Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân hôn mê sâu có nên chuyển viện không, AloBacsi?

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn lo âu, bệnh nhân hôn mê sâu có nên chuyển viện, tái cận sau mổ Lasik, chích ngừa sau khi đạp đinh, lồi mắt do basedow... là nội dung tư vấn của BS Tố Uyên.



Nội dung tư vấn của BS Tố Uyên với bạn đọc AloBacsi:

Thành Châu - hienthien…@gmail.com

Thưa BS,

Cách đây 5 ngày ba em bị đột quỵ, hiện đang hôn mê sâu, tình trạng sức khỏe yếu phải thở bằng máy, giờ đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực BV Bà Rịa.

Nay em nhờ chương trình cũng như BS tư vấn cho em có nên đưa ba em chuyển lên bệnh viện tuyến trên không ạ? Em xin cám ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Tình trạng đột quỵ nếu có đi kèm hôn mê sâu thường vùng tổn thương rộng, tiên lượng rất xấu. Nếu đột quỵ đã 5 ngày thì không thể trong chờ vào các biện pháp điều trị tiêu sợi huyết hoặc can thiệp kỹ thuật cao vì đã qua thời gian vàng.

Thực tế, khi chuyển viện bệnh nhân trong tình trạng quá nặng cũng dễ đưa vào tình huống nguy hiểm. Việc thăm nuôi của gia đình cũng trở nên khó khăn hơn do xa nhà, khó khăn khi đi lại, tăng chi phí điều trị…

Ở bệnh nhân đột quỵ nặng phải thở máy còn có rất nhiều vấn đề khác đi kèm, tôi không trực tiếp thăm khám, không có thông tin cụ thể về các xét nghiệm và tình trạng hiện tại nên rất khó có thể đưa ra cho bạn hướng giải quyết phù hợp nhất.

Tốt nhất bạn nên tham vấn thêm ý kiến của bác sĩ điều trị xem tình trạng hiện tại của ba bạn có thể làm thêm được gì hay không (phẫu thuật giải áp, điều trị hỗ trợ các bệnh đi kèm nặng khác…), tình trạng hiện tại có đủ an toàn để chuyển lên tuyến trên hay không, bạn nhé!


Phú Hưng - phhuhung…@gmail.com

Chào BS,

Em bị gãy xương đòn (phần gần với khớp vai bị gãy tách đôi đầu xương đòn), mới phẫu thuật được 35 ngày.

Hiện tại em vẫn chưa nâng tay lên được, chỉ khoảng 70 độ thôi, khi cố dùng sức của cánh tay phía bị gãy đến mức 70 độ thì bắt đầu nghe đau không thể giơ lên tiếp, thi thoảng ngồi lâu thì vị trí phẫu thuật bị đau phải nằm ra mới đỡ dần, như vậy có bị gì không ạ? Em cảm ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Phú Hưng thân mến,

Mặc dù tỉ lệ gãy xương đòn cao nhất trong các loại chấn thương xương nhưng cũng rất dễ lành. Do xương gãy, cùng với thời gian bất động kéo dài, việc em cảm thấy đau khi vận động mạnh cũng không có gì là lạ.

Nếu xương chưa lành hẳn, em cũng không nên giơ tay quá cao trên 70 độ hay mang vác nặng vì có thể gây di lệch nhiều, ảnh hưởng tới lành xương.

Trong vòng 4 tuần đầu tiên thường chỉ khuyến cáo tập co cơ, dạng nhẹ vùng vai. Sau đó sẽ tăng dần cường độ vận động tuỳ mức độ liền xương và khả năng của từng người.

Gãy xương đòn có thể cần từ 3-6 tháng tập vật lý trị liệu tích cực mới có thể hồi phục lại sinh hoạt bình thường, em nhé!


Thanh Thủy - thuydang…@gmail.com

Chào BS ạ,

Tôi là giáo viên, mổ cận Lasik từ năm 2013. Giờ kiểm tra lại bị tái cận 1.25. Tôi có cần phải đeo kính thường xuyên không thưa BS?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Nếu cận từ 1-2 độ, không ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt hàng ngày thì chỉ cần dùng kính khi nhìn xa hoặc khi làm việc.

Trong trường hợp mắt phải làm việc nhiều, khoảng 30 phút - 1 giờ, bạn nên cho mắt nghỉ ngơi, tháo kính thư giãn, nhìn vào những vật ở xa.

Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối đặc biệt là các vitamin A, C, E, khoáng chất kẽm, selen, đồng... có thể giúp hạn chế tăng độ cận cùng với những thoái hóa do cận thị. Các yếu tố dinh dưỡng trên có nhiều trong các loại rau xanh đậm, hoa quả màu đỏ, hải sản… Thân mến.


Cam Tu - camtu…@gmail.com

BS cho em hỏi,

1 tháng trước em có đi chụp hình phổi, kết quả là có 1 nốt nhỏ ở hạ đòn phổi trái. Như vậy có sao không ạ? 1 tháng sau em đi chụp lại được không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Nốt ở phổi có thể là do lao phổi, xơ sẹo phổi cũ, khối u lành hoặc u ác tính. Tuỳ vào kích thước nốt, biểu hiện lâm sàng, tuổi và các yếu tố nguy cơ gây ung thư của riêng từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm xét nghiệm như chụp CT ngực, thử đàm tìm lao, hoặc sinh thiết nốt này để loại trừ nguyên nhân ác tính.

Trường hợp của bạn nên mang phim phổi cũ đến bệnh viện chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị sớm. Thân mến.


Nguyễn Thị Phương - thunguyen…@gmail.com

Cháu chào BS,

Vừa rồi cháu bị đạp đinh, nhưng vết thương nhẹ, cháu có lên Viện Pasteur để chích ngừa, BS cho cháu chích ngừa vắcxin VAT, không tiêm huyết thanh.

Cháu có hỏi thì BS nói vết thương nhỏ, không cần chích, nhưng cháu thấy không hài lòng câu trả lời đó, vì cháu tìm hiểu trên mạng thì vacxin VAT sau 15 ngày mới có tác dụng, còn huyết thanh có tác dụng liền nhưng hơn 10 ngày hết tác dụng, vì vậy cần chích 2 loại cùng lúc.

Cho cháu hỏi, vậy cháu chỉ được tiêm vắcxin VAT không thì cháu có được an toàn không ạ? Cháu có cần phải đi tiêm thêm huyết thanh không ạ? Cháu rất lo lắng. Xin BS tư vấn cháu với ạ, cháu cảm ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Vi trùng uốn ván được tìm thấy trong nước, đất, bụi, không khí, phân súc vật và người. Không cần vật dụng gây chảy máu bị gỉ sét, vi trùng uốn ván vẫn có thể thâm nhập vào cơ thể qua vết thương ngoài da. Hầu hết là vết thương nhỏ dễ bị bỏ qua như vết đạp đinh, xóc dầm, viêm móng, vết rách da do tai nạn lao động...

Sau khi vào cơ thể, vi trùng tiết ra độc tố tác động vào hệ thần kinh với các biểu hiện như đột ngột mỏi hàm, nói khó, cứng cổ, nặng hơn là cứng cơ toàn thân, co giật, suy hô hấp, suy tuần hoàn, rối loạn thần kinh thực vật dẫn đến tử vong.

Do đó khi có vết thương hở, bạn cần phải sát khuẩn và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tiêm ngừa càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24 giờ.

Đối với người lần đầu tiêm ngừa, BS sẽ cho chích 2 mũi 1 lúc: SAT chích trong vòng 24 tiếng kể từ khi bị trầy xước và VAT (vác xin uốn ván).

Trường hợp của bạn BS không rõ lý do gì không được chỉ định tiêm SAT, đối với các vết thương có nguy cơ nhưng tiêm muộn thì vẫn có chỉ định dùng SAT với liều cao hơn liều thông thường.

Do đó bạn nên tới bệnh viện lớn khác có khoa cấp cứu để BS đánh giá trực tiếp vết thương và xem xét tiêm SAT, bạn nhé! Thân mến.


Đức Phong - nguyenduc…@gmail.com

Tôi có 2 câu hỏi nhờ BS tư vấn:

Mẹ tôi năm nay 74 tuổi, tối ngủ là có đờm chảy ngược lên cổ họng, khó ngủ, phải khạc đờm cả đêm, có đi khám bệnh ở BV Thủ Đức (chụp film phổi, làm xét nghiệm nhưng nói không sao, bị viêm xoang), đang uống Thông Xoang Tán ACP đã hơn 1 tháng nhưng tình trạng không giảm. Xin hỏi mẹ tôi nên đi khám chuyên khoa gì và ở đâu?

Tôi bị đau lưng, sáng ngủ dậy người mệt mỏi, đau nhức, đau lưng không dậy nổi, phải nằm khởi động và tập vài động tác trên giường mới dậy được. Ngồi xổm 1 thời gian là chân tê không đứng dậy được (đã đi khám, chụp film lưng, nhưng BS nói không sao, hiện giờ tình trạng nặng hơn).

Tôi định đi chụp MRI cột sống và làm xét nghiệm khác nhưng không biết có đúng không? Kính mong BS đọc và tư vấn dùm tôi.

Xin chân thành cảm ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Xoang là các khoang rỗng nằm trong khối xương mặt thông với hốc mũi và được lót bởi một lớp niêm mạc có chức năng làm nhẹ đầu, sưởi ấm và lọc sạch không khí trước khi đưa vào phổi.

Thời tiết ở Việt Nam thường thay đổi đột ngột, nóng - lạnh thất thường… nên việc người dân thường xuyên phải tiếp xúc với không khí quá lạnh, quá khô hoặc bị ô nhiễm… là điều khó tránh khỏi. Chính sự tiếp xúc với các yếu tố bất lợi này khiến lớp niêm mạc xoang rất dễ bị sưng phù, tăng tiết dịch, ứ đọng dịch nhầy gây tắc lỗ thông xoang và viêm nhiễm.

Viêm xoang mạn là bệnh lý rất phổ biến, biểu hiện bởi một số triệu chứng như: đau đầu vùng trán, chảy mũi, nghẹt mũi, tăng tiết đàm ở mũi… Bạn có thể đưa mẹ tới bệnh viện chuyên khoa Tai Mũi Họng để được thăm khám, kê toa điều trị và hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ mũi xoang.

Về bệnh lý của riêng bạn, nếu triệu chứng mệt mỏi, đau nhức tăng hơn vào buổi sáng, bạn cần phải xem lại chất lượng giấc ngủ của mình, xem khi ngủ có ngáy nhiều hay không, ngủ có ngon giấc, nệm ngủ hoặc gối kê đầu có phù hợp hay chưa…

Những dấu hiệu bạn mô tả thường gợi ý tình trạng đau mỏi cơ do tư thế xấu trong khi ngủ, bạn có thể thay đổi loại nệm đang dùng, không nên nằm nệm quá cũ, không còn độ căng, không tốt cho cột sống.

Về động tác ngồi xổm thì đây là động tác gây ra sự lưu thông máu kém, rất dễ dẫn đến ứ trệmáu tĩnh mạch chi dưới dẫn đến tê chân. Tê chân chỉ xảy ra khi ngồi xổm lâu không phải bệnh lý.

Tóm lại, những dấu hiệu mà bạn mô tả chưa đến mức nghiêm trọng phải chụp MRI cột sống hay làm thêm xét nghiệm gì để chẩn đoán. Bạn chỉ cần chú ý hơn tư thế trong lúc ngủ, hạn chế ngồi lâu hay đứng lâu và tăng cường tập các bài thể dục giúp xương khớp dẻo dai thì tình trạng có thể cải thiện. Thân mến.

N. H. N. - doithay…@gmail.com

Chào BS,

Tôi không may bị tai nạn vào ngày cuối cùng của năm. Tôi bị gãy kín hai mắt cá và xương đòn trái. BS đã chỉ định phẫu thuật chân và đeo đai số 8. Sau khi phẫu thuật về được 5 ngày thì mọi chuyện ổn không có gì bất thường.

Nhưng đến ngày thứ 8 trong lúc ngủ tôi đã bị mộng tinh và xuất tinh. Sau đó vết thương ở chân đau dần lên và rất nhức chỗ gãy.

Thưa BS với tình trạng như vậy tôi có phải bị cưa chân không? Tôi phải làm gì ngay bây giờ? Rất mong BS giải đáp cho tôi. Tôi cám ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Đau nhức sau mổ nắn, kết hợp xương là vấn đề các bệnh nhân thường phải đối mặt trong thời gian đầu sau mổ và kéo dài 3-4 tuần. Mức độ đau và thời gian đau nhức còn tùy thuộc nhiều yếu tố: xương gãy nhiều hay ít, kỹ thuật mổ có bóc tách tàn phá mô mềm nhiều hay không, tay nghề phẫu thuật viên, máu tụ sau mổ nhiều hay ít, có biến chứng hoặc viêm nhiễm hay không, cuối cùng là khả năng chịu đau của mỗi người...

Sau mổ, nguyên nhân nguy hiểm nhất gây đau nhức là biến chứng viêm, nhiễm trùng vết mổ hoặc xương gãy.

Ngoài ra, còn có thêm nguyên nhân đau nhức do rối loạn dinh dưỡng, lưu thông máu của chi mổ.

Do đó nếu vẫn đau nhức nhiều, bạn nên tái khám để bác sĩ phát hiện sớm biến chứng và điều trị.

Hiện nay kỹ thuật điều trị các gãy xương rất tiến bộ, rất ít trường hợp phải dẫn tới cưa bỏ chân nên bạn không cần lo lắng quá, bạn nhé!


H. T. Nga - ngal…@gmail.com

Con chào BS,

Hiện tại con đang bị suy giáp sau phẫu thuật cắt giảm bán phần 2 thùy tuyến giáp, hằng ngày liều dùng 50 mcg hocmon levothyroxine.

Trước đây con bị cường giáp basedow và điều trị nội khoa gần 3 năm, có các triệu chứng điển hình của cường giáp như lồi mắt (mức độ vừa), tim đập mạnh, hay vã mồ hôi.

Sau khi mổ trong khoảng 2 tháng thì con ăn được ngủ được, mắt trở về trạng thái bình thường, nhìn rõ hơn, không bị hồi hộp nữa.

Sau đó 2 tháng thì con bị suy giáp và đi khám tại BV Chợ Rẫy, uống liều 50 như đã nói, các triệu chứng của suy giáp cải thiện dần nhưng mắt con hiện bị lồi và bị nhức sưng đỏ, lúc di chuyển mắt cảm giác chướng rất khó chịu.

Con đã thảo luận với BS nội tiết về vấn đề này nhưng BS không cho con lời giải thích thỏa đáng mà chỉ bảo sưng mắt thì ngưng thuốc 3 tháng sau tái khám, con nói BS có cách nào khác không vì thời gian đầu bị suy giáp con rất mệt, khó ngủ, khó thở về đêm và chán ăn, trầm cảm, phải mất gần 4 tháng sau con mới ổn định trở lại, nên con vẫn mua thuốc ở ngoài và uống theo liều cũ, con thử ngưng thuốc trong 3 ngày nhưng không chịu được vì tim đập rất nhẹ và đau ngang ngực nên con uống trở lại.

Hiện tại mắt con bị nhức, như vậy thì phải khám khoa nào hay cách nào thưa BS? Con uống thuốc nên mắt nhức lắm ạ, khi ngưng thì cảm giác nhức ở hốc mắt không còn nhưng đều nhìn mờ, khó nhìn rõ.

Mong BS tư vấn giùm con nên làm sao ạ, chứng này của con bắt buộc phải theo nội tiết hay đi khám riêng khoa Mắt ạ? Khi xét nghiệm các chỉ số hocmon thì tương đối trong giới hạn bình thường ạ, con cảm ơn BS.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Bệnh lý mắt do Basedow đặc biệt lồi mắt là một biểu hiện đặc trưng của bệnh. Tuy chỉ có khoảng 50% bệnh nhân Basedow có biểu hiện bệnh lý mắt trên lâm sàng, song vấn đề điều trị bệnh lý mắt do Basedow là một trong những lĩnh vực còn nhiều tranh luận.

60% các trường hợp bệnh nhân trở về bình giáp thì tình trạng mắt sẽ cải thiện. Theo các khuyến cáo, việc điều trị nên kết hợp giữa chuyên khoa nội tiết và chuyên khoa mắt.

Đối với tình trạng mắt hiện tại, em nên khám chuyên khoa mắt, bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc kháng viêm để hạn chế lồi mắt.

Em cũng nên chú ý đeo kính để tránh gió bụi, nhỏ thuốc chống khô mắt và viêm kết mạc (bác sĩ mắt sẽ kê toa), nằm đầu cao để giảm phù ở mắt, tránh hút thuốc lá. Nếu không đáp ứng với thuốc sẽ xem xét phẫu thuật hoặc chiếu xạ hốc mắt.

Về vấn đề suy giáp sau phẫu thuật, em nên tái khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết thường xuyên để điều chỉnh liều levothyrox phù hợp, quá liều hay sử dụng khôgn đủ đều có thể gây ra triệu chứng khó chịu, thậm chí là nguy hiểm. Em nên dùng thuốc vào buổi sáng trước khi ăn để đảm bảo hấp thu thuốc tốt nhất, em nhé!


Hồng Sơn - johnm…@gmail.com

Cháu chào BS,

Hiện tại cháu bị cận 5 độ và có dấu hiệu nhìn mờ, dễ chảy nước mắt. Cháu đi đo lại kính thì họ nói độ cận cùa cháu tăng không đáng kể mà do mắt cháu điều tiết kém nên nhìn mờ.

Sau đó cháu có mua thuốc Syseye để tra mắt, sau 2-3 ngày thì mắt cháu bị mỏi, mờ hơn nên cháu đã ngừng sử dụng thuốc do sợ tác dụng phụ của thuốc. Xin BS tư vấn giúp cháu nên làm gì để cải thiện bệnh ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Nếu sử dụng Syseye mà tình trạng nhìn mờ tăng nặng hơn, em nên ngưng thuốc và đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay. Kỹ thuật viên đo mắt không phải là bác sĩ, không có đủ chuyên môn để chẩn đoán và kê toa. Việc lạm dụng các loại thuốc nhỏ mắt không đúng chỉ định có thể gây hại nhiều hơn cho mắt.

Dấu hiệu nhìn mờ, dễ chảy nước mắt trước đó mà em gặp phải có thể biểu hiện của bệnh lý về mắt như nhiễm trùng (viêm kết mạc, giác mạc), dị ứng, khô mắt, tăng nhãn áp… Khám bác sĩ mắt sẽ giúp chẩn đoán ra bệnh, đồng thời kê toa thuốc phù hợp để giải quyết sớm nguyên nhân trong trường hợp của em.


Gia Huy - tranngoc…@gmail.com

BS ơi cho cháu hỏi,

Người cháu bị nổi dị ứng đỏ đỏ, nổi từ ngực xuống tới đùi nhưng mà lúc nổi lúc không. Cháu đi khám thì BS chỉ ghi là dị ứng chưa xác định ạ. Cháu có bị phát ban khoảng 3 tuần trước ạ, sốt 1 đêm, cháu uống thuốc thì sáng hôm sau là hết à.

Dái tai của cháu có nổi mục tròn tròn bên trong, cảm nhận được ạ. Mới đầu nó to hơn hột tiêu, bây giờ nó nhỏ bớt rồi à. Vậy cháu bị gì nguy hiểm không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Gia Huy thân mến,

Khi cơ thể tiếp xúc với dị ứng nguyên, có thể xem như một vật lạ không thể tiếp nhận, sẽ sinh ra phản ứng dị ứng. Biểu hiện thường gặp là hiện tượng ngứa, đỏ da, sẩn hồng ban. Mề đay dị ứng sẽ tự khỏi khi không còn tiếp xúc với yếu tố gây dị ứng nữa. Các yếu tố đó có thể do thức ăn, nước sinh hoạt, thời tiết, quần áo, phấn hoa, mỹ phẩm… Nếu xác định được và tránh xa dị ứng nguyên thì bệnh sẽ khỏi.

Nốt ở dái tai của em có thể là nhọt da, thường là một nốt nhiễm trùng do vi khuẩn tụ cầu gây ra. Nhọt có thể tự khỏi nhưng đôi khi gây nhiễm trùng lan rộng dẫn đến nguy hiểm. Do đó khi tái khám bác sĩ da liễu em nên cho bác sĩ xem trực tiếp tổn thương và kê toa kháng sinh khi cần, em nhé!


Hoang Viet - hoang…@yahoo.com

BS cho em hỏi,

Em bị gãy kín mâm chày, vừa mổ được khoảng 1 tháng nhưng em thấy chân phần khớp gối nó không co ra co vào được. Vậy chân em có sao không và bao lâu mới phục hồi lại bình thường?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Bất động là rất cần thiết để xương gãy có thể liền lại, nhưng bất động lâu ngày có thể gây ra teo cơ, cứng khớp dẫn tới hạn chế hoạt động về sau.

Để giải quyết vấn đề này chỉ có thể thông qua việc tập vật lý trị liệu. Do đó, em nên tái khám bác sĩ chuyên khoa để đánh giá tình trạng liền xương và xem xét tập phục hồi chức năng để khớp gối có thể quay trở về hoạt động bình thường. Thân mến.


Đ. V. T. - phantom…@gmail.com

Kính chào BS,

Gần đây tôi hay cảm thấy lo lắng trong người, đi khám BS Nội thần kinh được chẩn đoán là bị rối loạn lo âu. Tôi muốn biết là nguyên nhân của bệnh rối loạn lo âu là gì và biện pháp phòng ngừa như thế nào?

Tôi thức khuya đã 4 năm nay, thường xuyên thủ dâm, có phải vì vậy mà tôi bị rối loạn lo âu không? Mong BS giải đáp cho tôi.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống.

Người bình thường cũng có đôi khi có cảm giác lo lắng, sợ hãi trước những vấn đề quan trọng trong cuộc sống, nhưng thường sẽ trở về bình thường khi những đe doạ, áp lực, thách thức… qua đi. Nếu không có lý do gì mà vẫn có cảm giác lo sợ, kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì đây là một bệnh lý thuộc chuyên khoa tâm thần kinh, khá thường gặp.

Nguyên nhân của rối loạn lo âu hiện chưa được biết rõ, có thể liên quan đến lạm dụng các chất kích thích, sử dụng một số loại thảo dược không rõ nguồn gốc, do di truyền, các yếu tố môi trường như chấn thương tâm lý lúc nhỏ, cuộc sống có nhiều áp lực, căng thẳng, do các vấn đề bệnh lý liên quan đến thể chất, sau cú shock tâm lý…

Trường hợp của bạn tôi nghĩ có liên quan đến việc thức khuya trong thời gian dài, khiến cho sức khoẻ thể chất và tinh thần suy giảm, dễ dẫn đến lo lắng, sợ hãi trước những sự việc bình thường trong cuộc sống.

Bạn nên tự điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, làm việc, ăn uống hợp lý, ngủ đủ giấc, tập luyện một số môn thể thao vừa sức đều đặn hằng ngày, đọc cái loại sách báo, nghe nhạc thư giãn… Nếu như vẫn không thể cải thiện tình trạng lo lắng thì cần tới bác sĩ tâm thần kinh để được hỗ trợ điều trị, bạn nhé!

Thân mến.
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X