Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh ho gà: Dấu hiệu nhận biết, biến chứng và vắc xin phòng ngừa

Ho gà là bệnh nguy hiểm nhất ở trẻ nhỏ, khi một nửa số trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị ho gà phải nhập viện và đa số tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi.

Bệnh ho gà là gì?

Ho gà (Pertussis hay whooping cough) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Bordetellapertussis. Đây là một trong các bệnh rất hay lây làm tử vong nhiều người nhất trong các loại bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Ho gà là bệnh nguy hiểm nhất ở trẻ nhỏ, một nửa số trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị ho gà phải nhập viện và đa số tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi.

Làm sao nhận biết, phân biệt ho gà với ho thông thường?

Bệnh thường bắt đầu bằng triệu chứng như cảm lạnh, sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, viêm long và ho ít. Sau 1 đến 2 tuần thì bắt đầu ho nhiều. Ho gà biểu hiện bằng những cơn ho dữ dội, đặc biệt và có nhiều biến chứng.

Ho gà là ho từng chuỗi kế tiếp nhau, càng lúc càng nhanh rồi yếu dần, sau đó có giai đoạn hít vào thật sâu nghe như tiếng gà gáy, sau cơn ho thì mặt đỏ môi tím, hai mí mắt sưng, tĩnh mạch cổ ni. Ho dữ dội khiến người bệnh nôn khan và kiệt sức sau cơn ho.

Ở trẻ sơ sinh có thể ho ít hay không ho, nhưng ở trẻ sơ sinh có biểu hiện “ngừng thở” - tình trạng tạm dừng hô hô hấp của trẻ sơ sinh. Những cơn ho có thể kéo dài đến 10 tuần. Bệnh có thể biểu hiện nhẹ hơn ở người bệnh đã được tiêm phòng ho gà.

Tuy nhiên, nhiều trẻ thường được chẩn đoán nhầm là cảm cúm, viêm đường hô hấp, viêm phế quản,… điều trị không hết đến khi nhập viện thì có khi đã muộn, đã có biến chứng viêm phổi hay thậm chí suy hô hấp rất nguy hiểm.

PGS.TS.BS Lê Tiến Dũng - Trưởng khoa Hô hấp BV Đại học Y Dược TPHCM (bên phải) cùng các đồng nghiệp xem phim chụp của bệnh nhân

Những biến chứng nguy hiểm khi bị ho gà?

Bệnh ho gà có thể gây ra:

- Biến chứng hô hấp như viêm phế quản, dãn phế quản, viêm phế quản - phổi là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng

- Biến chứng thần kinh như viêm não, tỷ lệ tử vong cao

- Biến chứng cơ học như gãy xương sườn, lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng, tràn khí màng phổi

- Một số biến chứng khác như: xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác.

​Vắc xin là tấm lá chắn phòng bệnh ho gà tốt nhất cho trẻ em?

Đối tượng không chủng ngừa hay chủng ngừa không đủ có nguy cơ bệnh nặng, người đã chủng ngừa đủ vẫn có thể bị bệnh nhẹ. Thuốc ngừa chỉ phòng bệnh được 10 năm, do đó sau thời gian này vẫn có thể bị bệnh, thường ở người lớn và trẻ em.

Ho gà là một bệnh rất dễ lây lan và được lây truyền từ người sang người. Do vắc-  chống ho gà không có loại nào có hiệu lực 100%, lại không có hiệu lực lâu dài vĩnh viễn nên phần lớn những người lớn vẫn bị ho gà dù đã từng tiêm phòng bệnh khi còn bé. Những người này tuy mắc bệnh không nặng nhưng vẫn lây truyền bệnh cho những người chung quanh.

Các triệu chứng của bệnh ho gà lúc ban đầu giống như cảm cúm, thường xuất hiện 5 - 7 ngày sau nhiễm bệnh, nhưng có khi đến 3 tuần và đây là giai đoạn mà những người nhiễm bệnh lây bệnh cho những người chung quanh.

Các trẻ sơ sinh thường bị lây bệnh từ anh chị em, cha mẹ, người chăm sóc mà không biết. Vi khuẩn ho gà có nhiều trong nước dãi hay họng của người nhiễm bệnh, bắn ra ngoài theo giọt bắn khi ho, hắt hơi hay nói chuyện và vi khuẩn theo không khí bay vào hệ hô hấp người chung quanh và lây bệnh. Phạm vi lây nhiễm trong khoảng 3m.

Thuốc vắc xin phòng ngừa bệnh thường được tiêm cho trẻ từ khi còn nhỏ. Mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất 1 tháng, mũi thứ 3 tiêm sau mũi thứ hai 1 tháng, mũi thứ 4 tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Nếu tiêm đủ 3 mũi thì có thể bảo vệ miễn dịch đến 90%; nhưng nếu chưa tiêm đủ 3 mũi thì bảo vệ miễn dịch chỉ khoảng 60%.

Ngoài ra, để chủ động phòng bệnh hiệu quả cho trẻ, các bà mẹ khi mang thai nên tiêm chủng để tạo hệ miễn dịch sớm cho trẻ từ trong bụng mẹ. Hiệu quả bảo vệ miễn dịch của vắc xin ho gà cũng chỉ khoảng 10 năm.

Phòng ngừa triệt để bệnh ho gà bằng cách nào?

Để dự phòng bệnh bạn cần:

- Thực hiện vệ sinh tốt như che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho và hắt hơi, bỏ khăn giấy đã dùng vào thùng rác có nắp đậy.

- Khi không có khăn giấy thì bạn ho và hắt hơi vào tay áo trên hay khủy tay, không vào bàn tay, thường xuyên rửa bàn tay bằng xà phòng hay hay bằng cồn.

- Nâng cao thể trạng, ăn uống đầy đủ

- Giữ vệ sinh thân thể, mũi họng

- Tránh tiếp xúc gần, trực tiếp với người ho, hắt hơi.

Ngoài ra, người bệnh ho gà cần ở nhà và tránh tiếp xúc gần với những người khác cho đến khi kết thúc điều trị bằng kháng sinh. Người bị ho vì bất kỳ nguyên nhân nào nên tránh tiếp xúc gần với trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. Nếu đang sống chung hay có tiếp xúc gần với người bệnh ho gà thì cần dùng thuốc kháng sinh để phòng bệnh ho gà.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván - DTP - hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virut viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đầy đủ, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

PGS.TS.BS Lê Tiến Dũng
Trưởng khoa Hô hấp BV Đại học Y Dược TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X