Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh đường hô hấp

BS Đinh Tấn Phương cho biết: “Trẻ nhỏ dưới một tuổi thường bị sốt siêu vi, viêm tiểu phế quản… Trẻ trên một tuổi hay mắc các bệnh cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản.”.

Sốt siêu vi

Cho đến nay, bệnh sốt siêu vi chưa có thuốc điều trị. Khi trẻ bệnh, phụ huynh cần lau mát, hạ nhiệt, cho trẻ uống paracetamol hạ sốt (liều lượng tính theo cân nặng). Cần nhớ, kháng sinh không có khả năng loại trừ sốt siêu vi. Về ăn uống: cần uống bù nước, ăn món ấm nóng, nhiều nước như xúp, cháo… Sốt siêu vi là bệnh cấp tính, diễn tiến từ ba-bảy ngày, nên cho bé nghỉ học vì bệnh lây lan nhanh. Khi chăm sóc trẻ sốt siêu vi, cần lưu ý đưa bé nhập viện khi thấy các triệu chứng như lừ đừ, bỏ ăn…

Viêm tiểu phế quản

Tiểu phế quản là những đường hô hấp nhỏ. Khi bị viêm do nhiễm vi rút, tiểu phế quản sẽ sưng phù, tiết dịch, làm bé khó thở, ho, chảy nước mũi kèm sốt. Ban đêm, bé thở khò khè, tiếng rít rõ hơn ban ngày.

Có nhiều nguyên nhân khiến bé nhiễm bệnh như: sống trong môi trường có người bị bệnh cúm, không khí ô nhiễm, ẩm thấp, viêm đường hô hấp trên hoặc không được bú mẹ đầy đủ. Bé dưới một tuổi dễ bị viêm tiểu phế quản, nếu không điều trị tốt, giữ ấm đúng cách, sẽ bị bội nhiễm dẫn đến viêm phổi, tử vong. Vì vậy, việc chăm sóc trẻ rất quan trọng, cần giữ ấm, cho trẻ uống nhiều nước để làm loãng đàm, cho trẻ bú sữa mẹ. Nếu thấy bé ho nhiều, nhất là nửa đêm về sáng, thở khó, nôn trớ, bỏ bú, cần nhập viện ngay.

Viêm mũi họng, viêm họng

Bác sĩ Nguyễn Công Viên - Phòng khám Quốc tế Alain Carpentier TP.HCM (CMI) cho biết: "Trẻ nhỏ (dưới ba tuổi), thường bị viêm mũi họng, triệu chứng: chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ho, có thể kèm sốt. Bệnh viêm mũi họng ở trẻ dưới ba tuổi hầu hết do siêu vi trùng nên ít khi cần sử dụng kháng sinh.

Việc điều trị thường làm giảm nhẹ triệu chứng như nhỏ nước muối sinh lý hoặc xịt các loại nước biển đã được lọc bằng màng siêu lọc để giữ lại các chất khoáng vi lượng. Trẻ lớn hơn (từ ba đến 14 tuổi) mới bị bệnh viêm họng. Trẻ viêm họng kêu đau khi nuốt, ít khi chảy nước mũi, thường kèm sốt cao. Tùy theo loại thuốc, thời gian điều trị sẽ khác nhau, từ ba đến tám ngày". Trường hợp viêm họng nhẹ, không sốt, nên chăm sóc bé bằng cách cho mặc áo giữ ấm vùng cổ, mang vớ. Nếu bé biết súc miệng, cho bé súc bằng nước muối sinh lý và dùng tắc chưng đường phèn, nước tắc ngâm đường, nước cốt cam, quýt…

Bệnh hô hấp ở thai phụ

Thai phụ cũng dễ cảm, ho, viêm họng khi nhiễm lạnh. Trường hợp mẹ viêm mũi, viêm họng cấp và mang thai dưới bảy tháng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. BS Lê Thiện Anh Tuấn - Hội Y học TP.HCM cho biết: "Hiện, đã có thuốc dành cho thai phụ khi bị bệnh cảm, ho, viêm họng. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần có sự theo dõi của bác sĩ".

Riêng bệnh ho, nên điều trị ngay từ khi ho húc hắc, BS Nguyễn Hữu Trung - Phòng khám Eva Hoàng Gia TP.HCM cho biết: "Cần cẩn trọng khi bị ho vào những tháng cuối thai kỳ, vì những cơn ho liên tục, ho dữ dội làm tăng áp lực ổ bụng, gây vỡ ối, sinh sớm. Khi bị ho, thai phụ nên gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân (do siêu vi, dị ứng…)".

Nếu đang mang thai, không được để bệnh trở nặng, ví dụ như từ cảm nhẹ có thể dẫn đến viêm mũi rồi viêm họng cấp. Nên dùng các món ăn bài thuốc dân gian ngay khi cảm thấy ớn lạnh, mỏi mệt; cần giữ ấm cơ thể, dùng các thức ăn ấm nóng như: xúp, cháo với các loại gia vị hành, gừng, tỏi… Ngậm lát nghệ hoặc gừng cũng là cách chữa viêm họng và ho hiệu quả mà người xưa thường sử dụng. Nên uống nước ép trái cây như cam, quýt… để tăng cường kháng thể. Ngâm chân vào nước nóng và tinh dầu khuynh diệp, sau đó mang vớ, ủ ấm cổ trước khi đi ngủ cũng là cách giúp bệnh không trở nặng.

AloBacsi.vn
Theo Cát Tường - Phụ Nữ TP.HCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X