiều lần có thể dẫn tới viêm phế quản mãn tính.

Benh viem phe quan- Trieu chung, nguyen nhan va cach dieu tri
Ảnh minh họa
Các triệu chứng viêm phế quản

Viêm phế quản cấp tính

Bệnh nhân mắc viêm phế quản cấp tính sẽ có những triệu chứng như ho liên tục, có đờm trắng hoặc đờm đặc xanh. Đờm thường xuất hiện sau 24 - 48 giờ kể từ khi có cơn ho.

Bệnh nhân có thể sốt cao, cảm thấy lạnh run. Vùng ngực có cảm giác đau hoặc co thắt. Có cơn đau dưới xương ức gây khó thở hoặc thở ngắn.

Phần lớn các trường hợp viêm phế quản cấp chủ yếu là do virus đôi khi là vi khuẩn tấn công vào lớp niêm mạc của phế quản gây viêm. Vì thế các triệu chứng như sưng, tăng tiết dịch hay thờ khò khè là do phản ứng của cơ thể để chống lại sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh.

Viêm phế quản mãn tính

Viêm phế quản mãn tính có 3 thể chính bao gồm: thể đơn thuần ho khạc đờm nhày; thể đờm mủ (hay mắc đi mắc lại); và thể khó thở.

Triệu chứng ban đầu của viêm phế quản mãn tính là tình trạng ho và khạc đờm. Ho có thể diễn ra nhiều lần trong năm và diễn ra theo từng đợt, đặc biệt là khi trời lạnh hoặc thay đổi thời tiết. Đôi khi có thể ho khan, nhưng phần lớn là ho có đờm màu trắng và có bọt.

Các đợt ho của người bệnh thường diễn ra lặp đi lặp lại. Ban đầu có thể 4 - 5 đợt trong một năm, mỗi đợt ho có thể kéo dài 10 - 15 ngày. Tình trạng nặng hơn có thể ho kéo dài và thường xuyên hơn.

Triệu chứng khó thở cũng xảy ra ở bệnh nhân viêm phế quản mãn tính, nhưng trong giai đoạn muộn. Ban đầu bệnh nhân chỉ có cảm giác vùng ngực bị đè nén và nặng nề. Sau đó cảm thấy khó thở thực sự.

Người mắc viêm phế quản mãn tính còn có những dấu hiệu như gầy ốm, xanh xao, buồn ngủ lơ mơ suốt ngày, tim đập nhanh...

Benh viem phe quan- Trieu chung, nguyen nhan va cach dieu tri
Viêm phế quản cấp tái phát liên tục sẽ dẫn tới viêm phế quản mãn tính

Những nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản

Viêm phế quản cấp:


Tình trạng viêm phế quản cấp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó phổ biến nhất là do virus và vi khuẩn.

Viêm phế quản cấp do virus:

Những trường hợp viêm phế quản cấp do virus chiếm tới 50 – 90% các ca bệnh. Tính đến nay đã ghi nhận có trên 180 loại virus có khả năng gây viêm phế quản cấp.

Có thể kể đến một số loại virus phổ biến gây viêm phế quản cấp như: các virus cúm, các rhinovirus, coronavirus (gây dịch SARS), virus cúm gia cầm (H5N1), virus đại thực bào đường hô hấp (respiratory syncticial virus), adenovirus, enterovirus (coxsackie và echovirus) và một số chủng herpes virus (cytomegalovirus, varicellae).

Viêm phế quản cấp do vi khuẩn:


Những trường hợp viêm phế quản cấp do vi khuẩn ít gặp hơn so với do virus. Các vi khuẩn gây viêm phế quản cấp thường gặp nhất là nhóm các vi khuẩn không điển hình, trong tế bào như Mycoplasma và Chlamydiae, các vi khuẩn gây mủ hiếm gặp hơn.

Các trường hợp nhiễm khuẩn do Mycoplasma pneumoniae biểu hiện bằng viêm phế quản ở 25 % các trường hợp (viêm mũi họng đơn thuần chiếm 60%, viêm phổi chỉ chiếm 5%. Mycoplasma pneumoniae và Chlamydiae pneumoniae là nguyên nhân của 25% các trường hợp viêm phế quản cấp.

Ngoài các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, bệnh viêm phế quản còn có thể do hít  phải khí SO2, clo, amoniac, axít, dung môi công nghiệp, hơi độc chiến tranh, khói cháy nhà...

Viêm phế quản mãn tính:

Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng viêm phế quản cấp tính lặp đi lặp lại theo thời giân, làm suy yếu và gây kích thích ở phế quản, dẫn tới viêm phế quản mãn tính.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân thường trực như do tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, do nghiện thuốc lá dẫn tới kích thích phế quản, khiến phế quản tăng tiết dịch đờm nhầy gây viêm nhiễm.

Một số yếu tố nguy cơ gây viêm phế quản mãn tính

- Thuốc lá và khói thuốc lá: Tất cả các loại thuốc lá, bao gồm cả thuốc lào đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản mãn tính. Cho dù bạn trực tiếp hút hay hút thuốc là thụ động, tức là thường xuyên sống trong môi trường có khói thuốc lá đều nguy hại như nhau.

- Khói bụi nghề nghiệp: Những người thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi ở nơi làm việc, đặc biệt là các nhà máy sản xuất, xưởng sản xuất... hay làm việc nhiều với hóa chất cũng có nguy cơ viêm phế quản mãn tính cao hơn người bình thường.

- Tuổi tác: Người cao tuổi sẽ có khả năng mắc viêm phế quản mãn tính cao hơn người trẻ tuổi.

- Khí hậu: Thường xuyên sống ở nơi có khí hậu lạnh, ẩm, nhiều sương mù cũng làm tăng nguy cơ khởi phát các đợt viêm phế quản cấp, tái phát liên tục dẫn tới viêm phế quản mãn tính.

- Di truyền: Các nghiên cứu cho thấy rằng những người bị viêm phế quản mãn tính có enzyme alpha1 antitripsin thường thấp hơn ở người bình thường. Người có bệnh nhầy nhớt (mucovisidose) có rối loạn tiết nhầy các tuyến phế quản, rối loạn hô hấp dễ bị viêm phế quản mạn tính.

- Xã hội: Những vùng cư dân nghèo khổ sống trong điều kiện nhà ở chật trội, dinh dưỡng kém, lao động nặng nhọc có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn vùng khác.

Các xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm phế quản

Để chẩn đoán bệnh viêm phết quản, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp bao gồm:

- Dùng ống nghe để nghe âm thanh hơi thở và các âm thanh bất thường ở phổi.

- Chụp X-quang ngực

- Làm xét nghiệm máu

- Phân tích đờm để kiểm tra xem có vi khuẩn trong đờm hay không.

Ngoài ra bác sĩ có thể yêu cầu thử nghiệm chức năng phổi (PFT) để loại trừ các nguyên nhân khác. Thử nghiệm chức năng phổi sẽ cho thấy những dấu hiệu của bệnh hen và bệnh khí thũng, tránh nhầm lẫn triệu chứng của các bệnh này với viêm phế quản. Kiểm tra này không gây đau đớn và chỉ mất vài phút mà thôi

Benh viem phe quan- Trieu chung, nguyen nhan va cach dieu tri
Khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm phế quản, nên nhanh chóng tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám

Phương pháp điều trị viêm phế quản

Việc điều trị viêm phế quản chủ yếu nhằm giảm triệu chứng và giúp bệnh nhân dễ thở hơn. Những biện pháp có thể áp dụng cùng lúc để điều trị viêm phế quản như:

- Uống nhiều nước

- Thở không khí ẩm và ấm

- Sử dụng một số thuốc làm giảm triệu chứng ho, kèm theo acetaminophen hoặc aspirin/

Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể chỉ định thêm các loại thuốc như:

- Thuốc kháng sinh: Hầu hết viêm phế quản cấp thường do virus gây ra, nếu sử dụng kháng sinh sẽ không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, những trường hợp bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị nhiễm vi khuẩn, rối loạn phổi mãn tính hay bệnh nhân có hút thuốc lá thì có thể kê thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

- Thuốc ho: Thông thường không nên sử dụng thuốc giảm ho. Bởi việc này sẽ khiến dịch đờm không được tống ra khỏi phổi. Tuy nhiên nếu bệnh nhân ho nhiều, ho dẫn tới mất ngủ, hoặc ngủ kém thì bác sĩ có thể kê thêm một số thuốc giảm ho theo toa.

- Các loại thuốc khác: Nếu bệnh nhân bị bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc xịt hoặc thuốc để giảm viêm và mở đoạn thu hẹp phế quản.

Một số biện pháp giúp phòng tránh viêm phế quản

- Từ bỏ việc hút thuốc lá, thuốc lào. Tránh hít khói thuốc thụ động do người khác hút. Chủ động gìn giữ môi trường sống và làm việc không khói thuốc.

- Tiêm phòng vaccine. Nhiễm trùng đường hô hấp là nguyên nhân phố biến dẫn tới viêm phế quản, trong đó nhiều trường hợp do cúm hoặc nhiễm các virus đường hô hấp. Vì thế bạn nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm để phòng tránh bệnh, cũng như tránh nhiễm trùng đường hô hấp.

- Rửa tay bằng xà phòng: giúp giảm nguy cơ nhiễm virus, từ đó chủ động phòng chống mắc viêm phế quản mạn tính. Hãy cố gắng hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt là khi chế biến món ăn, trước khi ăn và sau khi lao động.

- Đeo khẩu trang y tế: Đeo khẩu trang giúp bạn hạn chế tiếp xúc hoặc hít phải khói, bụi độc hại từ môi trường bên ngoài, đặc biệt trong mùa cúm.

- Giữ môi trường sống trong và ngoài nhà luôn trong lành. Đảm bảo môi trường trong lành, tránh xa các yếu tố nguy cơ phát bệnh khác.

Theo Như Quỳnh - Chuyên đề Sức khỏe Gia đình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X