Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh K29 ­­nghĩa là gì vậy AloBacsi?

BS Lan Hương giải đáp về bệnh K29, hiến máu có lợi ích gì cho người hiến, đau ngực trái mà không phải đau tim, đau mông khi đứng lên ngồi xuống, thông liên nhĩ, hở van 2 lá…

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Bích Hằng - Hà Nam

Chào BS,

Em năm nay 34 tuổi, dạo gần đây em thấy mỗi khi ợ hơi là hai bên lỗ tai nghe có tiếng lục bục. Tai của em không bị viêm hay chảy mủ, tai hoàn toàn bình thường và nghe rõ.

Chỉ khi ợ lên thì nghe được khoảng 5 lần lục bục như vây. BS cho em hỏi em có thể bị gì trong trường hợp này ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Cơ thể người bình thường có 1 ống nối thông thương tai giữa và thành sau họng gọi là vòi nhĩ hay tai vòi.

Tai vòi mở ra khi nuốt và khi ngáp giúp cho sự lưu thông không khí từ vòm mũi họng lên tai, làm cho áp lực không khí mặt trong và ngoài của màng nhĩ cân bằng. Khi ngáp hay hít sâu có thể đẩy lượng không khí từ hầu họng qua tai vòi đến tai trong và phồng màng nhĩ tạo ra âm thanh.

Trường hợp ợ hơi cũng là đẩy 1 luồng hơi mạnh từ dạ dày lên thực quản đến hầu họng, có thể đẩy lượng hơi này qua tai vòi tạo ra tiếng lụp bụp.

Bình thường em không nghe tiếng kêu trong tai, vì niêm mạc tai vòi trơn láng, mềm mại. Khi niêm mạc vùng này mất sự mềm mại trơn, láng, hay do có vướng đờm nhớt, thì hiện tượng này nhiều hơn.

Do đó, dù là tai em không chảy mủ, nghe rõ nhưng vẫn nên kiểm tra tại chuyên khoa Tai mũi họng và chuyên khoa Tiêu hóa (về vấn đề ợ hơi nhiều) và xử trí thích hợp sớm, em nhé!


- Hoài Thương - hoaithuong…@gmail.com

Chào BS Lan Hương,

2 tháng gần đây em hay bị đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi và bị viêm họng, viêm mũi dị ứng, mũi em rất nhạy với bụi bẩn thời tiết lạnh. Em có đi xét nghiệm máu thì nhận được kết quả như sau:

WBC 10(4-10); RBC 4.8 (3.6-5.5); HGB 14.5 (12-16); HCT 41 (35-47); MCV 85.6 (80-100); MCH 30.3(26-34); MCHC 35.4(31-36); PLT 248 (150-400).

2 chỉ số WBC với MCHC của em khá cao. Vậy em có bị bệnh gì không BS? Em chân thành cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Hoài Thương,

Tất cả trị số xét nghiệm mà em cung cấp đều là từ kết quả xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu bằng máy đếm laser.

Chỉ số MCHC của em vẫn nằm trong giới hạn bình thường, không có “khá cao”.

Chỉ số WBC là tổng số lượng bạch cầu thì chỉ mới chạm đến ngưỡng trên của giá trị bình thường.

Số lượng bạch cầu tăng nhẹ có thể gặp trong nhiều trường hợp như có ổ viêm nhiễm, do thuốc, thiếu nước, stress...

Chỉ dựa đơn thuần vào xét nghiệm công thức máu này thì BS không thể kết luận em bị bệnh gì được.

Nếu em hay bị đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi mà xét nghiệm công thức máu không có thiếu máu, thì em nên khám chuyên khoa Nội thần kinh để được thăm khám toàn bộ, xem xét các xét nghiệm đã làm, chẩn đoán rõ bệnh và điều trị thích hợp.


- Đức Minh - minhle…@gmail.com

Dạ cháu chào BS,

Cháu 19 tuổi, sau khi chơi bóng chuyền về cháu bị tức giữa ngực mỗi khi hoạt động mạnh hoặc cúi người. Cháu bị như vậy 4 ngày rồi, mong BS tư vấn giúp cháu ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Đức Minh thân mến,

Đau tức ngực ở người trẻ xuất hiện sau khi chơi các môn thể thao mạnh như bóng chuyền thường gặp nhất là đau do căng cơ, va chạm, viêm sụn sườn… Một số ít trường hợp là do vấn đề tại tim -màng tim, phổi-màng phổi, trung thất…

Thông thường các nguyên nhân lành tính (cơ xương khớp sụn sườn) gây đau ở mức độ nhẹ, kéo dài vài ngày là hết.

Hiện em đã đau 4 ngày, em nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, xác định nguyên nhân và xử trí thích hợp sớm. Với tình trạng này, em đăng ký khám chuyên khoa Cơ xương khớp hay chuyên khoa Tim mạch - hô hấp đều được, em nhé!


- H. Trân - tran…@gmail.com

Chào BS,

Đau vùng mông khi đứng lên, ngồi xuống hoặc nhúc nhích mạnh là triệu chứng của bệnh gì ạ và bệnh có nguy hiểm không ạ? Phải uống thuốc gì để khỏi bệnh thưa BS?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Đau vùng mông khi đứng lên ngồi xuống có thể gặp trong các nguyên nhân sau: nhọt mông, viêm mô tế bào, đau do bệnh lý xương cùng cụt, đau do ụ ngồi...

Với tình trạng này bạn cần đến bệnh viện để kiểm tra, có thể đăng ký khám ở chuyên khoa Nội tổng quát, BS cần thăm khám và làm xét nghiệm khi cần, sau khi có chẩn đoán bệnh rõ ràng sẽ có hướng điều trị thích hợp tương ứng.


- Ng. Thị Vi - Thanh Hoá

Xin chào BS,

Em bị bướu cổ nhưng đi khám thì BS nói là bướu cổ tuyến giáp lành tính và cho sử dụng mỗi ngày 1 viên Berthyox 100. Em sử dụng thuốc này mấy năm rồi ạ.

Gần đây em đi mua thì đã hết và thuốc này thay thế bằng Levothyrox 50 microgam. Vậy em phải dùng 1 ngày mấy viên thuốc này để bằng với liều Berthyox 100 mà ngày trước em dùng ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Thuốc Berlthyrox 100 là loại thuốc có thành phần dược chất chính là Levothyroxine, Levothyrox cũng có thành phần là Levothyroxine.

Như vậy, 2 thuốc này cùng một hoạt chất. Em đang dùng Berlthyrox liều 100 mcg thì nay chuyển sang viên Levothyrox 50 mcg thì uống 2 viên Levothyrox 50 mcg.

Tuy nhiên, em không nên uống thuốc liên tục mà vẫn cần phải tái khám theo hẹn để BS kiểm tra lại tiến triển của bướu giáp của em, xem hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc ra sao, để điều chỉnh thuốc cho thích hợp, em nhé!


- Thúy Hằng - hang…@gmail.com

Thưa BS,

Bệnh tăng men gan K29 nguy hiểm như thế nào và K29 nghĩa là gì ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

K29 là mã số của bệnh viêm dạ dày, mã số bệnh này dựa theo quy định mã bệnh quốc tế ICD mà bộ y tế ban hành, chứ không phải ký hiệu bệnh lý ung thư hay bệnh lý nguy hiểm gì cả.

Còn về vấn đề tăng men gan, men gan của em tăng cao chứng tỏ tế bào gan đang bị tổn thương, cần phải tầm soát các nguyên nhân làm gan bị tổn thương, trong đó có viêm gan siêu vi, viêm gan rượu, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu... để điều trị thuốc đặc trị và tiên lượng mức độ nặng của bệnh.

Giá trị men gan tăng không thể hiện được chức năng gan thế nào, nên không nói chính xác được là bệnh gan nặng đến đâu, ví dụ như viêm gan cấp men gan tăng cao nhưng sẽ về bình thường, còn viêm gan mạn thì men gan tăng không cao nhưng tiên lượng xấu hơn vì có thể dẫn tới xơ gan.

Trong thời gian này, em cần ăn uống đầy đủ chất, không uống bia rượu, không tự ý uống thuốc không rõ loại có thể đẩy vào suy gan cấp (thuốc nam, bắc, đông y truyền miệng không do BS có bằng cấp và nắm rõ bệnh gan kê toa) mà uống thuốc theo hướng dẫn của BS điều trị.


- Minh Tân - tan…@gmail.com

Em chào BS,

Em đi xét nghiệm sán chó thì bị dương tính 0.38 OD và kê cho em thuốc Zentel, ghi là ngày 2 viên lần 1 viên thì em nên uống vào thời điểm nào ạ?

Có nên uống vào lúc sáng và chiều không nếu không thì nên uống như thế nào thưa BS?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Minh Tân,

BS ghi toa thuốc là ngày 2 viên, lần 1 viên có nghĩa là em uống 1 viên vào buổi sáng, 1 viên vào buổi chiều. Thuốc này uống trước ăn 1 giờ là tốt nhất.

Ví dụ em ăn sáng lúc 7 giờ và ăn tối lúc 19 giờ, thì em uống 1 viên thuốc vào lúc 6 giờ và 1 viên thuốc nữa lúc 18 giờ.


- Võ Thảo - An Giang

Chào BS,

Con bị chó nhà cắn, chảy máu nhỏ ở tay rồi đi chích ngay sau đó đến nay đã được 4 mũi, nhưng do thấy những dấu hiệu như bị dị ứng, nghi là dị ứng vacxin ngừa dại nên hôm nay đến hạn con không đi tiêm phòng. Như vậy có ảnh hưởng đến cơ thể không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nếu sau 10 ngày mà con chó cắn em vẫn sống thì em có thể ngừng tiêm ngừa.

Nếu mức độ dị ứng chỉ nhẹ thôi, bao gồm sẩn ngứa, chảy mũi, không khó thở, không đau bụng thì em nên tiêm đủ 5 mũi. Đặc biệt là trong trường hợp em không biết con chó đó còn sống hay không hoặc nếu em muốn ngừa dại luôn cho bản thân trong 1 năm.


- Ng. Chung - chung…@gmail.com

Chào BS,

Em bị dị ứng cơ địa (thời tiết lạnh, tôm, nhộng) thì có hiến máu được không? Nếu hiến máu được thì lợi ích về sức khỏe là gì ạ? Em cám ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hiến máu là một việc làm thiện nguyện, tạo phước, giúp ích cho người khác và biết đâu khi đến lượt mình cần máu, mình sẽ lại nhận được sự giúp đỡ từ người khác.

Lợi ích của việc hiến máu đối với sức khỏe bao gồm đốt cháy năng lượng (mỗi lần hiến máu sẽ tiêu tốn 650 kcal), kích thích cơ thể sản sinh máu mới, kiểm tra sức khỏe miễn phí (xét nghiệm các bệnh lý truyền nhiễm như viêm gan B, C, HIV…, đo huyết áp, khám tổng quát).

Người bị dị ứng cơ địa vẫn có thể hiến máu được, nhưng không nên hiến trong lúc đang bị dị ứng.


- Ng. Văn Huân - Quảng Bình

Chào AloBacsi,

Tôi đi khám và được cấp thuốc lao uống được 1 tháng nay và tình trạng sức khỏe của tôi sau khi dùng thuốc như sau:

1. Cơ thể mệt mỏi có cảm giác như bị cảm, ớn lạnh, chảy nước mắt, đi tiểu nước có màu đỏ.

2. Các khớp chân tay nhức mỏi rã rời khi uống thuốc vào cơ thể, mệt mỏi từ 11g trưa cho đến 1g-2g sáng thì hết.

Vậy cho tôi hỏi nếu dừng thuốc không uống nữa thì có sao không và nếu uống thuốc đều đặn mà tình hình vẫn như trên thì tôi nên bổ sung thêm thuốc bổ gì nữa không? Cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Quả thật thuốc điều trị lao có rất nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng lên toàn thân, trong đó thường gặp nhất là viêm gan, sạm da, chán ăn, rụng tóc và mệt mỏi, đau nhức xương khớp…

Tuy nhiên, việc tự ý ngưng điều trị lao là rất nguy hiểm, vì bệnh lao có thể bùng phát nặng hơn, tạo ra khuẩn lao kháng thuốc nguy hiểm cho chính bạn và cho cộng đồng.

Để giảm thiểu các khó chịu khi điều trị lao, bạn nên tái khám lại BS chuyên khoa Hô hấp - cơ sở y tế đang điều trị cho bạn để tiến hành thăm khám, xét nghiệm xem mức độ ảnh hưởng của thuốc lao ra sao và xử trí thích hợp (thêm thuốc bổ, đổi sang nhóm thuốc khác…).

Ngoài ra, trong thời gian điều trị, bạn nên ăn uống tẩm bổ, nghỉ ngơi, không lao động gắng sức, không thức khuya.

Theo luật khám và chữa bệnh hiện nay của Bộ Y tế, BS không được phép kê thuốc thông qua kênh truyền thông mà không thông qua thăm khám + hỏi bệnh trực tiếp với người bệnh, điều này là do vấn đề an toàn của người bệnh.

Do đó, BS chỉ tư vấn hướng đi kiểm tra sức khỏe, các phương pháp không dùng thuốc, và người bệnh vẫn cần đến bệnh viện để được điều trị thuốc thích hợp.


- Kim Hoàn - Bình Tân

Thưa BS,

Em bị thông liên nhĩ lỗ thứ phát 12mm, hở van 2 lá 1/4, hở van 3 lá 2.5/4. Vậy có cần can thiệp không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Kim Hoàn thân mến,

Thông liên nhĩ là một dạng bệnh tim bẩm sinh làm cho máu chảy giữa hai buồng tim được gọi là nhĩ trái và nhĩ phải.

Bình thường nhĩ trái và nhĩ phải tách biệt nhau bởi một vách được gọi là vách liên nhĩ. Nếu vách này bị khiếm khuyết hoặc không có, máu giàu oxy có thể chảy trực tiếp từ bên trái của tim để trộn với máu kém oxy ở bên phải của tim và ngược lại.

Điều này có thể dẫn đến máu động mạch cung cấp cho não, các cơ quan và các mô có nồng độ oxy thấp hơn bình thường. Tuy nhiên thông liên nhĩ có thể không gây các dấu hiệu hoặc triệu chứng dễ nhận thấy, đặc biệt nếu lỗ thông nhỏ.

Thông liên nhĩ lỗ lớn hơn thường gây triệu chứng, không thể tự bít, và sẽ làm tim xấu đi theo thời gian. Em bị thông liên nhĩ lỗ thứ phát 12 mm là thông liên nhĩ lỗ lớn.

Các phương pháp điều trị bao gồm: nội khoa, ngoại khoa và thông tim can thiệp (bít lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da). Nếu lỗ thông liên nhĩ đóng sớm thì thường sẽ khỏi hẳn, các buồng timsẽ nhỏ lại, áp lực động mạch phổi sẽ dần về bình thường. Đóng lỗ càng muộn thì các thay đổi về cấu trúc và huyết động càng chậm hồi phục.


- Bảo Yến - Thủ Đức

Chào BS,

Em bị đau xung quanh ngực trái hơn 1 tuần, chỉ cử động là sẽ đau. Đặc biệt khi ngủ chỉ nằm 1 tư thế, không xoay được và ngồi dậy rất khó khăn.

Em đã đi khám ở BV Tâm Đức và kết quả không liên quan đến tim mạch. BS có thể tư vấn giúp em như vậy là liên quan đến bệnh gì không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Bảo Yến,

BV Tim Tâm Đức là bệnh viện chuyên khoa về Tim mạch, em đã khám tại đây và kết quả đau ngực không phải liên quan đến tim mạch thì em có thể yên tâm.

Triệu chứng đau ngực của em cũng ít nghĩ là do bệnh lý tim mạch mà có nhiều đặc điểm của đau do thành ngực nhiều hơn (thần kinh, cơ, xương, khớp). Do đó, em nên khám ở chuyên khoa cơ xương khớp nếu triệu chứng đau vẫn còn nhiều, em nhé!

Thân mến,

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X