Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh Alzheimer có di truyền không, AloBacsi?

BS Tố Uyên tư vấn: điều trị bướu giáp đơn nhân lành tính, khạc đàm mạn tính, bệnh Alzheimer có di truyền không, xét nghiệm HIV, rối loạn đi tiêu, dùng tảo Spirulina sau khi điều trị ung thư tuyến giáp…

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - BV Thống Nhất

Nội dung tư vấn của BS Tố Uyên với bạn đọc AloBacsi

- Nam Phạm - mong…@gmail.com (hỏi tiếp)

Câu trước: Viêm tiết niệu là nguyên gây tiểu khó phải không BS?

Cám ơn BS đã tư vấn và em xin bổ sung thêm thông tin vừa thiếu như sau:

Em bị như thế kể từ khi bị táo bón và đi kèm khó tiểu. Để phân cứng trong mấy tiếng liền đi kèm với đau bụng, đầy hơi. Đã uống nước không được và kết quả bị mắc tiểu mãi không tiểu được, phải lên bệnh viện, rất may trong vệ sinh có bồn cầu xổm và ra ngoài rồi đi kèm tiểu ra luôn.

Xét nghiệm xquang ở bụng thấy chỉ đầy hơi và đại tràng gì đó, ngoài ra nước tiểu và máu đều bình thường. BS kết luận em bị táo bón và cho thuốc xịt hậu môn để làm phân mền trường hợp bị lần nữa.

Dù đã ra ngoài được nhưng em vẫn khó chịu ở bụng và ăn uống không ngon và khó ngủ vì bụng, đi ngoài khó. Phải mất một tuần mới đỡ, tuy nhiên sinh hoạt không được như cũ, đó là cứ mỗi ngày sáng ngủ dậy là đi ngoài 1,2 lần và đi ngoài xong cũng không thoải mái vì vẫn còn phân.

Cảm giác phân vẫn còn ở trong ruột như đi chuyển chậm vậy nên em phải đợi trong khi ăn sáng rồi mới đi ngoài lần 2 và mới chịu hết phân.

Phân đi ngoài lần 1 thì như con rắn, mịn và mềm mại, hay dính với nhau. Còn lần 2, 3 sau khi ăn sáng thì phân có những nùi mềm, lỏng. Khi phân rơi vào bồn cầu là nó tan ra và có chất như bọt ở trong phân. Sau khi đi ngoài xong là đi kèm tiểu ra luôn và sinh hoạt thì bình thường nhưng lại bị tiểu nhiều luôn.

Đó 2 triệu chứng của em. Thuốc em dùng là Alpha Choay và Ciprobay 500, dùng 8 ngày nhưng không đỡ.

Hiện em đang thắc mắc liệu có phải do táo bón gây tiểu nhiều không? Hay đó có phải do bị co thắt bàng quang không?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Về vấn đề rối loạn đi tiêu của em, bác sĩ thấy cần phải đến khám chuyên khoa tiêu hoá để làm thêm một số xét nghiệm, chẩn đoán có bất thường nào khác gây ra triệu chứng trên hay không.

Thông thường nếu bị táo bón thì khi đi ra ngoài được khối phân cứng sẽ dẫn đến một vài đợt đi tiêu phân mềm hoặc lỏng sau đó, là dấu hiệu bình thường; nhưng cần tìm nguyên nhân táo bón mà điều chỉnh nếu đã xảy ra kéo dài lâu nay, có thể gợi ý một bệnh lý của đại trực tràng chưa được phát hiện.

Ngoài ra, việc đi tiêu kết hợp với tiểu tiện là hết sức bình thường. Nếu cảm thấy trong ngày đi tiểu quá nhiều thì em nên dùng bình để giữ lại tất cả lượng nước tiểu trong ngày, và báo cho bác sĩ biết thể tích trong 24h là bao nhiêu, đối chiếu với lượng nước đã uống vào xem có phù hợp hay chưa.

Như đã tư vấn cho em ở lần trước, tiểu nhiều lần có thể do rất nhiều nguyên nhân; bàng quan thần kinh chỉ nên được chẩn đoán khi đã loại trừ các bệnh lý thực thể ở đường tiết niệu. Nên em cần tái khám chuyên khoa để đánh giá cẩn thận lần nữa, em nhé! Thân mến.


- Kim Ngân - hothi…@gmail.com

Con chào BS,

Con 24 tuổi, điều trị K giáp đã 6 năm, cao 1m50, nặng 33kg, cơ thể gầy yếu. Con có thấy sản phẩm tảo Spirulina, vậy con có thể sử dụng để nâng cao thể trạng không ạ? Con cảm ơn BS.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Kim Ngân thân mến,

Tảo Spirulina cho giá trị dinh dưỡng lớn, các dưỡng chất này rất tốt cho hệ miễn dịch của cơ thể. Hàm lượng protein trong Spirulina thuộc vào loại cao nhất trong các thực phẩm hiện nay, thành phần vitamin và khoáng chất cũng rất phong phú, phần lớn chất béo trong Spirulina là axít béo không no… Tổ chức Y tế Thế giới công nhận tảo Spirulina là thực phẩm bảo vệ sức khỏe tốt của loài người trong thế kỷ 21.

Tảo spirulina không có chống chỉ định cho các trường hợp K giáp đã điều trị khỏi, nên bạn có thể yên tâm sử dụng.

Tuy nhiên bạn cần lựa chọn nhà cung cấp có uy tín để đảm bảo chất lượng của nguồn hàng. Ngoài ra, bạn cũng nên tái khám định kỳ để theo dõi chức năng tuyến giáp để bác sĩ điều chỉnh lại các thuốc đang sử dụng cho phù hợp. Trân trọng.


- Bạn đọc Thuy - thuy…..@gmail.com

Em xin chào các BS của AloBacsi ạ,

Em 30 tuổi, cách đây vài năm em hay bị có đờm trong cổ họng, thường là đờm trắng trong, nhớt. Nếu bị cảm cúm thì có đờm màu xanh. Hầu như sáng nào dậy em cũng phải khạc nhổ, và trong ngày cũng có thỉnh thoảng khạc nhổ ạ.

Hiện tượng như vậy có nguy hiểm không thưa BS? Và em có khả năng mắc bệnh gì ạ? Em phải đi khám ở đâu ạ? Mong BS trả lời giúp em. Em cảm ơn BS rất nhiều ạ

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Khạc đàm mạn tính có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm mạn tính ở bất kỳ vị trí nào trên đường hô hấp, có thể từ vùng mũi xoang xuống, do viêm họng mạn, viêm phế quản mạn…

Nếu tình trạng khạc đàm mạn tính xảy ra từ vài năm nay, không ảnh hưởng đến tổng trạng chung, các hoạt động sinh hoạt và gắng sức vẫn thực hiện tốt thì thường không gây nguy hiểm.

Tuy nhiên, bạn cũng nên tới khám chuyên khoa Tai mũi họng để tầm soát nguyên nhân và điều trị. Trong trường hợp BS Tai mũi họng xác định không phải do bệnh lý của chuyên khoa này thì nên khám thêm BS Hô hấp. Thân mến.


- T. V. Nam - namt…@gmail.com

Chào AloBacsi,

Cách đây 2 tháng cháu có được BS ở Viện Phổi Trung ương chẩn đoán là Lao AFB(-). Hiện tại cháu đang theo chương trình chống lao quốc gia và đã dùng 2 tháng thuốc tấn công.

Thứ 2 vừa rồi cháu có đến Viện Lao phổi Trung ương để chụp Xquang lại và BS bảo vẫn còn lấm tấm ở phổi. BS bảo cháu bỏ thuốc đang sử dụng và chuyển sang dùng thuốc Đức.

AloBacsi cho cháu hỏi: cháu nên theo thuốc Đức hay tiếp tục sử dụng thuốc chương trình chống lao ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Nam thân mến,

Thuốc của chương trình chống lao dù không phải là hàng hiệu nhưng chất lượng vẫn phải đảm bảo thì mới được chỉ định cho bệnh lao.

Việc chuyển qua sử dụng thuốc của Đức theo tôi hiểu là cũng chỉ khác nhau về nguồn gốc chứ không phải thay đổi phác đồ, và cũng chưa thể chứng minh được thuốc của Đức tốt hơn thuốc của Việt Nam sản xuất. Thân mến.


- N. H. - anhch…yahoo.com

BS cho em hỏi,

Em có quan hệ với gái mại dâm có sử dụng bao cao su, lúc quan hệ bao cao su không rách, không tuột, nhưng em vẫn thấy lo lắng (5 ngày từ lúc quan hệ).

Vậy em muốn xét nghiệm mình có bị nhiễm HIV thì sau 7 ngày có xét nghiệm chính xác không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Các xét nghiệm để tầm soát và chẩn đoán HIV hiện nay có độ chính xác khá cao, nhưng không có loại xét nghiệm nào có thể chẩn đoán được ngay lúc mới nhiễm. Thời gian để test dương tính phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại xét nghiệm, cơ địa từng người…

Hiện nay có 3 phương pháp tầm soát HIV là test phát hiện nhiễm sắc thể của virus, tìm kháng thể trong máu và test kháng nguyên - kháng thể.

Để tầm soát ban đầu có thể sử dụng test kháng thể hoặc test kháng nguyên - kháng thể. Trường hợp các test này dương tính không có nghĩa là khẳng định bị nhiễm HIV mà cần gửi đến một trung tâm đáng tin cậy về chẩn đoán HIV (như BV Bệnh nhiệt đới, Pasteur…) để làm xét nghiệm khẳng định chính xác có bệnh hay không.

Thời gian khuyến cáo để thực hiện xét nghiệm loại trừ nhiễm HIV là 3 tháng kể từ ngày có hành vi nguy cơ cuối cùng. Nếu kết quả âm tính vào thời gian này thì có thể kết luận một người không bị nhiễm HIV.

Do đó tại thời điểm này xét nghiệm sẽ không thể cho kết quả chính xác nên bạn cần phải chờ đợi thêm, bạn nhé! Thân mến.


- M. A. - nguyen…@gmail.com

Chào BS,

Cách đây khoảng gần một tháng, vùng kín của em nổi mụn thành một dải phía trong môi lớn, không gây ngứa, đau, hay có mủ gì cả, sờ vào thấy sần sùi.

Sau đó mấy ngày em đến kỳ kinh thì bắt đầu thấy ngứa, ban đầu ngứa vừa phải, khi kỳ kinh kết thúc thì thấy ngứa dữ dội, mụn nhiều hơn nhưng vẫn không thấy có mủ.

Em đi Viện Da liễu Trung ương khám, đăng ký khám dịch vụ phòng khám phó giáo sư. BS chỉ nhìn và dùng miếng gỗ gạt vào kiểm tra bảo em bị sùi mào gà nhưng cấu trúc lại không giống sùi, chỉ định cho em đi xét nghiệm máu, kết quả HIV, giang mai, HBSAg đều âm tính.

Xét nghiệm nuôi cấy STIs có kết quả là cấy dịch niệu đạo, âm đạo âu 72 h là âm tính, nhuộm sô vi khuẩn lậu (không có vi khuẩn lậu), nhuộm sô chỉ số bạch cầu (>5/ vi trường ), tìm vi khuẩn âm đạo (không thấy tế bào Clue), soi tươi trùng tìm trùng roi âm đạo (không thấy trùng roi), soi tươi tìm nấm âm đạo (có nấm), test nhanh chuẩn đoán Chlamydia trachomatis (âm tính ), không thấy có kết quả của sùi mào gà.

Em mang kết quả vào hỏi BS là em có bị sùi mào gà không thì BS bảo em là đã chẩn đoán là em bị sùi mào gà và bị nấm, viêm âm đạo bán cấp và mạn. Và không hề giải thích thêm về sùi mào gà cho em. Chỉ nói là em cần điều trị nấm trước rồi kê đơn thuốc trị nấm và hẹn sau 12 ngày đến đốt sùi.

Khi về nhà em dùng thuốc theo đơn của BS thì đã thấy hết ngứa, rát và những nốt mụn vẫn còn nhưng có dấu hiệu giảm.

Vậy BS cho em hỏi là với kết quả xét nghiệm ở Viện Da liễu Trung ương có đúng là em bị sùi mào gà không, và cách khám điều trị của BS ở đó là đúng chưa?

Em vẫn thắc mắc là nếu em bị sùi thì kết quả xét nghiệm phải có ghi âm hay dương tính với HPV và thuộc tuýp nào đúng không ạ? Mà kết quả xét nghiệm dịch 4 ngày sau em mới được lấy. Mong BS tư vấn giúp em. Em đang rất lo lắng ạ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Sùi mào gà được chẩn đoán chủ yếu dựa trên hình ảnh sang thương trên lâm sàng, đa số các bác sĩ có kinh nghiệm thường đưa ra chẩn đoán khá chính xác về bệnh.

Với kỹ thuật PCR cho phép nhận biết chính xác có nhiễm HPV hay không, ngoài ra phương pháp này còn chỉ ra người bệnh đang nhiễm HPV type nào, nguy cơ cao hay thấp, có khả năng dẫn tới ung thư hay không.

Tuy nhiên cũng có một số trường hợp có sang thương sùi mào gà nhưng xét nghiệm máu tìm HPV âm tính. Khi đó, chẩn đoán sẽ dựa trên kinh nghiệm và nhận định của bác sĩ trực tiếp thăm khám và điều trị, em nhé!


- Thanh Mai - hoanghu…@gmai.com

Thưa BS,

Em bị bệnh viêm gan siêu vi B 8 năm rồi, em có đi kiểm tra thường xuyên, lần cuối cùng là vào tháng 6/2017 men gan ở mức bình thường.

Hiện giờ em đi kiểm tra có kết quả: men gan tăng cao, chỉ số ALT376, định lượng creatinin 75, định lượng glucose máu 5.2, đo hoạt độ AST 123, định lượng urê máu 4.1, định lượng ALBumin 42, định lượng protein toàn phần 71, định lượng Bilirubin 5.2, định lượng Blirubin toàn phần máu 9.4, TN-HbeAg âm tính.

Vậy kết quả xét nghiệm như vậy em có phải điều trị thuốc kháng vi rút không? Em muốn điều trị giảm men gan, rồi mang thai.

Hiện giờ vợ chồng em chuẩn bị muốn có con, BS cho em hỏi liệu em có thai trong tình trạng sức khỏe như thế này được không? Có thuốc nào để phòng tránh lây nhiễm viêm gan cho thai nhi không?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Thanh Mai thân mến,

Trường hợp này em nên tới bệnh viện có chuyên khoa tiêu hoá gan mật để bác sĩ định lượng thêm nồng độ virus trong máu nhằm xem xét chỉ định sử dụng thuốc kháng virus.

Đối với các trường hợp viêm gan siêu vi B ở phụ nữ mang thai có thể phòng ngừa lây lan cho em bé bằng cách sử dụng thuốc kháng virus trong 3 tháng cuối thai kỳ kèm tiêm huyết thanh phòng ngừa thụ động và vaccine cho bé ngay sau sinh.

Tuy nhiên, hiện tại men gan đang cao, chưa rõ có tình trạng suy gan - viêm gan cấp hay không (các xét nghiệm em cung cấp không có đơn vị nên chưa thể xác định là bình thường hay bất thường). Do đó, em cần tới bệnh viện để khám càng sớm càng tốt để được tư vấn trực tiếp tuỳ vào kết quả xét nghiệm. Trân trọng.


- Tuan Le - tuanthi…@gmail.com

Chào BS,

Tôi bị bướu giáp đơn nhân lành tính, cụ thể là bướu giáp thùy phải/tuyến giáp thùy phải to (tuyến giáp thùy phải có kích thước: #60x32x30, trong đó, có thương tổn giảm đậm độ không đồng nhất, kích thước: 40x30x25 (do kết luận từ chụp CT có tiêm thuốc cản quang).

Và kết quả chẩn đoán tế bào học: Tế bào học tuyến giáp theo BETHESDA nhóm IV: U túi tuyến (Follicular Neoplasm).

Kính nhờ BS tư vấn:

1. Bệnh của tôi có nguy hiểm không?

2. Ở BV Đại học Y dược TPHCM có điều trị bệnh này không? Nếu có thì phương pháp điều trị: mổ hở, mổ nội soi hay điều trị bằng sóng cao tần (RFA)?

3. Bệnh của tôi thì nên dùng phương pháp điều trị nào tốt nhất?

Xin thành thật cảm ơn!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn Tuấn,

Theo phân loại tế bào học tuyến giáp BETHESDA nhóm IV là tân tạo dạng nang hoặc nghi ngờ tân tạo dạng nang, nghĩa là hiện tại chưa tìm thấy tổn thương dạng ác tính, nhưng khoảng 15-30% các trường hợp này sẽ tiến triển đến ung thư.

Khuyến cáo điều trị đối với trường hợp không có các đặc điểm nguy cơ ác tính cao trên siêu âm là theo dõi và lặp lại FNA hoặc có thể phẫu thuật để sinh thiết. Nếu siêu âm có đặc điểm nghi ngờ ác tính cao kèm tăng dần kích thước nhân giáp, thì chỉ định phẫu thuật là bắt buộc.

Điều trị bằng sóng cao tần chỉ phù hợp cho nhân giáp lành tính và lựa chọn kỹ thuật mổ nội soi hay mổ hở còn phụ thuộc vào tay nghề và kỹ thuật của bác sĩ thực hiện.

Hiện tại BV ĐH Y Dược TPHCM có thể điều trị được nhân giáp của bạn, xét nghiệm giải phẫu bệnh có kết quả đáng tin cậy. Bước tiếp cận điều trị tiếp theo sẽ dựa trên kết quả siêu âm và kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật, bạn nhé!


- Lee Joong - bichvu…@gmail.com

Thưa BS, em đang thực sự lo lắng ạ, mong được BS giải đáp giúp em,

BS có thể cho em biết những kiến thức cơ bản về bệnh Alzheimer không ạ? Bệnh này có di truyền hay không? Gia đình em có ông bà ngoại đều mắc căn bệnh này ạ.

Em xin cảm ơn rất nhiều và mong được BS giải đáp ạ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bệnh Alzheimer’s là một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi. Bệnh chiếm khoảng 60% đến 80% trong những nguyên nhân làm suy giảm trí nhớ. Diễn tiến sẽ trầm trọng hơn theo thời gian và cuối cùng gây tử vong.

Mặc dù các triệu chứng có thể rất khác nhau, nhưng vấn đề đầu tiên mà nhiều người nhận thấy là tính hay quên, có thể nghiêm trọng đến nỗi ảnh hưởng đếncác sinh hoạt thông thường hằng ngày như lú lẫn, đi lạc ở những nơi quen thuộc, để đồ đạc không đúng chỗ và gặp khó khăn khi nói và viết.

Dù các nhà khoa học đã biết rằng bệnh Alzheimer’s liên quan đến sự tổn thương không ngừng của tế bào não, thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn còn chưa được làm rõ. Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

- Tuổi cao trên 65 và đặc biệt là trên 85

- Tiền sử gia đình mắc bệnh, có thể có tính chất di truyền:những người có bố/mẹ hoặc anh/chị/em mắc bệnh Alzheimer’s sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn. Nhưng bạn không nên quá lo lắng vì các gen gây bệnh chỉ được tìm thấy trong vài trăm gia đình trên toàn thế giới và giải thích cho chưa đến 5% tổng số các trường hợp bệnh Alzheimer’s.

- Chấn thương đầu, đặc biệt là khi chấn thương xảy ra nhiều lần hoặc dẫn đến bất tỉnh.

- Bệnh lý tim mạch làm suy giảm lượng máu nuôi não như: cao huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và cholesterol cao.

- Sự lão hoá nhanh có thể gia tăng khi hút thuốc lá hoặc uống nhiều rượu bia.

Bệnh hiện không có phương pháp điều trị, do đó việc phòng ngừa là quan trọng nhất. Các hoạt động học tập, sinh hoạt gần gũi với cộng đồng và tích cực rèn luyện cơ thể, trí óc là những yếu tố làm chậm tiến triển của bệnh. Thân mến!


- Trần An - an…@konica...com

Chào BS,

Tôi bị mỏi cổ bên phải đã lâu, thường xuyên muốn vặn cổ để bớt mỏi (gây tiếng kêu răng rắc trong xương). Những lúc bị cảm hoặc say rượu bia thì cảm giác mỏi tăng mạnh hoặc gây đau kèm nhức nửa đầu bên phải.

Thời gian gần đây tôi bị sụp mi phải, sáng ngủ dậy đã sụp, tập trung nhìn một lúc thì đỡ hơn nhưng cảm giác nặng mi vẫn còn, nếu để mắt thư giãn thì mi trở về trạng thái sụp.

Đi khám Bệnh Viện Mắt chưa tìm ra nguyên nhân, dùng thuốc nhược cơ không đáp ứng. Các BS khuyên tôi nên theo dõi tiếp hoặc khám thêm nội thần kinh.

Tôi xin hỏi triệu chứng của tôi có thể là do bệnh lý gì, cần khám chuyên khoa nào và ở đâu? Cảm ơn BS rất nhiều vì đã dành thời gian!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Cảm giác đau mỏi cơ là triệu chứng rất thường gặp khi bị cảm cúm, nhiễm siêu vi, say rượu… có thể gặp ở bất kỳ người nào.

Bạn nên biết tự mình bẻ khớp cổ có thể gây hậu quả nghiêm trọng ngoài ý muốn, thông thường sẽ gây tổn thương lên hệ thống cơ xương, và diện khớp giữa các đốt sống, lâu dần gây ra thương tổn mạn tính khó hồi phục; nguy hiểm hơn có thể tạo ra một vết rách nhỏ trên vách động mạch đốt sống, là một nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ.

Về triệu chứng sụp mi, bạn nên tới khám trực tiếp tại chuyên khoa Nội thần kinh để xác định xem tổn thương nằm ở cơ nâng mi, thần kinh sọ số III hay tại não bộ, bạn nhé! Thân mến.


- T. T. - than…@gmail.com

Chào BS,

Em có sử dụng ma túy đá 1 lần khoảng 6-7 hơi. Em cũng đã tìm hiểu về triệu chứng của nó, vậy BS cho em biết khi nào cơ thể mình mới trở về bình thường như lúc chưa sử dụng ma túy đá ạ? Các triệu chứng phụ có hết không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Ma túy đá là tên gọi chỉ chung cho các loại ma túy tổng hợp có chứa chất methamphetamine và amphethamine.

Khi mới sử dụng ma túy đá, người chơi cảm thấy khỏe khoắn, hưng phấn, tăng khả năng giao tiếp... Tuy nhiên, khi sử dụng lâu dài thì sẽ dẫn đến rất nhiều tác hại như mất ngủ, suy nhược thần kinh, mặt bơ phờ, ngơ ngáo, mất tập trung, nên người ta hay gọi là ngáo đá; rối loạn cảm xúc, hay cáu gắt, dễ nổi nóng, bị ảo giác, ảo thanh, có thể gây nguy hiểm cho người xung quanh hoặc tự hủy hoại bản thân mình.

Sau một thời gian sử dụng sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm, biểu hiện là mệt mỏi, không muốn giao tiếp...

Ma túy đá có thể tồn tại trong cơ thể khoảng 72 giờ. Một số loại không được thuần khiết có thể lên tới 10 ngày hay 2 tuần. Do đó, triệu chứng từ lần đầu sử dụng có thể kết thúc sớm. Nhưng càng sử dụng nhiều lần thì tác dụng phụ và ảnh hưởng lên não bộ sẽ càng nặng nề, đôi khi không thể hồi phục nếu không được điều trị tại bệnh viện chuyên khoa Tâm thần kinh. Thân mến!


- Quang Bắc - traqu…@gmai.com

Chào BS,

Chỉ số Creatinin 112.5, Pro trong nước tiểu 100. Thường xuyên đi tiểu, ban đêm đi tiểu 1-2 lần. Vậy cho em hỏi đây có phải là bệnh suy thận và là suy thận giai đoạn 1?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Quang Bắc thân mến,

Kết quả xét nghiệm creatinine có thể dùng để ước đoán độ lọc cầu thận nhưng còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, chiều cao, cân nặng, giới tính.

Để đảm bảo xét nghiệm creatinine, protein trong tổng phân tích nước tiểu chính xác thì cơ thể phải ở trong trạng thái cân bằng, không có sốt, nhiễm trùng, không vận động mạnh ngày hôm trước… Đặc biệt với người có khối lượng cơ cao thì creatine trong máu có thể tăng cao hơn 1 chút.

Do đó nếu em là nam, trẻ tuổi, cơ thể khoẻ mạnh, lực lưỡng thì đây là chỉ số creatinine bình thường, không suy thận. Em chỉ cần tái khám chuyên khoa niệu để kiểm tra lại chỉ số đạm niệu trên có chính xác hay không và cung cấp thêm một số thông tin về bệnh sử cho bác sĩ để tìm nguyên nhân tiểu đêm, em nhé!

Trân trọng.

Cổng thông tin sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X