Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh rung nhĩ và đột quỵ - “đôi bạn” đồng hành nguy hiểm

Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim nhanh thường gặp nhất. Căn bệnh này nguy hiểm ở chỗ chúng làm tăng nguy cơ đột quỵ lên tới 5 lần, thậm chí có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Rung nhĩ không chỉ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu vì làm nhịp tim tăng lên đến 250 - 300 nhịp/phút (tim đập 60 - 100 nhịp/phút là bình thường), làm giảm chất lượng cuộc sống, mà còn làm tăng nguy cơ đột quỵ của người bệnh lên gấp 5 lần, thậm chí nhiều hơn. Thêm vào đó, theo BS Jose Osorio (người Mỹ), cơn đột quỵ do rung nhĩ gây ra có thể làm tăng nguy cơ tàn tật, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người bệnh.

Một nghiên cứu năm 2017 đã đưa ra thống kê cho thấy cứ 4 ca đột quỵ lại có 1 trường hợp xảy ra do rung nhĩ. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều người nhận ra mối liên hệ nguy hiểm giữa hai tình trạng này.

Người bệnh rung nhĩ nên cẩn thận với nguy cơ đột quỵ

Người bệnh rung nhĩ có thể trải qua nhiều cơn đột quỵ, bao gồm cả những cơn đột quỵ thầm lặng (không gây ra triệu chứng nhưng có thể xuất hiện khi quét não). Theo thời gian, các cơn đột quỵ do rung nhĩ có thể làm tăng nguy cơ chứng sa sút trí tuệ, tàn tật lên gấp 2 lần so với trường hợp đột quỵ ở người bình thường.

Khi bị rung nhĩ, mặc dù tim đập rất nhanh nhưng lại bơm máu không hiệu quả, điều này khiến máu bị ứ đọng trong tim và hình thành các cục máu đông. Những cục máu đông này sẽ theo máu tới các cơ quan khác trong cơ thể, đến não gây đột quỵ, đến tim gây nhồi máu cơ tim.

Bệnh rung nhĩ cũng có thể gây ra các triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Một số người bệnh rung nhĩ cho biết họ có các triệu chứng đau đớn, khó chịu, ngực như rung lên trong khi đó một số người hoàn toàn không cảm thấy có gì khác lạ. Tuy nhiên, ngay cả khi không có triệu chứng, người bệnh rung nhĩ vẫn có nguy cơ cao bị đột quỵ.

Một số triệu chứng rung nhĩ phổ biến bao gồm: Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh, trống ngực, khó thở, hay thấy lo lắng, chóng mặt, ngất xỉu…

Nếu được chẩn đoán mắc bệnh rung nhĩ, bạn nên trao đổi với bác sỹ để tìm ra cách điều trị phù hợp nhất với mình. Các biện pháp điều trị rung nhĩ thường tập trung vào mục tiêu kiểm soát nhịp tim, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, phòng ngừa đột quỵ.

Hiện một trong những phương pháp điều trị rung nhĩ mới nhất là triệt đốt rối loạn nhịp tim qua ống thông. Phương pháp này được cho là có thể giảm nguy cơ đột quỵ đáng kể cho người bệnh rung nhĩ.

Theo Vi Bùi - Tạp Chí Thực Phẩm Chức Năng Health+

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X