Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại Khánh Hòa

Bệnh SXH trên địa bàn Khánh Hòa đang diễn biến khá phức tạp. Mặc dù ngành y tế đã triển khai các biện pháp phòng chống, nhưng hiện số ca mắc bệnh ngày càng gia tăng.

Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại Khánh Hòa
Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Nhiễm
 (Ảnh:baokhanhhoa.com.vn)

Tại khoa Nhiễm, BVĐK Khánh Hòa, từ khoảng tháng 9/2012 trở lại đây, mỗi ngày lượng bệnh nhân điều trị lên đến hơn 100 người, trong đó bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết chiếm khoảng 80%.

Đáng chú ý, từ đầu tháng 1/2013 đến nay bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng, có thời điểm lên đến 120 bệnh nhân nhập viện điều trị.

Đặc biệt, số ca mắc sốt xuất huyết nặng với diễn biến bệnh bất thường như tái sốc nhiều lần, rối loạn đông máu... vẫn không có chiều hướng giảm so với đỉnh dịch của năm 2012.

BS Nguyễn Thanh Ngân, khoa Nhiễm, BVĐK Khánh Hòa cho biết: "Từ cuối năm 2012 đến thời điểm này bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn ở mức rất cao. Trung bình có khoảng 10 - 20 ca/ 1 ngày, số lượng bệnh nhân đến khám cũng rất đông. Bác sĩ thường xuyên phải lọc bệnh để xem có bệnh nhân nào thì đưa vào điều trị. Số bệnh nhân nặng vào khoa hàng tuần luôn có vài ca, đều có những biến chứng như sốc, mất máu nhiều. Trung bình 1 tuần khoảng 3 - 5 ca".

Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 600 ca sốt xuất huyết, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ ghi nhận 23 ca mắc.

Số ca mắc xuất hiện ở 8/9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất ở thành phố Nha Trang và thị xã Ninh Hòa. Theo ngành y tế, nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết xuất hiện và diễn biến phức tạp do ngay từ đầu năm thời tiết bất thường khiến bệnh kéo dài từ năm 2012 đến nay.

Bên cạnh đó, việc lưu hành cùng lúc 4 tuýp virus gây bệnh: D1, D2, D3 và D4 nên công tác phòng chống bệnh cũng khó khăn. Ngoài ra, nhiều người dân vẫn còn chủ quan trong việc phòng bệnh cũng như điều trị sớm bệnh sốt xuất huyết.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết tại khoa Nhiễm, bệnh viện Đa khoa tỉnh đều biết phòng bệnh bằng cách diệt lăng quăng và mắc màn khi ngủ. Tuy nhiên, biết là một chuyện, nhưng có thực hiện để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình hay không lại là chuyện khác.

Ông Nguyễn Niên Phương, một bệnh nhân cho biết: "Ban đầu cũng bệnh, sốt, cảm, nhưng chưa biết sốt xuất huyết nên đã mua thuốc của mấy cô y tá uống. Uống thuốc cũng không hết, rồi kêu mấy cô hộ sinh tiêm cho 10 mũi, tiêm chừng nào càng thêm bệnh chừng đó, rồi 5, 6 ngày sau mới vô bệnh viện".

Tình trạng tự mua thuốc điều trị ở nhà và nhập viện khi bệnh diễn tiến nặng là tình trạng phổ biến với đa số các bệnh nhân sốt xuất huyết trong những năm qua.

Không chỉ làm gia tăng nguy cơ tử vong, tình trạng này còn góp phần làm lây lan nguồn bệnh trong cộng đồng. Hiện tại, bên cạnh việc đẩy mạnh các biện pháp chủ động như: diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức phòng và điều trị bệnh của người dân.

Sắp tới ngành y tế sẽ siết chặt hoạt động của các phòng khám tư nhân, hạn chế tối đa tình trạng điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại các nơi này.

AloBacsi.vn
Theo VTV

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X