Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh quai bị và thuốc trị

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.

Bệnh quai bị thường xuất hiện vào mùa đông - xuân và có thể gây thành dịch. Bệnh gặp nhiều ở lứa tuổi học đường và có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Hiện nay đã có vắc-xin phòng bệnh, vì vậy các bậc cha mẹ nên chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng.

Bệnh quai bị và thuốc trịChủ động phòng ngừa bệnh quai bị bằng tiêm vắc-xin

Dấu hiệu của bệnh quai bị

Bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch do virut quai bị gây ra. Đây là bệnh lành tính, tự khỏi và tạo ra miễn dịch bền vững. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp qua các bụi nước của hơi thở từ bệnh nhân quai bị có viêm tuyến nước bọt.

Bệnh gây thành dịch, hay gặp ở trẻ từ 3 - 14 tuổi và thanh niên 18 - 20 tuổi, ít gặp ở người già và trẻ dưới 2 tuổi, tỉ lệ mắc bệnh nam nhiều hơn nữ.

Sau một thời kỳ ủ bệnh khoảng 14 - 24 ngày mà không có biểu hiện gì đặc biệt là giai đoạn toàn phát của bệnh với các triệu chứng: sốt, nhức đầu, đau mỏi toàn thân, tuyến nước bọt mang tai đau, sưng to gây biến dạng khuôn mặt, da vùng tuyến mang tai bình thường, không nóng đỏ, bệnh nhân thường bị cả hai bên mang tai, người bệnh khó nói, khó nuốt.

Sau 1 tuần, tuyến mang tai giảm đau, nhỏ dần, bệnh nhân hết sốt, các triệu chứng lui dần và hết hẳn.

Một số trường hợp bệnh nhân bị biểu hiện khác ngoài tuyến mang tai như: viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm não, viêm tụy cấp, viêm buồng trứng, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp...

Viêm tinh hoàn thường gặp ở tuổi dậy thì, đôi khi biểu hiện đơn độc mà không kèm theo viêm tuyến mang tai. Bệnh xuất hiện sau sưng tuyến mang tai 1 - 2 tuần, bệnh nhân sốt cao trở lại, tinh hoàn sưng, đau, đỏ, thường ở một bên, kéo dài 4 - 5 ngày thì bệnh nhân hết sốt nhưng sau 2 tuần mới hết sưng tinh hoàn.

Viêm tinh hoàn có thể gây biến chứng teo tinh hoàn với tỉ lệ 30 - 40%, gây ra giảm sút số lượng tinh trùng hoặc vô sinh nếu bị teo hai bên. Tổn thương thần kinh thường nghĩ đến do virut quai bị nếu nó xuất hiện sau khi sưng tuyến mang tai do quai bị với các dấu hiệu gợi ý như sốt cao, đau đầu, rối loạn ý thức, co giật. Ngoài ra, tùy từng cơ quan mà có biểu hiện khác nhau.

Thuốc chữa

Cho đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Bệnh nhân sau khi có biểu hiện bệnh cần cách ly tối thiểu 2 tuần, nằm nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế đi lại, hạn chế vận động, ăn nhẹ, ăn đồ ăn lỏng trong những ngày đầu.

Với bệnh nhân viêm tuyến nước bọt: chườm ấm chỗ đau, dùng giảm đau hạ sốt bằng paracetamol, cần thận trọng khi dùng paracetamol trên bệnh nhân bị bệnh gan và dùng liều thuốc theo bác sĩ kê đơn, súc miệng bằng nước muối.

Có thể dùng kết hợp một số bài thuốc trong dân gian từ hạt đậu xanh tán nhỏ trộn dấm hoặc từ hạt gấc mài ngâm rượu bôi lên chỗ sưng. Nếu bị viêm tinh hoàn: mặc quần lót chật để treo tinh hoàn, chườm nóng, dùng thuốc giảm đau (paracetamol hoặc ibuprofen), dùng corticoid (prednisolon, desamethason...).

Corticoid có tác dụng chống viêm và giảm đau tốt, lúc đầu dùng liều cao sau đó giảm dần liều trong 7-10 ngày, đây là một loại thuốc có nhiều tác dụng phụ trên nhiều hệ cơ quan như gây hội chứng cushing, gây viêm loét dạ dày tá tràng, có thể gây xuất huyết tiêu hóa ở bệnh nhân có bệnh lý dạ dày - tá tràng từ trước, gây loãng xương, ức chế miễn dịch...

Tuy nhiên, các tác dụng phụ này có thể được kiểm soát nếu việc dùng thuốc thận trọng, tuyệt đối tuân theo y lệnh của bác sĩ. Trong trường hợp bị viêm não, viêm màng não cần dùng corticoid, chăm sóc theo dõi sát diễn biến bệnh nhân để tránh bội nhiễm và cần loại trừ các nguyên nhân viêm não, viêm màng não do căn nguyên khác.

Bệnh nhân có biểu hiện viêm tụy thường lành tính, tuy nhiên những bệnh nhân này vẫn cần theo dõi sát tình trạng đau bụng, nôn, xét nghiệm máu để tránh bỏ sót biến chứng nặng như nang giả tụy hoặc cần phân biệt với các bệnh ngoại khoa. Với một số biểu hiện viêm khớp, viêm tuyến giáp... không cần điều trị đặc hiệu có thể dùng thuốc giảm đau, chống viêm đơn thuần (paracetamol).

Phòng bệnh

Phòng bệnh bằng các biện pháp: cách ly bệnh nhân, tạo miễn dịch, vệ sinh cá nhân và nhà cửa. Tiêm phòng vắc-xin quai bị tạo kháng thể cao, có miễn dịch bền vững ít nhất 17 năm, vắc-xin phòng bệnh quai bị thường kết hợp với phòng sởi và Rubella (trimovax, MMR).

Cần tiêm chủng cho các đối tượng sau: trẻ em theo đúng lịch tiêm chủng; tiêm chủng ngay cho trẻ trên 12 tháng tuổi, trẻ vị thành niên và người lớn nếu đã có tiếp xúc với bệnh nhân quai bị nhưng chưa từng bị quai bị và chưa từng được tiêm chủng, những đối tượng này cần tiêm trước 72 giờ sau khi tiếp xúc với bệnh nhân quai bị; người nhiễm HIV.

Không tiêm vắc-xin ở người dị ứng với nhóm kháng sinh aminoglycosid (gentamycin, amikacin…), dị ứng với trứng gà, bệnh nhân đang dùng các thuốc giảm miễn dịch, bệnh ác tính về máu và khối u, bệnh nhân đang sốt, người có biến chứng trong lần tiêm chủng trước, phụ nữ có thai. Ngoài ra, phòng bệnh thụ động bằng globulin miễn dịch cho một số đối tượng chưa được tiêm vắc-xin.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, không dùng chung dụng cụ ăn uống, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, lau rửa đồ chơi của trẻ, rửa tay bằng xà phòng nhiều lần, che miệng khi ho, hắt hơi sau đó rửa tay ngay.

Theo BS Đào Thị Huế - Sức khỏe và đời sống

Có thể bạn quan tâm

091442****

Ngất xỉu, nằm ngủ cảm thấy rung lắc mà sao chụp CT sọ não không ra bệnh?

Nguyên nhân thường gặp gây ra ngất, rung lắc là cơn động kinh. CTscan sọ não bình thường không đủ để loại trừ động kinh.

Xem toàn bộ

097162****

Đau hai bên hông, nước tiểu pH=8 có phải là bệnh thận?

Để kiểm tra xem thận có vấn đề gì hay không, cần xét nghiệm nước tiểu và siêu âm bụng tổng quát, xét nghiệm máu kiểm tra chức năng thận…

Xem toàn bộ

096833****

Bị ngã mất trí nhớ tạm thời, 5 tháng sau chóng mặt mắc ói, có phải do nứt sọ?

Chấn thương đầu mạnh có nứt sọ não và mất trí nhớ tạm thời sau đó gợi ý nhiều khả năng em có bị xuất huyết sọ não kèm theo…

Xem toàn bộ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X