Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh… “không sợ súng”

Trước đây, phần lớn bệnh nhân (BN) ở độ tuổi trung niên đến kiểm tra thính lực tại các chuyên khoa T-M-H do các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp… gây ra...

Thì hiện nay, khoa này đón nhận nhiều BN trẻ tuổi đến điều trị. Nguyên nhân do BN làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn, không có bảo hộ tai, công việc căng thẳng, stress; bên cạnh đó, còn là do sử dụng các loại thuốc không theo chỉ định làm cho bệnh điếc tiến triển nặng.
Từ từ đến đột ngột điếc

BS CKI Nguyễn Phước Hiền - Khoa T-M-H (Tai-Mũi-Họng) (BV Nguyễn Tri Phương) vừa kết hợp với Giáo sư Trương Minh Ký (Pháp) thay khớp bị thoái hóa ở tai trong thành công, giúp BN Nguyễn H.Đ. (60 tuổi, TP.HCM) nghe được sau khi bị điếc hơn 20 năm. BN này bị chứng bệnh xốp xơ tai. Hai dì cháu chị Nguyễn Thị H. (44 tuổi, Tây Ninh) cũng vừa được phẫu thuật điều trị căn bệnh này. Chị H. cho biết, chị hay bị lãng tai, nhất là mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt. Tình trạng này kéo dài suốt 5 năm, cho đến khi chị hoàn toàn không nghe được. Cháu gái của chị cũng bị chứng bệnh “lạ” này.

Nếu không được điều trị kịp thời, điếc đột ngột sẽ trở thành vĩnh viễn

Trong năm 2011, Khoa T-M-H của BV Nguyễn Tri Phương đã điều trị thành công, phục hồi giảm thích lực cho 15 ca. Theo BS Nguyễn Phước Hiền, phần lớn BN bị bệnh xốp xơ, các khớp tai trong bị thoái hóa, khiến cho tình trạng điếc tăng dần. Điều đáng ngại là bệnh hay gặp ở BN nữ trẻ, không có tiền sử bệnh lý về tai. Điếc có thể tăng lên khi mệt, liên quan chu kỳ kinh nguyệt hay thai kỳ. Trước đó, BN thường có triệu chứng ù tai kéo dài, giảm thính lực. Bệnh có thể được phát hiện trong độ tuổi từ 10 - 40, tuy nhiên, con của các BN bị xốp xơ tai cũng có thể phát bệnh sớm khi còn nhỏ.

Có không ít trường hợp điếc đột ngột vì “tự làm tổn hại mình”. Đó là trường hợp chị Trần Thị H.D. (38 tuổi, TP.HCM) đi lấy ráy tai tại một tiệm hớt tóc. Nhân viên của tiệm đã vô tình làm thủng màng nhĩ, cào rách một mảng da trong thành tai. Tai của chị D. bị chảy máu, nhiễm trùng gây điếc đột ngột.
 
Theo thống kê, tại chuyên khoa Tai-Đầu-Mặt-Cổ của BV Tai Mũi Họng TP.HCM, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 7 - 10 ca điếc đột ngột. BS Nguyễn Thành Lợi, Trưởng khoa Tai-Đầu-Mặt-Cổ (BV Tai Mũi Họng TP.HCM) cảnh báo: “Trước đây, điếc thường xảy ra ở lứa tuổi trung niên. Thời gian gần đây, điếc đột ngột có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, kể cả thanh thiếu niên; đặc biệt là những đối tượng làm việc căng thẳng, hay bị áp lực, lo lắng quá độ…
 
Bệnh này để lại di chứng nặng nề về chức năng nghe, điếc nhẹ/nặng kèm theo tiếng ù như tiếng ve kêu, ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động giao tiếp. Nguyên nhân gây ra điếc đột ngột chưa được xác định rõ, có thể do nhiễm siêu vi (viêm não, quai bị…), bệnh mạch máu, chấn thương đầu do bị ngã, ảnh hưởng thần kinh thính giác…”. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc sử dụng bừa bãi các loại thuốc hạ huyết áp, tim mạch, tiểu đường, kháng sinh cũng có thể gây ra điếc.

Bệnh nhân thường bị điếc đột ngột sau khi ngủ dậy hoặc làm một việc nặng nhọc. Theo các bác sĩ, nếu BN đến khám ngay ngày đầu tiên bị giảm thính lực, khả năng chữa khỏi sẽ là 70-80%. Nếu trì hoãn hay chậm trễ đợi một tuần sau mới đến bệnh viện, mức độ hồi phục chỉ còn 20-30%. Trong một số trường hợp, BN để tình trạng giảm thính lực kéo dài cả tháng, khi ấy thính giác không thể hồi phục được. Thế nhưng, qua một thống kê gần đây của BV Tai Mũi Họng TP.HCM, số BN nhập viện sau một tuần phát hiện triệu chứng điếc chiếm gần 40%, bởi họ chủ quan nghĩ đó chỉ là tình trạng nhất thời.

Tai có cơ chế tự làm sạch

BS Nguyễn Phước Hiền cho biết: “Một số người giảm thính lực tiến triển chậm nhưng kéo dài, và sẽ bị điếc khi có yếu tố kèm theo như: mang thai, chấn thương tâm lý hay các chấn thương đầu”.

Theo BS Thành Lợi, sau khi làm việc căng thẳng quá hoặc sau một đêm ngủ dậy, đột ngột bị điếc, kèm theo chóng mặt, ói mửa, cần phải đến khám càng sớm càng tốt. Tại BV Tai Mũi Họng, tùy theo từng tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc giãn mạch, kháng viêm hoặc phối hợp thuốc với thở oxy cao áp, chích corticoid vào hộp nhĩ. Hiệu quả điều trị có thể lên đến 70-80%. BN không nên tự tước đi cơ hội được nghe trở lại của mình khi đi điều trị không đúng chuyên khoa, uống thuốc tùy tiện.

Theo các bác sĩ, tai có chức năng tự vệ sinh mỗi ngày. Tai tiết ra ráy tai để bảo vệ ống tai. Bụi bặm, vi trùng từ bên ngoài xâm nhập vào tai sẽ bám vào ráy tai, các lông chuyển ở tai sẽ “quét” ráy tai ra ngoài. Khi sử dụng các vật dụng lạ để ngoáy tai, chúng ta có thể vô tình đẩy ráy tai vô sâu hơn, gây bít ống tai, dẫn đến viêm nhiễm.

Bệnh điếc đột ngột thường không có triệu chứng báo trước. Do vậy, cách tốt nhất để phòng tránh là nên ăn uống đủ dưỡng chất, đảm bảo vệ sinh, hạn chế uống rượu bia, thuốc lá, uống thuốc phải có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần có chế độ làm việc khoa học, tránh căng thẳng, tránh khu vực có tiếng ồn lớn. Khi ra đường, cần mang khẩu trang nhằm phòng chống nguy cơ lây bệnh do siêu vi. “Khi BN có hai triệu chứng chính là nghe kém (giảm thính lực kéo dài) và ù tai, chóng mặt, nên đến các BV có chuyên khoa tai-mũi-họng càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời”, BS Nguyễn Phước Hiền khuyên.

AloBacsi.vn
Theo Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X