Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh tắc ruột có tính di truyền, AloBacsi?

Dưới đây là nội dung tư vấn do BS Cao Thị Lan Hương giải đáp thắc mắc của bạn đọc qua email vào chiều 4/11. Mời quý độc giả cùng theo dõi.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương
Nội dung tư vấn qua mail của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Phúc Thanh - upys2…@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Lúc trước ba em bị tắc ruột gì đó vì lâu rồi không nhớ rõ, phải dùng hậu môn giả ở rốn. Sau khi sinh em thì em cũng bị tắc ruột nhưng không dùng hậu môn giả ở rốn mà dùng hẳn hậu môn dưới để đại tiện, nhưng đại tiện lại không bình thường, khó kiểm soát. Sau đó mẹ sinh em gái ra thì không bị mắc bệnh, vậy bệnh có di truyền không ạ? Nếu sau này em sinh con thì con có mắc bệnh này không? Cảm ơn bác sĩ           .

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nếu như trong gia đình có từ 2 người trực hệ (ba và con gái là trực hệ) bị cùng 1 bệnh ít gặp (trong trường hợp này là tắc ruột chưa rõ nguyên nhân) thì có khả năng bệnh này có liên quan đến yếu tố gia đình.

Tuy nhiên, để xác định có phải là bệnh di truyền hay không, để mà tiên lượng cho khả năng mắc bệnh ở đứa con mà em sinh ra, thì bắt buộc phải xác định cụ thể đây là bệnh gì cái đã, hay nói cách khác là phải biết được nguyên nhân gây tắc ruột của ba em và em. Ví dụ như tắc ruột do giun sán thì đâu có phải bệnh di truyền.

Như vậy, em nên khám chuyên khoa tiêu hóa để bs kiểm tra kỹ cho em từ đó mới chẩn đoán xác định bệnh của em và trả lời cho câu hỏi của em, em nhé. Em có thể cân nhắc khám tại bệnh viện tuyến đầu sẽ có nhiều phương tiện chẩn đoán bệnh khó hơn.


- Trang - bimat.bimat…@gmail.com

Chào bác sĩ,

Tôi thường có cảm giác buồn nôn phía trên dạ dày thì là dấu hiệu của bệnh gì vậy ạ? Mong được bác sĩ trả lời. Chân thành cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nếu như em có quan hệ tình dục thì phải thử thai trước để loại trừ nguyên nhân do thai hành. Nếu không có thai hay không có quan hệ tình dục thì triệu chứng trên khá thường gặp trong bệnh lý của dạ dày tá tràng, tuy nhiên cũng có thể gặp trong các bệnh lý khác như thiếu máu, nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, bệnh lý gan mật, bệnh lý nội tiết, tim mạch...

Em cần khám chuyên khoa tiêu hóa để BS khám tổng quát và xét nghiệm máu, siêu âm bụng... nhằm tìm ra nguyên nhân và đồng thời kê thuốc phù hợp theo bệnh. Bên cạnh đó, để giảm nôn, em có thể uống trà gừng ấm, nghỉ ngơi, ăn thực phẩm dễ tiêu ít dầu mỡ như cháo, súp.


- Nguyễn Vinh Quang - quang…@gmail.com

Thưa bác sĩ, da vùng sườn trái của cháu tự nhiên bị đau giống như ai đấm, rồi hôm sau nổi những mụn nước nhỏ, không ngứa nhưng hơi rát là bệnh gì? Cách chữa trị bệnh như thế nào ạ?  Cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Theo thông tin em cung cấp, nếu em từng bị thủy đậu trước đây thì hiện giờ có khả năng em bị zona (còn gọi là bệnh giời leo).

Đặc điểm của Zona là các hồng ban, mụn nước mọc thành từng chùm, thường ở một bên cơ thể, gây cảm giác đau rát rất đặc biệt. Ban đầu khi sang thương chưa xuất hiện, bệnh nhân có thể đã có cảm giác đau khó chịu. Sau đó, hồng ban xuất hiện và trên đó có những chùm mụn nước, nhưng thường chỉ ở một bên, trái hoặc phải, theo sự phân bố của dây thần kinh trong cơ thể, trường hợp nặng có thể lan sang cả 2 bên cơ thể.

Bác sĩ không khám trực tiếp cho em nên mọi tư vấn chỉ mang tính tham khảo, hơn nữa, theo luật bác sĩ cũng không thể kê thuốc điều trị qua kênh truyền thông được, em cần phải khám chuyên khao da liễu để được chẩn đoán xác định bệnh và điều trị thích hợp, em nhé.       


- Phan Thị Minh Thúy - Thuy.phan…@gmail.com

Xin chào bác sĩ, em là Thúy, năm nay em 21 tuổi.

Khoảng 2 tuần trở lại đây, em thường lo âu và ám ảnh, mặc dù em biết nó không thể xảy ra nhưng em vẫn nghĩ đến nó khiến cho em xảy ra tình trạng là đầu lâng lâng, mệt mỏi, chán ăn, tim đập nhanh, run rẩy vã mồ hôi, buồn nôn… Cảm giác rất khó chịu trong người như muốn bức nó ra, một ngày xảy ra 5 đến 6 lần, kiểu như không muốn nghĩ thì nó lại càng muốn nghĩ đến ạ. Em còn hay bị mất ngủ vào buổi trưa và đêm (có khi đến 3,4g sáng em mới ngủ nhưng chỉ được vài ba tiếng là em thức giấc ạ) khiến giấc ngủ không sâu, không tập trung được ạ.

Mỗi sáng ngủ dậy trong người em hay run rẩy nữa ạ. Em rất sợ không biết em bị bệnh gì vậy ạ. Xin bác sĩ cho em câu trả lời và cách điều trị nó ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nếu thực sự tất cả những triệu chứng này chỉ mới xuất hiện 2 tuần trở lại đây và khá rầm rộ, nếu không kèm 1 cú sốc tình cảm nào thì đây là một tình trạng cấp tính và không thể do một rối loạn tâm lý - tinh thần đơn thuần gây ra (cần thời gian dài hơn tiến triển từ từ tăng dần) mà nhiều khả năng là do có bệnh lý thực sự. Tất cả những triệu chứng em nêu ra, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, như bệnh tim mạch, nhiễm trùng hệ thống, bệnh lý ở não, ngộ độc...

BS cần phải hỏi kỹ từng triệu chứng, tiền căn bệnh lý của em và gia đình, cũng như thăm khám toàn bộ và làm các xét nghiệm kiểm tra thì mới định được bệnh và có hướng điều trị thích hợp tương ứng. Chắc chắn là em cần phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe sớm, có thể khám ở chuyên khoa nội tổng quát hay chuyên khoa nội thần kinh đều được.


- Nguyễn Thái Sơn - becks…@gmail.com

Chào bác sĩ, em bị đau phần bụng dưới sát dương vật. Nó đau nhiều hơn ở bên phải, gồng người hoặc vận động mạnh là đau. Em không biết mình bị tổn thương do chơi thể thao hay là bị 1 bệnh lý nào khác trong cơ thể. Vậy bác sĩ cho em hỏi là em nên đi khám ở đâu và khám như thế nào cho có kết quả chính xác ạ? Chân thành cảm ơn.    

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Phần bụng dưới sát dương vật là khu vực của hạ vị và 2 hố chậu (trái và phải). Khu vực này có nhiều cơ quan gồm ruột, bàng quang, niệu quản, cơ thành bụng, thần kinh, mạch máu... Triệu chứng đau xuất hiện khi gồng người hoặc vận động mạnh có thể là đau do cơ, do thoát vị bẹn... ít nghĩ do viêm nhiễm hay khối u (vì sẽ đau liên tục).

BS cần phải hỏi kỹ bệnh sử, cũng như thăm khám toàn bộ và chú ý vùng bụng, làm các xet nghiệm kiểm tra thì mới định được bệnh và có hướng điều trị thích hợp tương ứng. Em có thể khám ở chuyên khoa tiêu hóa (nội tiêu hóa hay ngoại tiêu hóa - còn gọi là ngoại tổng quát, đều được).


- Phạm Duy Đoàn - hbct….@icloud.com

Kính thưa bác sĩ,

Cháu bị tai nạn lao động. Bàn chân trái của cháu bị lột mảng da khá lớn và bị gãy ngón số 4. Bác sĩ đã phẫu thuật lóc da và dán lại da. Ngón chân thì không phải bó. Sau khi điều trị tại bệnh viện 16 ngày cháu đã ra viện và điều trị tại nhà.

Hiện tại đã được 40 ngày thì da cháu đã ổn định nhưng bàn chân vẫn sưng phù. Nếu bình thường không hoạt động thì chân cháu không có cảm giác đau. Nhưng nếu tập tành đi lại thì đau. Cháu muốn hỏi với tình trạng của cháu thì bao lâu chân sẽ giảm sưng phù? Bình thường nếu gãy ngón chân thì bao lâu ngón chân sẽ liền xương ạ? Cháu xin cảm ơn!          

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Thời gian trung bình lành xương ở người trẻ khỏe là 1 tháng. Riêng đối với gãy ngón chân thì có thể kéo dài lâu hơn 1 chút, có thể mất 2 tháng.

Gãy xương và đặc biệt là bị lột 1 mảng da lớn làm xáo trộn hệ thần kinh - mạch máu quanh khu vực đó, lưu thông mạch máu không được tốt như trước đây nên sẽ dễ gây sưng nề nhẹ, và điểm gãy xương lâu lâu cũng nhói đau nhẹ khi đi lại nhiều hay trời trở lạnh, dù là xương đã lành.

Ngoài ra, chân còn chịu thêm ảnh hưởng của trọng lực và sức nặng cơ thể đè lên nên khi em đi lại nhiều thì chân sẽ sưng nề nhiều hơn. Tình trạng này là lành tính, có đặc điểm là sưng nhiều vào cuối ngày nhưng sẽ giảm khi kê chân cao, khi xoa bóp, ít sưng hơn vào buổi sáng; khác với sưng nề do viêm là sẽ có kèm nóng đỏ đau, không cải thiện nhiều khi kê chân cao và sẽ tiến triển nặng hơn nếu nguyên nhân viêm không được giải quyết.

Không nói trước được tình trạng phù chân này cụ thể khi nào thì hết, vì có thể kéo dài nhiều tháng tùy bệnh trạng, cơ địa, sinh hoạt và làm việc. Nếu còn đau nhiều thì em khoan đi lại nhiều, nên tập co cơ tại giường, xoa bóp và đi lại sinh hoạt trong nhà. Còn nếu đau ít thì có thể tập đi nhiều hơn chút. Em cần chú ý hạn chế đứng lâu, khi ngồi/ ngủ nên kê chân cao, xoa bóp sẽ giúp cải thiện.


- Dương Thành Đạt - Bình Thuận

Thưa bác sĩ, em năm nay 16 tuổi em, muốn bác sĩ tư vấn một việc giúp em. Lúc ngồi học, em thường bị ra mồ hôi ở mông mặc dù trong người em không thấy nóng và nó còn gay mùi hôi gây khó chịu cho bạn ngồi gần em. Bác sĩ hãy tư vấn và khắc phục tình trạng này lại giúp em. Em xin chân thành cám ơn.     

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nhiều khả năng là em bị chứng tăng tiết mồ hôi khu trú.

Nguyên nhân: Chia làm 2 loại:

* Loại tăng tiết mồ hôi thứ phát: Thường bị sau những tổn thương thần kinh trung ương, ngoại vi hay cục bộ hoặc bệnh của tuyến giáp trạng.

* Loại tăng tiết mồ hôi tiên phát: Xuất hiện trên toàn bộ cơ thể hay chỉ khu trú ở một vùng. Người ta cho rằng bệnh này là một trạng thái cường giao cảm hoặc tăng hoạt động của trung tâm bài tiết mồ hôi. Xuất hiện nhiều khi bệnh nhân lo lắng, xúc động, ăn các loại thức ăn có tính kích thích nhiều (đồ chiên xào, cay, tỏi, hành tây…).

Chữa trị:

* Điều trị nội khoa: thuốc bôi, thuốc uống, tâm lý liệu pháp, châm cứu.

* Điều trị ngoại khoa: tiểu thủ thuật; hủy bỏ hạch giao cảm bằng phẫu thuật nội soi, tiêm huyết thanh nóng vào hạch, cắt bỏ hạch...

Tốt nhất em nên khám chuyên khoa thần kinh hoặc da liễu để bác sĩ kiểm tra và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Sinh hoạt:

- Hạn chế các món ăn có tính kích thích kể trên.

- Vệ sinh cơ thể và thay quần 2 ngày / lần.

- Có thể dùng phấn thoa giúp khô thoáng hơn.

- Mặc loại vải thấm hút nhanh và mau khô.


- Phan Quốc Quân - Traixaydung…@yahoo.com

Chào bác sĩ,

Cho em hỏi: em bị gãy sương gót, sau bó bột hai tháng đi lại vẫn thấy sưng ở quanh mắt cá. Vậy bao nhiêu lâu mới khỏi? Chân thành cảm ơn.    

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Vùng gót chân có ít mạch máu đến nuôi, lại chịu áp lực của toàn bộ trọng lượng cơ thể đè lên nên khó lành vết thương hơn các vùng khác. Người suy dinh dưỡng hay thừa cân, béo phì, đi lại nhiều thì càng lành chậm hơn người khác. Cảm giác sưng nề nhẹ ở mắt cá chân cũng thường gặp, do mạch máu lưu thông không tốt gây phù nề làm chèn ép lên thần kinh, và cũng do quá trình chấn thương-lành thương gây ra, nhưng không nguy hiểm.

Em nên hạn chế ngồi/đứng lâu, khi ngồi/nằm nhớ kê chân cao, xoa bóp chân thường xuyên sẽ giúp giảm sưng nề. Không nói trước được tình trạng phù chân này cụ thể khi nào thì hết, vì có thể kéo dài nhiều tháng tùy cơ địa, đặc điểm sinh hoạt và làm việc.


- Nguyễn Trường Thái - nguyentruong…@gmail.com

Tôi đi siêu âm được kết quả là phình giáp đa nhân. Hiện tôi thường mệt, không thể vận đồng nhiều, lạnh, ra mồ hôi, giãm cân... Xin hỏi đó có phải do phình giáp đa nhân không và các điều trị. Cám ơn bác sĩ nhiều.         

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Siêu âm tuyến giáp chỉ khảo sát được cấu trúc và bất thường về mặt hình thể của tuyến giáp. Trong khi đó các triệu chứng của bệnh nhân có bất thường ở tuyến giáp là do rối loạn hormone tuyến giáp gây nên, siêu âm không đánh giá được tình trạng này mà xét nghiệm chức năng tuyến giáp (xét nghiệm máu) mới trả lời được.

Nếu như kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp của bạn bình thường, nghĩa là các nhân ở tuyến giáp kia không gây rối loạn nội tiết tố, còn gọi là phình giáp đơn thuần, và cần tìm những bệnh lý khác gây ra các rối loạn kể trên.

Nếu như kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp của bạn bất thường, thì nhiều khả năng nguyên nhân là do các nhân giáp trên.

Bạn cần đem kết quả siêu âm này đến khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết, bạn nhé.


- Phương Vũ - vuphuong…@gmail.com

Chào các bác sĩ,

Bạn của cháu cách đây hơn 1 năm bị tai nạn và gãy dập xương đùi khá nặng, làm phẫu thuật và đi lại bình thường nhìn kĩ mới thấy bị tật. Nhưng bạn ấy rất hay bị đau nhức nhưng luôn giấu gia đình điều đó, tâm lý của bạn cũng không thoải mái và luôn tự ti khép mình. Cháu không thể hỏi được nhiều nhưng khi thấy bạn cắn răng chịu đau cháu không thể làm như không biết được. Cháu có khuyên bạn nên đi khám lại nhưng bạn như muốn buông xuôi không chịu đi, đôi khi còn nhắc đến chuyện có thể sẽ phải cưa chân.

Cháu hoang mang lắm, các bác sĩ có thể tư vấn giúp cháu một chút về các biện pháp giúp giảm đau hoặc thuốc để điều trị không ạ? Cháu ko biết thật sự có nguy hiểm lắm không nhưng thấy lo lắng lắm. Mong các bác sĩ giúp cháu. Cháu xin cảm ơn ạ!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Gãy gập xương đùi là 1 gãy xương nặng nề, chắc chắn có làm tổn thương thần kinh và mạch máu, do đó sau khi đã phục hồi gần như về bình thường trước đây, thì người bệnh cũng thường bị đau nhức nhẹ ngay chỗ gãy xương, đặc biệt khi đi lại nhiều, chạy nhảy, trời trở lạnh. Cách điều trị là xoa bóp với dầu nóng, hạn chế đi lại khi đau nhiều, giữ ấm cơ thể đb là 2 chân, tránh đứng lâu, đi lại nhiều hay chơi môn thể thao tranh đấu các loại. Nếu đau nhiều nữa thì có thể uống thuốc giảm đau mua tại nhà thuốc, bác sĩ không thể kê thuốc được qua mạng, đây là luật em nhé.

Vấn đề nghiêm trọng nhất ở bạn em là tình trạng tinh thần không ổn định. Bạn em có dấu hiệu trầm cảm và xu hướng hủy hoại bản thân. Vấn đề này nguy hiểm hơn nhiều vì có những em tìm đến cái chết nếu không chữa trị kịp thời.

Em cần động viên bạn tâm sự với ba mẹ, anh chị em hay cô dì chú bác nào mà bạn em tin tưởng, để giúp tụi em giải quyết vấn đề này. Nếu sự việc vẫn ngoài tầm kiểm soát, bạn em cần được đưa đến khám chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để xác định bệnh và mức độ, nhằm hỗ trợ điều trị tâm lý và thuốc kịp thời.

Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói bạn em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, BS Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ... Nếu có bệnh thì BS sẽ có hướng điều trị thích hợp.


- Hoa Thu - tocmu…@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Cháu năm nay 19 tuổi. Khớp đầu gối của cháu khi đứng lên ngồi xuống kêu ''sột soạt'', đứng lâu rất mỏi. Vậy cho cháu hỏi có thể uống loại thuốc gì và chế độ ăn uống sao cho hợp lý không? Cháu cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Ở độ tuổi của em, những triệu chứng trên không phải là do thoái hóa khớp, mà thường gặp là do chấn thương trong thể thao hay làm việc, thừa cân béo phì, ít vận động và không tập thể dục, thiếu vi khoáng chất...

Để cải thiện tình trạng này, tốt nhất là tập thể dục thể thao, duy trì cân nặng lý tưởng, trong đó hiệu quả nhất là yoga, tập gym, bơi lội, các bài tập vận động toàn bộ cơ thể.

Song song đó, em chú ý dáng ngồi dáng đi, mang giày đế mềm ôm vừa chân, không mang giày cao gót, tránh đứng lâu hay ngồi lâu 1 chỗ, có thể uống thêm thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất nhưng quan trọng là phải có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.

Nếu có biểu hiện sụt cân, sốt về chiều, da nổi ban bất thường, cứng khớp thì cần phải khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để tìm các bệnh lý hiếm gặp ảnh hưởng lên hệ cơ xương khớp ở người trẻ.


- Nguyễn thu Thảo - kythao…@gmail.com

Kính thưa bác sĩ,

Tôi năm nay 62 tuổi, phái nữ,

Cách đây 5 năm bị đau gối trước cả 2 bên, đi bệnh viện được chẩn đoán thoái hoá khớp gối. Tôi đã được chữa trị suốt 1 năm và lành hẳn đến giờ. Nhưng cả tháng nay tôi đi bộ, thì thấy đau phía sau đầu gối phải. Gập gối đau, lên xuống thang lầu cũng đau, ngồi ghế thấp, đứng dậy cũng đau... Cơn đau giống như thoái hoá khớp gối, chỉ khác là KHÔNG ĐAU GỐI TRƯỚC, mà lại ĐAU PHÍA SAU GỐI.

Tôi cũng có đi bác sĩ tư, được chẩn đoán "suy tĩnh mạch", nhưng uống thuốc 2 tuần liền (2 toa) vẫn không thuyên giảm. Xin hỏi bác sĩ, tôi bị gì và phải chữa trị theo hướng nào? Theo tôi, chuyện suy tĩnh mạch là chắc chắn có, vì tôi đã lớn tuổi, nhưng hình như còn có thêm nguyên nhân nào khác nữa. Kính mong được bác sĩ tư vấn hướng dẫn. Trân trọng cám ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bác,

Ở độ tuổi của bác, các cơ quan bắt đầu thoái hóa, trong đó có khớp gối. Thoái hóa ở khớp gối không chỉ bao gồm bề mặt khớp, giảm chất nhờn trong bao khớp mà còn thoái hóa cả dây chằng, gân cơ trong khớp. Nếu có tổn thương thoái hóa, vôi hóa dây chằng chéo sau ở khớp gối trên người đã có bệnh thoái hóa khớp gối, thì thường gây đau phía sau gối, đặc biệt là khi đi lại nhiều, leo dốc, nghỉ thì bớt.

Suy giãn tĩnh mạch chân hay còn gọi là suy van tĩnh mạch chi dưới là từ chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra các triệu chứng như nhức mỏi, nặng toàn bộ chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, vọp bẻ (chuột rút) về ban đêm... Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành (nhất là ở người già), chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạnh nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu... Như vậy, theo như thông tin bác cung cấp, thì chẩn đoán suy tĩnh mạch chưa thật phù hợp để giải thích triệu chứng đau khu trú phía sau khớp gối.

Cách tốt nhất là bác nên khám chuyên khoa cơ xương khớp, chụp lại phim Xquang khớp gối, siêu âm mô mềm khớp gối để bác sĩ chẩn đoán rõ nguyên nhân và điều trị thích hợp hơn. Trong thời gian đó, bác nên ngừng đi tập thể dục 1 thời gian, chỉ sinh hoạt thường ngày là được.

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:

› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn

› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn


› Hoặc https://www.facebook.com/alobacsi.vn123


› Để trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17 -19g;

 Hotline: 08983 08983 - 0976 328 725

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X