Hotline 24/7
08983-08983

Bé trai sốc sau tiêm Quinvaxem tại BV Từ Dũ đã qua cơn nguy kịch

Bé trai 2 tháng tuổi tiêm vắc xin Quinvaxem tại BV Tữ Dũ bị sốc phản vệ đã qua cơn nguy kịch, và có thể bú được sữa.

Trẻ đang điều trị tại khoa hồi sức chống độc, BV Nhi đồng 1, TP.HCM - Ảnh TL


Tuy nhiên, sức khỏe của bé vẫn còn yếu, các bác sĩ khoa hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi đồng 1, TP.HCM vẫn đang tiếp tục theo dõi.

Chiều  6/9, BV Nhi đồng 1,TP.HCM cho biết, bé trai Dương Minh Triết (2 tháng tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) được chuyển đến khoa hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện vào ngày 1.9 trong tình trạng nguy kịch, người tím tái, tim đập nhanh (220lần/ phút), chi mát, vàng da, gồng người, da nổi bông, khó thở…

Theo người nhà của bé Triết, sáng 1/9, gia đình đưa cháu đến BV Từ Dũ để tiêm Quinvaxem. Sau khi đợi 30 phút không có biểu hiện gì, các bác sĩ tiếp tục cho bé uống  vắc xin bại liệt và vắc xin Rota. Sau đó đợi 30 phút nữa mới đưa cháu về nhà.

Đến 11 giờ cùng ngày bé được cho bú sữa, nhưng khoảng 1 tiếng sau bé khóc thét, ọc sữa , tím tái… gia đình lập tức đưa cháu trở lại  BV Từ Dũ.

Tại đây, các bác sĩ nghi cháu bị ọc sữa và có thể bị phản ứng sau tiêm nên đã cho thở ô xy, và điều trị theo hướng sốc phản vệ  rồi chuyển đến BV Nhi đồng 1.

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi đồng 1, TP.HCM, bé được điều trị dựa trên chẩn đoán sốc phản vệ sau tiêm ngừa (để phân biệt với sốc nhiễm trùng), viêm phổi hít do sặc sữa và nhiễm trùng đường huyết.

Do đó ngay sau khi chuyển đến, bé đã được các bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản, tìm tĩnh mạch trung tâm để đo áp lực tĩnh mạch trung tâm, tạo cơ sở  điều trị  chống sốc, theo dõi chỉ số tứ máu….

Đồng thời cho tiêm bắp thuốc Adrenalin để chống sốc, tiêm thuốc kháng dị ứng, truyền kháng sinh chống nhiễm trùng…

Dù hiện nay sức khỏe của bé đã qua cơn nguy kịch, nhưng các bác sĩ vẫn tiếp tục truyền kháng sinh nhiễm trùng đường huyết.

BS Tiến cho biết, trong một vài ngày nữa, nếu xét nghiệm máu bình thường thì sẽ cho ngưng sử dụng kháng sinh chống nhiễm trùng huyết. Tuy nhiên, việc bé sốc nặng như thế nguy cơ để lại di chứng về não là rất lớn.

Cũng theo BS Tiến, nguyên nhân dẫn đến bé trai này bị sốc phản vệ sau khi tiêm Quinvaxem là do cơ địa yếu. Tỷ lệ  trẻ bị sốc phản vệ như trên là rất thấp, chỉ từ 1 đến 4/ 1.000.000.

“Trong trường hợp trên, nếu người nhà đưa chậm khoảng 30 phút, bệnh nhân sẽ bị sốc nặng, diễn tiến bệnh xấu, nguy cơ tử vong là rất cao.  Rất may bé trai này được đưa đến kịp thời, và xử lý nhanh chóng nên đã vượt qua nguy kịch”, BS Tiến nói.

Cũng trong ngày 6/9, Sở Y tế TP.HCM đã họp Hội đồng chuyên môn để đánh giá về trường hợp tai biến trên. Hội đồng chuyên môn đã nhận định, quy trình tiêm vắc xin Quinvaxem và uống các loại vắc xin trên của BV Từ Dũ là đúng quy trình.

Tuy nhiên, hội đồng chuyên môn cũng đề nghị, bệnh viện cần phải rút kinh nghiệm về trường hợp này, thực hiện tốt hơn trong khâu sàn lọc bệnh trước khi tiêm, bảo quản vắc xin  tốt  để không xảy ra  tai biến sau khi tiêm.

AloBacsi.vn
Theo Hồ Quang - Một thế giới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X