Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh tim mạch ở người cao tuổi

Tất cả các lời khuyên nhằm hạn chế bệnh tim do xơ vữa mạch máu ở người trẻ cũng đều có thể ứng dụng cho người già.

Đó là nên bỏ hút thuốc lá, tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn mỗi ngày, ăn uống điều độ để tránh bị béo phì.

Lão hóa là một quá trình tự nhiên xảy ra cho tất cả các cơ quan trong cơ thể. Quá trình này khởi đầu ngay từ khi chúng ta được sinh ra và diễn tiến ngày một nhanh khi tuổi càng cao. Những biến đổi do lão hóa ở hệ tim mạch (đặc biệt là xơ vữa động mạch) là nguyên nhân góp phần gây ra các bệnh lý tim mạch ở người cao tuổi.

Mạch máu của người trẻ bình thường mềm mại, có tính đàn hồi và co giãn, nhờ vậy khi tim co bóp sẽ đẩy máu vào mạch máu dễ dàng. Ở người cao tuổi, mạch máu trở nên cứng, kém đàn hồi. Tim co bóp bơm máu vào động mạch nhưng luôn gặp sức cản nên phải hoạt động nhiều hơn.

Ngoài ra ở người cao tuổi, tình trạng xơ vữa động mạch làm cấu trúc mạch máu bị biến đổi, thành mạch dày lên và lòng mạch hẹp lại. Đầu tiên, những thay đổi này sẽ gây bệnh tăng huyết áp. Người cao tuổi thường có huyết áp tâm thu (số trên) cao nhưng huyết áp tâm trương (số dưới) lại thấp, 2 con số này chênh lệch nhau nhiều dễ gây các bệnh tim mạch.

đã nói, mạch máu bị xơ cứng, giảm đàn hồi làm tim phải tăng hoạt động, về lâu dài sẽ dẫn đến hậu quả là tim bị dày lên. Tim càng dày thì càng cần có nhiều máu đến nuôi. Trong khi đó, các mạch máu bị xơ vữa lại hẹp, gây ra thiếu máu cơ tim, nặng hơn nữa là nhồi máu cơ tim. Hậu quả cuối cùng là suy tim.

Trong tim có các cơ quan rất nhỏ làm nhiệm vụ phát tín hiệu để tim co bóp. Bình thường, chúng hoạt động đều đặn và chặt chẽ, tạo ra nhịp tim rất đều. Ở người cao tuổi, các biến đổi về cấu trúc của tim có thể ảnh hưởng đến các cơ quan này, gây ra tình trạng loạn nhịp tim, nghĩa là tim đập quá nhanh, quá chậm hay không đều. Các van tim ở người cao tuổi cũng bị thoái hóa, trở nên xơ và hóa vôi. Trong đó, van động mạch chủ thường bị nhất, các van khác cũng có thể bị ảnh hưởng và gây nên bệnh van tim người cao tuổi.

Các triệu chứng báo hiệu cần đi khám

Đau thắt ngực là triệu chứng của thiếu máu và nhồi máu cơ tim: Khi cơ tim bị thiếu máu nuôi, sẽ có triệu chứng rất đặc trưng là đau thắt ngực. Trường hợp điển hình là khi gắng sức hay xúc động, bệnh nhân sẽ có cảm giác bị đè nặng như bóp nghẹt giữa ngực, có thể thấy tê cả hàm hay tay trái, kéo dài vài phút, kèm theo khó thở hay vã mồ hôi.

Nếu ngưng gắng sức và nghỉ ngơi thì triệu chứng sẽ hết trong vài phút. Nhồi máu cơ tim là mức độ nặng nhất, khi đó mạch máu nuôi tim bị tắc hoàn toàn. Biểu hiện cũng là đau thắt ngực nhưng mức độ dữ dội hơn và kéo dài hơn 30 phút. Đây là tình trạng cấp cứu, cần nhập viện càng sớm càng tốt mới điều trị thành công.

Tuy nhiên, rất nhiều người cao tuổi bị thiếu máu cơ tim nhưng lại không có triệu chứng gì. Tình trạng này được gọi là thiếu máu cơ tim yên lặng. Điện tâm đồ có thể giúp phát hiện thiếu máu cơ tim, nhưng có nhiều thử nghiệm khác tốt hơn. Thông thường, bác sĩ yêu cầu làm thử nghiệm đạp xe gắng sức hay siêu âm tim có tiêm thuốc. Để chẩn đoán thiếu máu cơ tim chính xác nhất, cần phải chụp mạch vành. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ quyết định điều trị bằng cách cho uống thuốc, nong mạch vành hoặc mổ nối mạch vành.

Triệu chứng của suy tim: Tim bị suy yếu không bơm máu đến các cơ quan đầy đủ, người bệnh sẽ thấy mệt khi vận động. Ngoài ra, máu bị ứ lại ở phổi sẽ gây khó thở khi gắng sức, ứ lại ở gan gây đau ở sườn bên phải, ứ lại ở chân gây sưng phù mu bàn chân. Khi có triệu chứng nghi ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu làm siêu âm tim và chụp hình phổi để chẩn đoán bệnh chính xác.

Triệu chứng của loạn nhịp tim: Về loạn nhịp tim, có rất nhiều loại bệnh khác nhau, một số loại không quá nguy hiểm (như rung nhĩ), một số khác rất nguy hiểm và cần điều trị ngay (như nhịp nhanh thất). Tuy nhiên, các loại rối loạn nhịp tim đều gây triệu chứng tương tự nhau, bao gồm hồi hộp, đánh trống ngực, đôi khi gây chóng mặt và ngất xỉu.

Ngoài ra, nếu tự sờ mạch ở tay hay cổ, người bệnh cũng có thể biết nhịp tim không đều. Để chẩn đoán rối loạn nhịp tim, cần phải đo điện tâm đồ. Ở người cao tuổi, bệnh có thể không có triệu chứng, nhiều khi rối loạn nhịp tim xảy ra thành từng cơn, do đó để chẩn đoán có thể cần phải gắn máy ghi điện tim liên tục cả ngày (gọi là máy Holter).

AloBacsi.vn
Theo Sức Khỏe và Đời Sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X