Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh tiêu hóa gia tăng sau Tết

Sau Tết khá nhiều bệnh nhân đến khám bệnh tiêu hóa. Tại Khoa Nội tiêu hóa, BV Nhân dân 115 số bệnh nhân tăng vọt, nhiều nhất là rối loạn tiêu hóa và rối loạn tiết dịch dạ dày.

Theo ThS-BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, BV Nhân dân 115 sau nhiều ngày với tiệc tùng liên tục món ăn, thức uống hấp dẫn, rất dễ mắc những vấn đề về tiêu hóa:

- Rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu vì thức ăn chứa quá nhiều chất béo, chất đạm, lại đi kèm với nhiều loại thức uống như bia, rượu, nước giải khát có gas…

- Tổn thương dạ dày, niêm mạc ruột xuất hiện hoặc tăng thêm do thức ăn thường sử dụng nhiều gia vị, chất bảo quản, hóa chất,…

- Ngộ độc do thức ăn dư thừa, thức ăn dự trữ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Viêm tụy cấp do ăn nhiều chất béo, uống nhiều rượu.

- Tăng cân, béo phì do ăn uống quá độ, không tiết chế hoặc giảm cân do ăn uống thất thường.

Ngoài ra, uống nhiều rượu, bia dễ bị các tai biến tim mạch, thần kinh, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng huyết áp, bệnh mạch vành...

Các biểu hiện thường gặp là đầy bụng, trướng bụng, khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón. Người bệnh sẽ gặp những thay đổi về vấn đề đại tiện như đi vệ sinh không đều, hôm trước bị tiêu chảy nhưng hôm sau có thể táo bón. Buổi sáng bụng thon nhỏ nhưng đến trưa chiều hoặc chiều thường "căng to như cái trống"...

Tiếp đến là những bệnh lý rối loạn tiết dịch dạ dày với những tổn thương do mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ và các yếu tố phá hủy niêm mạc dạ dày, với các triệu chứng đau bụng vùng thượng vị, đau âm ỉ hoặc có khi thành cơn, đau có thể liên quan đến bữa ăn. Nếu đau sau ăn no thường là loét dạ dày, đau lúc đói là loét tá tràng, bệnh nhân có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, kèm theo ợ hơi, ợ chua, có khi nôn hoặc buồn nôn.

ThS-BS Lê Thị Tuyết Phượng khuyên, để hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu, chúng ta cần sắp xếp lại thực đơn ăn uống sao cho khoa học để lấy lại cân bằng cho cơ thể. Hạn chế ăn nhiều thức ăn chiên xào, nhiều chất béo, không ăn quá nhiều thịt; không uống nhiều bia, rượu, các loại nước ngọt có gas, cà phê, thuốc lá.

Nên ăn kèm các thức ăn lỏng, dễ tiêu, ít chất béo như cháo, xúp. Nếu bị táo bón, khẩu phần ăn nên có nhiều rau xanh, chuối, khoai lang; uống nhiều nước, khoảng 2,5-3 lít/ngày, chia làm nhiều lần. Ăn vừa đủ no, nên ăn chậm, nhai kỹ. Không nên nằm sau khi ăn mà nên bách bộ hoặc vận động tay chân nhẹ nhàng để giúp dễ tiêu hóa.

Trong một số trường hợp, tùy thuộc vào các triệu chứng có thể dùng một vài loại thuốc giảm khó chịu về tiêu hóa như: Domperidone, Phosphalugel, Smecta, Pepsan,… Tuy nhiên, nếu sau khi đã uống thuốc, tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài nhiều ngày không giảm, hoặc có kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng nhiều, nôn ói nhiều, nôn ra máu, bụng trướng to… thì phải đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị chính xác.

AloBacsi.vn
Theo Thanh Hoa - Phụ nữ Online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X