Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh sởi miền Bắc có xu hướng tăng nhanh

Trong 2 tháng qua, số ca mắc sởi vào BV Nhi TƯ điều trị liên tục tăng, hầu hết chưa được tiêm phòng.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 389 trường hợp mắc sởi, 75% là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 1 tuổi chiếm đông nhất.

Bệnh mắc rải rác tại 30/30 quận huyện, tập trung tại các quận nội thành như Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Liêm, Nam Từ Liêm... Dù chưa có bệnh nhân tử vong nhưng số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2017.

Tại BV Nhi TƯ, TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, số ca mắc sởi luỹ tiến từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 500 trẻ. Trong đó tăng mạnh 2 tháng gần đây, mỗi tháng trung bình gần 100 ca, có ngày cao điểm tiếp nhận 10-12 trẻ.

Trẻ mắc sởi điều trị tại BV Nhi TƯ
Trẻ mắc sởi điều trị tại BV Nhi TƯ

Trong đó trên 85% trẻ nhập viện đều không được tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng. Đặc biệt các trường hợp dưới 1 tuổi có nguy cơ gặp nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa...

Số lượng trẻ vào BV Bệnh Nhiệt đới TƯ dù không đột biến nhưng cũng tăng khá nhanh. PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi cho biết, trong hơn 1 tháng qua đã thêm 35 trường hợp, nâng tổng số trẻ nhập viện do mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 75 ca, một số trường hợp viêm phổi nặng, cá biệt là cặp song sinh đẻ non tại Hà Nội.

Cục Y tế dự phòng cho biết, tính chung cả nước, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận gần 1.000 ca mắc sởi tại 37 tỉnh, thành phố. Phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó có tới hơn 83% số trẻ là không được tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng vắc xin sởi.

Đáng lưu ý, so với cùng kỳ năm 2017, tình hình bệnh sởi năm nay đang có chiều hướng gia tăng cao và sớm ngay từ những tháng mùa hè thay vì đông-xuân.

Các chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm, số lượng bệnh nhân mắc sởi sẽ tiếp tục gia tăng do năm nay lặp lại chu kỳ dịch sởi sau 4 năm bùng phát (năm 2014).

TS Lâm cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

Hiện nay cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch. Cha mẹ chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Bệnh sởi rất dễ lây, do đó cha mẹ không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Bệnh sởi có thể tự khỏi nhưng vẫn gây ra tử vong trên các bệnh nhi có sẵn nền bệnh lý khác. Đồng thời khi mắc sởi sẽ làm trẻ suy giảm hệ miễn dịch, nên dễ mắc thêm các bệnh phối hợp, nặng nhất là viêm phổi và viêm não, tủy cấp.

Theo Vietnamnet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X