Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh mạch vành và những ưu - khuyết điểm của phương pháp điều trị

Khi động mạch vành bị hẹp nặng, bác sĩ sẽ phải can thiệp hoặc phẫu thuật để tái cung cấp máu cho vùng cơ tim bị thiếu máu. Có hai phương pháp: Đặt stent mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

Tim là cơ quan quan trọng, hoạt động liên tục từ khi sinh ra cho đến cuối đời, cần lượng Oxy và chất dinh dưỡng rất lớn. Động mạch vành là hệ thống động mạch làm nhiệm vụ cung cấp Oxy và dưỡng chất cho cơ tim. Có hai động mạch vành: Bên phải và bên trái, tương ứng với tim phải và tim trái.


(Hình 1: Hệ động mạch vành)

Tại sao phải phẫu thuật bắc cầu mạch vành?


Động mạch vành bị ngấm mỡ, theo thời gian lòng mạch sẽ có mảng xơ vữa và bị hẹp, dòng máu đi qua chỗ hẹp khó khăn, làm cho máu nuôi phần cơ tim tương ứng bị hạn chế, lâu ngày dẫn đến suy tim không hồi phục. Bạn sẽ khó thở, đau ngực khi làm việc, giảm khả năng lao động. Nếu lòng mạch bị tắc hoàn toàn, bạn sẽ bị nhồi máu cơ tim (đột quị).

(Hình 2: Đau ngực do mạch vành)

Bạn sẽ dễ bị bệnh mạch vành hơn những người khác nếu có những yếu tố nguy cơ sau:

- Rối loạn chuyển hóa mỡ (Còn gọi là rối loạn mỡ máu, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ)
- Đái tháo đường (Tiểu đường)
- Tăng huyết áp (Tăng xông, cao máu)
- Hút thuốc lá
- Thừa cân, béo phì
- Lười vận động

(Hình 3: Mạch vành bị hẹp)

Khi động mạch vành bị hẹp nặng, bác sĩ sẽ phải can thiệp hoặc phẫu thuật để tái cung cấp máu cho vùng cơ tim bị thiếu máu. Có hai phương pháp: Đặt stent mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

Phẫu thuật đặt stent mạch vành như thế nào?


Đặt stent mạch vành là phương pháp ít xâm lấn, phục hồi nhanh. Bác sĩ sẽ luồn một ống dẫn từ đùi hoặc cổ tay vào trong lòng mạch vành, bung stent ra tại vị trí hẹp, stent sẽ nong rộng lòng mạch vành bị hẹp, giúp máu lưu thông tốt trở lại. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thực hiện tốt khi số lượng động mạch vành bị tổn thương ít, tổn thương đơn giản. Phải can thiệp lại sớm hơn so với bắc cầu mạch vành.

(Hình 4: Stent mạch vành)

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành được thực hiện như thế nào?


Bạn sẽ được gây mê để không cảm thấy đau đớn trong khi cuộc mổ diễn ra.

Phẫu thuật viên sẽ rạch một đường khoảng 20-25cm dọc trước ngực, chẻ đôi xương ức để bộc lộ được các cấu trúc tim. Tùy vào mức độ phức tạp của phẫu thuật và tình trạng suy tim, phẫu thuật viên sẽ quyết định sử dụng máy tim phổi nhân tạo để hỗ trợ hay không.

Đối với mỗi mạch vành bị tắc, một cầu nối sẽ được bắc từ động mạch chủ nối vào động mạch vành sau chỗ hẹp, tái tưới máu cho phần cơ tim tương ứng. Các cầu nối có thể được sử dụng: Động mạch ngực trong (một động mạch nằm trong lồng ngực), động mạch quay (ở cẳng tay), động mạch vị mạc nối (trong bụng), tĩnh mạch hiển lớn (ở cẳng chân).



Phẫu thuật thường kéo dài 4-6 tiếng. Khi phẫu thuật hoàn thành, phẫu thuật viên sẽ dùng chỉ thép cố định lồng ngực và may da. Chỉ thép sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời, trừ phi bạn yêu cầu phẫu thuật viên lấy nó ra. Ngoài sẹo mổ trên ngực, bạn còn có thể có thêm một sẹo mổ ở cẳng chân nếu tĩnh mạch hiển lớn được sử dụng.

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành được chỉ định khi số lượng động mạch vành bị tổn thương nhiều, tổn thương phức tạp.

Cầu nối mạch vành tồn tại lâu hơn stent mạch vành (>10 năm).

Các biến chứng của phẫu thuật bắc cầu mạch vành bao gồm:

- Nhiễm trùng xương ức do lấy động mạch ngực trong.
- Suy tim sau phẫu thuật.
- Chảy máu sau phẫu thuật.
- Tắc cầu nối cấp tính sau phẫu thuật.

Các biến chứng của phẫu thuật bắc cầu mạch vành hiện nay đang ở mức thấp: < 5%.

Phẫu thuật có phải là hết bệnh?


Bệnh mạch vành là bệnh diễn tiến, phẫu thuật chỉ nhằm tái tưới máu cho vùng cơ tim bị thiếu máu chứ không làm mạch vành trở lại bình thường. Mạch vành vẫn sẽ tiếp tục hẹp dần, tốc độ nhanh hay chậm tùy thuộc vào việc tuân thủ điều trị của bạn.

Để bệnh mạch vành chậm tiến triển, bạn cần:

- Ngưng hút thuốc.
- Chế độ ăn uống lành mạnh, ít béo, ít ngọt.
- Tập thể dục, giảm cân.
- Dùng thuốc điều trị rối loạn mỡ máu.
- Kiểm soát đường máu tốt (nếu bạn đang bị tiểu đường).

Nguồn: Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X