Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân Việt Nam đầu tiên được đặt máy tạo nhịp tim không dây

Nữ bệnh nhân ngất liên tục do bệnh tim và suy thận, được bác sĩ BV Chợ Rẫy đặt máy tạo nhịp không dây.

BS Nguyễn Tri Thức, Trưởng Khoa Điều trị Rối loạn nhịp, BV Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân 46 tuổi quê Đồng Tháp nhập viện đầu tháng 4 trong tình trạng ngất liên tục, nhịp tim rất chậm. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân block nhĩ thất độ 3 gây rung thất, xoắn đỉnh. Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, đang lọc thận định kỳ.

Bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp tạm thời. Do bệnh nhân chạy lọc thận lâu ngày làm hẹp đường vào tĩnh mạch nên bác sĩ rất khó tiếp cận để đưa dây điện cực tạo nhịp. Phải rất cố gắng và kiên trì, kíp thủ thuật mới đặt máy thành công.

Theo BS Thức, về lâu dài bệnh nhân cần đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Xác định không thể đưa dây tạo nhịp vào tim phải theo đường thông thường, Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn từ xa với PGS Sirin Apiyasawat, BV Ramathibodi Thái Lan, Hội Rối loạn nhịp Châu Á Thái Bình Dương.

Các bác sĩ thống nhất phương pháp đặt máy tạo nhịp tim không dây, tuy nhiên chi phí lên đến 390 triệu đồng, bệnh nhân không đủ khả năng. Khoa đã vận động kinh phí từ các nhà hảo tâm, phẫu thuật miễn phí ca đầu tiên với sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật của phó giáo sư Sirin.

Các bác sĩ Khoa Điều trị rối loạn nhịp BV Chợ Rẫy đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân với sự hỗ trợ của PGS Sirin (người đầu tiên bên trái). Ảnh bác sĩ cung cấp.

Sau khi cấy máy, bệnh nhân hồi phục tốt cùng các thông số kiểm tra an toàn và vừa xuất viện. Đây là loại máy có kích thước rất nhỏ nằm toàn bộ trong buồng thất phải, đưa vào bằng ống thông từ tĩnh mạch đùi để tránh đường đi thông thường do bệnh nhân đã bị biến dạng mạch máu. Máy cho phép tạo nhịp tim bệnh nhân trong 8-10 năm. Thời gian dự trù pin của máy khoảng 12 năm. 

Loại máy này được Cục Quản lý Dược phẩm Thực phẩm Mỹ cho phép sử dụng vào năm 2017 và là lần đầu tiên đặt cho bệnh nhân Việt Nam. Đây là biện pháp tiên tiến điều trị rối loạn nhịp tim chậm cho bệnh nhân không thể tiếp cận tim thông qua tĩnh mạch chủ trên, tính thẩm mỹ cao vì không để lại vết sẹo mổ. 

Theo Lê Phương - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X