Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh phổi đen ở công nhân than

Bệnh bụi phổi–than là một bệnh trong nhóm bệnh bụi phổi nghề nghiệp do tiếp xúc với bụi khoáng.

Bệnh của những công nhân ngành khai thác than - Ảnh minh họa
 
Bệnh bụi phổi–than được biết đến từ những năm 1831 trong công nhân khai thác than với tên gọi  “bệnh phổi đen ở công nhân than”. Ở nhiều nước, bệnh bụi phổi-than đã được ghi nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù.

Bệnh bụi phổi-than (Anthracosis) là do người lao động khai thác than (khai thác hầm lò, khai thác mỏ lộ thiên hay nơi sàng, tuyển, chế biến than) hít phải bụi than trong thời gian dài có những biểu hiện triệu chứng về hô hấp như ho; tức ngực; khạc đờm nhiều, thường là sau khi làm việc hoặc lúc nửa đêm, thậm chí cả khi đã nghỉ việc 3-4 ngày. 

Đờm thường có màu đen và lỏng; khó thở, bắt đầu là khó thở khi gắng sức tiếp theo đến giai đoạn muộn của bệnh thì có khó thở thường xuyên và liên tục; Rối loạn thông khí phổi với hội chứng tắc nghẽn là chủ yếu và hội chứng hỗn hợp. Ngoài ra người bị bệnh bụi phổi –than còn có nguy cơ bị tràn khí màng phổi, xơ hoá phổi và viêm phế quản mạn tính.

Hình ảnh trên phim X-quang phổi của bệnh bụi phổi-than là những nốt mờ tròn đều có kích thước lớn hơn 1mm thường tập trung ở phần trên và giữa phổi, có thể gặp hình ảnh các đám mờ lớn và hình ảnh khí phế thũng thường ở đáy phổi hay xung quanh đám mờ lớn.

Thành phần trong dịch rửa phổi chủ yếu là đại thực bào, có nhiều đại thực bào ăn bụi, các tế bào lympho và tìm thấy tinh thể than khi xét nghiệm đờm.

Ở Việt Nam, ngành khai thác than đang là một trong những ngành đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước với khoảng 90.000 lao động, trong đó có hơn 40.000 lao động trực tiếp. Tính đến năm 2007 có 554 công nhân được chẩn đoán và giám định mắc bệnh bụi phổi-silic.

Từ lâu nay ở nước ta, việc chẩn đoán bệnh bụi phổi cho công nhân khai thác than hoàn toàn là chẩn đoán bệnh bụi phổi-silic với tiêu chuẩn chẩn đoán là phải làm việc trong môi trường lao động có hàm lượng bụi silic trong bụi toàn phần là trên 5%. Như vậy là một số lượng lớn công nhân tiếp xúc trực tiếp với bụi than có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi-than (hàm lượng bụi silic dưới 5%) sẽ không được chẩn đoán bệnh và sẽ không được đền bù do tác hại của bụi than.

Xuất phát từ các lý do trên, việc nghiên cứu và bổ sung bệnh bụi phổi – than là hết sức cần thiết góp phần cho công tác bảo đảm sức khỏe cũng như bảo đảm quyền lợi cho người lao động khai thác than.

 
AloBacsi.vn
Theo ThS. Nguyễn Đình Trung, TS. Nguyễn Thị Toán  - Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X