Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh dại, những điều cần biết và cách phòng tránh, điều trị

Một khi người bị chó cắn đã lên cơn dại thì không thể cứu được, vì tới thời điểm hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị. Tỷ lệ tử vong do bệnh dại là 100%.

Số người bị chó cắn phải chích ngừa tại 23 tỉnh thành phía Nam 5 tháng đầu năm 2016 là 100.906 ca. Tuy có giảm 1,3% so cùng kỳ năm 2015 (102.239 ca), nhưng tính ra bình quân mỗi ngày có 673 người phải đi chích ngừa vì bị chó cắn.

Những cú đớp bất ngờ

Đặc tính trung thành của loài chó khiến hầu hết người nuôi đều xem chúng như người thân trong nhà. Do vậy, họ hết sức bất ngờ khi bị chó cắn.

Tuần qua, chị Hải Ngọc, 35 tuổi, về nhà thăm bố mẹ ở Củ Chi (TPHCM). Vừa xuống xe thì chị bị chó hàng xóm xồ tới táp vào cổ tay. Những tưởng nhẹ, ai dè sau khi rửa sạch vết thương, thấy lòi cả gân tay, chị vội đến Viện Pasteur khám và chích ngừa.

15-10-12_unnmedDấu răng chó cắn tay chị Hải Ngọc, nhìn tưởng nhẹ nhưng lòi gân phải chích đủ 5 mũi vắc xin và 2 mũi huyết thanh

Vừa bước vào phòng chích ngừa, Hải Ngọc ngạc nhiên khi biết, mình là người thứ 93 bị chó cắn cần chích ngừa trong buổi sáng hôm nay. Phần lớn các ca bị chó cắn là trẻ em khi chơiđùavới chó nhà. Nhiều ca chó cắn chỉ vì bất ngờ xoa đầu chúng.

BS Phan Công Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch (Bệnh tại Viện Pasteur) cho biết, trong 3 năm gần đây, cứ vào tháng 3 số người bị chó cắn phải tiêm ngừa cao nhất. Các quốc gia khác trong khu vực thì cao điểm từ tháng 3 đến tháng 8.

Đã phát bệnh là tử vong

5 tháng đầu năm 2016 cả khu vực phía Nam ghi nhận 2 ca tử vong do dại (một ca tháng 2 và một ca ở tháng 4), giảm 2 ca so với cùng kỳ 2015. Nguyên nhân tử vong đều do không tiêm vắc xin sau khi bị chó cắn, thậm chí một ca chữa bằng thuốc Nam.

Các trường hợp tử vong do bệnh dại hầu hết do không đi tiêm vắc xin/huyết thanh kháng dại. Nguyên nhân chủ yếu là do không hiểu biết đúng về bệnh dại nên chủ quan cho rằng chó nhà nuôi, khi cắn chó bình thường, vết thương nhẹ, chỉ trầy xước da… chắc không sao.

Một số người còn đi lấy nọc, chữa bằng thuốc nam, hoặc đi tiêm vắc xin trễ. Bệnh dại là do virus, không phải “nọc”, vì vậy việc đi lấy nọc hay chữa bằng thuốc nam, thuốc gia truyền chỉ làm mất thêm thời gian “vàng”, thay cho việc đi tiêm vắc xin/huyết thanh dại càng sớm càng tốt.

Một khi người bị chó cắn đã lên cơn dại thì không thể cứu được, vì tới thời điểm hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị. Tỷ lệ tử vong do bệnh dại là 100%.

Tiêm phòng ở đâu?

Không có vắc xin nào đảm bảo hiệu quả 100% khi tiêm chủng, vì vậy khi chó cắn, cào thì sau khi rửa sạch vết thương trong nước với xà bông 15 phút, cần đi tiêm chủng vắc xin/huyết thanh kháng dại ngay.

Theo dõi chó trong vòng 10 ngày sau khi cắn. Nếu sau 10 ngày con chó vẫn khỏe mạnh thì người bị cắn có thể ngưng tiêm các mũi tiêm vắc xin tiếp theo (ít nhất tiêm 3 mũi vào các ngày 0 - 3 - 7).

Ngoài Viện Pasteur TPHCM và BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, các điểm chích ngừa bệnh dại đã được triển khai tại các trung tâm y tế dự phòng cấp huyện.

Vắc xin phòng dại trên người được chứng minh là an toàn, hiệu quả và được sử dụng rộng rãi trên cả nước. Vắc xin không có chống chỉ định tiêm cho bất cứ ai, kể cả phụ nữ mang thai/cho con bú, do tính chất nguy hiểm của bệnh.

Tại sao phải theo dõi con vật?

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính (Encephalomyelitis) do vi rút dại. Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm.

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Chính vì vậy khi bị động vật cắn, cào cần đi tiêm chủng ngay, không phân biệt động vật bị dại, hay không dại khi cắn, cào. Đồng thời theo dõi động vật và báo với bác sỹ khi con vật bị chết, mất tích hoặc không theo dõi được.

Trong trường hợp vết chó cắn nhẹ, không cần chích ngừa cũng phải lưu ý con vật, nếu nó bỗng hung dữ hoặc lả liệt đi. Nhất là những cán bộ thú ý, người giết mổ động vật như chó, mèo… càng cần chú ý tiêm phòng bệnh dại.

Theo Lâm Thụy - Nông nghiệp Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X