Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh đột quỵ và những con số "biết nói"

Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và chỉ có 10% trong số những người sống sót là có bình phục hoàn toàn.

Tại sao bệnh đột quỵ lại nguy hiểm?

Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và chỉ có 10% trong số những người sống sót là có bình phục hoàn toàn, không bị di chứng và không cần phụ thuộc vào người khác.

Theo số liệu thống kê từ các bệnh viện có khoa thần kinh trên toàn quốc thì 3 năm trở lại đây, số người phải nhập viện điều trị vì đột quỵ tăng lên từ 1,7%-2,5%, trong đó tỉ lệ bệnh nhân nam cao gấp 4 lần nữ giới.

Một điều đáng lo ngại là số bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi trẻ 40-45 cũng đang gia tăng mạnh mẽ, chiếm 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Thậm chí, những người ở độ tuổi 20 hoặc trẻ hơn cũng đang có nguy cơ bị đột quỵ. Con số thống kê cho nhóm đối tượng này khoảng 83.000 người/ năm.

Đột quỵ là tình trạng rối loạn chức năng tuần hoàn não, xuất hiện khi não bị thiếu máu cục bộ. Đây là căn bệnh nguy hiểm này có thể lấy đi tính mạng của người bệnh hoặc để lại những di chứng nặng nề về vận động và thần kinh nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo các chuyên gia về tai biến mạch máu não thì có một khoảng thời gian được coi là khung giờ vàng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, đó là khoảng 3-5 giờ đầu từ khi khởi phát đột quỵ. Trong khoảng thời gian này, người bệnh kịp thời được di chuyển đến bệnh viện và được điều trị với phác đồ tiên tiến thì khả năng phục hồi sẽ rất cao.

Ngược lại, nếu không được cấp cứu trong "giờ vàng", người bệnh có thể sẽ phải chịu nhiều di chứng nặng nề như liệt nửa người, mất khả năng ngôn ngữ, rối loạn tâm thần…

Số người phải nhập viện điều trị vì đột quỵ tăng lên từ 1,7%-2,5%, trong đó tỉ lệ bệnh nhân nam cao gấp 4 lần nữ giới


3 nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Quýnh - Chuyên khoa tim mạch, Phó Giám đốc BVĐK Quốc tế Thu Cúc, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, trong đó phải kể đến các nguyên nhân chính sau:

Thiếu máu não cục bộ: Trường hợp này chiếm 80-85% số ca đột quỵ, thường xảy ra do động mạch não bị hẹp và tắc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường là do có cục máu đông trong tim hoặc mạch máu bị xơ vữa và trôi lên não. Điều này cản trở lưu thông máu cung cấp lên não khiến tế bào não bị thiếu hụt oxy quá mức và bị chết đi. Các tế bào não bị chết sẽ ảnh hưởng đến vùng cơ thể mà nó chi phối, dẫn đến các hiện tượng như rối loạn tri giác, liệt tay chân, liệt mặt, nói ngọng...

Xuất huyết não: Xuất huyết não chiếm 15-20% các cơ đột quỵ não. Đây là trường hợp mạch máu não bị vỡ, kết quả là các chất phóng thích từ hồng cầu vỡ sẽ dẫn đến tổn thương não sau xuất huyết.

Những người bị huyết áp cao đồng thời gặp phải chứng phình động mạch não hay mạch máu não bị dị dạng bẩm sinh thường có nhiều nguy cơ bị đột quỵ do xuất huyết não.

Bị bệnh cao huyết áp:
Người mắc cao huyết áp đặc biệt có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn những người khác. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu, đồng thời là nguyên nhân trực tiếp của những bệnh tim mạch nguy hiểm như: huyết áp cao, động mạch vành, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, suy tim, đột quỵ... Nhóm bệnh nhân bị huyết áp cao thường rơi vào những người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu...

Ngoài 3 nguyên nhân chính nói trên cũng phải kể đến một vài yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ như: tuổi tác và lối sống không lành mạnh. Bên cạnh đó, người cao tuổi có sức khỏe kém dễ bị đột quỵ hơn người trẻ.

Phòng ngừa đột quỵ

Khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ


Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Quýnh, cần chú trọng phòng ngừa đột quỵ từ sớm để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của bệnh bằng cách:

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống lành mạnh tốt cho cơ thể, tim mạch, huyết áp và não bộ sẽ là: không ăn quá nhiều muối, hạn chế thịt sữa, tránh xa thực phẩm chứa nhiều cholesterol, ăn thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước, tránh hút thuốc lá và và rượu bia...

Chế độ vận động phù hợp: Không nên để cơ thể chây ì mà dành thời gian cho tập thể dục thể thao. Việc làm này không những giúp cơ thể khỏe mạnh, lưu thông, tuần hoàn tốt mà còn giảm hẳn stress và các bệnh về tâm lý nên cũng giảm tải áp lực cho não.

Khám sức khỏe định kỳ: Hãy là người chủ động trong cuộc sống bằng cách đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và điều trị các bệnh nguy cơ như tiểu đường, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, tim mạch... để kiểm soát sức khỏe của mình tốt hơn.

Theo VTV

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X