Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh tim do thiếu máu cục bộ mãn nghĩa là gì?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Khoảng 1 tháng nay, em thấy tim đập mạnh, rõ khi nằm; thỉnh thoảng hơi nặng ngực trái; đôi khi hồi hộp, tê tay kèm vã mồ hôi, đặc biệt lúc đi thi (trước đây không có). Em đi khám, ECG bình thường, bác sĩ chẩn đoán bệnh tim do thiếu máu cục bộ mãn. Xin hỏi bệnh đó là gì? Có nguy hiểm không? Nên ăn và kiêng gì? Chế độ luyện tập như thế nào (em thường xuyên chơi thể thao như cầu lông, bóng đá)? Em cảm ơn bác sĩ.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Bệnh tim thiếu máu cục bộ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bệnh tim thiếu máu cục bộ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Bệnh tim thiếu máu cục bộ hay được gọi bệnh động mạch vành, bệnh mạch vành tim là một tình trạng gây ra do động mạch vành bị hẹp làm hạn chế cung cấp máu, oxy và các chất dinh dưỡng cho tim. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác cũng gây ra co thắt mạch vành dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim như stress, hút thuốc lá...

Bệnh tim thiếu máu cục bộ là một bệnh rất thường gặp ở người lớn tuổi, hút thuốc lá nhiều, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, tiểu đường, béo phì. Đối tượng dễ mắc bệnh này là nam giới trên 45 tuổi, nữ giới trên 55 tuổi.

Bệnh thiếu máu cơ tim nếu không được điều trị tốt, dẫn đến nhiều biến chứng trong đó nghiêm trọng nhất là tử vong đột ngột do nhồi máu cơ tim.

Tuỳ vào mức độ hẹp mà có biện pháp can thiệp điều trị khác nhau, có thể dùng thuốc hoặc can thiệp mạch máu. Đối với bệnh nhân mắc bệnh cần thực hiện chế độ ăn khoa học, giảm tinh bột, đường, mỡ, tăng cường rau xanh, tập thể dục đều đặn hàng ngày (tập luyện mức độ trung bình trở lên, ít nhất 30 phút ngày, 5 ngày/tuần) để cải thiện sức khoẻ. Nếu có bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường thì cần kiểm soát thật tốt để phòng ngừa biến chứng.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Thiếu máu cơ tim cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu không đủ cung cấp cho tim khi một mạch máu nuôi tim bị hẹp, gây tổn thương cho một phần cơ tim. Trái tim đòi hỏi cung cấp oxy và chất dinh dưỡng liên tục, giống như bất kỳ cơ bắp nào trong cơ thể. Hai động mạch vành lớn cung cấp máu mang oxy cho cơ tim. Nếu một trong các động mạch hoặc các nhánh bị tắc nghẽn đột ngột thì một phần của tim sẽ bị thiếu oxy, tình trạng này gọi là “thiếu máu cơ tim cục bộ”. Nếu thiếu máu cơ tim cục bộ kéo dài quá lâu, các mô tim sẽ bị chết do không được cung cấp máu.

Một trong các triệu chứng thiếu máu cơ tim cục bộ điển hình là đau ngực và khó thở, các triệu chứng có thể đa dạng. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

- Áp lực hoặc tức ngực;
- Đau ở ngực, lưng, hàm và các khu vực khác của phần trên cơ thể, kéo dài hơn một vài phút, giảm dần và tái phát;
- Khó thở;
- Đổ mồ hôi;
- Buồn nôn;
- Nôn;
- Lo lắng;
- Ho;
- Chóng mặt;
- Nhịp tim nhanh.

Điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả những người bị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ đều có các triệu chứng hoặc mức độ nghiêm trọng như nhau. Đau ngực là triệu chứng thường xuất hiện ở cả phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên, phụ nữ có nhiều nguy cơ gặp phải các triệu chứng sau hơn nam giới:

- Khó thở;
- Đau hàm;
- Đau lưng phần trên;
- Choáng váng;
- Buồn nôn;
- Nôn.

Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ cần điều trị ngay lập tức. Bác sĩ có thể tiến hành một thủ thuật nong mạch vành để nong rộng các động mạch cung cấp máu cho tim. Trong khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ luồn một ống thông qua động mạch ngoại biên đi đến khu vực bị tắc nghẽn. Sau đó, họ sẽ thổi phồng một quả bóng nhỏ được gắn ở ống thông để làm lưu thông động mạch trở lại, cho phép máu tiếp tục chảy. Bác sĩ phẫu thuật cũng có thể đặt một ống lưới nhỏ gọi là stent ở vị trí tắc nghẽn. Ống đỡ động mạch có thể ngăn chặn các động mạch hẹp lại.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG). Trong phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ ghép một mạch máu khác băng ngang qua đoạn động mạch vành bị  hẹp  của bạn để máu có thể lưu thông phía dưới khu vực bị tắc nghẽn. Phẫu thuật này đôi khi được thực hiện ngay lập tức sau khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật này được thực hiện vài ngày sau để tim ổn định.

Một số loại thuốc cũng có thể giúp điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ.

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

- Bỏ thuốc lá. Bạn hãy gặp bác sĩ để được tư vấn các phương pháp bỏ thuốc. Bên cạnh đó, bạn nên tránh hít phải khói thuốc;

- Kiểm soát các bệnh lí khác. Bạn hãy gặp bác sĩ để được điều trị các bệnh lí có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ chẳng hạn như tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao trong máu;

- Có chế độ ăn uống lành mạnh. Bạn nên hạn chế hấp thu chất béo bão hòa và ăn nhiều ngũ cốc, trái cây và rau quả. Bên cạnh đó, bạn phải thường xuyên kiểm tra chỉ số cholesterol và hỏi bác sĩ xem chúng đã được giảm đến mức độ an toàn chưa;

- Tập thể dục. Bạn hãy gặp bác sĩ để được tư vấn về kế hoạch tập thể dục an toàn để cải thiện lưu lượng máu đến tim;

- Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh. Nếu bạn đang thừa cân, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn về các phương pháp giảm cân;

- Giảm căng thẳng. Bạn hãy thực hành các bài tập thể dục để kiểm soát căng thẳng, chẳng hạn như thư giãn cơ bắp và thở sâu.

- Điều quan trọng là phải có kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Một số yếu tố nguy cơ chính gây thiếu máu cơ tim cục bộ - cholesterol cao, huyết áp cao và bệnh tiểu đường - không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Phát hiện và điều trị sớm có thể mang đến cho bạn một trái tim khỏe mạnh.

- Điều quan trọng là phải có kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Một số yếu tố nguy cơ chính gây thiếu máu cơ tim cục bộ - cholesterol cao, huyết áp cao và bệnh tiểu đường - không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Phát hiện và điều trị sớm có thể mang đến cho bạn một trái tim khỏe mạnh.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X