Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh về da thường gặp mùa mưa lũ

Sự tiếp xúc với môi trường ngập nước thường xuyên, kéo dài, là những yếu tố bất lợi, làm bở lớp sừng, và vì thế hàng rào bảo vệ da bị ảnh hưởng.

Bệnh nấm chân, nấm móng

Trong mùa mưa lũ, đặc biệt trong khu vực ĐBSCL, trong điều kiện sinh sống, hoặc trong lao động và sinh hoạt hằng ngày, sự tiếp xúc với môi trường ngập nước thường xuyên, kéo dài, là những yếu tố bất lợi, làm bở lớp sừng, và vì thế hàng rào bảo vệ dabị ảnh hưởng.

Đó chính là những yếu tố bất lợi có thể làm phát sinh nhiều bệnh lý ngoài da. Trong đó, có bệnh nấm chân, nấm móng và một số bệnh lý khác, như chàm, tổ đỉa, hay các biểu hiện viêm da tiếp xúc dị ứng.

Nấm chân

Đây là một bệnh khá phổ biến. Trong điều kiện làm việc và sinh hoạt, chân phải tiếp xúc thường xuyên với môi trường ẩm ướt, sự lưu thông máu ở chi dưới trì trệ, yếu tố vệ sinh kém…, là những yếu tố làm cho bệnh vi nấm phát sinh.

Bệnh có thể được phát sinh bởi các tác nhân thường gặp là Epidermophyton, Trichophyton. Trong một số trường hợp có thể nhiễm thêm nấm men.

Bệnh nấm chân có thể được biểu hiện dưới nhiều hình ảnh khác nhau:

Có thể xuất hiện hình ảnh da tróc vẩy khô, ở lòng bàn chân, gót chân và cạnh bàn chân, có những mảng da dầy màu đỏ, bên trên phủ vẩy mịn, nhỏ, có thể hợp thành mảng lớn bao phủ bàn chân.

Một số trường hợp bệnh nấm chân có thể xuất hiện nhiều mụn nước ở rìa các ngón chân, lòng bàn chân. Một số trường hợp khác xuất hiện dưới hình ảnh viêm kẽ, thường ở những kẽ hẹp (kẽ thứ 3, thứ 4), da kẽ chân mủn trắng, dưới lớp da mủn là nền đỏ ẩm ướt.

Người bệnh có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Một số trường hợp có thể bị nhiễm trùng thứ phát, nung mủ, rỉ dịch, sưng tấy bàn chân, nổi hạch bẹn, sốt...

Nấm móng

Đây là một bệnh rất thường gặp, đặc biệt trong điều kiện phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường ẩm ướt.

Nấm móng thường được biểu hiện dưới hai dạng, do hai loại vi nấm gây nên, có tên gọi là Trichophyton và Candida. Tất cả đều làm tổn thương móng, với biểu hiện mặt móng mất độ nhẵn bóng, ngã màu nâu bẩn, dòn, dầy lên.

Đối với vi nấm Trichophyton, tổn thương từ bờ tự do trở vào, và có nhiều bột vụn dưới móng. Đối với vi nấm Candida, tổn thương từ chân móng trở ra, và thường đi kèm với tình trạng viêm quanh móng, có khi dẫn đến tình trạng nung mủ.

Để khắc phục các tình trạng trên, một số biện pháp có thể được đặt ra như: Cần loại bỏ các yếu tố tạo điều kiện cho vi nấm phát triển như môi trường ẩm ướt, hoặc các điều kiện làm việc phải tiếp xúc với nước thường xuyên.

Sử dụng các dạng thuốc bôi chống nấm có chứa các hoạt chất như: BSI, ASA, Ketoconazol, Clotrimazol…

Trong một số trường hợp lan rộng hoặc không đáp ứng với thuốc bôi tại chỗ, có thể phối hợp thêm các thuốc chống nấm qua đường uống và tất nhiên cần theo chỉ định của thầy thuốc.

Bệnh chàm

Bệnh chàm, nói chung là một tình trạng viêm da, có liên quan đến sự phối hợp của hai yếu tố: Cơ địa dị ứng và dị ứng nguyên, tức là chất gây dị ứng.

Các chất gây dị ứng có thể bắt nguồn từ những thay đổi trong quá trình chuyển hoá bên trong cơ thể con người, hoặc từ các yếu tố bên ngoài môi trường, trong cuộc sống lao động và sinh hoạt hằng ngày như khói bụi, hoá chất, phấn hoa, các độc tố từ côn trùng...

Người bệnh thường có cảm giác rất ngứa và diễn tiến rất dễ tái phát. Sự tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, hóa chất, ẩm ướt thường xuyên vẫn là những yếu tố có thể làm vượng lên những tổn thương sẵn có. Trong đó, có tình trạng bội nhiễm vi trùng và vi nấm.

Kết quả điều trị được mang lại với việc sử dụng các biện pháp nhằm làm giảm tình trạng dị ứng của cơ thể. Tuy nhiên, việc phòng tránh các chất gây dị ứng đối với cơ thể là hết sức quan trọng, nhằm hạn chế tình trạng tái phát có thể xảy ra.

Tổ đỉa

Là một viêm da dạng chàm mãn tính, có diễn tiến hay tái phát. Một số yếu tố có liên quan đến sự phát sinh bệnh, như: Nhiễm vi trùng, vi nấm hay các tiếp xúc với một số hoá chất gây dị ứng từ bên ngoài trong lao động và sinh hoạt.

Trong môi trường ẩm ướt mùa mưa lũ, sự tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố dị ứng từ bên ngoài có thể là điều kiện làm gia tăng sự trầm trọng của bệnh...

Một số trường hợp do không được chăm sóc chu đáo, hay do việc sử dụng một số thuốc bôi không đúng, nhất là các cây cỏ không hợp vệ sinh, tình trạng bội nhiễm có thể xảy ra.

Khi đó, các mụn nước chứa dịch trong trở thành các mụn mủ, trên vùng da phù nề, rỉ dịch và có thể xuất hiện các hạch viêm vùng lân cận.

Chính vì sự xuất hiện các tổn thương trên da có liên quan đến các yếu tố dị ứng, nhiễm trùng, nhiễm nấm; cho nên việc sử dụng kháng sinh, kháng nấm, kháng dị ứng là những vấn đề cần được đặt ra trong điều trị.

Tuy nhiên, việc sử dụng cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc, để có chỉ định thích hợp...

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Đây là một loại bệnh da có tính chất khá phổ biến, các yếu tố bên ngoài tác động trực tiếp lên da có vai trò quan trọng làm phát sinh bệnh trên những cơ thể có cơ địa dị ứng.

Bệnh được biểu hiện bởi những mảng hồng ban, tức những mảng đỏ giới hạn rõ, phù hợp với vật tiếp xúc, trên có rất nhiều mụn nước, rỉ dịch, phù nề, có khi nung mủ và rất ngứa.

Để khắc phục tình trạng trên, biện pháp đầu tiên cần thực hiện là phải tránh các yếu tố tiếp xúc.

Điều trị tại chỗ, cần sử dụng các dạng thuốc thoa dưới dạng dung dịch, có tác dụng sát khuẩn, hạn chế tình trạng rỉ dịch, như: Dung dịch Jarish, Milian. Các sản phẩm này rất phổ biến trong chuyên khoa Da liễu.

Điều trị toàn thân:

Sử dụng các thuốc kháng dị ứng.

Có thể phối hợp với kháng sinh toàn thân, trong trường hợp có bội nhiễm. Tất nhiên, phải theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.


AloBacsi.com
Theo TS.BS Huỳnh Văn Bá - Nông nghiệp Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X