Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh ngoài da thường gặp là gì, cách điều trị ra sao?

Tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng bệnh ngoài da dễ gây mất thẩm mỹ, khó khăn trong sinh hoạt và tạo cảm giác khó chịu, đau rát…

Bệnh ngoài da là gì?


Da là cơ quan có diện tích lớn nhất trong cơ thể giữ chức năng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân từ môi trường bên ngoài đồng thời giúp giữ lại các chất dịch trong cơ thể, tránh mất nước, điều hòa nhiệt độ, sản xuất vitamin D cần thiết cho cơ thể khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời,…

Do vậy, một khi làn da bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài khiến việc thực hiện các chức năng trên không được đảm bảo, làn da sẽ phản ứng lại với các biểu hiện bên ngoài là tình trạng kích ứng da hay viêm nhiễm được gọi chung là bệnh da liễu.

Hiểu đơn giản, bệnh da liễu (bệnh ngoài da) là một nhóm các căn bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến bề mặt da. Trên thực tế, các căn bệnh da liễu không đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, nhưng các triệu chứng bệnh lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và tâm lý người bệnh, khiến họ mặc cảm, tự ti, không dám tiếp xúc với mọi người xung quanh…

Một số đặc điểm chung của các căn bệnh ngoài da có thể kể đến đó là: tình trạng ngứa ngáy, đau rát, phát ban, mẩn đỏ, nổi ngứa,… tại vùng da mang bệnh khiến người bệnh “ ăn không ngon, ngủ không yên”.

Bệnh ngoài da là một nhóm các căn bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến bề mặt da. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Các bệnh ngoài da thường gặp


Viêm da cơ địa:
Đây là một trong những bệnh lý ngoài da thường gặp nhất, đặc biệt thường gặp ở trẻ em và ít gặp hơn ở người lớn.

Bệnh viêm da cấp tính thường xuất hiện các đám phát ban đỏ hình tròn, trên bề mặt nổi nhiều mụn nước và vảy tiết. Trên bề mặt da tiết dịch và phù nề, người bệnh rất ngứa đau rát đặc biệt là về đêm. Với người bệnh mạn tính, sắc tố da bị thay đổi, rối loạn và xuất hiện nhiều đám da sần, dày sừng bong tróc và vẫn rất ngứa.

Để điều trị bạn nên thường xuyên thoa thuốc chống kích ứng da, làm mềm da, thuốc thoa dưỡng ẩm. Trong trường hợp viêm da không nặng, bạn có thể sử dụng các chất giữ ẩm thường xuyên như Aderma Epitheliale AH, Cicabio, Physiogel thoa nhiều lần trong ngày. Trường hợp có viêm và nhiễm trùng đi kèm nên sử dụng kháng sinh.

Tốt nhất khi có các dấu hiệu nói trên, nên đến khám bệnh viện có chuyên khoa Da liễu để BS cho thuốc thoa phù hợp.

Viêm da tiếp xúc: gồm 2 loại viêm chính là viêm da tiếp xúc dị ứng và viêm da tiếp xúc kích ứng. Bệnh thường có những triệu chứng như nổi ban đỏ, phát ban các khu vực bị bệnh như cổ, đầu, trán, mặt mí mắt, bụng, chân tay và rất ngứa. Diện tích phát ban của bệnh được giới hạn và chỉ lan rộng ra khi bệnh nặng hơn.

Để điều trị bệnh này, trước hết cần loại bỏ tác nhân gây dị ứng (tránh tiếp xúc trực tiếp) thì bệnh sẽ đỡ hoặc khỏi hẳn hoàn toàn. Nếu viêm da tiếp xúc với các biểu hiện nhẹ (ngứa, rỉ nước vùng da nhỏ) có thể bôi dung dịch milian, rửa thuốc tím hoặc bôi kem cortibion. Nếu bôi trong 3 ngày không đỡ, cần phải đi khám bệnh.

Không được bôi thuốc nhiều lần trong ngày và quá 3 ngày. Đặc biệt, không được bôi các bột kháng sinh như penicilin, tetracyclin vào chỗ da ngứa, chảy nước. Trường hợp nặng hơn (ngứa lan rộng, phản ứng nhiều nơi...), cần đến bác sĩ da liễu khám bệnh để được điều trị đúng cách.

Bệnh vảy nến: Người mắc bệnh vảy nến trên da thường xuất hiện các đám đỏ có giới hạn rõ ràng, bề mặt da gồ ghề do phủ trên bề mặt da là những lớp vảy trắng đục dễ bong tróc, cạo ra thành vụn có hình dạng giống nến vụn. Ngoài ra, bệnh gây tổn thương trên da và cả cho khớp, cho móng chân tay, cho toàn thân nữa.

Bệnh vẩy nến cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ điều trị triệu chứng thôi. Sau khi thăm khám, bác sĩ là người sẽ quyết định điều trị phương pháp nào là tốt nhất.

Bước đầu tiên, bệnh nhân nên giữ ẩm da bằng các sản phẩm không cần kê toa. Sau đó bác sĩ sẽ cho thuốc bôi lên vùng da bệnh. Nếu không đáp ứng với các thuốc bôi thì bác sĩ sẽ dùng thuốc tiêm. Thuốc này dùng trong bệnh vẩy nến trung bình và nặng da đầu. Nếu trong trường hợp nặng hơn thì sử dụng thuốc đường uống.

Một phương pháp điều trị khác là dùng tia cực tím. Ánh sáng mặt trời có tác dụng tốt trong bệnh vẩy nến, nhưng không nên phơi nắng quá lâu.

Viêm da mủ: Người bệnh bị viêm nang lông, bị mụn nhọt,chốc lở, hăm kẽ, không những vậy còn bị chóc mép, chốc loét…

Nấm da: Các biểu hiện bệnh có thể xuất hiện ở da, niêm mạc, tóc và móng. Có 3 thể bệnh nấm da thường gặp nhất là nấm chân, bẹn và thân. Trường hợp nặng có thể bị bội nhiễm vi khuẩn có mụn mủ, bóng mủ, sưng tấy bàn chân, sốt. Nấm bẹn thường xuất hiện khi nắng nóng, vào mùa hè, khi thường xuyên đổ mồ hôi nhiều hay mặc đồ ẩm ướt.

Các trường hợp nấm da diện tích nhỏ và không nặng: Bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc kháng sinh chống nấm dùng ngoài da (dạng mỡ, dạng kem, dạng gel, dạng bột hoặc thuốc xịt, tắm…). Các trường hợp nấm da diện tích lớn hoặc nặng: được chỉ định dùng các thuốc kháng sinh chống nấm đường uống, có thể kèm các thuốc hỗ trợ cần thiết.

Bệnh ngoài da ngứa


Bệnh ngoài da dễ gây mất thẩm mỹ, khó khăn trong sinh hoạt và tạo cảm giác khó chịu, đau rát… Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Một vài căn bệnh ngoài da phổ biến dưới đây và hẳn không ít người sẽ thấy ngứa ngáy khắp người chỉ từ cái nhìn đầu tiên:

Bệnh nổi mề đay: Phần da của những bệnh nhân mắc mề đay sẽ nổi các vết đỏ lớn và sưng phồng. Những vết này có thể nổi ở bất kỳ đâu trên cơ thể, từ tay, chân, đùi, ngực... với kích thước từ nhỏ (đường kính khoảng vài mm) đến lớn (lan thành mảng) trên da.

Cảm giác ngứa ngáy hay đau rát như đang bị bỏng là tình trạng chung của người mắc bệnh này. Đôi khi, nó còn gây ngứa dữ dội, càng gãi càng ngứa, thậm chí còn dẫn tới chảy máu.

Nổi mề đay thường không cần điều trị trong khoảng một vài ngày. Trong một số trường hợp, cách trị nổi mề đay có thể là thuốc để làm giảm cảm giác khó chịu và corticosteroid ngắn hạn để điều trị một số trường hợp nổi mề đay. Tuy nhiên, sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ.

Để kiểm soát được bệnh thì việc xử lý bất cứ yếu tố tiềm ẩn nào gây ra các triệu chứng trên là một điều rất quan trọng.

Rôm sảy: thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên trên thực tế, mọi lứa tuổi đều có thể mắc căn bệnh này. Rôm sảy biểu hiện ra bên ngoài thông qua các nốt đỏ nhỏ, còn gọi là vết sần trên bề mặt da. Vùng da hay bị nổi rôm sảy nhất thường là những vùng có nếp gấp như cổ, ngực, nách... hay các vùng tiếp xúc nhiều với quần áo như lưng. Khi bị rôm sảy, người bệnh luôn có cảm giác bứt rứt khó chịu, ngứa. Ở trẻ nhỏ, do da còn non nên cảm giác ngứa càng mãnh liệt hơn.

Đối với từng nguyên nhân sẽ có biện pháp loại trừ rôm khác nhau. Nếu rôm sảy nhẹ thường không phải điều trị gì đặc biệt. Nhưng với những dạng nặng hơn, bạn có thể sử dụng thuốc ngăn ngừa tình trạng bít các ống tuyến mồ hôi như anhydrous lanolin hay loại thuốc bôi có chứa steroid. Bên cạnh đó, để giảm tình trạng ngứa do rôm sảy, bạn cũng có thể dùng dung dịch calamine hay uống vitamin C. Tuy nhiên, mỗi loại thuốc có những đặc điểm riêng bạn cần chú ý để dùng cho đúng liều lượng và cách sử dụng. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Chàm: Một số triệu chứng thường thấy của bệnh là gây ngứa và nổi mụn nước. Người mắc chàm sẽ cảm thấy rất khó chịu, đồng thời làn da của họ bị khô, dễ tróc thành từng mảng. Đặc biệt, nếu bệnh nhân càng gãi, da sẽ càng đỏ và sưng tấy.

Việc điều trị bệnh này cần sự kiên trì tuân theo chỉ định của bác sĩ vì nó rất dai dẳng, khó điều trị dứt hẳn. Có thể chia thuốc chữa chàm thành hai loại: Thuốc dùng ngoài và thuốc uống.

Chốc lở: Điểm đặc biệt của căn bệnh này, đó là khả năng lây lan rất dễ dàng. Triệu chứng ban đầu của bệnh là việc xuất hiện các vùng phát ban dưới dạng mụn nước hay vết loét màu nâu gần mũi và miệng, gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Nếu người bệnh dùng tay gãi, sau đó tiếp xúc với người khác hay phần khác của cơ thể thì bệnh sẽ lan truyền đi nhanh chóng.

Để điều trị bệnh chốc lở, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng một loại thuốc mỡ hoặc kem kháng sinh có thể bôi trực tiếp lên các khu vực bị nhiễm bệnh. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần phải loại bỏ vảy bằng cách ngâm vùng da bệnh trong nước ấm hoặc đắp gạc ướt. Một khi vảy được loại bỏ, các kháng sinh có thể xâm nhập vào da tốt hơn.

Bạn có thể dùng kháng sinh đường uống khi bạn có rất nhiều vết lở loét mà bạn không thể sử dụng thuốc mỡ kháng sinh hoặc kem trên tất cả các vết loét. Điều quan trọng là bạn phải dùng đủ liều thuốc điều trị ngay cả khi các vết loét đã lành. Nếu bạn ngừng sử dụng khi thấy bệnh ổn định, chốc lở sẽ tái phát và xảy ra tình trạng đề kháng sinh.

Dùng thuốc chữa bệnh ngoài da, lưu ý gì?


Không nên bôi một thuốc thời gian quá dài, cũng không nên liên tục thay thuốc làm khó đánh giá kết quả điều trị, cũng như nhận định chẩn đoán đúng sai... Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Thuốc bôi ngoài da rất phong phú đa dạng, có nguồn gốc khác nhau. Tác dụng điều trị của thuốc phụ thuộc rất nhiều vào các dạng thuốc. Khi dùng thuốc bôi ngoài da cần biết rằng thuốc không chỉ có tác dụng tại chỗ mà còn có tác dụng toàn thân và phải tuân thủ theo các nguyên tắc là: dùng thuốc khi đã được các thầy thuốc chẩn đoán xác định bệnh da; chỉ đinh các loại thuốc, dạng thuốc và cách dùng phải phù hợp với tình trạng của bệnh.

Một số thuốc không bôi được ở vùng mặt, vùng sinh dục. Với các bệnh căn nguyên bệnh sinh còn chưa rõ, nếu nhận định chính xác tổn thương, chỉ định thuốc bôi phù hợp có thể làm bệnh đỡ hoặc khỏi. Với các tổn thương đang có nhiều dịch mủ, vẩy tiết nên cho ngâm rửa, đắp gạc các dung dịch sát khuẩn 1 - 3 - 5 ngày cho giảm viêm, sạch mủ, bở vảy tiết, sau đó chỉ định tiếp các thuốc bôi phù hợp với giai đoạn sau.

Không nên bôi một thuốc thời gian quá dài, cũng không nên liên tục thay thuốc làm khó đánh giá kết quả điều trị, cũng như nhận định chẩn đoán đúng sai... Thường một đợt bôi thuốc khoảng 10 - 15 ngày. Cần lưu ý một số thuốc bôi cổ điển vẫn có tác dụng tốt, một số biệt dược mới có thể có tai biến tác dụng phụ chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa có nhiều kinh nghiệm sử dụng trên lâm sàng. Khi sử dụng thuốc cần theo dõi phản ứng da của từng bệnh nhân vì thuốc bôi có thể gây dị ứng .

Biện pháp phòng chống bệnh ngoài da


Bên cạnh đó thì mỗi người cần phải thực hiện những biện pháp chung, nhằm phòng chống và khắc phục tình trạng bệnh đang mắc phải:

- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ cho da mỗi ngày, để khắc chế các loại vi khuẩn có điều kiện sinh sôi và gây bệnh.

- Khi mắc bệnh, không được gãi hay tác động mạnh lên những vùng da để tránh bị tổn thương gây nhiễm trùng.

- Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường bổ sung nhiều chất xơ từ rau củ để có một làn da khỏe mạnh.

- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống thuốc để bệnh được điều trị.

Hoàng Thúy (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X