Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh đau mắt đỏ bắt đầu hoành hành: Làm thế nào để phòng tránh?

Theo Bác sĩ Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt Trung ương, mới đầu hè nhưng tỉ lệ bệnh nhân đau mắt đỏ đã gia tăng, khoảng 160 - 200 bệnh nhân tới khám mỗi ngày.

Theo bác sĩ Hoàng Cương, bệnh về mắt gặp nhiều nhất trong mùa nóng. Thời điểm mùa hè, có những ngày bệnh viện mắt tiếp nhận đến 3000 bệnh nhân tới khám, trong khi những ngày thường chỉ khoảng 1000 bệnh nhân. Đặc biệt đầu hè, tỉ lệ bệnh nhân đau mắt đỏ gia tăng, khoảng 160 - 200 bệnh nhân tới khám mỗi ngày.

Do tính chất lây lan mạnh, bệnh dễ xảy ra ở cả gia đình. “Một cái dụi mắt của người bệnh rồi cầm, nắm các vật dụng sinh hoạt chung như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, ga đệm… có thể mang vi rút ra ngoài. Người chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với vi rút từ các vật dụng sinh hoạt này, đưa tay lên mũi, mắt là có thể bị nhiễm bệnh", bác sĩ Hoàng Cương cảnh báo.

Theo các bác sĩ, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.

Đau mắt đỏ thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Ảnh minh họa

Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch, nhất là trong thời điểm nghỉ lễ 30/4và 1/5 tập trung đông người như hiện nay. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt trong thời gian gần đây nắng nóng kéo dài, tại một số địa phương xuất hiện bệnh đau mắt đỏ, để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.

Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người đau mắt đỏ.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.

Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/ nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Theo Hòa Lê - VietQ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X