Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân suýt hoại tử chân vì bóc tách động mạch chủ

Anh N.K.S (44 tuổi - ngụ TPHCM) đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) với những triệu chứng đau tức ngực, huyết áp cao đạt 180/90 mmHg. Đặc biệt là chân trái của người bệnh có dấu hiệu tím tái, lạnh, tê bì mất cảm giác khi tiếp xúc, không bắt được mạch và đau nhiều khi cử động.

Sau khi thực hiện chụp CT cho anh S., các bác sĩ xác định anh bị bóc tách động mạch chủ ngực tuýp B. Đoạn bóc tách kéo dài từ động mạch chủ ngực xuống đến động mạch chủ bụng và động mạch chậu, gây chèn ép lên động mạch chậu chung bên trái, từ đó dẫn đến đau tê chân trái và đau ngực.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch BV ĐHYD, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch cho biếtvề bệnh lý này: “Động mạch chủ là mạch máu chính dẫn máu đi nuôi cơ thể. Các mạch máu nuôi nội tạng quan trọng đều xuất phát trực tiếp từ động mạch chủ.

Cấu trúc của động mạch chủ gồm 3 lớp: Lớp trong, lớp giữa và lớp ngoài. Vì một số nguyên nhân, chủ yếu là do tăng huyết áp đột ngột, mà lớp trong của động mạch chủ bị rách, dẫn đến máu tràn vào và tách lớp giữa với lớp ngoài ra khỏi lớp trong (gọi là bóc tách động mạch chủ).

Thông thường, hiện tượng bóc tách thường xuất phát từ động mạch chủ ngực và lan xuống động mạch chủ bụng, động mạch chậu hai bên. Bệnh lý này là một bệnh lý nguy hiểm vì thường khởi phát đột ngột, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh như: chèn ép gây thiếu máu chi dẫn đến liệt chi, thiếu máu não, nhồi máu cơ tim cấp, thiếu máu thận gây suy thận.... và nặng nhất là có thể dẫn đến tử vong".

Bóc tách động mạch chủ ngực Type A và Type B

Về trường hợp của anh S., bệnh lý bóc tách động mạch chủ gây chèn ép động mạch chậu chung bên trái, dẫn đến lượng máu nuôi chân trái bị giảm, khiến chân trái của người bệnh bị tê và tím. Nếu để lâu hơn, chân trái của anh S. có nguy cơ bị hoại tử và phải cắt bỏ.

Lỗ vào của bóc tách nằm ở phần ngực của động mạch chủ. Bóc tách lan dọc cây động mạch chủ xuống phần động mạch chủ bụng và động mạch chậu. Tại động mạch chủ bụng, phần lòng thật bị hẹp rất nặng, gần như tắc, khiến dòng máu đi xuống nuôi chân trái giảm nặng, đe dọa hoại tử.

Thông thường, để điều trị bóc tách động mạch chủ ngực xuống, các bác sĩ sẽ luồn một dụng cụ mang giá đỡ nội mạch thông qua động mạch ở đùi, đi ngược lên động mạch chậu, qua động mạch chủ bụng, lên động mạch chủ ngực, bung ra tại phần lòng mạch bị rách, bung giá đỡ ra để che lấp lỗ vào. Trường hợp của bệnh nhân, phần lòng thật của động mạch chủ bụng bị hẹp nặng này khiến việc đặt giá đỡ nội mạch có phủ gặp khó khăn, vì khi dụng cụ đi qua chỗ hẹp nặng có thể gây tổn thương lòng mạch vốn đã yếu do bị tách ra, có thể gây ra biến chứng nguy hiểm.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tim mạch BV ĐHYD đã quyết định phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ bụng dưới thận bằng ống ghép nhân tạo trước, sau đó sẽ tiến hành can thiệp đặt giá đỡ nội mạch có phủ để lấp lỗ vào tại động mạch chủ ngực lên. Việc phẫu thuật thay động mạch chủ bụng dưới thận bị hẹp do bóc tách bằng ống ghép nhân tạo trước sẽ giúp làm tăng lượng máu tưới cho chân, cứu bệnh nhân khỏi nguy hiểm trước mắt, đồng thời tạo thuận lợi cho việc can thiệp đặt giá đỡ nội mạch có phủ, điều trị triệt để cho bệnh nhân.

Sau 4 tiếng phẫu thuật căng thẳng, ca phẫu thuật thay động mạch chủ bụng bằng ống ghép đã thành công, bệnh nhân được theo dõi tại phòng hồi sức 2 ngày. 2 tuần sau đó, khi sức khỏe của bệnh nhân phục hồi, đồng thời cũng là thời gian để lớp áo trong của động mạch trở nên cứng cáp hơn, các bác sĩ tiến hành can thiệp đặt giá đỡ nội mạch có phủ cho bệnh nhân theo như chiến lược đã đề ra. Vết mổ là một đường rạch nhỏ ở bẹn. Bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ, và phục hồi rất nhanh. Quá trình can thiệp tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi trước đó các bác sĩ phải đo đạc và tính toán rất tỉ mỉ, các thao tác lúc bung giá đỡ cũng cần phải chính xác đến từng khoảng cách nhỏ để đặt giá đỡ vào đúng vị trí trên một động mạch đang đập và luôn có dòng máu chảy.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định giải thích thêm “Việc điều trị cho người bệnh phải chia ra hai đợt, vì nếu thực hiện trong 1 lần, thời gian phẫu thuật có thể kéo dài tới 10 giờ. Như vậy sẽ gây áp lực nặng nề lên sức khỏe người bệnh và ẩn chứa nhiều nguy cơ. Ngoài ra, với phương pháp đặt Stent Graft thì người bệnh không cần trải qua đại phẫu thuật và phù hợp với tình trạng sức khỏe còn yếu của anh S.”

Bệnh động mạch chủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, ở người trưởng thành, nếu có những nguy cơ sau, bạn có thể dễ bị bệnh động mạch chủ hơn những người khác:

- Rối loạn chuyển hóa mỡ (mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ)
- Đái tháo đường (tiểu đường)
- Tăng huyết áp (tăng xông, cao máu)
- Thừa cân, béo phì
- Hút thuốc lá
- Lười vận động

Để giảm bớt nguy cơ thì các bạn cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, thường xuyên vận động tập thể dục, tránh hút thuốc. Ngoài ra, bạn nên cảnh giác khi đột ngột bị đau ngực. Nên tìm đến ngay các trung tâm y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Nguồn: Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X