Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh tiểu đường phục hồi nhanh nhờ tập luyện và kết hợp đa chuyên khoa

Chiều 27/12, BV Nhân Dân 115 đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn với 2 chủ đề “Vai trò của tập luyện trong phòng bệnh, chữa bệnh và Vai trò phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị biến chứng bàn chân đái tháo đường”.

Buổi sinh hoạt chuyên môn ngày 27/2 với sự điều hành của TS.BS Phan Văn Báu - giám đốc BV Nhân dân 115, TS.BS Đỗ Quốc Huy - phó giám đốc, BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương - phụ trách khoa Nội tiết, BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng - phụ trách khoa Y học cổ truyền-Phục hồi chức năng


Để đạt hiệu quả tốt trong điều trị bệnh, luôn cần phải có sự phối hợp cả về điều trị bằng thuốc và không dùng thuốc là điều được nhấn mạnh trong 2 bài báo cáo của BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng khoa Y học cổ truyền phục hồi chức năng và BS.CK1 Mai Trọng Trí - Khoa Nội tiết Bệnh viện nhân dân 115.

Mở đầu cho bài báo cáo, “Vai trò của tập luyện trong phòng bệnh, chữa bệnh” BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng cho biết, tập luyện có vai trò giúp hồi phục gần như tất cả hoạt động của cơ thể. Với bệnh nhân đái tháo đường type 2: Tập luyện là một trong 3 thành phần của điều trị bệnh.

Tập luyện để góp phần điều trị đái tháo đường type 2 qua 2 cơ chế:

Tập luyện sẽ giúp sinh ra glut 4 ở trong tế bào cơ vân, glut 4 là một chất trung gian đưa đường vào trong tế bào. Như vậy tập luyện giúp đưa đường vào tế bào giống như insulin.

Tập luyện giúp tăng nhạy cảm của insulin với tế bào gan và cơ vân, giảm đề kháng insulin. Ngoài ra, tập luyện giúp đốt cháy mỡ dư thừa gây ra tình trạng nhiễm độc mỡ và viêm, đây là một lý do làm cho tế bào đề kháng với insulin. Trong khi đề kháng insulin là một cơ chế rất quan trọng trong điều trị đái tháo đường type 2.

Như vậy tập luyện có tác dụng cả tức thì và kéo dài.

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng - phụ trách khoa Y học cổ truyền-Phục hồi chức năng


BS Thắng cho biết, kết quả tập luyện qua nhiều nghiên cứu cho thấy, có khả năng đạt được đến 11% kiểm soát được đường huyết sau 1 năm tập luyện mà không cần dùng thuốc. Nếu như, tập luyện 2-4 năm liên tiếp thì có thể kiểm soát thêm 7% nữa. Những bài tập này thường là Aerobic, đi xe đạp, bơi hoặc chạy bộ.

Bên cạnh đó, người ta cũng đánh giá được rằng, luyện tập giảm khoảng 58% mắc đái tháo đường ở nhóm nguy cơ cao với 150p/tuần.

Việc luyện tập cho bàn chân ĐTĐ sẽ giúp cải thiện tuần hoàn tại chỗ, đưa glucose vào trong tế bào ngay lập tức. Ngoài ra, có thể đưa đường vào trong tế bào thần kinh. Trong quá trình tập đối với bệnh nhân ĐTĐ với bàn chân thì cố gắng gồng các cơ ở bàn chân đến ngón chân và cổ chân. Tập 10 lần cho mỗi động tác mỗi ngày.

BS Thắng còn đề cập đến vai trò của tập luyện đối với rối loạn cương dương ở nam giới, các rối loạn sau đột quỵ, thoái hóa khớp gối, và với một số tình trạng khác của hệ thần kinh như trầm cảm, bệnh sa sút trí tuệ, parkinson...

BS.CK1 Mai Trọng Trí, khoa Nội tiết


Tiếp tục buổi sinh hoạt là bài báo cáo về “Vai trò phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị biến chứng bàn chân đái tháo đường (ĐTĐ)”, của BS.CK1 Mai Trọng Trí.

“Phối hợp đa chuyên khoa trong biến chứng bàn chân ĐTĐ, từ lâu đã được xem là nền tảng trong việc điều trị biến chứng bàn chân ĐTĐ và việc áp dụng cần phải linh hoạt, tích cực thì mới mang lại hiệu quả cao và nhiều lợi ích cho bệnh nhân”. BS Trí chia sẻ.

Trong bài báo cáo, BS Trí đã đưa ra trường hợp của một bệnh nhân nữ, 45 tuổi bị ĐTĐ lâu năm, nhập viện với một vết thương rộng ở cẳng chân bên phải. Đã đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế khác nhau nhưng không khỏi mà ngày càng nặng thêm.

Khi bệnh nhân nhập viện, tổng trạng bệnh nhân quá kém và đã bị nhiễm trùng, hoại tử. Khi đó, bệnh nhân đã được các BS khoa Nội tiết kết hợp với khoa Chấn thương chỉnh hình và khoa Phẫu thuật thẩm mỹ xử lý qua nhiều bước, nhờ vậy vết thương của bệnh nhân đã lành hoàn toàn. Qua đó thấy được, với sự kết hợp đa chuyên khoa thì chân của bệnh nhân đã được giữ lại và chữa lành một cách nhanh chóng.

Kết thúc bài báo cáo của mình BS Trí cho biết thêm, thông qua các khảo sát, khi áp dụng đa chuyên khoa vào điều trị ĐTĐ đã mang lại hiệu quả rất cao, giảm tỉ lệ loại chi trên bệnh nhân ĐTĐ rất đáng kể, giảm chi phí điều trị có thể chỉ còn 50% so với thông thường và mang lại nhiều niềm vui cho các bệnh nhân ĐTĐ.



Buổi sinh hoạt khép lại sau khi các BS đã có cuộc tham luận, trao đổi với nhau về các kiến thức chuyên môn. Đặc biệt, BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương - Phó khoa Nội Tiết, đã chia sẻ câu chuyện thú vị của một bệnh nhân ĐTĐ biến chứng bàn chân, khi được hỏi “Khi trở về rồi, bà có quay lại đây nữa không?” bà trả lời “Cả gia phả nhà tôi đều điều trị ở đây và tôi sẽ kéo theo cả làng tôi đến đây nếu có ai bị tiểu đường biến chứng bàn chân như vậy nữa”.

Câu chuyện của BS Thanh Phương đã cho thấy, sự thành công của Khoa nội tiết nói riêng và BV Nhân Dân 115 nói chung, khi đã xây dựng được niềm tin lớn đối với bệnh nhân của mình.

Theo Nguyễn Chúc - BV Nhân dân 115

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X