Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Nguy cơ từ bếp than tổ ong

Bếp than tổ ong được dùng rất phổ biến trong nhiều gia đình ở Hà Nội với mục đích tiết kiệm và cả sự tiện lợi của nó (đặc biệt ở các khu tập thể cũ).

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng bếp than tổ ong chính là một “lò phát sinh độc tố”, có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Vô tư dùng “lò phát sinh chất độc”

Bếp than tổ ong được sử dụng phổ biến trong các khu nhà tập thể do có sân rộng, trên cả phố lớn do có vỉa hè dài… Với khoảng 100-150 ngàn, người dân đã có thể mua được một chiếc bếp và mỗi tháng không tốn quá vài chục ngàn cho tiền than mà có thể đun nấu thoải mái cả ngày lẫn đêm.

Những ưu điểm vượt trội đó đã khiến bếp than tổ ong chiếm được “cảm tình” của nhiều người. Bếp than tổ ong thậm chí còn theo chân nhiều người bán hàng rong để nấu thức ăn cho nóng sốt, bán ngay cho thực khách trên vỉa hè.

Tuy nhiên, bếp than tổ ong rất độc hại. Hiện nay, hầu hết người dân sử dụng bếp than tổ ong đều dùng bếp bông (làm bằng bông chịu nhiệt). Nhìn bề ngoài, loại bếp bông cũng giống như các loại bếp than tổ ong khác nhưng lớp giữa của thân bếp được chèn bằng bông (bông thủy tinh ceramic, hay bông amiăng), lớp trong cùng là vữa thông thường.

Theo PGS Trịnh Văn Hùng, chuyên gia về công nghệ hóa học thì khi bông aimăng bị đốt cháy, lúc đó, các hạt bụi hình que cắm sâu vào niêm mạc cơ quan hô hấp gây nên một loạt bệnh về hô hấp, tiêu hóa như: viêm phế quản mạn tính, làm hạn chế không khí do hẹp đường thở, xơ hóa ống tiểu phế quản, ung thư đường hô hấp, ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, …

phổi, mạn tính, tắc nghẽn, bếp than

Ngoài việc bếp đun độc hại thì than tổ ong cũng gây ra nhiều độc tố nguy hiểm. Theo PGS Hùng, khi đốt, than cháy sinh ra nhiệt lượng, đồng thời thải một số hợp chất độc hại ra môi trường (gồm ôxít cácbon (CO) rất độc, oxit lưu huỳnh có thể gây bệnh phổi, hen suyễn…

Nguy cơ gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Theo ông Đinh Ngọc Sỹ, nguyên giám đốc bệnh viện phổi Trung ương thì bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những người gánh hậu quả rõ nhất của không khí thiếu trong lành mà trong đó, việc đun nấu bằng than tổ ong ngay tại các gia đình, các khu dân cư là một trong những yếu tố gây bệnh do môi trường, không khí ô nhiễm.

“Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tình là những người sống và làm việc ở môi trường ô nhiễm. Bệnh nhân nam là người hút thuốc lá, làm công nhân nhà máy xi măng, nhựa đường, nhà máy nghiền đá… Bệnh nhân nữ, thường là làm công nhân những nhà máy nói trên, là người bán hoa quả ngoài đường, thợ may, người nội trợ hay đun than tổ ong”, ông Sỹ cho hay.

Theo thống kê, khoảng 7 năm trước đây, 70% bệnh nhân của Bệnh viện Phổi Trung ương là các trường hợp lao nhưng hiện nay phần lớn bệnh nhân là người mắc các bệnh khác như viêm phổi, phế quản, nấm phổi, hen, dị ứng do khói bụi… Số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tăng tới 10 - 20 lần so với 10 năm trước.

BS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai - Phó Trưởng ban quản lý dự án chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cho biết có khoảng 30% bệnh nhân đến khoa Hô hấp của bệnh viện này là người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Các chuyên gia y tế cho rằng những con số trên thể hiện thực tế điều kiến sống không đảm bảo, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Lời khuyên dành cho người dân là cần bỏ thói quen đun nấu than tổ ong độc hại và thực hiện các biện pháp làm sạch môi trường sống, bảo vệ cơ quan hô hấp khỏi các yếu tố nguy cơ để tránh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản

Là chương trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế giai đoạn 2012-2015 do Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2012.

Chương trình này đặt mục tiêu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại các tuyến y tế. Đến năm 2015, phấn đấu đào tạo được 70% số bác sĩ tham gia khám, chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản ở các tỉnh tham gia dự án;

Ngoài ra, chương trình xây dựng, triển khai và duy trì bền vững mô hình quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại các tuyến y tế. Đến năm 2015, phấn đấu xây dựng được Phòng quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản ở 70% số tỉnh tham gia;

Chương trình cũng phấn đấu 50% số bệnh nhân ở các tỉnh tham gia dự án, có chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản được kê đơn đúng theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế.
AloBacsi.vn
Theo Yến Ngọc - VietNamNet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X