Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ viêm xương khớp, loãng xương

Mối liên kết giữa giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh đái tháo đường type 2 có thể là kết quả của tình trạng viêm mạn tính, hoặc kết quả của việc điều trị steroid.

Theo nghiên cứu mới trong Hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Đái tháo đường châu Âu (EASD) đầu tháng 10/2018, người bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và loãng xương.

Người bệnh đái tháo đường nên cẩn thận với các bệnh xương khớp gây đau đớn
Người bệnh đái tháo đường nên cẩn thận với các bệnh xương khớp gây đau đớn

Stig Molsted, tác giả nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Nordsjaellands (Đan Mạch) và các đồng nghiệp đã tiến hành khảo sát hồ sơ sức khỏe của 109.200 người Đan Mạch trên 40 tuổi. Trong số đó, có khoảng 9.238 người (tương đương khoảng 8,5%) mắc bệnh đái tháo đường type 2.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, so với những người bình thường, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn 70%; Nguy cơ viêm xương khớp cao hơn 33% và nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn 29%.

Tại sao bệnh đái tháo đường lại dẫn đến đau cơ xương khớp?

Kiểm soát đường huyết kém có thể làm tăng nguy cơ viêm xương khớp
Kiểm soát đường huyết kém có thể làm tăng nguy cơ viêm xương khớp

Gerald Bernstein, bác sỹ tại Bệnh viện Lenox Hill (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu cho biết: “Việc không kiểm soát được bệnh đái tháo đường với nồng độ đường huyết cao có thể gây ra nhiều tác động xấu tới cơ thể, đặc biệt có thể khiến các tế bào bị lão hóa sớm. Viêm xương khớp là một căn bệnh do thoái hóa, do đó không quá ngạc nhiên nếu bệnh đái tháo đường không kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ bị viêm xương khớp”.

Stig Molsted và các tác giả nghiên cứu cũng lưu ý rằng, mối liên kết giữa giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh đái tháo đường type 2 có thể là kết quả của tình trạng viêm mạn tính, hoặc kết quả của việc điều trị steroid.

Hoạt động thể chất có giúp giảm đau xương khớp cho người bệnh đái tháo đường?

Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh rằng, việc thường xuyên tập thể dục rất có lợi cho những người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Cụ thể, thường xuyên vận động có thể giúp giảm nguy cơ đau lưng, đau vai hoặc đau cổ cho người bệnh. “Đối với người bệnh đái tháo đường, việc tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp kiểm soát đường huyết, mà còn giúp giảm các cơn đau cơ xương khớp”, tác giả Stig Molsted cho biết.

Các tác giả cũng nói thêm rằng: “Trong trường hợp người bệnh đái tháo đường bị thấp khớp, gây khó khăn trong việc di chuyển, người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sỹ để sử dụng một số loại thuốc giảm đau, giúp việc vận động và tập luyện trở nên dễ dàng hơn. Những tác động tích cực của việc tập luyện có thể vượt xa tác dụng phụ của các loại thuốc giảm đau, thuốc điều trị bệnh”.

Người bệnh đái tháo đường có thể bắt đầu với một số bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội. Sau một thời gian tập luyện, khi cơn đau xương khớp đã bắt đầu thuyên giảm, người bệnh có thể thử thực hiện một vài bài tập khác với cường độ mạnh hơn.

Theo Everydayhealth/Healthplus

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X