Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh động mạch vành có thể chữa khỏi hẳn không?

Câu hỏi

Chào BS, Em 47 tuổi, đi khám định kỳ thấy có cao huyết áp. BS cho đi điện tim và kết luận bị mạch vành (thiếu máu cục bộ cơ tim). Em không nghe đau ngực kể cả khi leo cầu thang hay chạy thể dục. Sau thời gian điều trị bằng thuốc và chế độ ăn uống, vận động hợp lý thì điện tim lại BS nói đỡ nhiều. Cho em hỏi: Điện tim có cho kết quả chính xác về mạch vành không? Theo một số tài liệu mà em tham khảo thì bệnh mạch vành chỉ không chế để chậm hoặc dừng hẹp chứ không hết hẳn các mảng bám xơ vữa. Như vậy theo BS bệnh mạch vành có khi nào chữa khỏi hẳn không? Khi không đau ngực thì có nên yêu cầu chụp hoặc soi mạch vành bằng các phương pháp khác hay không?

Trả lời
Bệnh động mạch vành. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bệnh động mạch vành. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn Trầm Khang,

Kết quả đo điện tim chỉ gợi ý bạn có khả năng bị bệnh mạch vành hay không chứ không trả lời chính xác là bạn có bị bệnh mạch vành hay không.

Điều trị bệnh động mạch vành do xơ vữa bằng thuốc uống (VD: thuốc nhóm statin,…) nhằm mục đích làm chậm tiến triển của mảng xơ vữa, một số nghiên cứu cho thấy có thể làm giảm kích thước mảng xơ vữa. Ngoài ra, cần phải điều trị các yếu tố nguy cơ khác như: cao huyết áp, tiểu đường, ngưng hút thuốc lá,… thay đổi lối sống cũng là yếu tố rất quan trọng trong điều trị bệnh động mạch vành do xơ vữa.

Khi bạn đã được chẩn đoán bệnh mạch vành, mục tiêu chính của điều trị là giảm thiểu các biến cố tim mạch (nhồi máu cơ tim cấp, ngưng tim, đột tử tim, nhồi máu não,…) xảy ra trong tương lai.

Đau ngực không phải là triệu chứng luôn luôn xuất hiện ở bệnh nhân bệnh động mạch vành, do đó BS chuyên khoa tim mạch chỉ định chụp mạch vành còn phải dựa vào tiêu chuẩn khác (VD: test gắng sức dương tính ở bệnh nhân bệnh động mạch vành mãn hoặc đa số bệnh nhân bị nhồi máu cơ cấp,…).

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Bệnh động mạch vành là bệnh lý động mạch nuôi tế bào cơ tim bị hẹp đi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường do sự tích tụ cholesterol hoặc các mảng xơ vữa lên thành động mạch lâu ngày. Quá trình tích tụ này hay còn được gọi là quá trình xơ vữa động mạch. Theo thời gian, bệnh động mạch vành có thể khiến cơ tim suy yếu, dẫn đến các biến chứng như suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.

Triệu chứng đầu tiên và rõ ràng nhất của bệnh động mạch vành đó là dấu hiệu đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực xuất hiện khi cơ tim không được cung cấp đủ máu giàu oxy. Người bệnh có thể cảm nhận sự chèn ép và áp lực đè nặng lên ngực. Cảm giác chèn ép này có thể lan ra vai, cánh tay trái, cổ và lưng. Cơn đau cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn mỗi khi người bệnh vận động. Những xúc động mạnh về tinh thần hoặc tâm lý cũng có thể dẫn đến cơn đau thắt ngực này.

Ngoài ra, người mắc bệnh động mạch vành còn có thể kèm theo các triệu chứng như khó thở, xuất hiện khi tim phải hoạt động nhiều. Đồng thời ứ đọng tuần hoàn trong phổi, có thể dẫn đến khó thở.

Để hạn chế diễn tiến của bệnh động mạch vành, người bệnh nên duy trì những thói quen sinh hoạt như:

- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bổ dung nhiều trái cây và rau xanh, sử dụng các sản phẩm sữa ít béo, hạn chế dùng các thực phẩm ít chất béo bão hòa hoặc chất béo tổng hợp vào khẩu phần ăn;
- Hạn chế sử dụng muối trong khẩu phần ăn;
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao như đi bộ nhanh ít nhất 30 phút/ngày. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia thể dục để được hướng dẫn những bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn;
- Duy trì cân nặng hợp lí.


ThS.BS.CK2 Lê Minh Tú
Trưởng khoa Hồi sức tim mạch, BV Nhân dân 115


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X